NGUYỄN VĂN THANH
TUỔI TRẺ SỨC XUÂN
Tuổi trẻ là mùa xuân của đất nước. Mùa xuân này, tuổi
trẻ Việt Nam
kỷ niệm 86 năm ngày thành lập Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Đuốc lửa của thanh niên đốt lên từ 86 năm trước lại
thắp sáng hôm nay. Tuổi trẻ của anh hùng liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc…
đang đánh thức tuổi trẻ thế hệ hôm nay và mai sau…
Với quan điểm và nhận thức thanh niên là
lực lượng có ý nghĩa chiến lược, quyết định sự phát triển hiện tại và tương lai
của đất nước, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí
Minh đã luôn coi trọng và hết sức quan tâm đến vấn đề thanh niên. Người đã sớm
chỉ ra vị trí, vai trò của thanh niên trong xã hội và trong phong trào cách mạng.
Theo Người, muốn thức tỉnh dân tộc đi theo
con đường cách mạng thì trước hết phải giác ngộ cách mạng cho thanh niên và
từ thức tỉnh thanh niên để thức tỉnh dân tộc. Trong tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp (1925), Người
đã viết: “Đông Dương đáng thương hại! Người sẽ chết mất, nếu đám thanh niên già
cỗi của Người không sớm hồi sinh”. Người không chỉ kêu gọi, thức tỉnh thanh niên
mà còn trực tiếp đến với họ, tổ chức, dẫn dắt họ vào con đường đấu tranh. Tháng
6-1925, Người thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, tập hợp những thanh
niên Việt Nam yêu nước vào trong một tổ chức thống nhất, với trù tính “nó là quả
trứng, mà từ đó nở ra con chim non cộng sản”. Bởi
vậy, chỉ một năm sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, mùa xuân 1931, Đoàn
thanh niên Cộng sản đã được thành lập. Tính từ mùa xuân năm 1931 đến nay đã hơn
85 năm. Có thể có nhiều cách phân kỳ cho chặng đường dài ấy nhưng cái đích của
tương lai thì bất di bất dịch, được mọi thế hệ viết lên đầu trang giấy: Độc lập-Tự
do-Hạnh phúc. 9 năm cho cuộc vận động thanh niên tiến tới sự ra đời của Đảng.15
năm giành độc lập. 30 năm với hai cuộc kháng chiến lớn cho công cuộc thống nhất
nước nhà. Được Đảng và Hồ Chí Minh tin tưởng, giáo dục và đào tạo, các
thế hệ thanh niên Việt Nam
đã viết nên những trang sử hào hùng, oanh liệt.
Tin yêu và tràn đầy hi vọng ở tuổi trẻ nước nhà, Bác đã có lời nhắn nhủ: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân.
Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”.
Thật vậy, tuổi trẻ là tuổi đẹp nhất của đời người, là tuổi của hành động, tuổi
thực hiện ước mơ, hoài bão, là tuổi dám quên mình vì sự nghiệp tương lai, vì tất
cả những gì để hướng tới điều tốt đẹp nhất, tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội. Chủ
tịch Hồ Chí Minh cho rằng bất cứ quốc gia nào và chế độ xã hội nào muốn tồn tại,
phát triển, muốn vững vàng và cường thịnh đều phải quan tâm đến việc chăm lo giáo
dục thế hệ tương lai. Người chỉ rõ: Tương lai của dân tộc, tiền đồ của Tổ quốc
và sự thành công của cách mạng phần lớn phụ thuộc vào việc giáo dục thanh niên.
Xuất phát từ nhiệm vụ mới của cách mạng
là xây dựng chủ nghĩa xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức quan tâm phát triển
sự nghiệp giáo dục, đào tạo để nâng cao trình độ văn hóa, khoa học - kỹ thuật và
nghề nghiệp cho thế hệ trẻ. Theo quan điểm của Người, chiến thắng nghèo nàn lạc
hậu, xây dựng đời sống mới, thực hiện mục tiêu "dân giàu, nước mạnh"
còn khó khăn, lâu dài hơn nhiều so với cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, giải phóng
dân tộc. Chính vì thế, Bác Hồ thường căn dặn, dạy bảo thanh niên phải "ra
sức học tập nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, khoa học, kỹ thuật và quân sự
để cống hiến ngày càng nhiều cho Tổ quốc, cho nhân dân". Và, làm nghề gì cũng
phải học, mục đích của việc học không gì khác hơn là để nâng cao năng lực, làm
cho kinh tế phát triển, chiến đấu thắng lợi, đời sống nhân dân ngày càng được ấm
no, tươi vui.
Công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh niên cũng đóng
vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hồ Chủ tịch
cho rằng, giáo dục bồi dưỡng cho thế hệ trẻ phải chú ý đến cả hai yếu tố đạo đức
và tài năng trong đó lấy đạo đức làm gốc. Đức ở đây chính là đạo đức cách mạng,
bao gồm những phẩm chất:
- Trung với nước hiếu với dân tức là quyệt đối trung thành
với Đảng, với nhân dân, quyết tâm suốt đời phấn đấu cho Đảng, cho cách mạng, hết
lòng phục vụ nhân dân.
- Yêu thương con người: thể hiện
trong quan hệ hàng ngày với bạn bè đồng chí, là thái độ tôn trọng mọi người, có
lòng vị tha trước những thiếu sót, khuyết điểm của người khác.
- Cần, kiệm, liêm,
chính, chí công vô tư: Cần tức là lao động cần cù, siêng năng, có kỷ luật, có năng
suất hiệu quả. Kiệm tức là tiết kiệm thì giờ, sức lao động tiền của của dân, của
nước. Liêm là trong sạch, không tham địa vị, tiền tài, quang minh chính đại. Chính
là ngay thẳng, không nịnh trên nạt dưới, không tự cao tự đại, thấy việc thiện
thì làm, việc ác thì tránh. Chí công vô tư là khi làm bất cứ việc gì không nghĩ
đến mình trước, khi hưởng thụ thì nên đi sau.
- Có tinh thần quốc tế trong sáng: Đó là tinh thần đoàn kết
giữa nhân dân Việt Nam với bạn bè quốc tế vì hoà bình, công lý và tiến bộ xã hội,
chống chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, phân biệt chủng tộc hay chủ nghĩa bành trướng
bá quyền. Tài ở đây nghĩa là có tri thức đầy đủ về các lĩnh vực khoa học, có kỹ
năng thực hành, có thể đảm nhiệm được những công việc mà Đảng và nhân dân giao
phó. Trong mỗi con người tài và đức phải được đi liền với nhau vì: “Có tài mà
không có đức ví như anh làm kinh tế tài chính rất giỏi nhưng lại đi đến thụt két
thì chẳng những không làm được gì ích lợi cho xã hội mà còn có hại cho xã hội nữa.
Nếu có đức mà không có tài ví như ông Bụt không làm hại gì nhưng cũng không có
lợi gì cho loài người”. Giáo dục toàn diện nhưng phải phù hợp với trình độ,
lứa tuổi phải biết kết hợp giữa lý luận và thực hành, lao động trí óc phải kết
hợp với lao động chân tay vì: “Lao động trí óc mà không lao động chân tay, chỉ
biết lý luận mà không biết thực hành thì cũng là trí thức có một nửa”.
Trước lúc đi xa, trong Di chúc, Người căn dặn Đảng ta: “Đoàn
viên, thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều xung phong, không ngại khó
khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần chăm lo, giáo dục họ thành những người thừa kế
xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”. Việc bồi dưỡng thế hệ cách mạng
cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết. Những điều Người dạy vừa
mang tính cách mạng, tính khoa cũng như thấm đượm tư tưởng triết lý nhân văn hết
sức sâu sắc.
Thấm nhuần tư tưởng của Người, 86
năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng việc chăm lo giáo dục, bồi dưỡng thế
hệ trẻ, tạo điều kiện cho thế hệ trẻ được phát huy tài năng, sức lực vào sự
nghiệp cách mạng của dân tộc. Thế hệ trẻ đã và đang khẳng định mình, đóng
góp to lớn cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong giai đoạn hiện nay,
dưới ánh sáng của tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng đã xác định phương hướng cho sự phát
triển và hoàn thiện giá trị nhân cách con người Việt Nam là: “Giáo dục con người
Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm nâng, khả năng sáng tạo
của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, sống tốt và làm việc
hiệu quả”. Đồng thời, “đổi mới nội dung, phương thức giáo dục chính trị, tư tưởng,
truyền thống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước, xây dựng đạo đức, lối
sống lành mạnh, ý thức tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp và pháp luật
cho thế hệ trẻ. Có cơ chế chính sách phù hợp, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi
cho thế hệ trẻ học tập nghiên cứu, lao động, giải trí, phát triển trí tuệ, kỷ năng,
thể lực. Khuyến khích, cổ vũ thanh niên nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, xung kích,
sáng tạo, làm chủ khoa học, công nghệ hiện đại. Phát huy vai trò thế hệ trẻ
trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Tuổi trẻ Việt Nam luôn vững tin vào nghị
lực của mình-Tuổi trẻ sức xuân nhất định sẽ giành thắng lợi trong công cuộc xây
dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI