Thứ Hai, 5 tháng 2, 2018

CHIỀU CUỐI NĂM truyện ngắn của HỒNG CHIẾN - Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh Số: 486-25/1/2018



Trang với tay lấy con dao bên vách bếp bước ra cửa dặn hai con đang chơi ở sân:
          -Hai anh em ở nhà nhé!
          -Dạ!
          Đứa con trai bảy tuổi trả lời, cô em lên năm vội ném mấy viên sỏi cầm trong tay chạy lại túm áo Trang nũng nịu:
          -Ba cho con đi theo với.
          -Ở nhà với anh, ba má đi câu chứ đi chơi đâu mà đòi theo.
          Nghe giọng nói nghiêm khắc của má, cô bé vội buông áo ba, rơm rớm nước mắt. Trang cúi xuống hôn nhẹ lên mái tóc con gái:
          -Gái ngoan ở nhà với anh, ba má đi câu cá sẽ về nhanh thôi. Tối nay cho con một con cá to nhất tự nướng, được chưa.
          -Ba đi nhanh về nhé!
          -Ừ!   
          Trang đi trước, người vợ nhỏ nhắn đi sau, con ky vàng lon ton chạy vượt lên  trước. Hai vợ chồng vòng ra sau nhà, băng qua cánh rừng già độ một ki lô mét là đến bên hồ thủy điện mới ngăn nước.
          Hai vợ chồng giáo viên, vợ công tác ở Ban Giáo dục, phụ trách chuyên môn mãi hết ngày hai tám tết mới được nghỉ. Trang hiệu trưởng một trường có tới ba cấp học, hơn 100 giáo viên chưa kể cán bộ công nhân viên. Tuổi đời chưa đến ba mươi, lại từ nơi khác chuyển về chưa tròn năm nên phải cố gương mẫu, làm xong buổi sáng, chiều ba mươi tết mới nghỉ. Cũng may, trường đông cán bộ công nhân viên, nhưng hình như mọi rất người nhiệt tình công tác để Ban giám hiệu hoàn thành tốt công việc của mình. Trang biết, trong số họ nhiều người buổi sáng phải nhịn đói đi làm, trưa về chỉ được vài lưng chén lương thực độn cơm, ngày hai buổi lên lớp. Cả nước khan hiếm lương thực, giáo viên mỗi tháng mười ba ký lương thực, nhưng chỉ có ba mươi phần trăm gạo, còn lại là bắp, khoai và có tháng độn bằng đậu xanh. Khó khăn chung là vậy, nhưng tết đến các thầy cô giáo có nhà riêng ở địa bàn Sư Ba đóng được biếu thêm ký thịt heo, ký đường… như vậy đã  khấm khá so với các vùng khác trong huyện.
          Theo yêu cầu của đất nước, năm 1976, cán bộ chiến sỹ Sư Ba chuyển qua làm kinh tế, nhận nhiệm vụ phá rừng trồng lương thực và cây công nghiệp. Thực hiện nhiệm vụ được giao, hàng ngàn cánh rừng già được đốn hạ để lấy đất canh tác. Hồ thủy điện được những anh bộ đội Sư Ba chặn dòng suối đầu nguồn tạo nên một hồ nước lớn vừa dùng chạy máy thủy điện ban đêm, vừa cấp nước tưới tiêu cho cả vùng đất mới khai phá.
          Hồ nước thủy điện hình thành chưa lâu, không biết cá ở đâu về mà nhiều như nuôi. Ngày chủ nhật, chỉ cần câu vài tiếng, mang về nướng, kho… ăn cả tuần không hết. Cá ở hồ, con lớn nhất to hơn hai ngón tay một chút, nhưng thịt thơm và rất ngọt. Hai vợ chồng Trang hàng ngày, sáng chở con đi học rồi lọc cọc đạp xe lên thị trấn huyện cách nhà hợn mười ki lô mét đi làm, chiều tối mới về. Chỉ ngày chủ nhật được nghỉ lại phải lo làm vườn, chợ búa, kiếm thức ăn. Cũng may, rừng già Tây Nguyên mùa nào thức ấy, chịu khó vào tìm một chút là có đồ cải thiện bữa ăn.
*
**
          Khu rừng già sau nhà Trang ở chưa bị ủi, còn nhiều cây cổ thụ lắm, chắc rộng đến vài trăm héc ta. Phía đông cánh rừng, cơ quan Sư Ba và khu dân cư, trường học đóng. Phía bắc khu rừng, đường Quốc lộ 27 và khu dân cư chen nhau ở, tạo thành vành đai án ngữ, các loài thú không thể đi qua. Hai phía tây và nam cánh rừng, nước hồ thủy điện dâng cao, nhấn chìm một khu vực rộng lớn xuống mặt hồ tạo thành bức tường nước. Có lẽ vì thế, một số loài thú chạy từ lòng hồ lên trú ngụ trên cánh rừng biệt lập này giống như một cái chuồng trại tự nhiên. Ban đêm, heo rừng còn ra vườn nhà Trang đào trộm khoai lang, cắn nhau kêu chí chóe. Khoảnh vườn nhà Trang được Sư Ba ủi đất cấp theo tiêu chuẩn như một hộ công nhân; rộng đúng một ngàn mét vuông dùng làm nhà, trồng rau, cây lương thực… cải thiện thêm đời sống.
          Hai vợ chồng Trang vượt qua cánh rừng đến bên hồ nước thủy điện rộng mênh mông. Đứng bên này, nhìn con người phía bên kia hồ chỉ như một chấm đen nho nhỏ. Trang đến bên bụ le, dùng dao chặt hai cành le to bằng ngón tay cái, dài hơn sải tay; móc hộp đựng cước, phao, lưỡi câu ra buộc vào đầu cần, rồi chọn chỗ ngồi câu. Phát mấy cành le xung quanh cho quang, Trang leo lên đống mối sát mặt nước buông câu, vợ lại ngồi bên cạnh cùng buông cần, thi xem ai câu được nhiều hơn.
Hình như lũ cá dưới nước tập trung từ khi nào rồi, đang chờ sẵn; Trang vừa ném lưỡi câu xuống nước, chúng đã lôi vút đi. Giật, gỡ cá ném vào xô nhựa để bên cứ như một cái máy hoạt động hết công suất. Thỉnh thoảng giật mạnh quá, có con cá tuột luôn, không mắc vào lưỡi câu, bay tuốt lên bờ; con ky ngồi trên bờ há mõm chờ sẵn, tóm gọn con cá mang lại cho chủ. Hai vợ chồng đua nhau giật, tiếng cười nhiều lúc chợt ré lên khi hai cần câu giật lên cùng lúc và dây cước quấn vào nhau, hai con cá cắn câu đụng nhau, không thể phân biệt con nào to hơn con nào để xem ai giỏi hơn ai.
          Thấy xô cá gần đầy, Trang cuốn cước, bỏ vào hộp bảo:
-Mấy ngày tết ăn thế này đủ rồi.
-Tết sợ nhậu nhiều thì thiếu, câu thêm ít nữa.
-Bạn bè thích món cá này nướng quấn rau thơm, đặc sản vùng mà. Hết ra câu tiếp.
-Sợ có người quá vui ba bữa ngày tết đi còn không nổi, nói gì đến đi câu.
-Làm gì có ai tệ thế.
Tiếng cười rộn rã lan tỏa khắp mặt hồ. Tiếng chim công ăn gần đâu đó chợt gõ vào không gian: Tố… hộ, tố… hộ. Đàn chim bồ chao được dịp thể hiện tài năng cũng tranh nhau hót làm bầu trời xanh như cao hơn lên.
*
**
 Trang chặt cây le to gần bằng cổ tay dài hơn một sải, luồn cây le qua quai xô cá. Vợ Trang hỏi:
-Em đi trước hay anh đi trước?
-Giờ về lên dốc em đi trước cho đỡ nặng.
-A, anh chê tôi lùn hả?
-Đâu dám!
Hai người cùng cười. Vợ đi trước, mái tóc đen, dài quá lưng, óng ánh dưới ánh nắng chiều. Chồng đi sau, tay cầm giao, tay giữ quai xô cho không trượt về phía vợ. Họ leo dốc, trở về nhà theo lối mòn quen thuộc. Hai bên đường đi cây cao chót vót; tiếng gà rừng gáy, chim hót cứ như đang dự một buổi hòa tấu ở nhà hát lớn vậy.
Bỗng tiếng con ky sủa ầm lên phía trước, ngước mắt nhìn lên cây đa ven đường, gốc to độ hai người ôm chưa hết, cao vút. Trên cây, một bầy vọoc chắc phải gần trăm con đang nhảy loạn xì ngầu. Con đu cây lao vun vút, con nhún nhẩy nơi đầu cành, có con ngồi thu lu, cúi đầu nhìn xuống như lạ lắm. Bầy Vọoc hình dáng lạ lẫm: mặt, râu, bụng, đùi và đuôi màu trắng; còn lưng màu bạch kim; con nào cũng to lớn chắc phải trên hai chục ký, hai cái tay dài quá đầu gối. Người vợ nhắc cây le từ trên vai xuống tay quay lại nói:
-Lạ nhỉ, ta đi qua đây bao nhiêu lần sao hôm nay mới thấy con này?
-Chắc chúng mới ở nơi khác đến đây định ngủ đêm đợi mai ăn tết đấy mà.
-Em nói thật sao còn trêu?
-Anh nói không đúng sao, chúng ở nơi khác đến đấy. Bộ đội ủi rừng lấy đất, bầy này không biết đường lên núi cao nên chạy lạc về đây. Thôi để gọi ky về đừng làm phiền chúng nữa.
Trang lấy tay làm loa cất tiếng: H… ú! Tiếng hú vừa vang lên, bầy vọoc như như có phép thần, biến mất luôn sau tán lá, không còn một con nào nữa. Con ky vẫn không chịu đi, cứ ôm gốc đa, ngửa cổ lên ngọn cây sủa mãi. Nhìn lên tán cây, Trang hỏi vợ:
-Em biết bầy vọoc chạy đi đâu không?
-Em đang định hỏi anh xem chúng biến đi đâu tài thế?
-Em nhìn những túm lá đen đen trên ngọn cây đa kia kìa. Bên dưới túm lá ấy có thấy cái gì không?
-Hình như có sợi dây trắng.
-Đúng rồi, lũ vọoc nhảy lên ngọn cây, kéo lá ngồi lên trên và yên chí con người ở dưới không thấy chúng nữa; thế nhưng bọn chúng quên dấu cái đuôi dài màu trắng đang để thõng xuống đấy.
-Hay nhỉ!
Con ky, hình như cũng biết lũ vọoc trốn trên ngọn cây nên không chịu về cứ ôm cây sủa mãi. Trang phải vào tận nơi, vỗ mấy cái nhè nhẹ vào đầu ky, khen:
-Mày giỏi lắm, tao biết rồi. Về thôi!
Như hiểu được tiếng người, con ky ngoan ngoãn quay ra theo đường mòn chạy trước, trở về nhà. Cô vợ nói:
-Không ngờ con ky nhà mình cũng biết đi săn.
-Nó cũng năm tuổi rồi đó, hồi sinh con gái bác Hồng giám đốc Bệnh viện huyện tặng còn bảo: cho thêm con nữa cho đủ đôi nuôi luôn thể, vì con gái mình tuổi tuất mà.
- Nhanh nhỉ!
-Ừ!
Trang trả lời vợ, chợt nhớ đến những ngày còn ở thị trấn huyện, tết đến mấy anh em ở Phòng Lương thực, Phòng Bưu điện huyện rủ nhau chung heo, bao giờ cũng mời gia đình mình qua dự bữa cơm cuối năm và chia thịt cho mang về, dù khi ấy mình cũng chỉ là anh giáo viên quèn, được học sư phạm cấp tốc mười lăm ngày ra đi dạy. Thấm thoắt gần năm rồi, xa mọi người đi nhận công tác nơi khác, mang cả gia đình lên huyện mới thành lập. Ở nơi công tác mới, đa số con em bộ đội, cuộc sống khó khăn hơn nhưng chữ tình hình như nơi nào cũng có. Những người bộ đội nơi đây bước ra từ trong khói lửa chiến tranh, qua cầm cây cuốc làm kinh tế; về quê mạng vợ con vào xây dựng quê mới. Tuy cuộc sống còn bộn bề khó khăn, nhưng tấm lòng đôn hậu và đặc biệt quý mến các thầy cô đến dạy chữ cho con em mình thì không giảm.
*
**
-Gâu, gâu, gâu!
Tiếng con ky lại vang lên bên cạnh đường đi, vợ Trang không dừng lại, vừa đi vừa nói:
-Thôi kệ nó, sủa chán rồi theo về sau. Trời sắp tối rồi, hai anh em nó chắc đang trông lắm đấy.
-Dừng lại để anh vào xem nó thấy cái gì mà sủa dữ thế.
Từ từ đặt xô cá xuống đất, Trang bước vội lại chỗ chó sủa. Con ky thúc cả mõm vào một cái lỗ trong đống mối không lớn lắm, hình như còn gặm cái gì đó nghe sột sột. Trang ngồi xuống bên cạnh, vỗ vỗ lưng con ky để lôi nó ra, nhìn vào trong hang rồi mừng rỡ kêu lên:
-Em vào đây, nhanh lên.
-Có chuyện gì thế?
-Vào rồi biết!
Tuy bị Trang giữ, nhưng con ky vẫn không chịu ngừng, cất tiếng sủa dữ dội như muốn giằng ra, lao vào đống mối. Thấy vợ vào, Trang nói:
-Em ôm con ky giúp anh.
-Sao lại phải làm vậy?
Tuy miệng nói thế, người vợ vẫn ngồi xuống, hai tay ôm lấy con ky. Trang dùng dao đục rộng ổ mối rồi  thò tay vào bê lên một cục đen đen. Cô vợ thấy vậy, buông con ky đứng bật dậy, reo lên:
-Ô, con tê tê to quá, đưa em xem nào.
- Con ky giỏi quá.
-Phải đến năm ký anh ạ, bằng lương cả năm của vợ chồng mình rồi đấy.
-Ta về thôi em không các con đợi!
Cô vợ tay ôm con tê tê, tay vịn vào xô cá mồm thía lia với dự định khi “trúng số”. Sau tết, phải đổi luôn cái xe đạp cọc cạch, mua cái mới đi cho đỡ khổ. Trang đi trước, hơi ngạc nhiên nói với vợ:
-Sao hôm nay rừng im lặng thế nhỉ, chim không hót mà gà cũng không gáy như mọi hôm?
-À chắc muộn nên chúng đi ngủ rồi.
-Trời còn sớm mà em.
-Hay chúng thấy ta bắt được con tê tê cũng vui quá quên hót cũng nên.
Sau tán lá cây trên đầu, mấy ngôi sao sớm đã xuất hiện trên bầu trời xanh thẳm. Mặt đất hơi sẫm lại. Con ky thong thả chạy trước, cách hai người hơn chục mét, thỉnh thoảng lại nghếch mũi lên không trung ngửi gió.
*
**
-H… ừm!
Tiếng con hổ gào lên ngay trước mặt, con ky kêu lên một tiếng thảng thốt: “oẳng”, rồi ngã lăn quay ngay trên lối đi. Con hổ to như một con bò lớn từ lùm cây bên lối mòn lao vút ra, há mồm, thè lưỡi đỏ lòm; nhằm con ky lao tới. Trang theo phản xạ, cũng gào lên: “H.. uầy”, ném luôn con dao đang cầm trong tay về phía con hổ. Con hổ giật mình, vội tạt ngang qua bên đường tránh con dao rồi lủi luôn vào rừng. Con ky lồm cồm bò dậy đứng không vững, lại ngã xuống. Trang quay nhìn phía sau thì… cô vợ đã ngồi bệt xuống đất từ bao giờ, người run như lên cơn sốt. Quay lại đỡ vợ đứng lên, Trang động viên:
-Đi rừng gặp thú dữ là chuyện thường thôi mà. Có loại thú nào không sợ người.
-N …ó n… ó đ… i ch… ưa?
-Nghe tiếng anh nó chạy mất dép rồi.
Phía trước mặt, mấy người hàng xóm tay cầm súng, tay cầm đèn pin, hớt hải chạy đến, mồm hú ầm ĩ. Ông đồng hương chạy trước, thở hỗn hển hỏi:
-Có sao không?
-Dạ, không anh.
-Nghe tiếng hổ gầm sát nhà sợ có người gặp nạn nên chạy vào. May quá, không sao là tốt rồi. Chiều ba mươi tết rồi sao về muộn thế?
-Dạ, vợ chồng em đi câu cá ạ. Ô, con tê tê đâu em?
-Bắt được tê tê à?
-Dạ, nhưng chắc khi nãy nghe hổ gầm nên cô ấy bỏ tay ra, nó chạy mất rồi.
-Thôi nhặt cá rồi về kẻo các cháu ở nhà đợi. Không biết con hổ ở đâu mà lại mò về tận đây thế này không biết.
-Nó có to không?
Mấy người xúm vào nhặt hộ cá, bỏ vào xô, miệng hỏi thía lia. Trang nói:
-Nó to như con bò lớn ấy, núp ở chỗ bụi kia, bất ngờ lao ra vồ con ky, em cũng giật mình nên hét lên một tiếng rồi liệng luôn con dao vào nó. Không biết vì sợ em hay sợ con dao mà nó lũi luôn vào rừng.
-Chắc nó nhìn thấy đầu cây tre trên vai chú mày, tưởng nòng súng cô vợ đứng phía sau chuẩn bị bắn nên sợ quá bỏ chạy đấy mà.
Mọi người cười ầm lên, Trang cũng cười theo nhưng, sống lưng cảm thấy lành lạnh. Trời sập tối, chỉ còn hơn trăm mét là về đến vườn nhà, vậy mà vẫn gặp thú dữ. Vợ Trang lầm lũi đi sau, không nói câu nào.
*
**
Bên bếp lửa hồng, than củi gỗ cây kơ nia đỏ rực, Trang gác vỉ sắt lên trên than, xếp cá để nướng. Cô con gái ngồi bên phụng phịu:
-Ba không cho con nướng với à?
-Con thích con nào thì lấy đi.
-Eo ơi, con tắm rồi không cầm cá lại phải đi rửa tay, lạnh lắm.
-Con thích con nào, ba lấy cho?
-Con này ạ.
-Sao con chọn con nhỏ thế?
-Tại con nhỏ nhất nhà mà.
Không biết khi chiều câu thế nào mà con cá chỉ to bằng ngón tay, nhỏ xíu vậy cũng dính câu. Lấy que tre xiên qua miệng cá, định đặt lên vỉ nướng, con gái giật tay:
-Để con tự làm chứ.
-Ồ, ba xin lỗi, đây con cầm lấy.
-Sao vậy? Lớn bằng chừng này rồi mà không cẩn thận!
-Con xin lối má.
Tiếng vợ quát, con trai xin lỗi, hình như méo miệng thì phải. Một lúc sau con trai khệ nệ bưng thêm một rổ cá vào. Trang hỏi:
-Con làm gì mà để má quát vậy?
-Con đổ nước văng vào chân má ạ. Ba ơi tết này nhà mình không có bánh chưng à?
-Có chứ, ba gửi bên bác Tư rồi. Còn có hẳn hai cái bánh nhỏ cho hai anh em nữa đấy.
-Con cảm ơn ba!
Cậu con trai nhìn ba, khuôn mặt hình như tươi hơn hẳn lúc nãy, cô em đứng bật dậy choàng tay ôm cổ ba:
-Ba tuyệt nhất nha!
-Ôi, con để cả cá vào má ba kìa.
-Hi hi, con xin lỗi ạ. Cá chín chưa ba?
-Con gái giỏi quá, nướng cá chín rồi. Con ăn đi.
-Dạ!
Vừa thổi phù phù, con gái vừa cắn đuôi con cá nhai nhè nhẹ như mấy ông già nhắm mồi khi uống rượu, làm anh trai phì cười;
-Ba xem con gái ăn cả đuôi cá kìa.
-Em nướng, em phải ăn hết chứ. Ngon lắm.
-Hai anh em thích con nào cứ ăn thoải mái nhé.
Nghe ba bảo, hai anh em cùng cười. Xa xa tiếng pháo nhà ai đó vừa đốt nổ đì đoàng. Đêm ba mươi tết đầm ấm cuối cùng của tổ uyên ương nhỏ bé cách đây đã tròn ba mươi năm. Do biến đổi của cuộc sống, sau tết ấy mọi thứ chỉ còn nằm trong kỷ niệm. Thời gian, thời gian cứ lẳng lặng trôi, những cánh rừng huyền bí Tây Nguyên giờ đây chỉ còn trong ký ức giống như chiều ba mươi tết năm ấy - 1987.

Mùa đông năm 2017

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI