Hồi ức
Tết xưa - đúng như câu ông bà ta hay nói: “ Vui như Tết”.
Với lũ trẻ con trong làng thì Tết không những vui, mà còn đồng nghĩa với việc được
nghỉ học, không phải làm bài tập về nhà; và đặc biệt là được bố mẹ cho mặc quần
áo mới, được tiền mừng tuổi ( không nhiều, chỉ là đồng một xu, hai xu…). Nhưng điều
thú vị trên hết là chúng được tụ tập, hò hét thỏa thích mà không sợ bị người lớn
la rầy như ngày thường…
Trước Tết mấy ngày không khí nhộn nhịp đã bao trùm từ đầu
làng đến cuối thôn; từ xóm trên xuống giềng dưới, tấp nập, vui tươi, náo nức đến
khó tả. Đầu tiên là tiếng lợn kêu eng éc, tiếng người ồn ào vui vẻ dưới các bờ
ao. Sau đó thì hơi từ nồi nước luộc lòng lợn, thủ lợn bay lên thơm nhức mũi. Lũ
trẻ con thập thò ngó xem người lớn làm thịt lợn. Một thằng bạo dạn xin chiếc
bong bóng lợn rồi đem ra trộn với tro bếp, dùng chân dày, đảo cho mỏng, lấy ống
rạ thổi hơi vào thành quả bóng độc đáo. Sau đó cả lũ năm, bảy đứa vừa chạy đuổi
theo bóng vừa hò hét ỏm tỏi. Bên mảnh sân nhỏ cạnh giếng khơi, các bà các cô người
rửa lá dong, người ngâm gạo, vo đỗ để gói bánh chưng… chuyện cứ rì rầm như tính
cách phụ nữ từ xưa vốn vậy… Đặc biệt, trong nồi bánh luộc thể nào cũng có mấy
chiếc Bánh Rùa nho nhỏ xinh xinh cho bọn trẻ con xách toong teng, để dành chơi
Tết...
Ở đầu làng, trên chiếc bảng thông tin (là mảnh tường gạch
rộng cỡ chiếc bảng đen bây giờ; ngày xưa làng nào, thôn nào cũng có) đã xuất hiện
mấy câu khẩu hiệu, như: “Vui Xuân mới không quên nhiệm vụ”, “Đảng Lao động Việt
Nam muôn năm”, “Quyết tâm cấy xong trước tết” (cấy đây là cấy lúa vụ xuân)… Chữ
viết có chỗ thật đẹp; có chỗ nguệch ngoạc, nhưng đọc lên đều thấy khí thế hừng
hực. Dọc các ngả đường làng là những cây nêu bằng thân tre, đầu trên bện búp rơm
hình mũi giáo, vàng ươm dưới mưa phùn nhè nhẹ. Các bà các cô đi chợ về, đầu đòn
gánh uốn cong, mềm mại nhịp theo nhịp bước. Trong hai chiếc thúng được đậy bằng
hai cái buồm cói, ngoài mấy chồng bánh đa, chục bó miến để ăn Tết… thể nào cũng
có mấy đẵn mía hoặc chiếc bánh tráng nướng, dăm chiếc bánh Khoái (có nơi còn gọi
là bánh Xèo); và đặc biệt có một thứ không thể thiếu là những con tò he nhuộm
phẩm xanh đỏ… cho bọn trẻ con. Bọn trẻ đợi mẹ về đúng như câu: “Ngóng như ngóng
mẹ về chợ”. Chỉ thoáng nghe tiếng đòn gánh kẽo kẹt đầu ngõ là chúng đã chạy ào
ra đón. Mẹ chúng đặt gánh xuống, chia quà, rồi phẩy nón vừa quạt cho mình, vừa
phẩy cho bọn trẻ đang vừa nhồm nhoàm nhai, vừa tíu tít kể những chuyện xảy ra từ
sáng đến giờ, lúc mẹ chúng vắng mặt…
Trong mỗi nhà, trên các bức tường, vách đất bỗng sáng bừng
bởi những cặp câu đối đỏ, bên trên là ảnh Cụ Hồ. Nhà nào sang hơn thì có tờ cuốn
thư trưng giữa hai câu đối. Nội dung câu đối cũng kiểu như các câu khẩu hiệu trên
chiếc bảng thông tin đầu làng, nhưng kéo cho dài hơn, có vần có điệu. Dưới bếp đã
lách cách tiếng dao thớt băm, chặt, tiếng giã giò lốp đốp. Hấp dẫn nhất là tiếng
mỡ rán kêu lụp bụp, miếng mỡ đang từ trắng trở thành quắt lại, vàng hươm. Tóp mỡ
ấy mà ăn với cơm nóng chan mắm thì tuyệt vời. Bọn trẻ hau háu ngồi nhìn bố mẹ
chúng làm, lòng tràn trề hy vọng sẽ được bố cho miếng gan lợn luộc đang thái,
hoặc mẹ cho thìa tóp mỡ còn nóng ấm… để rồi cắn dè từng miếng, như thể cố kéo dài
cái hương vị một năm chỉ được hưởng một lần vậy…
Tết xưa, ngoài bánh chưng, không thể thiếu tiếng pháo. Tiếng
pháo là đặc sản của Tết Việt; là một trong sáu mảnh hồn Tết: “Thịt mỡ, dưa hành,
câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”. Trước Tết cả tuần đã nghe tiếng
pháo nổ đì đẹt của bọn trẻ đốt. Pháo đốt ngày xưa là loại “pháo tép”, nghĩa là
chiếc pháo chỉ lớn cỡ chiếc ruột bút bi, ngắn chừng 2 đốt ngón tay trẻ con; khi
đốt chỉ kêu một tiếng “đẹt”, ít nguy hiểm. Có lẽ vì vậy mà trong văn chương ngày
xưa khi tả tiếng pháo nổ thường dùng chữ “tiếng pháo đì đẹt” hoặc “tiếng pháo nổ
lẹt đẹt” khác hẳn với kiểu pháo sau này. Pháo chủ yếu do bọn trẻ đốt lẻ từng
chiếc, hiếm có nhà đốt cả phong. Chính vì vậy, suốt mấy ngày Tết, trong sân, đầu
ngõ, ngoài vườn… ở đâu có trẻ con là ở đấy luôn vang tiếng đì đẹt vui tai, làm
cho không khí tết luôn náo động…
Tết đến, một niềm vui nữa với bọn trẻ là được bám gấu áo ông
bà, cha mẹ đi chúc Tết họ hàng, đi chơi xuân trên sân đình hoặc xem trò đu quay
ngoài bãi sông. Ông, bà áo dài khăn đóng bước thơ thới trên đường quê; cháu diện
quần áo mới lũn cũn chạy đằng sau trong làn mưa bụi bay giăng giăng. Bốn bề là
mùa xuân tươi mới: trên ngọn tre làng, dưới mương nước lặng; trong dảnh lúa mềm,
ngoài ghềnh núi biếc; phô hồng trên má những cô gái đang yêu…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI