NHÌN LẠI MỘT NĂM TRUYỆN NGẮN TRÊN TẠP CHÍ CHƯ YANG SIN
NHỮNG DÒNG CHẢY MIỆT MÀI
Mỗi tháng một số, đều đặn, Chư Yang Sin đã đi qua một năm
nhiều trăn trở. Bức tranh xã hội đã đổ bóng lên trang viết của Tạp chí, làm nên
sắc diện độc đáo cho một tờ báo văn nghệ của cao nguyên. Nhìn ở tất cả các thể
loại, Chư Yang Sin đã là nơi tập hợp tiếng nói của mọi chuyên ngành, tạo nên một
bản hoà tấu khó lẫn vào giữa “rừng” báo, tạp chí hiện nay. Một người bạn ở xa nói
với tôi: “Chư Yang Sin là một trong số ít ỏi các tạp chí văn nghệ dám đăng những
sáng tác đột phá, thậm chí những sáng tác mang tính tìm tòi, thể nghiệm. Trong đó,
thơ và truyện ngắn là hai mảng nội dung hấp dẫn nhất!”.
Riêng thể loại truyện ngắn, một năm qua, đã tạo được một
dấu ấn sâu đậm trong lòng bạn đọc, để giờ đây, sau một năm nhìn lại, người biên
tập thấy cần nói thêm một lời tri ân đối với người viết, với các tác giả đã miệt
mài câu chữ trong một năm qua.
6 truyện ngắn cho một số báo, một năm chừng hơn 60 truyện
đều đặn xuất hiện trên Chư Yang Sin, trong đó đa phần đều có “xuất xứ” trong tỉnh,
nếu không nhờ một lực lượng cầm bút trẻ khoẻ, dồi dào, thì khó mà hoàn thành được.
Với tôn chỉ ưu tiên cho người viết tại địa phương, năm qua, hầu như ít có tác
giả ngoại tỉnh nào trừ một vài tên tuổi đã trở nên quen thuộc: Trọng Hùng (Nghệ
An), Phạm Thuý Quỳnh (Hoà Bình). Một già một trẻ, đã góp phần làm cho Tạp chí
trở nên đa thanh đa giọng.
Như một cánh rừng đi qua thăng trầm của thời gian, những
cổ thụ mệt mỏi nghỉ ngơi trong tĩnh lặng suy tư, thì những chồi non vươn lên hít
lấy khí trời, và khẳng định vị trí của mình. Năm qua, những “cây cổ thụ” văn xuôi
trong tỉnh hầu như im bóng, không xuất hiện ở thể loại truyện ngắn. Có lẽ, họ đang
ấp ủ thai nghén cho những tác phẩm đồ sộ, dài hơi chăng? Hi vọng thế. Văn chương,
vốn có những dòng chảy âm thầm.
Xuất hiện đều đặn ở lứa tuổi đàn anh, đàn chị vẫn là những
tên tuổi đã trở nên quen thuộc cho thể loại truyện thiếu nhi, truyện cho lứa tuổi
mới lớn, Hồng Chiến, Nguyên Hương. Nếu tác giả Nguyên Hương vẫn rất duyên dáng
và khéo léo lấy trọn tình cảm độc giả qua nghệ thuật dẫn dắt truyện và tạo tình
huống độc đáo thì Hồng Chiến vẫn trung thành với đề tài dân tộc thiểu số. Đọc
truyện của anh, thấy thương hơn những bé trai, bé gái, những ama, amí, amai chất
phác, mộc mạc trong những khu rừng xưa như cổ tích…
Như đã tìm được đích đến trong hành
trình sáng tạo, trong năm qua, Nguyễn Anh Đào, Lâm Hạ, Trần Băng Khuê, H’Siêu
Byă … đều đặn mang đến cho bạn đọc những “món ăn” lạ miệng, độc đáo, bứt
phá, nhưng vẫn mang hương vị của đại ngàn nắng gió thảo nguyên. Nguyễn Anh Đào,
trong nỗ lực làm mới mình, đã thổi vào những câu chuyện vốn đã quen tai về người
phụ nữ, về cuộc sống gia đình ở phố huyện u buồn ấy một thứ hương vị liêu trai,
ma mị cho tác phẩm của mình. Hạt gạo xoay tròn, Hồng nhung không còn gai nhọn
là những truyện ngắn hay, đánh dấu một bước tiến mới của cây bút này…
Lâm Hạ một mình một cõi với những câu chuyện u u minh
minh nửa hư nửa thực như được chép ra trong một giấc mơ nào đó, đôi khi đọc lên
thấy rợn người. “Một đêm rất lạ, tôi mơ mình dang cánh bay giữa thiên hà, đùa
nghịch với muôn vì sao. Tôi muốn giữ giấc mơ lấp lánh đó cho riêng mình, nhưng
gã không tha cho tôi. Gã kêu réo, nói có một khách hàng đang cần mua một giấc mơ
để giới thiệu tác phẩm mới ra, một cuốn sách hai nghìn trang”. (Tên đồ
tể giấc mơ, Chư Yang Sin số tháng 12, 2016). Là người viết, khó nhất là
tạo ra một “không gian” độc đáo cho riêng mình, chỉ mình mới có. Không gian của
Lâm Hạ là một vùng trời chồng chất những giấc mơ, có mê đắm ngọt ngào xen lẫn đắng
cay đau đớn. Người viết kể về nó, như một cách chữa lành vết thương, cho chính
mình.
Trần Băng Khuê vẫn miệt mài thể nghiệm
về cả nội dung lẫn giọng kể cho câu chuyện của mình. Ngắn gọn, sắc lạnh, dồn nén,
ít trần tình, đó là cách Trần Băng Khuê “vẽ” bức tranh lạ lùng khó đoán, đôi
khi thách thức độc giả. Càng viết, chị càng đi sâu hơn, chiếm lĩnh, lí giải thế
giới nội tâm sâu thẳm của con người. Cốt truyện bên ngoài, nhiều khi chỉ là cái
cớ. “Chàng nhìn xuống phía dưới lòng cầu, hình như sóng rất mạnh, những đợt
sóng dâng lên rồi lặn xuống, không sủi bọt. Ngọn sóng như máu nở hoa. Máu sẽ nở
hoa. Trên sóng. Chàng tiếp tục tiến bước đến giữa cầu, trước mặt chàng, hàng đàn
cá đang dặt dẹo trườn đi, trườn đi bằng chính những chiếc vây trầy xước. Chúng
trườn như rắn. Chúng vừa trườn vừa ngáp, vừa hắt ra từng hơi thở nặng nhọc. Chàng
đến gần đàn cá, ngồi xuống và nhắm mắt lại, lắng nghe. Chàng phải nghe, mới biết
được chuyện gì đang diễn ra trên chiếc cầu này”. (Từ trên đỉnh sương
mù, Chư Yang Sin số tháng 6, 2016).
H’Siêu Byă, một chất giọng độc đáo màu
thổ cẩm, năm qua cũng nhỏ nhẹ góp tiếng nói của mình cho Chư Yang Sin vẫn là Chư
Yang Sin đúng nghĩa, nghĩa là mỗi khi bạn đọc gần xa đọc lên, là nghe tiếng cây
lay, núi thở, tiếng bếp lửa cháy bên hiên nhà sàn, tiếng đàn chim gọi nhau về tổ,
tiếng thác chảy cuồng nộ. “Một trăm
con chim sẻ, một nghìn con chim ri ra rả báo tin cho tôi Vũ rục rịch cưới vợ. Tôi
sềnh sệch kéo bạt nhốt lúa, nhốt ớt, nhốt hạt bầu, hạt bí vào nhà kho. Tôi kéo
chày, kéo cối đổ lá mì ưỡn ngực, ưỡn bụng thình thịch, thình thịch. Lá mì tung
tóe, trải một lớp mịn màng xanh sẫm khắp hiên. Sàn nhà rung, tim tôi rung mạnh
hơn. Drang Phôk mưa to, không bằng mưa lớn trên mặt. Trong suy nghĩ tối thui và
đen dại, tôi muốn dùng ma lai làm Vũ chết, ma lai của chính người Drang Phôk nuôi.
Sét đến trước, sấm đến sau thả những tia sáng chóe lửa đùng đoàng chặn lối người
qua đường”. (Rừng khộp trút lá, Chư Yang Sin số tháng 4,
2016).
Xin làm phiền bạn đọc một chút này. Tôi, người viết bài này,
với bút danh Nguyễn Văn Thiện, trong năm qua, cũng đã bằng nỗ lực không ngừng
nghỉ, góp cho đại ngàn một tiếng nói, như thực, như mơ. Xin được lấy một đoạn
trong truyện ngắn Hành trình bất tận ngay trong số báo này thay cho lời
kết. “Mỗi câu chuyện là một
bài ca, u buồn, ẩn ức, reo vui, thắc thỏm. Ta kể chuyện và hát ca, về cuộc đời
này, cuộc đời của những người sống giữa thảo nguyên mênh mông”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI