SEN 66
Đã mấy mươi năm chưa trở lại
Sen hồ Thanh Thủy vẫn như xưa?
Ta nhớ mùi hương nơi cố xứ
Thơm hồn em gái nắng hè trưa.
Tiến Thảo
LỜI BÌNH:
Năm 2015, nhà thơ Tiến Thảo xuất bản một tập thơ đầy ấn tượng: 100 bài thơ Sen. Từ một loài hoa bình dị nơi chốn hồ đầm mà tác giả để cảm xúc của mình kết tụ, đong đầy thành một trường cảm xúc quả là điều không dễ. Đọc toàn bộ thi tập, điều người đọc dễ nhận thấy, quanh loài hoa tuyệt đẹp và thanh khiết này là một thiên diễm tình lãng mạn, đắm say. Có lúc, tình yêu ấy tan hòa trong sắc hương của hoa sen thơm ngát, có lúc nhà thơ lại mượn chính sắc hương của cánh sen để gợi nhớ về một mối son tình bất tử. Với tôi, bài thơ Sen 66 là sự kết hợp hài hòa giữa đời và mộng, tình yêu cố xứ và tình cảm lứa đôi bằng nỗi niềm tha thiết của thi nhân.
Phần lớn trong 100 bài thơ sen là thơ tứ tuyệt, được tác giả biến thành nhiều thể khác nhau: Lục bát, bảy chữ, 5 chữ... Bài thơ Sen 66 thuộc thể thất ngôn tứ tuyệt mang dáng dấp thơ ca cổ điển Trung Quốc và Việt Nam, có điều nó được mở ra rất tự nhiên, nhẹ nhàng chứ không cố tình gò ép về câu chữ. Chính sự tự nhiên ấy đã giúp cho tác giả có được cảm xúc chân thành, giao hòa giữa tình yêu quê hương tha thiết và tình cảm lứa đôi. Hoa sen nhờ đó đã trở thành tâm thức đi về, lưu luyến không nguôi trong tâm hồn nhà thơ Tiến Thảo.
Đọc Sen 66, điều dễ nhận ra là khả năng lập tứ rất nhuần nhuyễn của tác giả. Thông qua một không gian cụ thể giữa đời thường thức gọi trong hồi ức bằng một câu hỏi tu từ, nhà thơ đã bộc lộ cảm xúc hướng về cố xứ xa xăm. Vừa trần thuật, vừa gợi hỏi, nhà thơ Tiến Thảo đã trữ tình hóa một cách thành công tâm sự của mình:
Đã mấy mươi năm chưa trở lại
Sen hồ Thanh Thủy vẫn như xưa?
"Mấy mươi năm" là khoảng thời gian quá dài so với một đời người. Ở đây tác giả không cụ thể là bao lâu, nhưng chừng ấy thời gian mà chưa trở lại không gian xưa cũ nơi chốn quê nhà quả là đau đáu lắm. Hướng về cố xứ mờ xa, trong tâm thức của mình, nhà thơ chạnh lòng nhớ thương về loài hoa sen thanh khiết. Không nói nhớ, nhưng qua câu hỏi tu từ "Sen hồ Thanh Thủy vẫn như xưa?", người đọc đủ cảm nhận được một nỗi nhớ trào dâng mãnh liệt. Cái biến dịch của cuộc sống đời thường từ bãi bể hóa nương dâu, "Tây Hồ cảnh đẹp hóa gò hoang" (Độc Tiểu Thanh ký - Nguyễn Du) là nỗi lo sợ và đau khổ muôn đời của văn nhân, thi sĩ. Với nhà thà thơ Tiến Thảo, một người am hiểu đạo Phật, tôi nghĩ sự hoài nghi kia là cội nguồn trong tâm thức, là nỗi suy tư ám ảnh không nguôi. Sen hồ Thanh Thủy là một không gian có thật ở Huế, nơi đây có rất nhiều hoa sen mọc trên mặt hồ, nhưng đồng thời cũng là một không gian tượng trưng cho cái đẹp sinh tồn và nuôi dưỡng tình yêu tuổi trẻ, niềm khát khao về vẻ đẹp thanh khiết, cao vời của con người. Ý thơ phảng phất hồn thơ xưa nhưng vẫn đằm sâu cá tính, thể hiện tình yêu mãnh liệt hướng về nguồn cội sinh thành.
Từ tình ý hai câu thơ mở đầu, như một lẽ tự nhiên, liền mạch trong cảm xúc, nhà thơ Tiến Thảo đã trực tiếp bộc lộ tâm tình qua nỗi nhớ về người em gái thuở nào gắn với không gian làng sen Thanh Thủy:
Ta nhớ mùi hương nơi cố xứ
Thơm hồn em gái nắng hè trưa.
Hóa ra cái sự hỏi ở hai câu thơ đầu chỉ là cái cớ để viện dẫn cho nỗi nhớ đong đầy, da diết ở hai câu kết bài. Mùi hương sen nơi hồ Thanh Thủy vẫn lưu luyến suốt mấy mươi năm xa cách, chưa hề phôi phai trong tâm trí của kẻ tha hương. Mùi hương ấy đã hóa thành nỗi nhớ thơm hương, linh diệu trong tâm hồn kẻ tình si khát khao chờ đợi. Tôi nghĩ trong hai câu cuối bài, câu thơ thứ ba chỉ là câu đệm, là nhịp cầu để đưa người đọc về chạm ngõ hồn ở câu thơ kết. Một cái kết lắng đọng, vỡ òa bao nhiêu tâm tư, cảm xúc nén dồn trong tâm cảm thi nhân. Mùi hương của hoa sen nơi hồ Thanh Thủy hay đó là hương cố nhân - hương của điệu hồn trắng trong, thanh khiết; hương của tình yêu say đắm, nồng nàn; hương của sự vô tư, dịu dàng, yêu dấu? Tôi nghĩ là tất cả những lan tỏa trên đã kết đọng lại thành tâm tình để nhà thơ hạ xuống một câu thơ cuối bài rất đời mà cũng rất lãng mạn trong tình yêu:"Thơm hồn em gái nắng hè trưa". Vâng, hương sen chính là vẻ đẹp tâm hồn em ấp iu vạn thuở, lưu dấu mãi mùi hương cũ bên lòng như một bài thơ khác của nhà thơ Tiến Thảo trong tập thơ này: "Quanh quẩn bên hồ tìm bóng nhạn / Bóng nhạn về đâu bóng nhạn ơi / "Sen xa hồ sen khô hồ cạn" / Bâng khuâng hương cũ ủ bên trời" (Sen 4).
Tập 100 bài thơ sen đã được tôi đọc rất nhiều lần, bài thơ nào cũng có cảm xúc và cái hay riêng của nó. Chọn bài Sen 66 để cảm nhận đôi điều đến với tôi một cách tự nhiên, vì thực lòng ban đầu tôi chưa để ý đến. Nhẹ nhàng trong cấu tứ, mộc mạc trong từ ngữ, nhưng thi phẩm đã nói được nỗi niềm chung của cả tập thơ mà tác giả gởi gắm với người đọc. Đó là điệu hồn hướng về quê cũ mênh mang trong ngập tràn hương sen thanh khiết; lãng mạn và nhân bản hơn, tình yêu ấy đã hòa cùng tiếng lòng của thi nhân suốt đời mình thao thức nỗi nhớ cố nhân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI