Thứ Ba, 7 tháng 3, 2017

PHẠM DOANH – MỘT DẤU CHÂN SÂU ĐẬM TRÊN SƯỜN ĐỒI VĂN HỌC ĐẮK LẮK tác giả PHẠM MINH TRỊ - CHƯ YANG SIN SỐ XUÂN ĐINH DẬU-2017,


 Nhà thơ PHẠM DOANH




Trên đời, có người gặp hàng ngày mà vẫn quên, có người chỉ gặp một thoáng chốc mà lại nhớ lâu khó quên. Ấy là trường hợp đối với nhà thơ Phạm Doanh. Khi gặp bao giờ cũng vậy, câu cửa miệng của ông là: Xin chào người, người có khỏe không… Không biết với người khác thế nào, chứ với riêng tôi, ông vồn vã, ân cần khiến tôi nhiều lúc phân vân, khó nghĩ. Vì ông là nhà thơ lớp trước, gặt hái được nhiều thành công trong công việc sáng tạo, là người có thơ in trên báo VĂN NGHỆ từ thủa xa lắm, đâu những năm 70 của thế kỷ trước thì phải. Ông là hội viên Hội nhà văn Việt Nam từng đạt giải thưởng Văn học về đề tài công nhân (1972-1975) do Tổng Công đoàn và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức với tập thơ: Xứ đầu tiên; giải thưởng Văn nghệ Hạ Long năm 1983; giải thưởng VHNT của Uỷ ban toàn quốc liên hiệp các  hội VHNT Việt Nam năm 1997 với tập thơ: Ấy là tôi
Thi thoảng có gặp, vẫn thấy ông đầu tóc xanh đen mượt loáng, áo quần phẳng phiu là ủi cẩn thận, giầy đen bóng đàng hoàng lắm. Đôi mắt sâu đen lấp sau cặp lông mày đậm với khuôn mặt đầy đặn. Chưa thấy ông đeo kính bao giờ, chứng tỏ đôi mắt của ông còn tinh lắm, nhìn đời, nhìn người còn nhanh nhạy, vi tế lắm. Nhưng không hiểu sao, tôi nhìn ông vẫn toát lên cái vẻ khỉnh khỉnh thế nào ấy, dù ông rất hoạt ngôn khi nói chuyện. Điều này mong ông bỏ qua cho. Chính cái vẻ khỉnh khỉnh ấy mà tôi không quên ông được. Và rồi, tôi biết ông sinh ngày 19.12.1942, tại làng Hoàng Pha ở ngoại ô thành phố cảng Hải Phòng. Thật không ngờ ông lên 7 tuổi đã mồ côi cả cha lẫn mẹ. Tuổi thơ ông thật bất hạnh, nhưng được cái may mắn sống với ông nội là người giỏi chữ nho, nên ông được thừa hưởng không ít những kiến văn do ông nội truyền dạy và bảo ban. Thời gian ở với ông nội là quãng thời gian vô cùng quan trọng trong nghiệp văn sau này của ông. Đời lấy mất dòng sữa ngọt ngào, sự âu yếm dịu dàng của mẹ, và những lời ru nồng nàn bên cánh võng của bà cùng sự cứng cỏi của cha nhưng lại đắp bù cho ông những trải nghiệm cuộc đời từ rất sớm. Chính sự quăng quật của đời đã góp tạo một nhà thơ Phạm Doanh sau này. Tuổi thơ ông thật khốn khổ, buồn đau, chắc chưa khi nào ông có một đêm trăng rằm đúng nghĩa, lên 10 tuổi phải ở một mình, tự kiếm sống bằng nghề đánh giậm. Cái khốn đốn của người này nhiều khi lại là cái may mắn của người kia. Sự khắc nghiệt của số phận nhiều khi là cơ may để vươn lên, để tỏa sáng. Nếu từ năm 16 tuổi mà ông không ra mỏ than Hòn Gai làm thuê thì chắc chắn rằng không được nhà thơ Chế Lan Viên hạ một câu danh giá cho cả đời thơ của ông: Đây đích thực là lục bát công nghiệp. Giữa thực tế đời sống và sáng tác có một sợi dây xâu chuỗi mật thiết với nhau. Đọc các sáng tác ta dễ dàng nhận ra cái quan điểm nghệ thuật của người sinh ra nó. Nhiều khi điều đó hiện diện trong từng hình ảnh, ngôn ngữ, giọng điệu một cách vô cùng hồn nhiên, cứ như từ đâu đó mách bảo ta làm như thế này chứ không phải làm thế kia. Ấy là giá trị của thực tiễn đã được tác giả thể hiện trong sáng tác của mình. Điều này cắt nghĩa sự thành công ngay từ đầu của Phạm Doanh trong bài thơ: Đi trong lò giếng mà nhà thơ Chế Lan Viên đánh giá rất cao.
Thời gian đắm mình vào các công trường than, giếng mỏ, xây dựng nhà máy, cầu đường… đã đem lại cho ông nhiều gặt hái thành công trong sáng tác. Hầu hết các bài thơ trong thời kỳ này, ngót nghét cũng gần ba chục năm (1959-1987), đều có hơi thơ, giọng thơ khỏe khoắn, yêu đời, say sưa đến lạ lùng, do đó các bài thơ của ông đều mở đầu vô cùng tự nhiên, thoải mái, không gợn chút gì là gượng ép. Người đọc có cảm giác đặt bút xuống là ông viết ra được ngay, không đắn đo, nghĩ suy gì cả. Ngôn ngữ, hình ảnh cứ ngồn ngộn, tươi rói như vừa bứng từ đời sống vào. Trong bài: Đi trong lò giếng ông viết: Trong lò giếng chúng tôi đi/ Đất và đá –chẳng có gì khác đâu/ Mây không bay ở trên đầu/ Cỏ không êm dịu sắc màu dưới chân/ Một chiều gió thổi quanh năm/ Đèn lò tỏa nắng, chẳng phân đêm ngày. Rõ ràng ông chỉ kể thôi, kể vật, kể việc, xen miêu tả với đôi chút nhận xét, thế mà thành thơ. Nếu người khác cũng bắt chước cách này, tôi tin chắc một trăm phần trăm sẽ không tạo ra được không khí thơ tự nhiên như ông đã viết. Và trong bài thơ: Khói nhà máy của tôi cũng vậy: Thở ấm cả vòm trời/ hơi thở của những người lao động:/ khói nhà máy của tôi. Nhiều khi có người nhận xét rằng: làm thơ như thế thì dễ quá có gì đâu? Vâng, có gì đâu? Có gì đâu là với Phạm Doanh chứ với người khác thì đâu có gì đáng nói. Lấp ló ở đằng sau cái tự nhiên ấy là cả một quá trình trộn lẫn với đất đá của đời ông. Ông mà không có đoạn: Rời tuổi thơ trên lưng mẹ cõi còm/ Ấy là tôi rụng xuống nơi bùn đất/ Lẫn với tàu rau, con cua, hạt bắp/ Câu chửi thề ngầu đục xóm ca dao thì làm sao có được một chiều gió thổi quanh năm mãi mãi xôn xao trong lòng người đọc, làm sao có được hơi thở ấm cả vòm trời đầy  ấn tượng như thế. Thực sự ông đã vút lên từ bùn đất, từ nơi ngầu đục. Từ thực tế ngổn ngang sự việc, thô ráp để đưa vào thơ cả một quãng dài của sự suy ngẫm kết hợp nhuần nhuyễn với độ rung của cảm xúc. Cái tài, cái nhạy cảm của nhà thơ là ở chỗ: giữa bộn bề, ắp đầy, ngồn ngộn của cuộc sống phải chọn cho được một hình ảnh, một chi tiết tiêu biểu, đắc địa sao cho câu thơ được viết lên bắt nó phải lấp lánh sáng, che hết u ám của đời chỉ còn đọng lại cái phập phồng tươi rói của nhịp đập sự sống mà thôi. Với Phạm Doanh, ông đã phần nào làm được điều đó. Ông nhìn sự vật, sự việc với cái nhìn háo hức của trẻ thơ nên câu thơ đọc lên lúc nào cũng thấy mới mẻ: Sáng nay trên công trường vang động/ mặt bằng thi công rung lên như mặt trống rồi Cần trục tháp quay tròn dấu hỏi/…in dấu hỏi lên nền trời vắng khói. (Một dấu hỏi). Mỗi câu thơ ông viết đều âm thầm mang cái rạo rực, cái đắm say của tình yêu cuộc sống, của tấm lòng khát khao đem đến cho đời những điều tốt đẹp hơn. Đó là tấm lòng của những người công nhân, những người kỹ sư thâu đêm nghĩ suy về một câu hỏi rất đơn giản mà khó vô cùng của Thủ tướng Phạm Văn Đồng khi về thăm cảng Hải Phòng: Có cách gì nhanh hơn nữa không? Hoàn cảnh đất nước ta thời ấy là thế, mọi người như một, chỉ biết một hướng về Nam mà thôi, chỉ biết một lý tưởng, một ý nguyện duy nhất là thống nhất đất nước. Hình ảnh: Anh kỹ sư thâu đêm trằn trọc/ Sáng dậy nhìn vào đôi mắt đen (Một dấu hỏi) đến bây giờ đọc lại còn nguyên sự dâng trào của cảm động. Những bài thơ ông viết trong thời gian này đã đáp ứng được đòi hỏi, yêu cầu của cuộc sống. Trong thơ đã xuất hiện nguyên xi những khái niệm, danh từ của ngành nghề ông đang làm việc như: lò giếng, bê tông phần chìm, vữa, xe ben, động cơ, phay, túi nước, công trình… chính điều này đem lại trong thơ ông sự sinh động, đầy sức sống. Đặc biệt, khiếu quan sát của ông rất tinh: Mây không bay ở trên đầu; đèn lò tỏa nắng… và có những liên tưởng đầy thú vị: Một chiều gió thổi quanh năm; Những tầng trầm tích ngưng đầy thời gian… Có điều, ở nhiều bài thơ ông bẻ quặt, gò nó vào lấy được để kết bài với một câu khẩu hiệu theo công thức khô cứng, khiến bài thơ bỗng nhẹ tênh đi nhiều lắm, ví như trong bài Khi xe ủi trở về thành phố ông viết: Cho đất nước vào mùa xây dựng lớn/ Sóng biển đã cuốn đi tên xâm lược cuối cùng! Hay trong bài: Tuổi thọ công trình có câu: và anh sẽ hiểu hơn khi chúng tôi cầm súng/ vì phẩm chất của người xây dựng!... Âu cũng là đương nhiên. Cái cảm quan nghệ thuật của người nghệ sỹ nhiều khi không thể nào vượt thoát được hoàn cảnh. Mối quan hệ giữa khách thể và chủ thể có nhiều ràng buộc, nhiều khi chủ thể cứ thế mà tuân theo. Nói vậy không phải không có những trường hợp ngoại lệ.    
Con đường thơ của Phạm Doanh trong gian đoạn từ năm 1959 đến năm 1987 nói chung đều đi theo một hướng: lấy cuộc sống làm chuẩn, VHNT tuyệt đối phục vụ chính trị, phản ánh chân thật, hùng hồn do đó mà các bài thơ của ông khi ra đời đều có nhiều đối tượng người đọc. Chính vì thế, ngay từ tập thơ đầu tiên của ông: Xứ đầu tiên đã gặt hái được thành công mỹ mãn đó là Giải thưởng văn học về đề tài công nhân của Tổng Công đoàn và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức.
Những tưởng ông đằm sâu vào con người và đất cảng Hải Phòng hơn nữa; tưởng ông hì  hụi với xe ben, cần cẩu, cặm cụi với lò giếng, đổ bê tông đắm đuối với vị mặn của nước biển quê nhà mãi mãi. Nào ngờ, năm 1987, ông bị vị cay nồng của quả tiêu chín đầu mùa cuốn hút, bị vị đắng của cà phê đất đỏ mê dụ. Thế là, Đắk Lắk trở thành quê thứ thiệt của ông. Một vùng không gian rộng lớn đầy bí hiểm và kỳ vĩ đang đợi chờ ông. Những vùng đất, con người chưa kịp khai phá ấy đã kịp thời in dấu vào thơ ông: Ban mai ngàn xanh mênh mang/ Tiếng chim Protok bay về buôn sang/ Em gái Êđê đèo gùi lên rẫy (Nhớ lắm Đắk Lắk ơi). Rõ ràng, không khí thơ, giọng thơ đã mang sự rộng thoáng, hơi hướng của một vùng đất hứa hẹn nhiều điều lạ lẫm, mới mẻ. Ông diễn tả nét đẹp mơ hồ, vấn vít, với cái nhìn tinh mà đắm say: Hoàng hôn vào đêm mông lung/ Tiếng chiêng mời khách ngân dài không trung/ Men say rượu cần ngọt vào khói thuốc/ Muốn lên sàn quá mà chân ngập ngừng. Nếu chọn những câu thơ hay nhất về đất và người Tây Nguyên hẳn không thể thiếu những câu thơ đã dẫn ở trên. Người đọc cứ tưởng chỉ người bản địa mới thấu cảm được như thế. Thì ra, để chớp được nét đẹp văn hóa, tập tục của bất cứ một vùng đất nào, trước hết trong hơi thở, trong dòng máu đang chảy của người nghệ sỹ phải ít ra gội được sương, tắm được gió, bén được mùi thung thổ ở đó thật sâu, thật đậm thì nó mới chuyển hóa nhanh chóng không khiên cưỡng trong cách nhìn, cách nghĩ, cách cảm. Có thể nói, Phạm Doanh hòa vào cảnh vật, con người Tây Nguyên thật khéo léo:…về phía mặt trời/có dãy Chư Yang Sin hùng vĩ/ có dòng Krông Ana biếc xanh/ có những bông quỳ nở vàng hoang dại/ có con bé gái địu em buôn nghèo (Một ngày của nhạc sỹ Văn Tấn). Chỉ bằng vài nét của nghệ thuật chấm phá trong hội họa mà ông đã dựng được bức tranh đủ sắc màu, có kích cỡ của một lát cắt ở miền đất Tây Nguyên. Nếu trong đoạn thơ trên ông đừng vội vàng đặt từ con  trong câu cuối thì có phải quá hay không? Câu thơ sẽ vừa đạt được tính tư tưởng sâu sắc vừa đạt được tính mỹ cảm cao. Thật đáng tiếc. Và đây, một buổi sáng rất tinh khôi: Sáng nay lá đỏ vùng trời/ Chim gõ kiến báo ngày trong trẻo lắm (Một ngày không chiến tranh). Người đọc cứ ám ảnh hoài mãi với tiếng chim gõ kiến và sắc đỏ của màu lá rừng. Âm thanh của tiếng chim gõ kiến chồng lên màu sắc đỏ của lá rừng gợi chút gì đấy vừa bâng khuâng vừa lưu luyến vừa bồn chồn cứ vương, cứ vương theo mãi trong không gian. Chỉ những ai sống ở Tây Nguyên mới nhận cảm hết được sự khắc nghiệt của mùa khô và mức độ khát khao về nước của đất và người ở đây: Mùa khô gió héo mặt vườn/ Vẫn một mình em quay từng gầu nước tưới (Nhớ em mùa hoa nở). Câu thơ chưa có sự phát hiện mới lạ nhưng đọng lại trong lòng người là hình ảnh em gái nhẫn lại chống lại sự ghê gớm của thiên nhiên.
Thời gian trôi cứ trôi. Lòng người ngổn ngang bao nỗi suy tư. Cuộc sống xô bồ, bụi bặm, sáng trong, tinh khiết, ôm đồm, tất cả cứ trộn lẫn vào nhau. Phạm  Doanh dù là nhà thơ cũng cứ tuân theo quy luật cuộc sống. Tham, sân, si dù muốn hay không cũng cứ hiện diện trong ông. Tháng năm càng chất chồng càng nghĩ suy. Sự ồn ào,vồ vập, háo hức dần thế chỗ cho suy ngẫm sự đời. Ông ngồi mà nhớ về thời xa xôi: Cái thời ấy sao mà kỳ lạ thế/ chẳng ai lo thất nghiệp/ chẳng ai thích làm giầu/ chỉ lo phải xa rời tập thể/ chỉ thích nhường cơm sẻ áo cho nhau (Nói với con). Có lẽ, đây là những câu thơ hay nhất để khái quát về cuộc sống, con người  thời mà đất nước chưa hiện diện khuôn mặt của nền kinh tế thị trường. Ta cảm thông cho nỗi đau quặn thắt mà ông đã trải qua:…các con sẽ về đâu?/ Cha cứ ngẩn ngơ ngóng rừng dõi biển/ Chẳng có bạc tiền cho các con vốn liếng/ Thủ đoạn làm giầu, nghệ thuật sống cũng không. Ông đau đớn nhận ra: Gia sản chắt chiu mấy chục năm ròng/ Chỉ có đức hy sinh và lòng nhân ái/ Các con biết làm gì ở thời hiện đại/ Với trái tim đa cảm của cha mình. Cái tâm trạng ấy, cái ngẩn ngơ ấy không chỉ riêng trong ông mới có mà nó hiện diện hầu hết ở cả thế hệ thời ấy. Ông là người đại diện nói lên bằng ngôn ngữ nghệ thuật mà thôi. Phải cám ơn ông nhiều lắm. Nhưng càng sống càng thấy cái gia sản của lòng nhân ái và đức hy sinh có lẽ là cái gia sản đích thực nhất và hiếm quý nhất, chắc chắn giá trị thực của nó bền sâu nhất. Thơ ông càng về sau chất suy tư càng đậm. Ông nhìn cái gì cũng đượm màu nghĩ suy: Tiếng hoẵng khàn đêm mưa gọi mẹ/ lặng ngắm bên sông dưới lùm hoa dẻ/ em ngồi soi bóng nước triều lên (Nhớ về  một dòng sông). Âm thanh của tiếng hoẵng đêm không ngừng gọi mẹ trong đêm mưa thưa vắng ấy, khua động tận từng tế bào kí ức của ông và của cả người đọc nữa.
Nay, ông đã dời gót chân tới tuối 75. Cái tuổi chỉ để ngồi uống trà và ngẫm nghĩ sự đời. Cái tuổi ngồi đánh cờ mà xem thế sự. Nhưng có lẽ trái tim ông không thể ngủ yên, bởi ông vẫn còn: Ơ này, ngọn gió hồi xuân/ cứ mơn man cứ xoay vần thịt da/ thì đây cái gốc me già/ cũng xin nứt vỏ biếc ra nụ chồi (Hạ cảm). Vâng, cái gốc me già Phạm Doanh lại nứt ra một Ấy là tôi nữa thì sao? Thời gian hãy chờ xem.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI