Thứ Sáu, 17 tháng 3, 2017

BÊN HỒ EA SÚP THƯỢNG búy ký của HỒNG CHIẾN - CHƯ YANG SIN SỐ 295 - THÁNG 3 NĂM 2017




Xe đưa đoàn văn nghệ sỹ Đắk Lắk đến bên bờ hồ Ea Súp Thượng khi trời còn mờ mờ tối. Mặt hồ đen sẫm, tiếng sóng vỗ vào thân đập nghe ràn rạt... Rồi vài phút sau, phương đông, mấy đám mây hồng bừng lên trên nền trời, soi bóng xuống mặt hồ vẽ thành bức tranh thiên nhiên huyền ảo.
Ngày cuối cùng ở lại huyện Ea Súp dự Trại sáng tác văn học nghệ thuật; mười ngày, quãng thời gian ấy sao trôi đi nhanh quá, khi nhiều dự định sáng tác còn chưa kịp hoàn thành. Huyện Ea Súp – huyện biên giới phía tây của tỉnh Đắk Lắk, đất rộng người thưa, khí hậu khắc nghiệt, mới đầu tháng mười hai không khí đã khô hanh, báo hiệu một mùa nắng nóng. Mùa khô đồng nghĩa với gần một nửa huyện phải đối diện với việc thiếu nước sinh hoạt hàng ngày nói gì đến chuyện nuôi trồng, canh tác nông nghiệp. Với tầm nhìn chiến lược, từ những ngày đầu thành lập huyện, lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk đã khảo sát, thiết kế và đầu tư xây dựng hồ Ea Súp Thượng có diện tích mặt hồ: 1.500 ha, dung lượng nước chứa: 146 triệu mét khối, hoàn thành năm 2004. Nhìn mặt hồ, tôi chợt nhớ lại…
Ngày đầu tiên ở Trại, chúng tôi đi thăm đồn biên phòng Ea H’Leo và được “thưởng thức” con đường ra biên giới trên địa bàn huyện nó như thế nào! Rời thị trấn Ea Súp chưa được 3 km, nữ nhà văn Nguyễn Anh Đào đã vội mở bịch ni lông làm cái việc không mong muốn khi bị say xe, nhà văn Thu Hương ngồi bên cạnh phải xoa hai bên thái dương cho bạn. Xe chỉ chạy tốc độ chừng 20 km giờ vậy mà chúng tôi có người đầu còn va vào thành xe đau điếng. Xe lúc chúi xuống ổ… voi, lúc lại chổng ngược như leo dốc, mặc dù đây là đoạn đường đi qua vùng đất tương đối bằng phẳng. Sau gần 3 giờ vật lộn với chặng đường, đoàn cũng lên đến Đồn, ai cũng bơ phờ, quần áo, đầu tóc nhuộm màu đất vì phải mở cửa sổ cho mấy nhà văn nữ bớt say. Trước cổng Đồn, một chiến sỹ biên phòng ôm súng đứng gác giơ tay chào theo điều lệnh rồi hướng dẫn xe đi vào. Xe dừng, Chỉ huy Đồn ra tận cửa xe bắt tay từng người, và trên khuôn mặt vui tươi phấn khởi được đón các văn nghệ sỹ đến thăm, ánh mắt không thể giấu vẻ ái ngại khi thấy một số thành viên trong đoàn mặt mũi bơ phờ vì say xe. Vừa hướng dẫn anh em trong đoàn rửa mặt mũi, tay chân, đồng chí Đại úy Hoàng Ngọc Ân – Đồn phó vừa xuýt xoa vì con đường xuống cấp do mùa mưa vừa rồi xe ô tô, máy kéo đi lại nhiều nên nó vậy.
Chỉ huy, sỹ quan, và chiến sỹ của Đồn chu đáo với đoàn giống như anh em đi xa lâu ngày gặp lại, tay bắt mặt mừng, chuyện trò, tâm sự tưởng như không bao giờ có thể ngừng lại. Đầu giờ chiều, đoàn được đưa xuống thăm một số mô hình điểm trên địa bàn đồn quản lý thuộc xã Ia Lốp như: “Phong trào nâng bước em đến trường” thực hiện từ tháng tư năm 2016 đến nay; nội dung của phong trào này là chọn những em học sinh từ lớp 3 trở lên có hoàn cảnh khó khăn, học giỏi sẽ được đồn hoặc cán bộ chỉ huy Bộ tư lệnh Biên phòng tỉnh Đắk Lắk nhận nuôi dưỡng, trợ cấp thường xuyên năm trăm ngàn đồng một tháng cho đến khi học xong trung học phổ thông; trên địa bàn Đồn Ea H’Leo phụ trách đã có 8 cháu được nhận trợ cấp. Một việc làm rất nhân văn, thể hiện tình quân dân thắm thiết của truyền thống Anh bộ đội Cụ Hồ.
Mô hình làm kinh tế giỏi: nuôi bò, dê, vịt trời, trồng thanh long ruột đỏ… với số vốn không nhiều, nhưng những hộ nông dân từ xứ Mường Thanh Hóa, vựa lúa Thái Bình hay tận vùng Bến Tre thuộc miền sông nước miền Tây Nam bộ đến đây lập nghiệp có một điểm chung: vốn ít, đầu tư nhỏ… nhưng với sự giúp đỡ của các anh bộ đội biên phòng đã vượt khó, ổn định cuộc sống vươn lên làm giàu, bám trụ được trên mảnh đất biên cương khắc nghiệt này.
Trao đổi với chúng tôi, Thượng úy Trần Công Anh – Đội công tác của Đồn trên địa bàn xã Ia Lốp cho biết. Địa bàn Đồn quản lý, chủ yếu là dân đi kinh tế mới và dân di cư tự do, cuộc sống bước đầu vô cùng khó khăn vì khí hậu khắc nghiệt, đường sá đi lại khó khăn và đặc biệt là vấn đề nước. Mùa khô có khi nắng tới bảy tháng không một hạt mưa, nước khoan lên không uống được vì can xi quá nhiều, nước người uống còn chưa đủ thì lấy đâu nước cho sản xuất nông nghiệp. Anh em bộ đội biên phòng xuống hỗ trợ làm nhà, làm đất và vận động các đơn vị kinh tế đầu tư khoan giếng lấy nước phục vụ sinh hoạt, tạm thời ổn định đời sống cho nhân dân. Nếu đưa được nước ở hồ Ea Súp Thượng về hay lấy nước ở sông Ea H’Leo lên phục vụ sản xuất nông nghiệp, chắc chắn nơi đây sẽ thành vựa lúa mới của cả vùng, nhân dân mới bớt khó khăn.
Qua báo cáo, chúng tôi biết: điện đã đến với từng hộ, trường đủ chỗ cho các cháu đến độ tuổi theo học, còn đường giao thông thì xuống cấp nghiêm trọng, nhưng gian nan hơn cả là nước, không có nước sẽ không ổn định được lòng dân: An cư để lạc nghiệp – người xưa đã dạy thế. Nước ở Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng đang là vấn đề quyết định đến đời sống kinh tế và văn hóa của cả cộng đồng chứ không chỉ riêng một xã vùng biên giới, biện pháp nào để giải quyết vấn đề này là một bài toán khó đang được Đảng và chính quyền nơi đây từng bước tháo gỡ.
Về thăm và làm việc với xã Ea Lê, ông Nguyễn Văn Hoa – Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban nhân xã cho chúng tôi biết: diện tích của xã: 13.672 ha, dân số: 1.076 hộ với 10.999 nhân khẩu sinh sống ở 19 thôn và một tiểu khu; gọi là “tiểu khu” vì chưa đủ điều kiện thành lập thôn. Toàn xã có 12 dân tộc anh em sinh sống, trong đó dân tộc ít người là 4.850 người. Xã thuộc diện điểm của huyện về thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đời sống nhân dân ngày một nâng cao. Dân sống chủ yếu bằng nghề trồng cây nông nghiệp với 4.830 ha lúa hai vụ, 1.300 ha một vụ, năng suất trung bình từ 6,5 đến 7 tấn/ha; ngoài ra còn phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại; trâu: 1.750 con, bò: 920 con, heo: 6.500 con... Vị lãnh đạo chủ chốt của xã chưa đến năm mươi tuổi, người to đậm, khỏe mạnh đảm nhiệm chức vụ hai khóa liên tục hồ hởi cho anh em văn nghệ sỹ biết: giá như có kinh phí để đầu tư làm thủy lợi đưa nước từ hồ Ea Súp Thượng đến vùng làm lúa một vụ phụ thuộc vào trời, nâng lên thành hai vụ thì… Anh nói bỏ câu nửa chừng, ánh mắt đượm vẻ buồn.
Xã Ea Lê, người dân biết vươn lên làm giàu nhờ Đảng bộ và chính quyền cơ sở luôn đi sâu đi sát nhân dân, kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong chính sách, cơ chế đến phong tục, tập quán… một cách dân chủ nên giữ được mối đoàn kết từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới, giữa các dân tộc để cùng nhau làm giàu – đây là bài học hết sức quý giá mà không phải địa phương nào cũng làm được. Bên cạnh đó một ưu thế đặc biệt mà không phải xã nào ở Ea Súp cũng có, đó là nguồn nước. Nhờ chủ động nguồn nước tưới tiêu lấy từ hồ Ea Súp Thượng, đã biến cả vùng đất nghèo hoang vu ngày xưa thành vùng quê trù phú, một vựa lúa lớn trên Cao nguyên. Với Đắk Lắk, ở đâu có nước ở đó có sự sống và người dân nơi đó có thể làm giàu! Nước quý lắm, một cao nguyên khát đang rất cần những giọt nước mát như những dòng sữa mẹ làm hồi sinh những vùng đất khô cằn.
- Anh nhìn kìa, đám rừng màu xanh sẫm bên kia, là hòn đảo nổi giữa hồ đấy – anh Nguyễn Mạnh Cương, Phó trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện đi cùng đoàn chỉ cho tôi rồi nói thêm: ngày trước, cách đây hơn chục năm phía thượng nguồn của hồ là rừng già mênh mông chạy xa tít tắp qua tận phía huyện Ea H’Leo và huyện Cư M’gar luôn.
Anh cán bộ Phòng Văn hóa Thông tin huyện người dân tộc thiểu số phía bắc, quê gốc tỉnh Cao Bằng, vào Đắk Lắk dạy học, do yêu cầu công tác của Đảng qua nhận nhiệm vụ “trái tuyến”, nhưng với nhiệt tình của tuổi trẻ và lòng đam mê vùng đất Ea Súp đang cố hết sức để làm tròn nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó. Anh tâm sự: Người dân tộc bản địa Tây Nguyên có phong tục, tập quán và cả nét văn hóa đặc trưng cũng gắn liền với nước. Mỗi buôn có một bến nước, nét văn hóa được thể hiện ở chính bến nước này, nay rừng bị cạn kiệt sẽ không còn nước thì tìm đâu ra bến nước, mất bến nước là mất đi một nét văn hóa tiêu biểu... Trăn trở của người lãnh đạo trẻ ngành văn hóa cấp huyện tuổi đời chưa đến bốn mươi làm người nghe thấy thổn thức...
Phương đông xuất hiện nhiều đám mây hồng, báo hiệu mặt trời sắp lên, anh em văn nghệ sỹ, người chuẩn bị máy ảnh, người chuẩn bị máy quay chĩa ống kính ra phía mặt hồ hơi chếch một chút lên cao đón mặt trời lên như cảnh bộ đội chuẩn bị một cuộc tổng tấn công vào một cứ điểm. Trên bầu trời xanh, đôi đại bàng màu đen sẫm sải cánh chao lượn; dưới mặt hồ, từng lớp sóng nô đùa đuổi nhau lao vào bờ đập được gia cố bằng xi măng, tung lên những hạt nước li ti. Xa xa, xuất hiện thêm những chiếc thuyền độc mộc một người chèo thuyền bằng chân, tay thu lưới tạo nên một khung cảnh tuyệt đẹp.
Nhìn hồ, nhìn các bạn đồng nghiệp tác nghiệp, tôi nhớ đến hôm khai mạc trại, đồng chí Nguyễn Hoàng Vũ – Phó bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện trao đổi: Khó khăn của huyện nhiều lắm, vì đây là huyện vùng biên, khí hậu khắc nghiệt, đất đai khô cằn, rừng nghèo chiếm một diện tích lớn, đường sá xuống cấp nghiêm trọng, giao thương khó khăn… nhưng nói như thế không phải không có thuận lợi để phát triển công nghiệp, nông nghiệp và đặc biệt xây dựng các trang trại, khu du lịch… nếu như có vốn đầu tư, khai thác được tiềm năng sẵn có của huyện… quả là đúng thật. Xoài huyện Ea Súp ngon nổi tiếng, cây rất nhiều quả, nhưng có năm nhiều quá bán không ai mua; dưa hấu Ea Súp ruột đỏ thắm, cắn một miếng vị ngọt thấm tan vào tận chân răng, thương lái lùng mua để xuất khẩu qua Trung Quốc, nhưng do giao thông trắc trở nên giá bị dìm xuống, lời lãi cho người trồng không nhiều; sắp tới huyện đang tạo điều kiện để các doanh nghiệp xây dựng vùng chuyên canh cây ăn quả, xây dựng nhà máy chế biến trái cây đóng hộp góp phần đưa kinh tế vùng phát triển bền vững.
Dù rất bận công tác cuối năm, nhưng ông Bun Thó Lào – Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện vẫn giành một buổi tối mời toàn thể văn nghệ sỹ dự Trại về thăm nhà riêng. Quanh ché rượu cần, ông Phó chủ tịch huyện, tuổi chắc chỉ hơn bốn chục, có khuôn mặt cương nghị, nước da như đồng hun, rắn chắc của người dân bản địa đã thẳng thắn trao đổi với mọi người về tình hình địa phương và trăn trở của mình trước công việc trên địa bàn huyện nhà. Trong không khí vui vẻ, ông cho biết: Lượng nước của hồ Ea Súp Thượng theo công suất thiết kế đủ nước tưới cho trên 8.000 ha lúa hai vụ, nhưng đến nay chỉ mới sử dụng hơn một nửa vì thiếu kinh phí làm kênh dẫn nước tới vùng xa. Nếu tận dụng hết lượng nước của hồ thì… Hiện nay đã có nhà đầu tư khảo sát cho dự án sử dụng mặt nước hồ Ea Súp Thượng để xây dựng nhà máy điện năng lượng mặt trời, hy vọng sau khi hoàn thành, nơi đây sẽ thành khu du lịch thu hút khách tham quan và kết nối thành cụm du lịch: tháp Yang Proong – hồ Ea Súp Thượng…
Mặt hồ nước Ea Súp Thượng mênh mông có thể khai thác tua du lịch bằng thuyền kết hợp tổ chức các môn thể thao, trò chơi dưới nước; xây dựng khu nghỉ dưỡng trên hòn đảo nổi giữa hồ, nơi còn giữ được thảm rừng nguyên sinh quý giá sẽ hấp dẫn vô cùng. Một viễn cảnh tươi đẹp của vùng đất cách xa thành phố Buôn Ma Thuột hơn tám chục ki lô mét về hướng tây, nắng nhiều mưa ít và đầy gió, chắc chắn sẽ mang lại đam mê cho nhiều người đến khám phá, lưu lại trong những ngày nghỉ cuối tuần hay lễ tết.
Mặt trời nhô lên sau ngọn núi mờ mờ, tiếng ai đó reo: Mặt trời lên! Mọi người hối hả bấm máy ghi lại thời phút thiêng liêng của một ngày mới bắt đầu. Ánh nắng vàng soi xuống mặt hồ, bóng con thuyền nhỏ nhoi như chiếc lá trên mặt hồ rộng mênh mông xuyên qua bóng mặt trời như được phủ vàng lung linh huyền ảo… tiếng bấm máy kêu lách tách làm háo hức người nhìn. Nghệ sỹ nhiếp ảnh Văn Lộc tuy đã ngoài sáu mươi tuổi, người gầy gò, lại cao lêu khêu vác chiếc máy ảnh cồng kềnh có cả chân chạy đuổi theo con thuyền đang rẽ sóng vàng thu lưới. Những con cá lớn vướng vào lưới khi bị nhấc lên khỏi mặt nước với chiếc đuôi óng ánh vàng quẫy mạnh làm bắn ra những hạt nước như những hạt ngọc… và mái tóc người chèo thuyền được nàng gió ban mai ve vuốt, ánh nắng ban mai chải chuốt tạo nên bức tranh phong cảnh thật kỳ lạ… Ai cũng hối hả ghi lại khoảnh khắc hiếm hoi được chứng kiến điều kì diệu trên mặt hồ.
Mặt trời lên cao, anh em trong đoàn gọi nhau lên xe trở về thị trấn huyện để chuẩn bị làm lễ bế mạc Trại, người lên xe rồi mà mắt cứ ngoái nhìn hình như không muốn dứt ra được. Xe chạy, nhà văn, nhạc sỹ Linh Nga Niê Kdam nói: Tiếc quá, thời gian không cho phép chứ không phải ở lại thêm một lúc nữa. Hồ đẹp quá! Các văn nghệ sỹ tiếc cũng phải thôi, một chiếc hồ đẹp long lanh trên vùng đất đang khát nước giống như viên ngọc xanh mang vẻ đẹp tinh khiết làm đắm say lòng người. Nhưng với người dân nơi đây, hồ này còn là nguồn sống, là nơi mạng lại ấm no, hạnh phúc cho gần nửa huyện bởi những giọt nước ngọt ngào. Những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay trên vùng bình nguyên Ea Súp thuộc thị trấn Ea Súp và các xã: Ea Lê, Cư M’Lan, Ea Bung, Ea Drông, Ea Rốc, Ea Lốp, Ea Tmốt… đều do nước của hồ Ea Súp Thượng mang đến và hy vọng trong tương lai gần, khi có kinh phí của trên cấp cũng như sự tham gia của các doanh nghiệp với chủ trương xã hội hóa công tác thủy nông, nước sẽ còn vươn xa hơn, đến được nhiều cánh đồng hơn để cây lúa có thể mọc hai vụ, năng suất cao; các doanh nghiệp đủ nước để có thể mở thêm các trang trại chăn nuôi, trồng trọt làm cho vùng đất khô cằn trở thành trù phú và người dân trong vùng thoát cảnh đói nước hàng năm. Tôi tin, với một đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt của huyện cũng như các cấp cơ sở, có năng lực, được đào tạo chính quy, đa số tuổi đời còn trẻ chắc chắn sẽ tạo nên sức bật mới cho sự phát triển kinh tế xã hội huyện Ea Súp trong tương lai gần.
Mùa xuân 2017


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI