Những cánh
rừng khộp lao vun vút qua cửa xe, khoe với đất trời từng thân cây vạm vỡ, rắn
chắc. Trời Tây Nguyên đang độ mùa khô, cái nóng như có người đổ lửa xuống mặt đất;
thỉnh thoảng một cơn gió ào qua cuốn theo cát bụi bay mù mịt, xua bớt đi cái nóng
và giật nốt những chiếc lá vàng hiếm hoi còn sót lại trên cành. Khu rừng mênh mông
chỉ còn trơ trọi các thân cây sù sì, giương cao cành trụi lá như muốn lao vào
trời xanh. Đây đó, thỉnh thoảng từng làn khói mỏng manh bay lên như muốn báo
cho mọi người biết ngọn lửa thiêu đốt rừng vẫn chưa tắt hẳn. Mặt đất đen thui đầy
tro. Rừng ở đây đẹp thật! Tất cả cây cối như được trồng trên mặt sân khá bằng
phẳng, kéo dài đến tận chân trời. Con đường cấp phối chạy thẳng tắp như được
khu rừng tự tách ra nhường chỗ cho đi và khép kín lại phía sau.
Bổng nhiên hai bên
đường cây cối quang đãng, chỉ còn lưa thưa vài cây cổ thụ đứng xếp hàng thẳng tắp.
Bên dưới tán cây khộp, Đào lộn hạt cao ngang vai người xếp hàng ngay ngắn, khoe
màu lá xanh mượt mà, làm dịu đi cai nóng oi ả của đất trời. Trung tá Lê Huy Thành
ở bộ chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh Dak Lak quay sang nói với tôi:
-Từ đây đếùn đồn
biên phòng 735 thuộc địa phận huyện Ea Hleo đều được trồng Đào lộn hạt xen kẽ dưới
tán rừng như thế này hết.
-Đào do dân hay nông
trường trồng?
-Do bộ đội trồng
cả đấy.
-Sao không thấy
doang trại đóng quân?
-Doanh trại khuất
sau những cánh rừng phía xa kia kìa.
Ừ, cũng phải thôi;
rừng bằng phẳng như thế này kiếm đâu ra nguồn nước sinh hoạt. Chắc người ta phải
tìm những nơi nào gần nước hơn mới đóng quân được. Đất như bỏng rộp lên dưới cái
nóng, vậy mà những người lính canh giữ biên cương biên giới Tây nam Tổ Quốc ngày
đêm phải lăn lộn với rừng, quả thật khó khăn gian khổ làm sao có thể tả hết.
Gần 11 giờ chúng
tôi đến đồn biên phòng 735 (còn gọi là đồn Ea Klôp). Đón chúng tôi tận cửa xe,
trung tá Hoàng Phương Giang, Đồn phó chỉ huy chính trị nắm chặt tay từng người
mời vào nhà khách. Anh ân cần chỉ cho chúng tôi xô nước mát múc sẵn để bên thềm.
Nhìn phong thái trung tá Hoàng Phương Giang ta có cảm tưởng như đó phải là nhà
ngoại giao hay một ông giám đốc tổng công ty nào đó; càng không thể tin đó là một
trong những chỉ huy biên hòng quả cảm, mưu trí, lập nhiều chiến công xuất sắc
trong việc bảo vệ sự bình yên cho vùng biên giới Tây nam Tổ Quốc. Bằng giọng nói
rõ ràng, dứt khoát anh cho chúng tôi biết thêm những việc đơn vị đã làm được
trong thời gian gần đây để đảm bảo an ninh biên giới và góp phần ổn định cuộc sống
nhân dân trên địa bàn đồn phụ trách.
Điều làm tôi ngạc
nhiên và thú vị hơn cả khi biết năm 2004-2005 đồn đã mở được một lớp xóa mù cho
nhân dân buôn Ea Tlôp có 27 học viên từ 8 đến 42 tuổi, người dân tộc Ba Na. Như
đoán được sự ngạc nhiên của tôi, anh cho biết thêm: đây là một buôn chuyên sống
du canh, du cư từ tỉnh Gia Lai sang, lập buôn sát biên giới. Đồn cử các “thầy giáo”
mặc quân phục xanh thực hiện ba cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng làm); vận động bà
con học cái chữ của Bác Hồ để biết điều hay lẽ phải, biết xây dựng cuộc sống ấm
no, hạnh phúc. Người lính biên phòng đã làm được điều quan trọng nhất là được
người dân vùng biên giới tin yêu, quý trọng; vì vậy khi phòng giáo dục huyện vào
công nhận tốt nghiệp cho lớp xóa mù, cũng là lúc Đoàn thanh niên đồn biên phòng
được dân buôn Ea Tlôp đồng ý cho chuyển giúp cả buôn vào sâu nội địa, chấp nhận
cuộc sống định canh, địng cư. Ngôi nhà rông được xây dựng xinh đẹp giữ buôn; nơi đó không
chỉ dùng làm nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng, mà còn giúp cho người dân biết được
cái hộp “nhốt người” biêt nói nhiều chuyện hay, đúng cái bụng người già. Từ lớp
học xóa mù đến cuộc sống định canh, định cư ở buôn Ea Tlôp trên vùng quê mới là
cả một chặng đường gian lao, vất vả của người lính biên phòng đồn 735. Đổi lại
chúng ta đã xây dựng được phòng tuyến biên cương vững chắc , bọn phản động xâm
nhập biên giới gây rối bị chính người dân cùng bộ đội biên phòng truy bắt; kẻ lầm
đường lạc lối nghe theo bọn xấu xúi dục vượt biên trái phép cũng được nhân dân
phát giác, giúp bộ đội Biên phòng kịp thời ngăn chặn. Để đạt được điều ấy, tập
thể cán bộ, chiến sỹ đồn biên phòng 735- Ea Klôp đã bắt đầu từ những việc tưởng
nhỏ bé như: thực hiện ba cùng, mở lớp xóa mù, giúp dân định canh, định cư v.v…
Kết thúc buổi làm việc trời đã quá trưa, cái
nắng nóng của vùng biên ngột ngạt đến khó thở. Đại úy Mai Thế Bùi đội trưởng
trinh sát, quê tận huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa dẫn tôi dạo dưới bóng mát mấy
cây đa, cây si, cây đào lộn hạt, trồng xung quanh sân đồn. Cái la ở đây, cây rừng
khô cong, khô quắt; đến vạt cỏ gianh mọc chen chúc dưới tán cây khộp cũng ngã gục
xuống mặt đất, làm ta có cảm tưởng như có thể chỉ chạm nhẹ vào, chúng cũng tan
thành bụi; còn cây trồng trong sân đồn lá xanh mơn mởn. Lâu lâu một cơn gió mồ
côi lướt đến, ào qua; phả lên mặt những hạt đất bỏng rát. Đại úy Mai Thế Bùi chép
miệng nói:
-Trời nắng thế này
chỉ tội anh em đi tuần tra biên giới phải chịu cái nóng của mặt trời, cái oi của
mặt đất, cái bụi của tro và đất quện vào nhau trộn vào mồ hôi thành từng lớp bám
vào da, vào quần áo như quét sơn khó chịu vô cùng. Song khổ nhất là cánh trinh
sát mật phục; dù nắng mưa thế nào cũng phải nằm im như khúc cây khô đợi địch.
Thậm chí có bị rắn rết bò qua người cũng phải chịu, chứ nói gì đến nắng nóng.
Nhìn khuôn mặt sạm
đen của người sỹ quan biên phòng và nghe anh nói làm tôi chợt nhớ tới cuộc trao
đổi với thiếu tá ø Nguyễn Thế Vinh đồn trưởng đồn biên phòng Ya -Te – Mốt; anh
cho biết có lần đi mật phục, toàn đội vừa bố trí xong đội hình thì bất ngờ một
bầy voi từ bên đất Cam Phu Chia tràn qua nhằm thẳng nơi đơn vị đang mai phục lao
tới. Chẳng còn cách nào đành phải nổi lửa xua voi rừng, thoát hiểm. Trong đời lính
quân ngũ biên phòng có kể cả ngày cũng không hết những khó khăn, nguy hiểm, bất
trắc luôn luôn rình rập, đe dọa tính mạng con ngườ từng giây, từng phút.
Cuộc sống đời lính vất vả là vậy, hạnh phúc
riêng tư còn khó khăn gấp bội. Tuy là bộ đội thời bình nhưng đa số cán bộ, sỹ
quan các đồn biên phòng đóng trên địa bàn tỉnh Dak Lak sinh ra, lớn lên ở miền
Bắc. Nhiều người quê tận tỉnh Cao Bằng, Lai Châu, Lạng Sơn… cha, mẹ vợ con còn ở
ngoài quê, hành năm chỉ được mấy ngày phép gặp nhau rồi lại đi biền biệt như
chuyện Ngưu Lang – Chức Nữ; người may mắn hơn mang được vợ con vào ở Buôn Ma
Thuột, hàng tháng có khi hàng quý mới tạt qua thăm nhà được một chút. Cũng may,
các cô gái lấy chồng bộ đội biên phòng là họ đã chấp nhận hy sinh cho tình yêu
và sống vì tình yêu, chấp nhận tất cả khó khăn về mình để chồng con yên tâm làm
nhiệm vụ. Có thể nói chiến công của những người lính biên phòng có sự đóng góp
không nhỏ của những người vợ, người mẹ bằng sự hy sinh thầm lặng của mình để chồng,
con an tâm làm nhiệm vụ. Có lẽ không nơi nào trên thế giới này người phụ nữ lại
phải chịu nhiều vất vả, gian khổ như người phụ nữ Việt Nam, còn hôm nay khi nước
nhà thống nhất, cả nước đang có bước phát triển mọi mặt cả về kinh tế lẫn văn hóa;
thế mà những người vợ bộ đội biên phòng vẫn phải chấp nhận cuộc sống của những
người vợ bộ đội thời chiến tranh; đó là cả một sự hi sinh to lớn.
Cảm thông với các
anh, những người lính canh giữ biên thùy mang lại sự bình yên cho tổ quốc, chúng
tôi chỉ biết siết chặt tay nhau khi tam biệt đơn vi ra về. Bóng chiều soi nghiêng
nghiêng đoàn cán bo,ä chiến sỹ biên phòng đồn 735 khi tiển chúng tôi lên xe còn
in đậm trong tâm trí mọi người. Từng bàn tay đưa lên vẫy mãi, vẫy mãi cho đến
khi chiếc xe nhòe trong bụi đất. Trong cơ chế thị trường, mọi người đổ xô về thành
phố tranh thủ làm giàu, mua nhà, sắm xe; ngày thứ bảy, chủ nhật đèo vợ con đi
nghĩ mát, du lịch; còn các anh, những người lính biên phòng vì nhiệm vụ cao cả
của mình vẫn nắm chắc tay súng, quên cả khó khăn vất vả đời thường, gác lại hạnh
phúc riêng tư, mang hết tâm huyết của mình vì sự bình yên của Tổ Quốc Việt Nam
XHCN. Các anh làm được tất cả những điều đó
vì các anh làø bộ đội cụ Hồ.
Tháng 02 năm 2006
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI