Chủ Nhật, 12 tháng 3, 2017

GIỚI THIỆU TẠP CHÍ CHƯ YANG SIN SỐ XUÂN ĐINH DẬU-2017, tác giả TRƯƠNG BI





CON GÀ TRONG NGHI LỄ CỔ TRUYỀN
CỦA ĐỒNG BÀO Ê ĐÊ, M'NÔNG
                                 


Đồng bào Êđê, M'nông ở Đắk Lắk có hai hệ thống nghi lễ - lễ hội cơ bản. Đó là: Nghi lễ - lễ hội vòng đời người và nghi lễ - lễ hội vòng cây lúa (còn gọi là nghi lễ nông nghiệp). Trong hai hệ thống nghi lễ - lễ hội này dù được tổ chức lớn (mang tính hội, có sự tham gia của cả cộng đồng) hay tổ chức nhỏ (chỉ mang tính lễ, thu hẹp trong phạm vi gia đình) thì lễ vật chủ yếu dùng để cúng thần linh, tổ tiên, ông bà là con gà, ché rượu.
- Trong nghi lễ vòng đời người: Khi người vợ trở dạ chuẩn bị sinh con, người chồng làm lễ cúng thần linh, tổ tiên, ông bà bằng một ché rượu nhỏ, một con gà trống choai để cầu cho người vợ sinh đẻ được thuận lợi "mẹ tròn, con vuông". Sau khi đứa bé sinh ra được bảy ngày, người chồng mời ông trưởng họ, hoặc ông cậu (dăm dei) đến làm lễ đặt tên, thổi tai cho đứa bé. Lễ vật là ba ché rượu nhỏ, ba con gà trống choai. Khi đứa bé được ba tháng tuổi, cha của đứa bé làm lễ cúng sức khỏe cho hai mẹ con và cúng trả ơn cho bà đỡ, với lễ vật gồm hai con gà trống choai và ba ché rượu nhỏ. Khi đứa bé tròn một mùa rẫy (một tuổi), cha mẹ đứa bé làm lễ cúng sức khỏe cho con bằng một con gà trống choai, một con heo nhỏ, ba ché rượu, để cầu mong đứa bé khỏe mạnh, không bị thần ác quấy rầy, ăn khỏe, chóng lớn dễ nuôi. Khi đứa bé tròn bảy mùa rẫy (bảy tuổi), cha mẹ làm lễ cúng sức khỏe cho đứa bé. Lễ vật là một con heo nhỏ để cúng thần linh, và tổ tiên ông bà, một con gà trống choai dùng cúng thần bảo hộ cho đứa bé. Trong lễ này (nếu là con trai) người cha dạy cho con biết gia phả của dòng họ và biết dùng cái dao, cái nỏ; còn đứa bé là con gái thì người mẹ dạy cho con biết dệt vải, nấu ăn. Khi đứa bé tròn 17 mùa rẫy (17 tuổi), thì gia đình làm lễ trưởng thành cho con trai mình (theo phong tục của đồng bào Êđê, M'nông, lễ này chỉ giành riêng cho con trai, còn con gái lớn lên kế tục truyền thống mẫu hệ, nên không có lễ này). Lễ này được làm trong ba ngày liền với quy mô lớn, mang đậm tính hội. Riêng gia chủ phải chuẩn bị trước ba năm. Cụ thể, gia chủ phải nuôi một con heo thiến dài 7 gang tay người lớn (tính từ cổ cho đến cuối mông heo), gạo tẻ 100 gùi, gạo nếp 30 gùi, ủ 50 ché rượu lớn, ngoài ra phải có bảy con heo nhỏ, và 7 con gà trống thiến để cúng thần linh và tổ tiên ông bà. Trong lễ hỏi, lễ cưới và lễ rước rể, các nghi thức cúng thần linh đều có một con gà trống thiến, một ché rượu nhỏ. Trong lễ bỏ mả cho người quá cố, bên cạnh dùng lễ vật heo bò cúng thần thần linh, gia chủ còn cúng cho người quá cố một con gà trống (còn sống) và buộc một gà mái nhỏ (còn sống) ngay tại nhà mồ (với ý nghĩa cho người quá cố mang về thế giới bên kia nuôi). Đặc biệt, hàng năm đồng bào Êđê, M'nông thường làm lễ cúng sức khỏe cho người nhà và khách quý, lễ vật vẫn là con gà, ché rượu.
Nghi lễ - lễ hội nông nghiệp: Trong các nghi lễ liên quan đến sản xuất nương rẫy của đồng bào Êđê, M'nông thường diễn ra hàng năm, có thể kể đến các nghi lễ: Đi tìm đất, phát rẫy, đốt rẫy, cầu mưa, trỉa hạt, làm cỏ, vun gốc, cầu cây lúa ra nhiều bông, nhiều hạt, đến khi thu hoạch đưa lúa về kho, ăn cơm mới... Mọi gia đình đều thực hiện đầy đủ các nghi lễ theo phong tục của cộng đồng. Lễ vật duy nhất vẫn là con gà ché rượu. Thí dụ, trong lễ cúng nồi cơm và bầu đựng gạo, thầy cúng khấn: "Ơ Yang bên Đông! Ơ Yang bên Tây! Yang rẫy, Yang lúa! Nay gia chủ cúng cho các Yang ba con gà, ba ché rượu, mời các yang về hưởng! Cầu mong các Yang phù hộ cho gia chủ gạo trong bầu không bao giờ lưng, cơm trong nồi không bao giờ cạn. Người trong nhà ăn không bao giờ vơi, dân làng vay mượn không giờ hết. Ơ Yang".
Bên cạnh các nghi lễ trên, còn có lễ cúng bến nước, lễ cúng vào nhà mới, lễ cúng cổng buôn, lễ cúng hòn đá bếp, lễ kết nghĩa anh em, lễ đón khách v.v... lễ vật chủ yếu vẫn là con gà, ché rượu.
Nhìn chung, lễ vật chủ yếu để dâng cúng thần linh, tổ tiên ông bà của đồng bào Êđê, M'nông trong các nghi lễ - lễ hội là con gà, ché rượu. Lễ vật ấy chính là thành quả lao động sản xuất nương rẫy trong một năm. Nó là lễ vật không thể thiếu được để con người giao tiếp với các vị thần linh trong trời đất, hòa mình với núi rừng thiên nhiên, với khát vọng vươn tới một cuộc sống bình yên, no đủ. Đêm ba mươi Tết, giờ giao thừa đã điểm, nghe con gà trống gáy vang, mừng năm mới đến, chúng ta cầu mong cho các gia đình đồng bào Êđê, M'nông và các dân tộc Việt Nam: Gà đầy sân, heo đầy chuồng, trâu bò đầy bãi, bắp lúa đầy kho, mọi nhà no đủ, hạnh phúc...


















Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI