Thứ Tư, 14 tháng 2, 2018

NHÀ VĂN NGUYỄN ANH ĐÀO - CHƯ YANG SIN SỐ XUÂN MẬU TUẤT - THÁNG 1&2 NĂM 2018

CHÂN DUNG HỘI VIÊN

Tên thật: Nguyễn Thị Anh Đào
Sinh ngày: 16. 09. 1981
Hiện sinh sống tại: 31B Nguyễn Trung Trực, Thị xã Buôn Hồ, Tỉnh Daklak
Tác phẩm đã xuất bản:
Ngày em làm người lớn – 2007 (NXB Kim Đồng)
Chỉ cần em biết khóc – 2012 (Tủ sách 8x – NXB Văn hóa Văn nghệ)
Tiếng Đàn Khuyết – 2015 (Công ty Limbooks- NXB Lao Động)
Đom đóm lập lòe – 2016 (NXB Văn Học)
Giếng Hoang – 2016 (NXB Hà Nội)
Thà cứ một mình rồi quen – 2017 (Công ty Saigonbooks – NXB Văn hóa Văn nghệ)
Các giải thưởng:
Giải thưởng truyện ngắn Yume 2011
Giải thưởng Văn học nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk các năm 2014, 2015, 2016, 2017
Giải khuyến khích giải Chư Yang Sin lần 2 – 2015
Giải khuyến khích – Giải thưởng Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam 2016.



XUÂN MUỘN
Truyện ngắn


- Tui yêu chị!
Cô hất mái tóc đầy những sợi bạc nhìn thằng con trai mới hơn ba mươi tuổi, hét lên một câu như xé toạc trái tim cô. Một người đàn bà với đứa con gái hơn mười tuổi đầu có gì để một người đứa con trai yêu? Cô nhìn lại mình, thật sự, cô chẳng có gì ngoài sức cùng lực kiệt, bươn chải đến tróc cả những chiếc móng tay để kiếm tiền nuôi con. Cô nhướn mày nhìn đứa con trai ba mươi mà mình đã yêu thương nó như một đứa em nhỏ, nói giả lảng như mình chẳng hiểu vào câu nó nói:
- Mày thử ghét chị mày đi, chị cho mày biết tay!
Nó bước tới nhìn cô bằng cái nhìn mà đến giờ cô vẫn không tả được, nửa yêu thương, nửa giận dữ, có cả sự căm hờn hay trách móc... nó nắm hai vai cô bằng đôi bàn tay thanh niên rắn chắc:
- Làm vợ em đi, em yêu chị, chị hãy làm vợ em đi!
Giây phút đó trong trái tim đàn bà đã qua bốn mươi của cô gần như vỡ òa, những sợi dây buộc chặt lòng mình trong suốt bao nhiêu năm, bỗng mục ruỗng và bung ra từng mối. Cô dùng hết sức và sự tỉnh táo còn lại của mình cố gỡ đôi bàn tay ấy ra khỏi vai mình:
- Thạnh à, không được đâu! Đã bao nhiêu lần rồi, tôi nói là không được đâu!
- Tại sao?
- Cậu phải hiểu là chị hơn cậu rất nhiều tuổi, mà điều đó là không thể!
Thạnh, tên người con trai ba mươi tuổi, nắm chặt hai bàn tay mình thành nắm đấm, quay lưng, rồi đá mạnh vào chiếc xô rỗng cô dùng xách nước từ hồ chứa chung. Tiếng chiếc xô lăn long lóc kêu loảng xoảng, Thạnh rớt lại câu nói
- Tui sẽ làm chị yêu tui!
Thạnh rời đi rồi, cô vẫn chưa thôi đau đớn, có phải cô không yêu Thạnh đâu, một đứa con trai ba mươi, từ năm năm trước đã từ chối các cô gái cùng tuổi xinh đẹp chỉ để quan tâm mỗi mình cô và bé Nấm, dùng cả tuổi thanh xuân của mình để bên cạnh cô, mà đáng ra, phải ở cạnh những lựa chọn tốt hơn. Lòng cô có phải sắt đá đâu, đau đớn lắm. Nhưng cô buộc phải từ chối Thạnh, để Thạnh trở về nơi mà Thạnh xứng đáng thuộc về.
Gần tết rồi, dãy nhà trọ người ta thu dọn quần áo về quê, hồ chứa nước chung bắt đầu vắng người chiều chiều về tụ tập tắm giặt. Cô và Nấm, bao lâu rồi không về nơi mà cô gọi là quê nhỉ. Từ ngày Nấm tượng hình trong bụng, cô đã rời ngôi làng đó ra đi, sống lắt lay từ nơi này sang nơi khác, khi tới dãy trọ này, thì có lẽ cô ổn định hơn và đã ở lại đây lâu hơn, mọi người đã sống trong sự đùm bọc lẫn nhau, hoặc ít ra là không hại nhau. Ngày đầu tiên Thạnh dọn đến, Thạnh ở một mình cách phòng cô và Nấm một căn. Thạnh cũng làm công nhân ở trong khu công nghiệp gần đây như cô. Mỗi ngày, cô gặp Thạnh cũng như nhiều người khác ở bể nước chung của dãy trọ. Nhưng thay vì để tán tỉnh hay trêu ghẹo các cô gái trẻ khác, ánh mắt của Thạnh cứ dõi theo cô và bé Nấm.
Lãnh lương và thưởng tết, cô dắt Nấm ra chợ, sắm nó vài bộ quần áo mới, trẻ con mà, cứ sắm đồ mới là mắt tươi rói, cô nghe trái tim mình dịu lại mấy phần, cứ nghĩ, ừ chỉ cần con cười là đủ rồi. Đi qua quầy quần áo nam, bé Nấm níu tay cô lại, chỉ lên chiếc áo treo trên quầy
- Mẹ, áo này chú Thạnh mặc đẹp lắm nè!
Cô tần ngần vài giây rồi kéo tay con bé đi qua, nhưng Nấm không chịu, giằng lại
- Mẹ, mua cho chú Thạnh đi, lần nào con có đồ mới, chú Thạnh cũng có mà!
- Đồ chú Thạnh, để chú Thạnh mua!
- Không! Chú ấy chỉ mua cho con và mẹ thôi, mẹ phải mua cho chú ấy, tết chú mới có đồ mặc chớ!
Con bé thuyết phục được cô, nó nói đúng, tết nào Thạnh cũng sắm đồ cho Nấm và cô, những bộ quần áo Thạnh mặc ngoài đồng phục của xưởng làm đều do cô và Nấm đã chọn cho Thạnh trong những ngày đi chợ tết. Mà, phải chi Thạnh cứ ngoan và yên lành bên cô và Nấm như một cậu em trai, rồi Thạnh có bạn gái, Thạnh có vợ đi có phải tốt hơn không? Sao Thạnh lại yêu cô?
Ngang qua hàng khô, những bó lá chuối, lá dong đặt nằm gọn ghẽ trên quầy, cô nắm chặt tay bé Nấm
- Con muốn gói bánh không?
Mắt bé Nấm sáng lên, đúng là trẻ con, cô thầm cười như thế, nhưng trong lòng thì nghĩ về Thạnh, chắc đêm giao thừa, Thạnh sẽ về ngồi bên bếp lửa nấu bánh cùng mẹ con cô, chắc chắn Thạnh sẽ về, mọi lần, Thạnh cũng tự ái bỏ đi, nhưng rồi Thạnh cũng về đó thôi.
Hai mẹ con ngâm nếp, ngâm đậu rồi ướp thịt ở ngay sân của khu nhà trọ, người ta về nghỉ tết hết rồi, năm nào cũng vậy, tới giờ này thì khu nhà trọ chỉ còn hai mẹ con cô và Thạnh. Năm nào cô cũng hỏi sao Thạnh không về quê, Thạnh chỉ cười cười bảo ở Sài Gòn ăn tết với bé Nấm. Rồi chở Nấm và cô đi đường hoa Nguyễn Huệ, đi vòng vòng khắp Sài Gòn. Mà ngày tết, Sài Gòn lặng lẽ, vắng ngắt như quê.
Cô đổ nước vào nồi, hun củi lên, miệng luôn kêu Nấm
- Con lấy thêm củi cho mẹ đi!
Cô lặp đi lặp lại mấy lần thì Nấm nổi quạu
- Mẹ kỳ quá, một đống chà bá rồi mà mẹ còn thấy thiếu hả?
Cô giật mình nhìn đống củi to đùng mà bé Nấm ôm lại, nhìn mồ hôi nhễ nhại trên trán con, chợt hối hận
- Mẹ xin lỗi, nãy giờ mẹ không nhìn?
- Chớ mẹ nhìn cái gì?
Cô đâu thể nói cho nó biết là cô nhìn ra đầu ngõ, muốn nhìn xuyên qua con hẻm nhỏ, muốn lắng tiếng bước chân ai đó trở về. Cô bối rối nhìn con, lắc đầu
- Mẹ, con nhớ chú Thạnh, sao chú hổng ăn tết với mình hả mẹ?
Trời sụp tối, nồi bánh đã bắt đầu sôi, đêm nay là giao thừa, còn mấy tiếng nữa thành phố sẽ nổ pháo hoa, từ khu nhà trọ này cũng nhìn thấy được pháo hoa rực sáng cả bầu trời, Nấm buồn xo đẩy củi vào bếp, cô ngồi bên cạnh, muốn kể cho nó nghe chuyện ngày xưa mẹ cũng từng ngồi nấu bánh với ngoại, từng có những giây phút đầm ấm bên gia đình, nhưng chạnh lòng, lại thôi.
- Mẹ, mẹ làm gì cho chú Thạnh giận vậy mẹ?
- Mẹ... mẹ... đâu có...
- Ai nói chú Thạnh nhỏ mọn vậy hả? Chú Thạnh mà biết giận sao, hả?
Bé Nấm mừng rỡ hét lên
- A, chú Thạnh về!
Nó buông thanh củi, nhảy bổ ôm chầm lấy cổ Thạnh. Cô sửng lại mấy giây, vì Thạnh không về một mình, đàng sau Thạnh là hai người đàn bà, một người đã từng rất thương yêu cô:
- Xuân à!
Cô sụp xuống, khóc nấc
- Má ơi! Con xin lỗi má, má ơi...
- Tổ cha mầy! Lỗi với phải! ...
Hai mẹ con ôm lấy nhau, mười năm rồi cô không gặp, mười năm cô bỏ đi biệt xứ để những nếp nhăn trên da của má tăng thành cấp số nhân theo nỗi nhớ.
Đêm giao thừa đó, ngồi quanh nồi bánh tét, má của Thạnh cầm tay cô nói:
- Lỡ giao thừa này nữa thôi, năm sau thì tết cùng nhau về quê ăn tết với má, về còn thắp hương cho ông bà tổ tiên, về lau dọn cái bàn cái cửa, sửa cây bông cây hoa, hổng lẽ bây đi hết đời được sao?
Cô nhìn Thạnh, mấy ngày qua không phải Thạnh giận, mà Thạnh đã về tận quê đưa má cô và má anh lên Sài Gòn, tình yêu lớn của Thạnh, cô còn lý do gì để từ chối nữa hay không?
Bé Nấm chạy lại bu vô cổ Thạnh hỏi
- Chú mà làm chồng của mẹ con, vậy con kêu chú bằng ba, đúng hông?
Thạnh ngỡ ngàng nhìn mọi người, ai cũng gật đầu, Thạnh gật đầu với Nấm
- Tất nhiên rồi! Từ nay ta là ba của con!
Nấm mừng rỡ hét lên
- Con có ba rồi, con có ba rồi!!!
Thạnh nhìn Hạnh bằng ánh mắt ấm áp
- Chị đừng có suy nghĩ nữa...
Thạnh chưa kịp nói hết câu thì bị ngay một que củi vô lưng:
- Cái thằng này, vợ mày mà mày kêu bằng chị hả?
Cả nhà cười rộn lên. Trong mắt cô từ khoảnh khắc ấy là mùa xuân rộn ràng, là tình yêu được cho đi, được đáp trả mà không cần đè nén trong lòng mình nữa. Thanh xuân không phải ở số tuổi mình có, mà thanh xuân ở trong trái tim còn biết đập rộn ràng thương yêu.
















NGUYỄN ANH ĐÀO



HOA TIÊN TRÊN ĐỈNH NÚI
Truyện ngắn


Mụ quảy cái gùi lên lưng, ra khỏi nhà từ khi trời chưa kịp sáng, từ lúc ngoài đường thưa thớt vài người đi chợ sớm. Mụ trùm kín mặt, ừ, thì cũng có những phút giây nào đó trong đời, mụ từng ước ao có thể nhoẻn miệng cười với thiên hạ ngoài kia một lần, muốn tay bắt mặt mừng với những người mà mụ quen biết. Nhưng lâu rồi, mụ thấy mình chẳng còn là một con người nữa, từ cái ngày tô canh đang nóng hôi hổi hắt lên một bên mặt của mụ, kèm theo những lời chì chiết, chỉ vì mụ lỡ nêm muối hơi mặn. Nên thôi, tốt nhất mụ cứ bịt kín mặt mình, che đi những vết sẹo chằng chịt đó, những vết sẹo khiến mụ trở thành “con quỷ” ngay trong nhà mình.
Vách đá cheo leo, bàn chân mụ cứ bám từng viên đá mà đi, những loại cây mọc bám vào đá thường bám rất cứng, phải dùng liềm được giắt sẵn trên gùi mà cắt chúng xuống. Khi chiếc liềm cắm phập vào đá, phát ra những tiếng lanh canh như tiếng những đồng xu hiếm hoi trong tay nải mụ mang về nhà mỗi chiều. Mụ mệt, thở hồng hộc giữa cheo leo núi cũng chẳng át nổi tiếng thở và rên rỉ trên chiếc nệm duy nhất trong nhà mụ trước gian thờ.
Đêm, chiếc đèn hột vịt leo lét, đỏ au in bóng người trên vách, căn nhà vắng tanh, chỉ nghe tiếng ồn ào náo nhiệt từ xung quanh. Thành phố mà, giữa thành phố tưởng như giàu nhất kia, cũng có một căn nhà ổ chuột nghèo tới mức chẳng có tiền mà mắc điện, ngọn đèn dầu cứ leo lét cháy. Rồi mụ nghĩ, cần gì phải điện, đời mụ, có ai cần nhìn thấy đâu, cứ thà sống trong bóng tối phút nào hay phút ấy. Chiếc rèm bằng vải thun nhàu nhĩ úa vàng kéo ngang chắn giữa bếp và gian thờ cũng chẳng đủ dày để che hẳn ánh sáng đi, thỉnh thoảng hắn, về còn bực dọc hét lên “cái nhà gì mà lúc nào cũng đầy bóng quỷ ám!”. Lúc đó, mụ rúc sâu hơn trong tấm rèm chắn, đến thở cũng không dám.
Trong bóng tối, mụ nghe tiếng rúc rích cười, tiếng thở và cả những lời nói của giống loài nào đó mà mụ không biết. Chỉ biết nó đang phát ra trên chiếc nệm duy nhất trong nhà, nơi mà ngày xưa, lâu lắm rồi, mụ cũng được ngủ trên đó vài lần, giờ nó cũng nhăn nhúm, nhàu nhĩ, bị cháy sém mấy lỗ vì hắn thỉnh thoảng làm rơi tàn thuốc. Khi những tiếng ồn ào bên ngoài chấm dứt, thì chiếc màn được vén lên, một bàn tay chìa vào, mụ lần tay trong tay nải, lấy hết những đồng bạc còm cõi trong ngày, bỏ lên bàn tay đó. Chiếc màn được buông xuống. Không ít lần mụ nghe bên ngoài có tiếng chửi thề:
- Có từng này tiền mà cũng đòi chơi đĩ!!!
Nhưng mụ chẳng mong nghe những tiếng chửi thề đó, bởi sau đó, mụ bị lôi ra giữa nhà, hắn nắm lấy tóc hay túm lấy cổ áo của mụ mà gầm gừ:
- Tiền đâu, sao mày đưa tao có từng đó?
Mụ lắc đầu, những cái lắc đầu liên tục cho tới khi hắn ném cái tay nải của mụ xuống đất, nhẹ tênh, hắn mới chịu tin rằng mụ chẳng còn tiền nữa. Rồi hắn tức tối bỏ đi ra ngoài. Mụ trở về tấm ván cũ kê bên trong chiếc rèm phủ đầy bóng tối, cong người rồi ngủ giấc chập chờn đợi sáng. Tự nhủ, mai, sẽ đi xa hơn, trèo lên những mõm đá cao hơn, thuốc quý thường ở những chỗ khó tìm.
Ngày mưa cũng như ngày nắng, mụ ra đường từ khi mặt trời còn chưa ló rạng, trở về nhà khi trời sụp tối sau khi mang những thứ hái được đến tiệm của một lương y trong phố, ngày nào ông cũng cười chào mụ bằng cái giọng nhẹ nhàng và ấm áp nhất mà hình như đã từng nghe trong tuổi thơ ngắn ngủi có đầy đủ mẹ cha của mụ. Rồi ông đưa cho mụ những đồng bạc, mụ cuốn tròn bỏ vào tay nải cột ngang lưng quần. Ngày nào trở về nhà cũng thấy lòng ấm áp hẳn lên, hình như ngày xưa, cha mụ, cũng từng là người như thế. Nhưng rồi, sau một lần lên núi hái thuốc, cha vĩnh viễn không trở về.
Trong những giấc mơ chập chờn của đứa con gái mồ côi, nó nhìn thấy bàn tay cha chấp chới từ chóp núi, bàn tay nở ra những bông hoa trắng, hương thơm ngào ngạt. Giấc mơ cứ lặp đi lặp lại trong suốt những tháng ngày đớn đau. Đã có lúc thấy chùng chân, thấy sợ hãi, rồi mình cũng nằm lọt thỏm đâu đó giữa những cây rừng giăng mắc, những mõm đá hay những vực sâu như cha. Nhưng chân mụ vẫn cứ vào rừng, bởi mụ nghĩ đến hương thơm của những bông hoa trong giấc mơ đó, mụ biết có bàn tay sẽ nâng mụ bay lên, có hương thơm phả vào người sẽ khiến mụ trở thành cô gái xinh đẹp như bao cô gái ngoài phố kia, mụ chẳng còn bịt mặt khi ra đường, mụ không còn đen đúa già nua ở cái tuổi người ta vẫn bảo là tuổi đương xuân, trên mặt mụ sẽ không còn những vết sẹo, dấu tích của sự tàn ác nhẫn tâm. Vậy nên vì giấc mơ đó mà mụ vẫn miệt mài lên rừng mỗi sáng, chỉ để tìm một bông hoa trắng.
Khi người ta tìm được lý do chính đáng cho việc mình làm, họ sẽ làm mà chẳng còn nghĩ ngợi gì, bởi mụ, đúng ra thì mụ cần cực khổ để làm gì, cần gì ngày nào cũng phải trèo leo mà tìm những cái cây, những cái rễ... mà chính mụ còn không rõ hết tác dụng của nó, đổi những đồng tiền còm cõi đó về cho hắn.
Hắn – người đàn ông từng chờ đợi mụ ở chân núi suốt mấy tháng trời, từng hứa hẹn suốt bao nhiêu điều ở tương lai, đến nỗi hắn khiến mụ tin hắn một cách khờ khạo khi mọi người xung quanh cản ngăn, bảo rằng hắn không là người tốt đâu. Ừ thì hắn xấu thôi, cái hình dáng bên ngoài không nói được bản chất bên trong, mụ không chịu tin ai hết, mụ tin vào trái tim mười tám tuổi đang đầy nhựa sống của mụ, mụ tin bằng niềm tin của đứa con gái mồ côi, thèm một bờ vai nương tựa. Rồi chưa đầy một năm sau, hắn biến mụ thành một đứa không mang hình dáng con người. Có lúc, mụ nghĩ hay mình chết đi cho rồi, nhưng mụ không có can đảm, mụ hèn lắm, bởi hèn nên mụ phải sống dưới sự khinh rẻ của người từng đầu ấp tay gối với mụ.
Nhưng muốn sống yên, mỗi ngày mụ phải đem tiền về, rồi nằm trong chiếc rèm nghe tiếng hì hụi bên ngoài của hắn với những mụ đàn bà thơm nức những mùi nước hoa có thể mua đầy ngoài sạp, thậm chí có ngày đầy mùi dầu xanh. Nhưng những bông hoa trắng nó quan trọng với mụ lắm, nó níu mụ sống lại với thế gian này, nó tạo cho mụ những hi vọng vào mỗi sớm mai, và nó làm mụ chờ đợi vào những đêm nằm cong cong trên tấm ván ọp ẹp sau bức rèm cũ.
Đêm, khi về mệt mỏi đặt mình nằm xuống, mụ lại mơ, cái giấc mơ với bông hoa trắng nở ra từ bàn tay của cha, nở cheo leo trên một vách đá, và di chuyển từ vách đá sang vách đá khác, không nơi bám víu. Mụ mang cái gùi trên lưng như thường ngày vẫn mang, cố bám vào những gì có thể bám trên đường đi mà rượt đuổi theo bàn tay của cha, theo những bông hoa trắng đang tỏa hương ngào ngạt, thanh khiết. Nhưng trên đường mụ đi theo bông hoa trắng, mùi hương bị cắt ngang bởi một mùi hương khác, nó thơm, nhưng nó tầm thường và rẻ tiền. Mụ bật cười, cả đời chẳng biết gì đến một bông hoa, vậy mà phân biệt được mùi hương rẻ tiền hay sang trọng. Nhưng rồi mụ cũng tự suy diễn được, là dù có bất cứ mùi hương nào cũng không thể bằng cái mùi hương được nở ra từ bàn tay của cha, đang đưa về cho mụ một dấu hiệu bình an nào đó. Vì cái mùi hương đáng ghét đó mà mụ khựng lại, rồi mụ nghe tiếng la hét sau lưng, nó khiến mụ giật mình và choàng tỉnh. Giờ thì mụ mới biết mình đang mơ, và mụ đã ngủ quên, ngủ trước cả cái giờ hắn dắt gái về nhà, ân ái dưới cái đèn dầu tù mù leo lét đỏ.
Tự dưng hôm nay mụ thấy giận, mụ muốn đập phá la hét hay chứng tỏ với hắn rằng mụ đang nổi điên, điều mà suốt gần chục năm qua, mụ chưa hề làm. Mụ ngồi dậy, ừ, sao chúng dám cản đường mụ, mụ đã chạm gần đến bông hoa trắng rồi kia mà. Mụ mò dưới kệ bếp có cây nến đỏ, bật diêm và đốt lên, mụ vén rèm rồi thẳng lưng mà bước ra. Tiếng động bên ngoài im bặt, rồi mụ nghe tiếng thét, cái bóng trắng muốt ôm quần áo vụt chạy dưới ánh đèn đỏ tù mù, chỉ còn hắn, người đàn ông mà ai ngoài kia cũng gọi là chồng của mụ, đang đứng đó, lia đôi mắt giận dữ về phía mụ, cái giận dữ vì mụ dám làm lỡ cuộc vui. Mụ chẳng thấy sợ, chính họ cũng vừa làm lỡ cuộc vui của mụ, chạm vào bông hoa trắng đó nó thanh cao thánh thiện hơn cái việc mà họ đang làm chứ. Mụ bước thẳng ra giữa nhà, chạm chân lên tấm nệm, nhưng mụ vội rụt lại vì thấy chân mình nhơm nhớp, mụ nhỏ vài giọt nến xuống bàn, rồi lay hoay cắm cây nến đang cháy lên đó. Mụ nghe tiếng nghiến răng và tiếng gió phật ngang và “bốp”. Tiếp là tiếng nghiến răng “con quỷ cái, sao mày dám...”.
Mụ đưa bàn tay mình lên xoa một bên má, mụ với lấy chiếc đèn dầu trên bàn, đổ ngược xuống nệm rồi nhếch môi cười, nói “quỷ cái bị đánh cũng biết đau mà!”. Hắn sững lại, mười năm, hay hai mươi năm, hay bao nhiêu hắn không nhớ được, rằng mụ chưa bao giờ dám nói lại một câu nào với hắn, đừng nói là thái độ khinh khỉnh coi hắn chẳng ra gì vừa rồi, hắn toan đưa tay tát mụ một cái nữa, nhưng mụ lại cười, hắn nghe rờn rợn, hắn chùng lại, hắn thối lui. Mụ ném cây nến trên bàn xuống, cái nệm bùng cháy, mùi dầu, mùi cao su khét lẹt.
Hắn ho sặc sụa, vơ vội cái quần dài chạy ra ngõ, hét lớn “con quỷ cái nó đốt nhà rồi!”, làm nhốn nháo những người hàng xóm quanh đó, mọi người ùn ùn mang nước lại cứu lửa. Mụ ngồi không cảm xúc. Ngoài kia, tiếng còi hụ của xe cứu hỏa tìm đường vô nhà, chắc có ai đó vì quá sợ hãi lửa cháy lan sang nhà họ nên đã gọi. Người ta đã lôi mụ ra khỏi đám lửa, với một gương mặt không kịp đeo khẩu trang, đầy những vết sẹo, đầy những nếp nhăn chồng chéo gớm ghiếc. 
Mụ quay lưng khỏi ngôi nhà của mình, đúng hơn là chỗ mụ đã nằm còng queo mà ngủ suốt nhiều năm trời. Lợi dụng khi đám đông còn hỗn loạn bàn tán nhau, mụ rời ra dần những âm thanh kinh khiếp đó. Mụ thấy cuộc đời mình dần được sang trang, dần như thấy được ánh sáng. Ngoài kia, có nhiều ánh đèn điện xanh đỏ chớp tắt, đâu chỉ có những tảng đá to hay những dãy núi sừng sững, nơi mụ sống có cả bãi biển xanh đến ngút tầm mắt, đẹp đến nao lòng vậy mà sao cả cuộc đời mụ chưa nhìn thấy?
Mụ ngước nhìn lên mỏm đá cao, bỏ lại tiếng sóng biển rì rào sau lưng, mụ nghe mùi hương của bông hoa trắng, mụ nhìn thấy nụ cười của cha, mụ nhìn cái tay cha đang vẫy, trên mõm đá cao nhất, nơi mụ chưa bao giờ leo đến. Thế là chẳng suy nghĩ gì hết, bước chân mụ lại đi, đi bằng quán tính như suốt bao nhiêu năm qua mụ đã vào rừng, mụ đã leo đá, mụ đã vượt qua những ngọn núi mấp mô kia tìm những loài cây mang về cho lương y trong phố.
Hôm nay, trên lưng mụ không có gùi, không có chiếc liềm quen thuộc, trên mặt không có khẩu trang, mụ nhìn xuống người mình, ừ, tự dưng thiếu một số thứ cần thiết, thấy mình bỗng trống trải như không mặc cả quần áo. Mụ bước vào con đường mòn quen thuộc, trời vẫn còn tối mịt mù, mụ không biết mấy giờ nữa thì trời sẽ sáng, mụ chẳng quan tâm, hôm nay mụ không đi hái thuốc, mụ đi đến bông hoa trắng, nơi bàn tay của cha đang vẫy, mụ nghe luôn cả giọng nói của cha “con gái, đến đây, nắm được bông hoa này, con sẽ được xinh đẹp, được yêu thương...”. Đúng là giọng của cha rồi, dẫu cái ký ức nhỏ nhoi còn sót lại, mụ cũng nhận ra được giọng nói ấm áp yêu thương đó, chỉ có cha mới biết được cái ước mơ từ ngày thơ bé là mụ muốn trở thành tiên nữ, chỉ có cha mới biết trái tim của mụ cũng đập những nhịp yêu thương và muốn nhận được yêu thương. Và cũng chỉ có cha, dẫu đã lìa trần thế này đi lâu lắm rồi, cha vẫn cứ ở quanh mụ, vẫn cố gắng để thực hiện ước mơ cho đứa con gái vốn bị thần linh ruồng rẫy bỏ quên. Mụ men theo con đường mòn quen thuộc để bắt đầu, trời tối quá, mụ dò dẫm từng bước chân và hi vọng không dẫm phải con rắn nào đang khoanh tròn đâu đó dưới chân. Mụ hít thở thật sâu, hít căng cả mùi đất trời cỏ cây vào lồng ngực, tim đập nhanh vì hồi hộp, vì sợ, những cái sợ mơ hồ không thành hình dạng.
Bao lâu nữa thì trời sáng, mụ không biết, mụ chưa nhìn thấy dấu hiệu nào của ánh sáng mặt trời, mụ vẫn bước đi trong đêm tối. Có tiếng cười nhẹ nhàng âu yếm phía trước mặt, có tiếng hú hét khinh bỉ sau lưng. Mụ bỏ chạy, bàn chân vấp phải rễ cây, vấp gai tóe máu. Hề gì, chạy một đoạn thì mụ nghe hai bàn chân mình đau, nóng lên như có lửa. Nó bỗng bừng sáng lên, bước chân mụ soi đường đi, cả khu rừng như sáng bừng dậy, những con thú đang ngủ ngon bỗng sợ hãi chạy sâu về phía bóng tối. Mụ thấy mình bước đi như nữ thần, cơ thể nhẹ nhàng thanh thoát. Nhưng mùi hương của bông hoa trắng vẫn còn phía trước, mụ nhìn thấy nó rồi, chỉ còn cách mụ năm bảy bước chân nữa, mà sao lạ quá, dù bàn chân mụ giờ như hai ngọn đuốc, nhưng nó không dẫm lên mặt đất cứng, không dẫm những dây gai hay rễ cây nữa, nó nằm trong khoảng không, rừng vẫn còn nằm hai bên, lá cây vẫn xung quanh mụ, chỉ có bông hoa trắng là trước mặt rồi, chỉ hai bước chân nữa, mụ sẽ chạm vào nó được.
Mụ hồi hộp, sờ tay lên ngực mình, cố bấu vào thật đau, để nhắc nhở quả tim đừng đập nhanh quá. Một bước, hẫng! Mụ thấy mình rơi! Thôi rồi, không được, mọi thứ đang là ảo giác, và mụ đang rơi thật, như vậy là mụ sẽ chết dưới chân núi đá thật rồi, mụ bỗng thấy sợ hãi. Bàn tay từ bông hoa trắng chìa ra, nối dài xuống nắm lấy bàn tay mụ, rồi kéo lên. Bàn tay ấy kéo lên tới nơi mụ vừa còn đứng vững khi nãy, từ trong bông hoa ngào ngạt đó, là lời động viên “con gái, bước lên, chỉ chính con bước lên hái được bông hoa đó, con mới được nhận phép màu”. Mụ lại bấu lấy ngực mình lần nữa, mụ phải hít thở để cho cơ thể mình thật cân bằng, khi giữ được trạng thái cân bằng, mụ sẽ không rơi, mụ tin thế. Nhưng trong lòng mụ vẫn lo, mụ hỏi lại “con rơi nữa thì sao?”, giọng nói khi nãy lại cất lên, ấm áp “có ta rồi!”, từ đằng sau bông hoa, bàn tay vẫy vẫy gọi mời. Mụ không còn sợ, tim đập nhẹ hơn, mụ bước lên, một bước, may quá, không hẫng, hai bước, vẫn bình an, bàn tay vẫn vẫy, bông hoa trắng sáng bừng lên, mụ bước thêm bước nữa, bước nữa, bước nữa... Mụ đưa tay chạm vào bông hoa, chạm vào bàn tay đang vẫy, mụ thấy mình bay lên, nhẹ bẫng.
Những bông hoa bung ra, biến thành hàng ngàn bông hoa trắng, kết thành tấm thảm trắng tinh đưa mụ bay lên, mụ nhìn xuống chân mình, thôi rồi, mụ chẳng còn là “con quỷ cái” mà suốt mấy chục năm nay mụ được nghe người khác nói vào tai mình, bàn chân trắng muốt, gót chân hồng hào. Mụ soi mặt mình vào giọt sương còn đọng trên một cánh hoa, đâu rồi những vết thẹo chi chít, trên đó, chỉ có một cô gái tuổi đôi mươi đẹp như tiên nữ.
Mụ thành tiên nữ rồi! Tiên nữ đang bay, đang bay về phía tiếng gọi ngọt ngào, “con gái, con thấy hạnh phúc không?”, tiên nữ gật đầu, cùng thảm hoa trắng muốt bay về phía ánh sáng và hương thơm. Tiên nữ nhìn xuống chân núi, dáng hình một “con quỷ cái” đang nằm ngủ, gối đầu lên tảng đá bị phủ một lớp máu tươi.
Đắk Lắk 7.2016













Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI