Thứ Hai, 26 tháng 2, 2018

HỒI HƯƠNG NGẪU THƯ – TIẾNG LÒNG ĐẦY TÂM TRẠNG - lời bình của PHẠM MINH TRỊ - CHƯ YANG SIN SỐ XUÂN MẬU TUẤT - THÁNG 1&2 NĂM 2018



Thiếu tiểu li gia, lão đại hồi,
Hương âm vô cải, mấn mao tồi.
Nhi đồng tương kiến, bất tương thức,
Tiếu vấn: Khách tòng hà xứ lai?
                                         (Hạ Tri Chương)

Hạ Tri Chương (659-744) sống vào giữa thời Sơ Đường và gần hết thời Thịnh Đường. Thời kì mà có rất nhiều nhà thơ lớn xuất hiện như: Vương Bột, Thẩm Tống, Đỗ Thẩm Ngôn, Lỗ Chiêu Lâm (Sơ Đường); Vương Xương Linh, Cao Thích, Sầm Tham, Vương Duy, Mạnh Hạo Nhiên, Lý Bạch, Đỗ Phủ…(Thịnh Đường). Ông đỗ tiến sĩ năm 695, quê ở Vĩnh Hưng, Việt Châu nay là Tiêu Sơn, Chiết Giang, là một trong những người làm quan lâu năm nhất ở kinh đô Trường An (hơn 50 năm), rất được vua Đường Minh Tông vị nể. Hạ Tri Chương lớn hơn Lý Bạch tới 42 tuổi nhưng chơi rất thân với nhau. Hạ Tri Chương viết không nhiều song được người đời nhớ mãi, đặc biệt đối với 2 bài Hồi hương ngẫu thư.
Bài tứ tuyệt Hồi hương ngẫu thư (được đưa vào chương trình Ngữ văn lớp 7) là bài thứ nhất trong hai bài. Đây là bài thơ trữ tình sâu thẳm song lại được triển khai, biểu hiện bằng rất nhiều yếu tố tự sự. Có thể nói cái vỏ của bài thơ tứ tuyệt này là phương thức tự sự còn hồn cốt, ẩn sâu là trữ tình.
Câu mở đầu (khai) rất tự nhiên: Thiếu tiểu li gia, lão đại hồi – Rời nhà từ lúc còn trẻ, già rồi mới quay về. Với biện pháp đối: trẻ – già; rời nhà – quay về. Một câu có bảy chữ được ngắt làm đôi, đối sánh cân chỉnh về từ loại, nội dung biểu đạt và cả thanh điệu nữa. Nhịp 4/3 như cái đòn gánh hai đầu. Một đầu là thời trẻ, tóc còn xanh;  một đầu là thời đã già, tóc đã pha sương. Chỉ bảy chữ mà khái quát được cả hơn 80 năm, bao trùm thời gian cả một cuộc đời. Câu thơ kể như nấc lên xúc động. Khi xúc động lời kể có bao giờ trơn tru, nên giọng thơ dường như nghẹn lại ở giữa dòng (nhịp 4/3). Câu tự sự nêu một nhận xét, một đánh giá. Chính cách viết này tạo ra hiệu ứng trong cảm xúc người đọc. Và bắt người đọc phải đọc câu thơ tiếp theo (thừa): Hương âm vô cải, mấn mao tồi – Giọng quê không đổi, nhưng tóc mai đã rụng. Biện pháp so sánh đối lập ở câu thừa độc đáo hơn ở câu khai. So sánh giữa cái vô hình (hương âm) với cái hữu hình (mấn mao), giữa cái bất biến (vô cải) với cái dịch biến (tồi); giữa cái khó nắm bắt (giọng quê) với cái cụ thể (tóc). Rõ ràng cái vô hình bao giờ cũng vĩnh cửu, còn cái cụ thể – vật chất luôn thay đổi. Đó là quy luật của tự nhiên, sự sống. Dù xa quê hơn nửa thế kỉ, trải qua biết bao biến động, sống trong một hoàn cảnh hơn hẳn ở quê nhà thế mà giọng quê vẫn ngấm đậm sâu, bền chắc trong mạch máu, hơi thở. Đó phải chăng là nét đẹp nhất, tinh túy nhất của cội nguồn văn hoá ở mỗi vùng quê đã làm nên nét đặc trưng ở mỗi vùng, ở mỗi con người. Nét đặc trưng ấy không thể phai quên, mờ nhòa dù xa cách. Sự xa cách chỉ là sự xa cách về không gian còn trong tâm tưởng luôn hiện hữu, đau đáu trong lòng người xa quê. Có lẽ điều đó là cội nguồn của sức mạnh, là gốc rễ làm nên vẻ đẹp truyền thống văn hóa. Điều này thể hiện rất rõ trong giọng quê không đổi. Ở đây đâu chỉ đơn thuần là âm thanh của giọng nói mà nó là gốc rễ, nét đặc trưng nếu biến đổi sẽ không còn là người con của quê hương nữa. Người xưa quả thật sâu sắc lạ thường. Câu thơ  bảy chữ mà có tới năm chữ  thanh bằng (hương, âm, vô, mao, tồi). Đọc lên nghe rất nhẹ và lan toả mà sao tình nặng sâu quá đỗi. Cái tình của người từng trải, hiểu đời, hiểu người.
Làm quan nơi kinh kỳ quá lâu, khi cáo quan về quê mong gặp lại người quen thân thiết thủa trẻ trai song người ở quê không nhận ra. Lớp người xưa như ta đã bồng bềnh cùng sương khói hay li tán chưa kịp về. Giờ chỉ còn lớp trẻ. Ta không nhận ra, trẻ không nhận ra, cả hai đều lạ. Lạ lẫm trên chính mảnh đất quê hương mình. Hỏi sao không một phút buồn lòng. Dẫu biết rằng, con người từng trải hiểu rất rõ sự biến dịch đổi thay là lẽ tự nhiên, đã biết trước nhưng không thể không xúc động trước cảnh ngộ quen thân – lạ lẫm này. Gốc gác của ta ở đây, là chủ, là con, là máu thịt của đất quê. Vậy mà nay lại là khách mà là khách ở xa tới hỏi sao không bồi hồi: Nhi đồng tương kiến, bất tương thức/ Tiếu vấn: Khách tòng  hà xứ lai? – Trẻ con gặp mặt không quen biết/ Cười hỏi khách ở nơi nào đến? Câu thơ có âm thanh tiếng cười, có sự hồn nhiên ngây thơ của trẻ nhỏ song vẫn không khoả lấp được phút trầm tư của người già lâu ngày về quê. Vì thế không thể nào trả lời được câu hỏi của trẻ. Cũng phút giây ấy trong một lần Trở lại An Nhơn,  Chế Lan Viên viết:
 Trở lại An Nhơn tuổi lớn rồi
 Bạn chơi ngày nhỏ chẳng còn ai
 Nền nhà nay dựng cơ quan mới
 Chẳng lẽ thăm quê lại hỏi người.
Hoá ra, xưa và nay cái tình quê có khác là bao, có khác chăng là cái thời điểm.
Có ý kiến cho rằng: Bài thơ không vui cũng không buồn (Nguyễn Xuân Nam - Đến với thơ Đường). Theo tôi, bài thơ đầy tâm trạng, xúc động đến độ thẳm sâu đáy lòng  mới có hình hài bài thơ tưởng ngẫu nhiên mà thực ra là chủ định.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI