Xe đến địa phận thị trấn huyện Đắk Lấp, tỉnh Đắk Nông bỗng nhiên “ho” lên mấy tiếng rồi chết máy. Xe mượn của Hội Văn Nghệ tỉnh nhà, mọi lần xe chở anh em hội viên đi êm ru, chu du khắp mọi miền Tổ Quốc, từ cột cờ Lũng Cú trên cao nguyên Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đến tận mũi Cà Mau có bao giờ trở chứng thế này đâu, vậy mà... Cũng còn may, xe chọn đúng cửa một gara ô tô để chết máy. Vào gọi thợ thì… đi vắng, phải đợi chừng ba mươi phút chủ nhà mới về. Khi về, ông thợ cả bước lên kabin đề thử rồi phán:
-Xe đứt dây cu roa rồi.
-Dây này dùng lâu rồi, đứt cũng phải – Lái xe nói như thanh minh.
-Không phải tự nhiên nó đứt đâu, chắc máy có vấn đề rồi, phải mở ra kiểm tra xem thử.
Mất thêm gần một giờ hì hục tháo máy, mua phụ tùng về thử, hai ông thợ kết luận: phải nhờ xe về thành phố Buôn Ma Thuột mua phụ tùng thay thế mới đi được. Thế là mười người trên xe đi bộ khoảng một ki lô mét tìm quán cà phê nhâm nhi giết thời gian.
Trưa, lại đi thêm gần một ki lô mét nửa mới tới quán để ăn tạm cho qua bữa rồi quay lại quán cà phê uống tiếp. Đến mười sáu giờ, phụ tùng vẫn chưa có, lái xe nhăn nhó báo: phải đợi thêm chút nữa. Thấy tình hình có vẽ không ổn, hai cán bộ của đoàn thuộc biên chế Báo Dak Lak và Đài tỉnh xin được đón xe quay về, vì lý do… sức khỏe. Thế là đoàn còn lại tám người.
Mặt trời khuất núi mới có xe đưa phụ tùng đến thay thế, hì hục thêm gần một giờ nữa mới xong. Màn đêm buông xuống, xe lắp ráp hoàn chỉnh, nổ máy, tiếp tục cuộc hành trình. Mất gần trọn một ngày vạ vật, xe chạy chưa được 150 km. Nửa đêm dừng chân tại thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước; ai nấy đều mệt, tranh thủ nghỉ để mai dậy sớm đi bù thời gian hỏng xe.
Sáng ngày thứ hai, trưởng đoàn quyết định đi đường tắt qua tỉnh Long An, Đồng Tháp về thành phố Hà Tiên cho gần. Đường xấu vì nhiều đoạn đang tu sửa, lái xe không biết đường nên vừa đi vừa hỏi, mãi hơn 16 giờ mới tới địa phận tỉnh Kiên Giang. Lỡ đặt vé đi tàu chuyến cuối cùng trong ngày ra đảo vào lúc 16 giờ 30 nên tài xế lại phải tăng tốc cho kịp.
16 giờ 55 xe lao xuống bến thấy phà vẫn còn đón khách, mừng quá. Cô Nguyễn Thị Vi cán bộ của Văn phòng Hội vội mở cửa xe chạy lại cửa mua vé, rồi hớt hãi quay lại thông báo:
-Xuống nhầm bến rồi, tàu ta đặt vé còn phải đi vào trong nữa.
-Nhưng đến trễ gần ba mươi phút rồi, quay qua đó sao kịp nữa? Thôi, điện qua xin lỗi người ta rồi mua vé ở đây đi cho kịp chuyến cuối cùng không phải đợi mai mới có tàu đi đấy.
Chủ tịch Y Tuynh góp ý, cô Vi cùng Cô Bình thủ quỹ cơ quan Hội bước vội lại quầy bán vé. Mấy anh bảo vệ cảng nhanh nhẩu dục lái xe đưa xe xuống phà trước. Mặt trời sắp đi ngủ mọi người cũng lên được phà. Đứng trên lan can phà, ai cũng mệt nhưng trên môi nở nụ cười rất tươi khi thấy biển xanh xô sóng ập vào thân phà tung bọt trắng xóa và cảng Bình Yên, thành phố Hà Tiên lùi dần phía sau.
Hành trình gần ba tiếng, đảo Phú Quốc hiện lên xa xa với những dàn đèn cao áp sáng lung linh như ngầm giới thiệu với mọi người một vùng đất đang trở mình trỗi dậy. Phà cập bến, mọi người lên ô tô tiến vào đảo. Mới có ba năm không đến, giờ đây đường giao thông đã khác xưa quá nhiều, xe bon bon trên đường một chiều, lao nhanh về trung tâm đảo, nơi đoàn đã dặt phòng nghỉ qua đêm. Nhìn con đường trên đảo ban đêm từ cảng vào thị trấn Dương Đông, thấy giống đoạn đường từ sân bay vào thành phố Buôn Ma Thuột – con đường được đánh giá đẹp nhất thành phố thủ phủ Tây Nguyên.
Sau hai đêm một ngày trọn vẹn thăm đảo Phú Quốc, sáng ngày 27 đoàn rời đảo trở vào đất liền, thẳng tiến đến thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Gần 12 giờ đoàn mới đến Hội Nhà báo tỉnh Kiên Giang. Ông Chủ tịch Hội vẫn ngồi bên bàn làm việc đợi đoàn. Thấy anh em Đắk Lắk đến, ông cười tươi hết cỡ, bước nhanh ra ôm chầm lấy nhà báo Y Tuynh Kmăn. Đôi bạn ngày xưa cùng học với nhau một thời xuân trẻ, nay tóc ai cũng đã đổi màu. Thời gian không chừa ai, cứ vùn vụt trôi đi để đến bây giờ họ gặp lại nhau trên cương vị mới, tiếp tục gánh trọng trách Đảng và Nhà nước giao phó.
Đôi bạn gặp nhau có bao nhiêu điều tâm sự riêng tư, nhưng vẫn không quên công việc chính: quản lý Hội. Hai ông chủ tịch Hội tâm đắc về những công việc của Hội bạn mình làm được, những cái mới, cái hay cần học hỏi như: hàng năm tổ chức bồi dưỡng chuyên đề nâng cao nghiệp vụ cho từng thể loại báo chí, từng chuyên ngành, tổ chức học tập các nghị quyết của Đảng, Quy định của Hội để nâng cao nhận thức của hội viên. Gặp mặt, giao lưu chỉ một buổi trưa thôi, nhưng các anh chị trong Ban chấp hành Hội Nhà báo tỉnh Kiên Giang để lại ấn tượng vô cùng tốt đẹp đối với đoàn Đắk Lắk.
Vì lịch trình đã sắp xếp nên buổi chiều đoàn xin phép chia tay, hành quân tiếp đến tỉnh Bến Tre. Qua sông, qua phà mãi gần 21 giờ đêm đoàn Hội Nhà báo tỉnh Đắk Lắk mới tới nhà khách Tỉnh ủy Bến Tre. Chủ tịch rồi cả Phó chủ tịch, Chánh văn phòng Hội Nhà báo tỉnh Bến Tre đã đứng đợi ngay cửa, tay bắt mặt mừng, xuýt xoa vì thấy đoàn đi vất vả quá. Thấy các bạn đồng nghiệp ở Hội Nhà báo Bến Tre chuẩn bị đón đoàn chu đáo, làm cái mệt mỏi sau quãng đường xa cũng được vơi đi.
Sáng hôm sau, nhà báo Trần Cao Tư – Chủ tịch Hội mời đoàn đến thăm trụ sở Hội Nhà báo tỉnh Bến Tre; ngôi nhà cấp bốn tọa lạc ngay ngã tư, gần hoa viên – một địa thế rất đẹp. Các anh chị ở Hội Nhà báo tỉnh rất tự hào về quê hương có những danh nhân văn hóa kiệt xuất, tướng lĩnh nổi tiếng trong công cuộc đấu tranh giải phóng đất nước cũng như bảo vệ Tổ quốc.
Một trong những vị tướng kiệt xuất của xứ dừa Bến Tre là bà Nguyễn Thị Định – người được nhân dân gọi với cái tên trìu mến: chị Ba Định. Nguyễn Thị Định, người con gái miệt vườn đã lãnh đạo đội quân tóc dài làm nên kỳ tích đồng khởi, thổi bay đồn bốt địch, làm khiếp đảm kẻ thù, chấn động năm châu thời chống Mĩ. Hôm nay đứng trước khu nhà lưu niệm của nữ tướng, ai cũng thấy bồi hồi xúc động. Xúc động bởi những chiến công to lớn mà bà đã lập được, làm kẻ thù hùng mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ phải gánh chịu thất bại thảm hại và còn xúc động hơn khi biết cuộc sống giản dị, ấp áp tình người của một vị tướng lừng danh.
Rời khu nhà lưu niệm bà Nguyễn Thị Định, đoàn đến thăm lăng cụ Nguyễn Đình Chiểu – nhà thơ mù đã có những tác phẩm văn học kiệt xuất và những câu thơ bất hủ như: “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”, được các nhà báo tỉnh Bến Tre nhắc đến như một châm ngôn cho người làm báo hôm nay.
Buổi trưa gặp mặt - tọa đàm các, anh chị bên Hội Nhà Báo tỉnh còn mời nhà văn Kim Ba – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bến Tre qua giao lưu trao đổi kinh nghiệm công tác Hội với đoàn Đăk Lắk. Lãnh đạo ba hội có nhiều ý kiến trao đổi về công tác quản lý hội viên và những sáng kiến trong công tác hội nhằm không ngừng nâng cao sức chiến đấu của nhà báo đi đôi với việc rèn luyện phẩm chất đạo đức của người làm báo.
Chiều ngày 28, đoàn tiếp tục hành trình đến thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Các anh chị lãnh đạo Hội Nhà Báo tỉnh Tiền Giang hồ hởi đón đoàn, tay bắt mặt mừng, như những người anh em lâu ngày gặp lại. Công tác trao đổi của hai đoàn xoay quanh công tác quản lý Hội và cách thức tổ chức giao ban báo chí hàng tháng. Kinh nghiệm của lãnh đạo hai Hội Nhà Báo cùng sẻ chia và bàn biện pháp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng trong các buổi giao ban báo chí hằng tháng.
Thời gian có hạn, một tuần làm việc vụt trôi qua, trưa ngày 29 tháng 10, đoàn công tác của Hội Nhà báo tỉnh Đắk Lắk chia tay đồng nghiệp Tiền Giang, tạm biệt thành phố Mỹ Tho trở về Đắk Lắk. Một chuyến đi không dài nhưng để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng bạn bè những nơi đi qua và cũng thu được những bài học bổ ích trong công tác quản lý hội viên, biên pháp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ đến việc phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Sở Thông tin –Truyền thông tỉnh, tổ chức giao ban báo chí định kỳ hàng tháng thiết thực, bổ ích.
Cuối đông năm 2017
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI