Nhà văn NGUYỄN ANH ĐÀO
ĐƯỜNG MẸ VỀ NHÀ
Truyện ngắn
Ngày cha tôi chết, tôi trồng trước nhà một cây hoa xác pháo,
tôi mơ ngày nó lên thành một giàn, rồi nó trải dài cái hàng rào thép gai đó, để
mong sao, mẹ nhìn thấy nó mà trở về.
Cha tôi sống ác, không bởi vì nát rượu, đánh mẹ con tôi hàng
ngày, mà tôi nhìn thấy cái ác của ông trong những lằn roi, ông đánh mẹ tôi như đánh
kẻ thù. Mẹ tôi, như những người đàn bà nông thôn khác, tam tòng tứ đức có đủ,
chịu đựng ông như cái nợ ngàn kiếp cộng dồn giờ trả một lần. Mấy lần, tôi nổi điên
lên với cả thế giới, trong đó có mẹ, rằng mẹ không bỏ quách ông ấy đi, thậm chí,
bỏ thuốc độc vào rượu cho ông ấy chết đi. Thế là tôi mang tội bất hiếu, những lần
đó, trên lưng tôi là những lằn roi của mẹ.
Tôi giận mẹ tôi, mẹ yêu cha tôi đến phát điên rồi, yêu đến
độ không còn phân biệt được đúng sai, yêu đến nỗi xuống tay đánh đứa con mà bà
mang nặng đẻ đau. Mà rồi trong ý nghĩ đâu đó, tôi thấy mình ác giống cha, máu tôi
lạnh, hẳn rồi, đó là máu của cha tôi mà. Nhưng cha và tôi không đứng về một phía.
Tôi còn quá nhỏ để thấy mình đủ gan giết người đàn ông đó. Ngày nào ngồi vào mâm
cơm, tôi cũng ăn thật nhiều, chỉ mong mình nhanh lớn.
Ngày tôi mười tám tuổi, mẹ tôi bị tâm thần sau một trận đòn
phải nhập viện gần nửa năm do chấn thương sọ não. Gia đình tôi kiệt quệ về kinh
tế vì không còn người làm việc. Cha tôi hàng ngày ngồi trong bóng tối, trước mắt
là can rượu trắng, giờ, ông không còn đủ sức để đánh mẹ con tôi, dù lúc nào ông
cũng say.
Làm thuê cuốc cỏ bón phân cho rẫy người ta bữa đực bữa cái,
không kham nổi chi phí cho mẹ tôi uống thuốc và cha uống rượu. Ông chú hàng xóm
là thầu xây dựng, bảo thôi mày đi phụ hồ cho mấy công trình của chú, thợ phụ có
đủ rồi, thiếu mỗi đứa con gái để dọn dẹp lau chùi ba cái lặt vặt, tao trả công
bằng tụi con trai cho mày. Vậy là tôi đi, công trình gần thì sáng đi tối về, công
trình xa tôi ngủ lại, dăm bảy bữa mới nhảy xe buýt về một lần, nhờ hàng xóm thỉnh
thoảng ngó chừng cha mẹ cho tôi. Tôi lo vậy thôi, chớ thật ra trong ngày cũng có
lúc mẹ tôi tỉnh táo, những lúc tỉnh đó, bà cũng biết nấu cơm và ra vườn hái
rau. Những lần đi xa về, tôi đều thấy trong nhà bình yên, cơm canh có đủ ăn. Tôi
an tâm làm việc theo công trình kiểu đó. Nhưng thu nhập không đủ vào đâu, tôi cũng
đau đầu để tính toán sao đủ tiền thuốc cho mẹ và tiền rượu cho cha.
Có lần về nhà, cha vẫn ngồi trong góc nhà, cái chỗ ngồi
quen thuộc của ông kể từ ngày ông trở về từ đồn công an do đánh mẹ tôi đến chấn
thương sọ não, mẹ tôi ngồi ngoài hiên, vừa thấy tôi, bà bảo
- Mày đi thì cũng phải về, về coi nhà cho tao đi nữa chớ!
- Chớ mẹ đi đâu?
- Tao không biết, ở đây tao buồn!
Tự nhiên tôi có nỗi sợ mơ hồ nào đó không rõ, thấy ruột
quặn lên một tiếng xon xót. Gần hai mươi năm thanh xuân của mẹ, chưa bao giờ mẹ
dùng từ “buồn” đó để nói về mình, giờ, mẹ trở về trạng thái hồn nhiên nhất, nhớ
nhớ quên quên, mẹ cảm thấy buồn, như đứa con nít lâu ngày không có bạn chơi cùng.
Mẹ dạo ra đầu xóm, rồi ngắt về mớ hoa xác pháo, mẹ kết thành
dây, treo lủng lẳng trước cửa, đi ngang sờ một cái, đi lại sờ một cái. Mẹ cười:
- Tao thích nó!
Tôi không biết từ đâu mẹ thích màu hoa đó, sau tôi nhận
ra, nguyên xóm tôi, chỉ có một nhà có giàn hoa màu cam rực rỡ, mà giờ, mẹ tôi
như trẻ con, cái gì rực rỡ là thích, là nhớ, vậy thôi.
Tôi lại đi làm, nghe ông chú thầu nói giờ sắp vô mùa mưa,
công trình giảm đi. Nghĩa là tôi lại sắp mất việc, tôi tự hiểu như vậy. Bỗng thấy
tiền thuốc của mẹ trong những tháng mùa mưa thật nan giải.
Đêm, nằm lại công trường, tôi chọn một chỗ ngủ an toàn nhất
cho mình, bên ngoài là lũ thợ và phụ hồ toàn đàn ông con trai. Tôi thao thức mãi
không ngủ được, đầu tôi luôn nghĩ tới tiền. Nếu không có thuốc, mẹ sẽ không có
lúc nào tỉnh táo trong ngày, mà điều đó rất nguy hiểm cho cha tôi, bởi khi bà
quá căng thẳng, bà có thể đánh ông, mà cha tôi, giờ không còn sức để chạy nữa rồi.
Tôi trằn trọc hoài ngủ không được, thấy có cái bóng đen bên ngoài đi vô, rướn mắt
nhìn thì thấy ông chủ thầu. Tôi tưởng ổng nửa đêm mộng du hay buồn đi vệ sinh,
nhưng ổng đi thẳng về chỗ tôi nằm. Nhìn thấy tôi còn thức, ông hỏi luôn:
- Mày muốn kiếm thêm tiền không?
Tự nhiên gãi ngay chỗ ngứa đứa nào chẳng gật đầu:
- Dạ muốn!
- Cho tao đi, tao cho ba trăm một lần!
Tôi lắp bắp:
- Cho... cho cái gì?
Ông ngồi sát lại chỗ tôi, sờ lên vai tôi.
- Mày đẹp! Kiếm tiền khó gì?
Theo phản xạ tự nhiên, tôi hất tay ông ra. Ông cười, rồi đứng
dậy.
- Ba trăm một lần, gấp rưỡi công mày làm một ngày! Chưa kể
bọn đang ngủ ngoài kia, mày lấy một trăm một lần, thì vừa ngày vừa đêm, mày kiếm
cả triệu rồi!
Ông đi ra, không ép buộc, không cưỡng hiếp. Nhưng ông đưa
cho tôi cơn thèm khát tiền đến cực độ. Và tôi đã mất rất nhiều thời gian để tự
sỉ vả mình rằng, đó là bán thân, đó là làm đĩ. Mà cái việc đó, đáng phỉ nhổ,
cho dù có vì mục đích gì đi nữa.
Sáng hôm đó, tôi trở về nhà mà không làm việc vì quá mệt
mỏi sau một đêm thức trắng, cộng thêm cảm giác ruột cứ cồn cào. Tôi quảy cái túi
xách ra bến xe buýt, ông chủ thầu nhìn theo tôi, bảo
- Việc vẫn còn, về suy nghĩ rồi lên làm, con ạ!
Tôi bước đi mà không ngoảnh lại để tỏ rõ thái độ khinh bỉ
của mình. Cảm giác đằng sau vướng víu rất nhiều ánh mắt ngó theo giễu cợt.
Tôi về tới đầu xóm, cảm giác trống huơ trống hoác, thần
người một lúc tôi mới nhận ra cái giàn hoa xác pháo của căn nhà đầu xóm đã biến
mất, còn sót lại một vài dây đã héo khô. Vừa nhìn thấy tôi, bà chủ nhà đó đã réo
lên chửi:
- Mày lo mà giữ con mẹ điên của mày cho kỹ, nó phá một lần
nữa thì cả nhà mày coi chừng tao!
Tôi mất cả mấy phút mới định thần lại, rồi không kịp hỏi đầu
đuôi chuyện gì, tôi chạy như bay về nhà mình. Cha tôi vẫn ngồi trong góc nhà uống
rượu, cửa trước cửa sau bung mở, bếp lạnh tanh. Tôi gào lên:
- Cha! Mẹ đâu?
Cha tôi không nói, run run ngồi ở góc nhà, can rượu đã trống
không. Tôi níu áo ông hét to lên lần nữa, ông vẫn ngồi im. Hàng xóm bảo mẹ tôi
ra hái hoa xác pháo chơi, bà hái nhiều quá người ta không cho, bà nổi điên cầm
dao chặt phăng phăng vào giàn hoa rồi bị người ta đuổi đánh. Bị đánh đau, bà chạy
luôn đến giờ. Đã ba ngày rồi mẹ không về nhà. Tôi đi ngang nhà có giàn hoa xác
pháo, cơn căm hờn nổi lên, giá mà nhà họ còn bao nhiêu giàn hoa nữa, có thể tôi
cũng thay mẹ chặt nốt dùm họ rồi. Rồi rùng mình nhận ra, không chỉ có máu lạnh
giống cha, tôi còn có máu điên giống mẹ.
Năm ngày rồi mười ngày, không thể ngồi ở nhà đợi, tôi nói
cha:
- Cha ra khỏi cái góc đó đi, cha tự lo cho cha đi, con đi
tìm mẹ!
Tôi không cần biết cha tôi có thể tự lo được cho mình hay
không, tôi quảy cái giỏ lên vai rồi đi. Nhưng ra tới cửa thì sực nhớ mình không
còn tiền. Tôi phải đi đâu nếu tôi không có tiền? Vừa nghĩ tới đó thì cái đầu đáng
ghét của tôi lại nghĩ tới ông chủ thầu, với câu nói đầy ngụ ý, việc vẫn còn,
khi nào quay lại cũng được. Tôi xua cái ý nghĩ ra khỏi đầu mình cả ngàn lần. Rồi
tiếp tục bước đi.
Nhưng tôi đói. Ở cái thị trấn nhỏ xíu này, không có việc
gì làm, ngoài việc rẫy nương. Nhưng giữa cơn đói, thì tôi làm sao nổi. Trước tiên,
tôi xin một bữa cơm đã. Tôi đến công trường, vốn chẳng còn chỗ nào tôi có thể đến
mà chai mặt để xin bữa cơm hơn được.
Ông chủ thầu dắt tôi ra quán cơm gần công trường, ngồi nhìn
tôi ăn ngấu nghiến. Ông đẩy thêm ly nước mía về phía tôi:
- Uống đi cho có sức mà làm việc!
Rồi ông đứng dậy, cười nụ cười của kẻ bề trên, kẻ chiến
thắng, cúi xuống nói nhỏ vào tai tôi:
- Ta đã mua thêm cái mền mới, rất thơm!
Mùi thức ăn lâu ngày trong miệng ông phát ra, tôi muốn buồn
nôn. Tôi nín thở chờ mùi hôi đó tan đi trong không khí, và ông cũng đi ngay sau
đó. Phải, khi tôi trở lại, là tôi đã thua cuộc. Tôi phải chấp nhận rằng, đó là
số tiền mà tôi đang cần phải có, để tôi đi tìm mẹ.
Nửa đêm, tôi nằm ngủ trong chiếc mền thơm mùi vải mới, tiếng
con thằn lằn chắc lưỡi, con ễnh ương kêu trong đầm lầy ngoài kia, cảm giác da gà
cứ nổi dọc sống lưng. Trong bóng tôi đen kịt xung quanh, tôi nghe tiếng thở khò
khè của cha mình khi say và ngồi ngủ gục trong góc nhà, tôi nghe tiếng hát líu
lo của mẹ khi chơi với những bông hoa xác pháo. Dưới lưng mình, là tấm ván lạnh
buốt hơi đất của đêm. Tôi nghe tiếng bước chân của ông chủ thầu đi về phía tôi,
tất nhiên là thế.
- Cháu buộc phải làm thế để có tiền sao?
- Tất nhiên rồi, cô gái, có tiền nào mà miễn phí đâu! Chúng
ta sòng phẳng với nhau mà!
- Nhưng nếu ngủ với cháu, vợ chú biết thì sao?
- Ồi, đang vui, đừng nhắc đến con mụ già xấu bịnh hoạn đó!
- Bịnh hoạn ạ?
- À, không, ý ta nói là sao mụ vợ già của ta mà đem so với
nhan sắc của em được?
Đầu tôi quay mòng mòng như có ai đó vừa đánh vào, tiếng
khò khè của cha tôi lại văng vẳng bên tai. Điện thoại đột ngột đổ chuông, cả tôi
và ông giật bắn mình. Tiếng chuông điện thoại của tôi hôm nay có cảm giác như có
tiếng khò khè của cha tôi. “Mày ở đâu, về đi, cha mày chết rồi!”.
Tôi không biết mình nghĩ gì ở giây phút đó, kiểu như tôi đấu
tranh rằng tôi có tội hay không, cái tội mình không ở nhà lo cho cha mà lại ra
nơi này nằm ở một tấm ván tạm bợ để chuẩn bị kiếm đồng tiền nhơ nhớp nhất. Rằng
đó có phải là cái giá ông phải trả cho cả đời độc ác của ông hay không? Nhưng cái
tiếng khò khè văng vẳng của ông trong bóng tối vang quanh tôi sớm giờ, khiến tôi
bật đứng dậy.
- Con về!
Ông chủ thầu có vẻ không ưng ý, vì đã hai lần tôi làm ông
mất hứng:
- Giờ là nửa đêm, xe đâu mà về, đàng nào cũng chết rồi, sáng
về cũng được!
Tôi bỗng hét lên với ông:
- Cha tôi chết mà ổng bảo tôi ở đây ăn nằm với ông, sáng
về cũng được, ông là loại người gì hả?
Tôi bật khóc, tôi khóc mà vẫn không hiểu vì sao mình lại
xúc động mạnh như thế. Tôi đi thẳng ra ngoài màn đêm đen kịt, đi mà không biết
mình sẽ về nhà trong đêm thế này bằng cách nào. Tôi nghe tiếng xe máy nổ đàng
sau mình, nghe tiếng ông chủ thầu gọi:
- Lên xe đi, chú chở!
Tôi leo lên xe của người đàn ông mà chỉ mấy phút trước, tôi
còn khinh ông tới mức tôi nghĩ rằng tôi không bao giờ có thể khinh ai hơn được,
nhưng trong giây phút này, ông cũng tỏ ra là một người đàn ông tử tế. Tôi nhớ mẹ,
không biết mẹ tôi đang ở đâu, bà còn sống không, có ai ức hiếp bà không, hay bà
có gây phiền phức gì cho ai khiến người ta đuổi đánh như trước hay không? Trong
những giấc mơ chập chờn của tôi, tôi vẫn nghe tiếng bà hồn nhiên chơi với những
chùm hoa xác pháo, cười giòn tan “tao thích!”.
Cha tôi nằm co quắp, mấy người hàng xóm nói bắt gặp tư thế
đó trong góc nhà, họ đưa ông lên giường mà không làm cách nào cho ông nằm thẳng
ra được. Tôi chạy ào lại góc nhà, can rượu trống không, tôi hét lên “rượu, ai có
rượu?”, bà dì tạp hóa hàng xóm chạy về nhà xách can rượu của mình qua, tôi đổ lên
tay lên chân ông, tôi bóp rồi nắn để cho cơ thể ông nóng trở lại, để các cơ có
thể giãn ra. Tôi vừa làm vừa bật khóc “cả đời cha, không lẽ tới chết cũng không
nằm duỗi thẳng người mà chết hay sao?”. Chân tay ông nóng lên, rồi từ từ thẳng
ra, nằm một cách thư thái.
Tiền, phải rồi, giờ tôi mới cần tiền. Tôi quay ngoắt lại
nhìn ông chủ thầu, ông ra ngoài đứng hút thuốc từ bao giờ
- Cháu cần tiền mua hòm cho cha!
- Ta làm gì có nhiều vậy!
- Phải có chứ!
- Không!
Tôi rút điện thoại của mình ra, mở cái file ghi âm cuộc đối
thoại đổi chác trên tấm ván lạnh ngắt ở công trường:
- Đủ tiền mua hòm cho cha cháu, nếu không, cái này vào
tay vợ chú!
Ông nghiến răng, dang tay định đánh tôi, thì tôi nhìn vào
trong nhà, những người hàng xóm vẫn còn lao xao ở đó. Ông bấm điện thoại gọi
cho chủ trại hòm. Tôi bỏ điện thoại vào túi mình rồi đi vào nhà, nghe vẳng sau
lưng mình mấy tiếng “con quỷ cái!”.
Lúc sắp đưa tang cha tôi, bà hàng xóm, chủ nhà có giàn
hoa xác pháo, qua thắp hương viếng cha tôi, rồi bà lại vuốt tóc tôi, khóc:
- Xin lỗi con, con gái, vì ta, vì ta
không đủ kiên nhẫn mới gây ra cảnh tan tác như vầy!
Tôi cúi đầu lạy tạ giữa chốn đông người, giờ, lòng tôi không
đủ cảm xúc để nhận ra mình cần phải làm gì với người đó. Trong suốt đám tang, tôi
ngóng ra cổng, chỉ mong người qua cánh cổng kia là mẹ, mẹ ơi!
Trước khi ra khỏi nhà với ít tiền phúng điếu của cha, tôi
trồng bên hiên nhà mình một cây hoa xác pháo. Như một dấu hiệu cho mẹ dừng lại,
rồi mẹ nhận ra nhà mình.
Lang thang suốt một tháng trời, mệt mỏi rã rời, tôi lại
trở về nhà bởi mình không biết đi đâu nữa. Ông chủ thầu chạy ngang qua lại, tôi
ngó lơ như người lạ. File ghi âm đó tôi xóa đi lâu rồi, từ bỏ luôn cái ý định dùng
nó để lấy tiền mỗi tháng. Tôi đi làm, không là phụ ở mấy công trình nữa, tôi tìm
được chỗ học làm móng tay móng chân, rồi xin vào một tiệm ở ngoài thị trấn, sáng
đi làm, tối về nhà.
Giàn hoa xác pháo bây giờ đã leo kín hàng rào thép gai,
hoa nở từng chùm rực rỡ. Mỗi ngày, tôi dậy thật sớm, ra ngồi trước hiên nhà đợi
mẹ. Một ngày, tôi nhìn thấy những bước chân sáo, vừa đi vừa hát, rồi dừng lại
trước giàn hoa nhà mình. Tôi ngồi sụp xuống bật khóc như mình chưa bao giờ từng
khóc trước đây. Những bước chân sáo đó bước vào đứng trước mắt tôi, chìa cho tôi
chùm hoa được kết lại.
- Đeo đi! Đeo vô cổ, đẹp lắm! Cho mày đó!
Tôi đeo vòng hoa vô cổ mình mà nước mắt không thể ngừng rơi.
Tác giả là ai mà viết hay quá :)) :))
Trả lờiXóa