Từ tập thơ Hoa trong cỏ,
đến Thầm thức cùng tiếng chim,
và cuối năm 2017, ra mắt thi phẩm Đủng đỉnh trăng về (Nhà Xuất bản Hội Nhà văn), từng
bước hiển lộ trong sân chơi thơ, rạng rỡ hơn, của nhà giáo - nhà thơ Trần Phố.
Đủng đỉnh trăng về được sáng tác trong giai đoạn “chín”,
tác giả đứng ở vị trí sau một vòng hoa giáp để nhìn mọi sự vật, hiện tượng, ngẫm
những được mất, vui, buồn, đến, đi... và từng ngày trôi qua, từng người thân
quen để lại dấu ấn khó phai trong 62 bài thơ được chắt chiu, tinh lọc từ tâm hồn
thi sĩ có cái nhìn thiện cảm với đời. Toàn bộ tập thơ là một chỉnh thể thống nhất,
kết cấu tuyến tính, kiệm lời, ngôn ngữ chắt lọc, hình ảnh tài hoa, là những tâm
sự, trăn trở, suy tư, chiêm nghiệm về những điều trông thấy. Có vẻ dễ nhận ra hơn
cả là “cái thật”, “cái thẳng” được ưu tiên xuyên suốt, như là tình yêu thương bàng
bạc, ẩn hiện trong hầu hết các trang thơ.
Dạy con, răn con, dự báo những gì con sẽ gặp trên đường đời, khuyên con tự
vượt qua khó khăn, không lệ thuộc ai, không dựa dẫm người khác: “Chân mạnh
bước, tâm không sợ hãi/ Luôn vui tươi, không ích kỷ, đê hèn/ Không bạn bầu, đồng
lõa với đêm đen/ Hạnh phúc đến từ trái tim khối óc/ Con tự làm nên hạnh phúc của
mình.” (Nói với con về hạnh phúc).
Tình cảm thiêng liêng nhất thường hướng về cha mẹ, biết vậy, nhưng khi con ở
xa nhà thì khó lòng hàng ngày lo cho song thân chu toàn, ngẫm vậy, tác giả đau đáu
lệ rơi: “Thân phận trớ trêu, lưu lạc xứ người/ Con chẳng giúp được gì
cha mẹ/ Nương tựa vào đâu khi tuổi xế/ Cha mẹ về trời... con mãi lệ rơi” (Lệ con mãi rơi). Giọng điệu buồn, bộc
bạch trắng, lòng thành, vỡ ra từng con chữ ơn sâu.
Khi bạn “nhậm chức” là vui vẻ, giao lưu say mệt, nhưng ngược lại, Trần Phố
không đồng lõa với “niềm vui bảng tên”, “niềm vui phong trào”, mà có dịp để ngẫm
suy, rồi gửi đến bạn một thông điệp, đúng hơn là một khát vọng, một ước mơ tầm
vóc chính trị gia: “Chặn sông, sông sẽ thét gào/ Thân dân diệu kế thâm
cao/ Đức trị thẳm trong pháp trị/ Một vùng vui tựa Thuấn, Nghiêu!” (Tặng bạn ngày nhậm chức).
Dường như, câu hỏi “Gởi tráng sĩ” nghe nao nao, chạnh lòng: “Ngày
Biển Đông dậy sóng/ Tráng sĩ nói câu gì?” (Gửi tráng sĩ). Ô hay, người đàn ông cường tráng và có ý chí mạnh mẽ,
hay tất cả chúng ta phải lo lắng và nói câu gì? Kết thúc bài thơ “Gởi tráng sĩ”
khá bất ngờ, bằng một dấu hỏi không lời đáp, có vẻ vô lý nhưng sòng phẳng quá
chừng.
Nói với tuổi trẻ thật thú vị, nhưng biết nói gì đây khi cuộc cách mạng 4.0
như một cơn lốc xoáy, khi hàng ngày có nhiều việc phải làm, vậy nên, tác giả đã
chọn cách của người thầy để tâm tình, thủ thỉ: “Đừng vào cổng thấp/ Dễ
còng lưng vỡ trán/ Mê chi danh hão, mộng hờ/ Cúi luồn hèn hạ/ Chẳng làm kẻ yếu
mềm, vâng dạ/ Làm con chim vỗ cánh vút trời xanh!” (Nói với tuổi trẻ thời hội nhập). Chỉ có
đôi cánh tri thức mới bay cao, bay xa, mới vượt qua cái tầm thường để đến với cái
phi thường.
Đâu chỉ có thực tại, mà ngay trong giấc mơ, Trần Phố vẫn thể hiện tình yêu
thương trọn vẹn với cuộc đời này. Dù ở phương trời, góc bể nào, quê hương vẫn là
hình bóng không quên, hình bóng đáng trân trọng, tự hào: Trong giấc mơ tha hương
tôi mơ về Quảng Ngãi/ Thương đóa hồng chớm nở vội rời xa/ Mùi hoa
thơm thơm suốt buổi trăng tà/ Mùi hoa ấy cứ mãi còn ray rứt (Mơ về Quảng Ngãi).
Hay khi nói về miền quê mới, nơi nhà thơ sống và dạy học từ nhiều năm, cũng
với một tình cảm trong sáng, muôn quý ngàn yêu: “Quê tôi yên vui dòng
Krông Pắc xanh tươi/ Soi bóng mùa Xuân trong trẻo tiếng cười/ Bao nhiêu chàng
trai da ngăm màu nắng/ Và bao cô gái nhịp gùi đong đưa/ Quê tôi yên vui một vùng
nắng gió/ Bạt ngàn cà phê chín đỏ/ Bơ bút, sầu riêng, hồ tiêu, ca cao.../ Ngan
ngát thơm lừng bốn biển, năm châu” (Krông Pắc quê tôi).
Hình như Trần Phố ngộ rằng, mùa xuân là mùa yêu thương, mùa của vạn vật muôn
hoa, sắc hương tràn, và đất trời khoác lên một gương mặt mới: “Đâu phải hoa vàng
xuân mới đến/ Môi mắt em cười đã thấy xuân.” (Thấy xuân)
Hình ảnh đẹp, rất đẹp, nhưng đôi khi bâng khuâng, lắng đọng giữa mùa xuân đến:
“Nắng đã thơm vàng lối cỏ xanh/ Suối xuân trải áo lụa long lanh/ Chờ
em đã tím màu hoa đỏ Sương trắng rơi đầy trên tóc anh.” (Đợi)
Khao khát hướng tới mùa xuân huyền diệu của đất trời, và lòng người rạo rực,
khiến nhà thơ đôi khi tự tin, thong thả, trải lòng: “Giấc xuân vừa đẫy chiều
chênh nắng/ Đủng đỉnh trăng về quét lá chơi” (Ngoài sáu mươi)
Ngoài sáu mươi, nhưng Trần Phố dường như trẻ lại: “Ta còn em một trời xuân
sắc” (Đà Lạt và em);
“Đêm bốc lửa hay là em bốc lửa/ Mà buôn làng hối hả nhịp xuân...” (Nhịp xuân).
Độc đáo, ấn tượng là tiếng guốc như tiếng xuân, tiếng lòng, tiếng réo gọi,
tiếng của hồi ức xa xưa hiện về, hay đâu đó vọng lại làm nhà thơ bổi hổi: “Từ
em cách biển, xa trời/ Bóng chim tăm cá bời bời lặng trôi/ Guốc xưa
im tiếng lâu rồi/ Bỗng dưng lại gõ bồi hồi đâu đây.” (Guốc xưa).
Nhà thơ đi tìm, tìm hoài mà chẳng biết em ở phương nao: “Đành hỏi vầng
trăng bên trời sông Vệ/ Dòng sông cười... con sóng cũng nôn nao!” (Gọi thầm tên em). Và rồi sau đó: “Thăm
thẳm đường xa, thăm thẳm tối/ Tôi lạc thân tôi giữa mịt mùng...” (Tìm trăng).
Tình yêu là thế, không có tuổi, lúc nào cũng xuân đang tới, nhưng với mình,
đôi khi: “Bỗng muốn về với khu vườn tĩnh lặng/ Tôi chọn phần thua thiệt
để mà vui” (Có một ngày).
Đó cũng là lúc tác giả “nhìn lại” và thanh thản hơn: “Mây gió vô tình
trôi đỏng đảnh/ Ta chạm vô thường chạm sắc không”. Khi tác giả đã “tri thiên
mệnh”, thơ phảng phất tư tưởng ở ẩn, tránh những bon chen, cơm áo, gạo tiền: “Trả
hết phù du cho biển rộng/ Chơi cùng chim cá, bạn cùng cây” (Lộc trời). Tuy vậy, vẫn vui và tự hát: “Con
chim hạ cánh trong vườn trúc/ Nằm giữa giao mùa tự hát chơi.” (Tự hát).
Đọc Đủng đỉnh trăng về,
ta yêu thêm cuộc sống, tin tưởng vào cuộc đời, tận hưởng những khoảnh khắc sang
xuân của đất, trời giao hòa, nhân ái. Tập thơ tái hiện được những trải nghiệm của
tác giả qua những cảm xúc trữ tình, những cấu tứ ẩn dụ, những câu thơ nặng lòng
muốn cho cuộc đời nhân văn hơn. Nhiều gam màu về xã hội đương đại, đôi khi chỉ
vài nét chấm phá, đủ cho thấy tác giả đã nặng lòng với cuộc đời này, dù có một
ngày tuổi già bắt phải buông bỏ “cái đời thường” để hòa vào thiên nhiên, vui thú
điền viên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI