Thứ Năm, 9 tháng 3, 2017

ĐI TÌM NGUYÊN MẪU SÁNG TÁC THEO CHỦ ĐỀ “HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH” tác giả HỒNG CHIẾN




Sáng tác theo chủ đề, hay ta thường gọi nôm na “theo đơn đặt hàng” là vấn đề rất khó đối với văn nghệ sĩ khi mà trong đa số họ thường lấy cảm xúc làm nguồn cảm hứng sáng tạo nghệ thuật. Nhưng trong cuộc sống nhiều lúc, nhiều khi và nhiều nơi các tác phẩm Văn nghệ bắt buộc phải gắn liền với thực tế cuộc sống và phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ cuộc sống; phục vụ mục tiêu cao cả của con người nhằm vươn tới mục tiêu cần đạt đến của các tác phẩm nghệ thuật: định hướng CHÂN - THIỆN - MỸ; góp phần quan trọng định hướng cách nhìn nhận, đánh giá cái đẹp, về chuẩn mực đạo đức đối với xã hội; góp phần quyết định đến sự hưng vong của cả một dân tộc. Tác phẩm Văn nghệ có giá trị bởi nó đi vào lòng người và có sức thuyết phục con người hơn bất cứ một loại công cụ tuyên truyền nào khác, không gì có thể thay thế được. Chúng ta khẳng định điều đó để thấy được vai trò, trách nhiệm của văn nghệ sĩ đối với xã hội và công cuộc xây dựng đất nước trong thời kỳ đổi mới do Đảng ta đề xướng và lãnh đạo.
Trong công cuộc xây dựng đất nước từ sau đại thắng Mùa xuân năm 1975, thống nhất đất nước và đặc biệt từ sau công cuộc đổi mới mà Đảng ta đề xướng, lãnh đạo; đất nước ta đã gặt hái được những thành công rực rỡ về kinh tế và nâng tầm ảnh hưởng lên khu vực cũng như khẳng định vị thế của mình trên thế giới. Tuy nhiên bên cạnh những thành tựu về kinh tế, đối ngoại thì ngay trong lòng xã hội cũng nảy sinh nhiều vấn đề tiêu cực đáng báo động như: con đánh cha, vợ giết chồng, tội phạm kinh tế và hình sự tăng cao; con người ứng xử với con người hình như đã mất đi nét văn hoá dân tộc vẫn trường tồn theo thời gian hàng ngàn năm qua. Tại sao vậy? Phải chăng chúng ta đã xem nhẹ việc bảo tồn giá trị Văn hoá dân tộc, quan tâm chưa đúng mức đến VĂN HOÁ VĂN NGHỆ, dẫn đến văn hoá ngoại lai bành trướng, lấn át thuần phong mỹ tục Việt Nam. Một bộ phận không nhỏ thanh  niên và cả những người nhiều tuổi cũng chạy theo ham muốn làm giàu bằng mọi cách nhanh nhất có thể để thoả mãn tham vọng của mình, bất chấp tất cả; đó chính là nguyên nhân dẫn đến những suy thoái về đạo đức, lối sống mà chúng ta - những người văn nghệ sĩ cũng có một phần trách nhiệm trước các hiện tượng tiêu cực này vì chúng ta chưa dũng cảm đối đầu với tiêu cực, đã phá cái xấu, thứ văn hoá nọc độc của chủ nghĩa cá nhân phương Tây; để qua đó khẳng định cái đẹp, cái tốt của bản chất con người Việt Nam. Văn nghệ sĩ chúng ta phải thẳng thắn nhìn vào sự thật, và tìm biện pháp khắc phục thông qua các tác phẩm của mình, góp sức cùng Đảng và Nhà nước làm trong sạch xã hội; vận động mọi tầng lớp nhân dân thực hiện được di chúc của Bác: Xây dựng nước nhà đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!
Trách nhiệm của chúng ta, và đó cũng là nghĩa vụ của những người văn nghệ sĩ đứng trước yêu cầu cấp bách của xã hội đang đặt ra cũng như hành động thiết thực hưởng ứng việc thực hiện Nghị quyết IV của Ban chấp hành Trung ương đảng khoá XI; nhằm làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên, mang lại niềm tin yêu cho đại đa số nhân dân nước nhà cũng như bạn bè quốc tế, bằng chính các tác phẩm của mình. Phát hiện những nhân tố mới, tích cực nhằm tuyên dương, động viên, khuyến khích cho nhiều người làm theo, đó là cách chúng ta góp phần đẩy lùi tiêu cực, làm xã hội ta trong sáng hơn, và cũng là góp phần thiết thực vào công cuộc xây dựng đất nước.
Đa số cán bộ, đảng viên nhìn chung là tốt, và chắc chắn trong số đó có rất nhiều tấm gương điển hình về đạo đức, lối sống, tài năng... có nhiều đóng góp cho công cuộc xây dựng đất nước. Chính những người con ưu tú ấy của đảng và nhân dân thường lại có cuộc sống rất bình lặng, không ồn ào, khoa trương nhưng dấu ấn để lại cho một phong trào, một vùng đất... có tầm ảnh hưởng rất lớn mà nhiều người chưa được biết đến; bản thân những con người đó chỉ xem việc làm của mình là bình thường, là đương nhiên của những người đảm đương trách nhiệm trên cương vị trí ấy; đây chính là mảnh đất trù phú để anh chị em văn nghệ sĩ - những người chiến sĩ trên mặt trận văn hoá tư tưởng, tìm hiểu khai phá và gặt hái những tác phẩm xứng tầm với thời đại.
Có thể xem đợt phát động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” lần này là một thử thách tay ngề đối với anh chị em văn nghệ sĩ khi đi sâu xâm nhập cuộc sống xã hội, bằng trực quan cũng như giác quan nhạy bén của mình, phát hiện cho được những tấm gương điển hình tiến tiến thông qua từng công việc cụ thể, những thành tích mà một người cụ thể, hoặc cả tập thể đã đạt được và con người ấy, tập thể ấy bằng công việc đã làm, có tầm ảnh hưởng lớn đến một phong trào, một vùng miền, hay trực tiếp đến công việc cụ thể, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng đất nước ta trong tình hình hiện nay, cần phải được mọi người biết đến và nhân rộng ra, được thẩm định qua lăng kính “Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. 
Trong một lần đi thực tế sáng tác tại Công ty Cơ giới 4, nay đổi tên  CÔNG TY CƠ GIỚI ĐỒNG TÂM, tôi và nhà thơ Văn Thảnh được ban lãnh đạo mời đi thực tế tại một số công trình Công ty đã và đang thi công, chúng tôi gặp gỡ, trao đổi với công nhân, cán bộ trong công ty và cả nhân dân những nơi công ty đã thi công; sau hơn chục ngày lăn lộn khắp nơi, ghi chép, ghi âm đầy sổ sách nhưng vẫn chưa xác định được mình sẽ viết cái gì; khi trở về công ty, tôi đề nghị lãnh đạo thu xếp cho gặp vị Giám đốc đầu tiên của Công ty cơ giới 4, người mà trong chuyến đi công tác của tôi, cán bộ, công nhân viên cả công ty khi nhắc đến với một thái độ hết sức kính trọng. Thời gian dự tính sẽ chỉ gặp, trao đổi chừng một tiếng, nhưng không ngờ câu chuyện của vị cựu Giám đốc kéo dài hết cả buổi sáng đến tận quá trưa. Khi ra xe, tôi nói ngay với nhà thơ Văn Thảnh: Tôi có đề tài rồi! Buổi chiều tôi tìm gặp những người từng công tác với cựu Giám đốc và khẳng định các tài liệu ông cung cấp cũng như các sự kiện nghe là chính xác, tôi ngồi viết ngay trong vòng một đêm xong tác phẩm “CHUYỆN CỦA MỘT GIÁM ĐỐC VỀ HƯU”.
Xin nói thật, khi tìm được nhân vật mình ưng ý, khâm phục thì viết SƯỚNG LẮM! Ngôn từ ùn ùn đổ ra trên trang giấy và khi đọc lại cũng phải thấy giật mình: Sao mình viết nhanh đến thế.
Hay một lần dẫn anh em đi thực tế biên giới huyện Ea Suop, gần chục ngày tôi mới tìm đựoc “tứ” cho bài viết của mình về tập thể cán bộ đồn Biên phòng Ya Tmốt với phong trào vận động quần chúng xây dựng đời sống văn hoá cơ sở, phát triển kinh tế gắn liền với công tác bảo vệ phòng tuyến biên giới. Đi cùng các cán bộ chiến sĩ, quan sát họ làm, lắng nghe họ nói và ghi nhận cả những ánh mắt, lời nói, thái độ của từng người dân khi giao tiếp với các chiến sĩ Biên phòng để đưa ra những nhận xét, đúc kết trước khi thẩm định lại bằng cách trao đổi với lãnh đạo xã và bài bút ký dần dần định hình trong trái tim người viết. Khi mọi chi tiết, sự kiện đã đầy đủ, tôi ngồi và viết trong một đêm là xong bài “CHUYỆN GHI Ở MỘT VÙNG BIÊN”.
 Theo tôi cái quan trọng của người Nghệ sĩ là phải biết quan sát, nghe, trao đổi, ghi chép và ngẫm nghĩ để tìm ra câu trả lời cho những vần đề mình vừa quan sát, ghi nhận được; từ đó tác giả phải cân nhắc, đánh giá, nhận xét tất cả các chi tiết, sự kiện ấy với tiêu chí cuộc vận động xem đã đạt chưa! Khi thấy đã đạt rồi thì bắt tay vào sáng tác và niềm say mê sẽ cuốn ta đi theo tình tiết diễn ra chứ không phải ta sáng tạo ra nó nữa.
Một vài kinh nghiệm sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của bản thân chắc chắn là không được sinh động lắm, nhưng cho phép tôi được trao đổi cùng các bạn đồng nghiệp để chúng ta cùng nhau rút kinh nghiệm để có những tác phẩm mới suất sắc hưởng ứng cuộc vận động sáng tác lần này.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI