Thứ Năm, 5 tháng 4, 2018

CHUYỆN “NÓN BÀI THƠ VÀ HƯƠNG ĐẤT CAO NGUYÊN” Bút ký của NGÔ MINH - CHƯ YANG SIN SỐ: 307 - THÁNG 3 NĂM 2018




                                                   


Đợt đi sáng tác cuối năm 2017 tại Buôn Ma Thuột, tôi được nhà thơ Võ Quê rủ đi thăm xã Phú Xuân của người Huế ở huyện Krông Năng, Đắk Lắk. Mặc dù đang bị gút, đi nhắc, nhưng đi Phú Xuân là tôi theo liền. Vì 40 năm trước, dù chưa đến Đăk Lăk, Tây Nguyên bao giờ, tôi đã có kỷ niệm khó quên về vùng đất này.
Đó là những ngày đầu xuân 1977, hai năm sau ngày thống nhất đất nước, diễn ra cuộc tiễn đưa đoàn xe chở 700 thanh niên xung kích TP. Huế rời Đại Nội đi lên vùng đất mới Tây Nguyên. Tôi đứng lẫn trong hàng ngàn người dân bên đường Hà Nội tiễn biệt đoàn quân xung kích. Nhiều người khóc, nhiều người chấm nước mắt. Cuộc tiễn biệt đó đã gây chấn động trong tôi niềm xúc cảm lớn lao. Xúc cảm trước những người đi mở đất. Huế đã từng chứng kiến những đoàn dân binh thời Chúa Nguyễn theo tướng Nguyễn Hữu Cảnh đi mở cõi phương Nam. Đêm đó tôi về không ngủ được, trằn trọc và vùng dậy thức tới sáng làm được bài thơ “ Nón bài thơ và hương đất cao nguyên”. Bài thơ là ao ước của tôi về Huế trên Cao nguyên chưa có trong hiện thực với cái tứ là chiếc nón bài thơ của cô gái Huế trên vùng đất đỏ bazan ngát hương cà phê thơ mộng: Ngỡ ngàng giữa đất Tây Nguyên/ bồng bềnh nón trắng trôi trên nương đồi/ nhấp nhô như sóng ngoài khơi/ mà riêng vành vạnh khoảng trời riêng em/ khoảng trời mười tám xanh êm/ thơm mùi bồ kết bay viền bờ mây…Không chỉ hư cấu về vẻ đẹp của nét Huế mới trên Tây Nguyên, tôi còn vẽ ra cả cuộc sống mới lúc ấy chưa hề có:
đất Buôn Hồ đã xanh rồi
mùa hoa quỳ nở nụ cười thời gian
…ươm bao nhiêu nắng mặt trời
nón bài thơ dệt nên lời đêm trăng
nón nghiêng xuống đất cao nguyên
mùa cà phê dậy hương lên trắng  ngần…
Ngày 14/1/1979, báo Nhân Dân công bố “Trang thơ hay năm 1978” được giải thưởng gồm 16 bài thơ của các tác giả Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Thụy Kha, Lữ Huy Nguyên, Thanh Thảo, Trần Hòa Bình, Lê Hoài Minh…Trong đó có bài thơ của tôi với lời nhận xét rất sang trọng: “Cuộc sống lớn làm nảy mầm nhiều tứ thơ tươi mới và quý nhất là sự khẳng định bước đầu của nhiều giọng thơ chân thực thiết tha trong rụng động”. Đó là lần đầu tiên thơ Ngô Minh được đánh giá trên văn đàn.
Nhưng, một vài năm sau đó, trong số hơn 10.000 người dân 11 phường và 6 xã vùng ven thành phố Huế đến khai phá vùng núi rừng hoang vu Krông Buk , đã có rất nhiều người bỏ về. Có rất nhiều người đã trốn về với phận nghèo con đò lênh đênh trên đầm phá, về với hai bàn tay trắng vì nhà cửa, ruộng vường đã không còn. Không ít người đã oán trách số phận. Lúc đó có nhiều bạn bè trí thức đã nói thẳng với tôi: “Bài thơ của ông chữ nghĩa hay, nhưng ông đã góp phần đẩy những người dân Huế vào nơi rừng thiêng nước độc với cuộc sống bấp bênh không có tương lai!”. Trong nhiều năm, mỗi lần nghĩ đến bài thơ , tôi buồn và ân hận trí tưởng tượng, hư cấu của mình. 
Vì lý do đó, mà khi sắp được về xã Phú Xuân, Krông Năng tôi rất háo hức. Tôi muốn kiểm nghiệm lại những ao ước, tưởng tượng của mình trong thơ về cuộc sống của người dân Huế trên Tây Nguyên bây giờ như thế nào. Và hai ngày về huyện Krông Năng, về xã Phú Xuân, Đắk Lắk, tôi đã nhận ra những chi tiết cuộc sống của người Phú Xuân trong thơ mình tưởng tưởng 40 năm trước, hôm nay đã thành hiện thực. Một hiện thực đẹp hơn cả sự hư cấu của tôi!
Ngồi bên tôi trong cuộc vui bạn bè, anh Văn Khả Hùng, bí thư Đảng ủy xã Phú Xuân kể rằng, cuộc sống ban đầu trên vùng đất mới còn tạm bợ lắm anh ạ. Nhà tranh tre, nứa lá, bà con phải phát dọn cây rừng để mở đường sá đi lại giữa các khu dân cư. Mùa mưa đất bazan, dính chặt dép, hầu như không đi lại được. Những vụ mùa đầu tiên không có kinh nghiệm nên thu hoạch không bao nhiêu. Bệnh tật, chủ yêu là sốt rét, đói kém diễn ra liên tiếp. Rồi bọn Fulro đe dọa, quấy phá làm dân sợ, không yên tâm sản xuất. Nhiều người đã bỏ về quê cũ… Du kích đi tuần suốt đêm để ngăn chặn người dân bỏ trốn về lại Huế!
Xin nhặt lại đây mấy còn số của xã Phú Xuân trong báo cáo “kỷ niệm 40 năm…”. 10 năm sau, 1987, huyện Krông Năng được tách ra từ Krông Buk, xã Phú Xuân, Phú Lộc, Tam Giang được thành lập. Đây là những xã phần lớn là bà con người Thừa Thiên Huế, cộng thêm bà con dân di cư từ 10 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thanh Hóa và đồng báo các dân tộc thiểu số ở phía bắc. Cuộc sống bây giờ thì khấm khá rồi, no ấm rồi! Tăng trưởng kinh tế của xã hàng năm đạt từ 7-8%. Xã Phú Xuân nay có 4.964 hộ ( 17.716 khẩu), có 32 thôn với diện tích 4.512 ha (hơn 2.365ha cà phê, 380ha tiêu), cách trung tâm huyện lỵ Krông Năng 5 km. Năm 2010 xã có 311 hộ nghèo, năm 2016, hộ nghèo còn 5,83%. Đến năm 2016, xã Phú Xuân đạt 17/19 chỉ tiêu “nông thôn mới”. Có 32/32 thôn có hội trường, 27/32 thôn có cổng chào thôn…. Trên địa bàn xã có gần 40 doanh nghiệp. Phú Xuân phát triển nhờ kinh tế tư nhân. Đường nhựa qua xã ( QL29), ô tô  có thể ra Huế, vào Thành phố Hồ Chí Minh… Từ đầu năm 2017 đến nay, nhân dân xã Phú Xuân (huyện Krông Năng) đã đóng góp gần 1,1 tỷ đồng để xây dựng 1,5 km đường giao thông nông thôn, nhà nước chỉ hỗ trợ 200 triệu đồng. Ở Phú Xuân có gia đình có taxi, có xe bán tải…Bà con Huế ở Phú Xuân đã biết chuyển đổi cây trồng bằng hình thức trồng xen các loại cây có giá trị kinh tế cao vào vườn cà phê như bơ, sầu riêng , tiêu…nên thu nhập cao hơn!
Nhưng, Phú Xuân không  chỉ là những con số thống kê thành tựu đó. Điều quan trọng nhất Phú Xuân phát triển là văn hóa! Văn hóa Huế đã ăn sâu trong tâm thức và nếp sống của các thế hệ người dân Phú Xuân. Nhà thơ Trần Chi, Trưởng Đài Phát thanh & Truyền hình Krông Năng, người có mặt trong đoàn thanh niên xung kích vào đây lứa đầu tiên,  bám trụ với đất này cho đến tận hôm nay, anh nhiệt tình dẫn chúng tôi đi dọc xã Phú Xuân thăm một số bạn bè và về tận sông Krông Năng. Theo Trần Chi, các thế hệ Huế sinh ra ở Phú Xuân đều nói tiếng Huế. Bí thư Đảng ủy Văn Khả Hùng, chỉ tịch xã Lê Đình Chủng sinh ra ở Phú Xuân đều nói tiếng Huế rặt. Có lẽ vì các anh học  các trường do các thầy cô giáo Huế dạy, mà tiểu biểu là thầy giáo Lê Đình Thượng ( bố chủ tịch Lê Đình Chủng) vào đây từ năm 1977 mở trường dạy học. Nhiều lứa con em Phú Xuân ra học sư phạm ở Huế trở về xã dạy học. Đi khắp nơi, tôi gặp nhiều cô gái trẻ nói tiếng Huế ngọt lịm. Nhờ đầu tư lâu dài về văn hóa, nên kinh tế Phú Xuân là một trong  ba xã hàng đầu của huyện. Đây là cách thức phát triển bền vững. Trần Chi phân tích: “Đất bazan Phú Xuân, trồng cây gì cũng tốt, nhưng trong xã, các hộ ít chăm lo học hành cho con, thì kinh tế gia đình họ kém phát triển vì làm ăn thiếu tính toán!”. Trần Chi cho hay, dân Huế là dân học. Nên ngay sau khi làm xong lán ở là phải làm ngay trường học . Người Huế chấp nhận cực khổ nhưng không chấp nhận con cái thất học, vì dốt thì nghèo. Lúc vào vào đây, xã chỉ mới có trường cấp I, dân phải đưa con ra ở trọ phố huyện Buôn Hồ để học tiếp cấp II, III. Những đứa trẻ ở trọ học ngày ấy giờ đã trở thành bác sĩ, kỹ sư, doanh nhân thành đạt tận Sài Gòn, Buôn Ma Thuột. Con trai của Trần Chi vừa nhận bằng tiến sĩ toán ở Nga. Bí thư xã Văn Khả Hùng khoe, xã Phú Xuân có đến 10 trường học đủ các cấp!
Ở Phú Xuân nhà nào sau nhà cũng có vườn bốn năm sào cà phê xen   tiêu, bơ. Phía trước là ngôi nhà vườn Huế, có cây cảnh, bonsai, có bình phong che chắn. Ngôi nhà vườn anh Trần Văn Khiển đối diện con đường từ chúa Kim Quang đi vào là ngôi nhà như thế . Ở Phú Xuân và cả trị trấn Krông Năng nhiều gia đình người Huế rước thợ từ Huế vào làm nhà rường. Ngôi nhà rường hai tầng hoành tráng của nông dân Quang Văn Lai không thua gì những nhà rường đẹp nhất ở Huế. Quang Văn Lai kể rằng, trước khi vào đây, anh là “thanh niên hư hỏng”, dân chuyên móc túi ở bến xe Nguyễn Hoàng. Thế mà bây giờ là Bí thư chi bộ thôn! Anh nông dân kiêm thi sĩ Trần Tương năm 2014 đã xuất bản tập thơ Giọt trăng khuyết. Anh là Hội viên Chi hội Văn học Nghệ thuật Krông Năng, thuộc Hội VHNT Đăk Lắk. Trong bài thơ “Tìm em vàng lối cúc quỳ”, Tương có câu thơ có cánh: Tìm em vít ngọn cần sang / bỗng nghe con nước Krông Năng vọng về…Ngoài thời gian chăm sóc vườn cà phê, tiêu, Tương bù khú chơi đàn, hát và đọc thơ cùng các bạn Trần Chi và cả chủ tịch Lê Đình Chủng.
Ở xã Phú Xuân bây giờ, không chỉ có chi bộ, chính quyền, mà tôi thấy có cả chùa Phật lẫn thánh đường Công giáo, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của người dân . Chùa Kim Quang với chiếc cổng tam quan trông cứ ngỡ chùa Từ Đàm ở Huế. Ngôi chùa này tiền thân là “niệm phật đường” do dân lập nên từ buổi đầu mở đất. Điều đặc biệt là ở đây sư trụ trì chùa là đại đức Thích Nguyên Thắng và bốn vị sư  ở chùa này đều là người Huế. Thầy Thắng cho biết 90% dân Phú Xuân theo Phật giáo,  trụ trì chùa ở đây, tôi thấy như là đang ở Huế.
Đúng như tên gọi, người dân Huế đến lập nghiệp trên vùng đất mới Krông Năng đã mang theo trong máu mình cái tên địa danh 700 năm trước của Kinh Thành Phú Xuân Huế  để khai hoang, lập làng, xây dựng và phát triển, và đặt tên mảnh đất mang tên Phú Xuân đến hôm nay. Cái chất văn hóa Huế ở Phú Xuân đậm đặc đã tạo nên bản sắc của một vùng quê  chân chất, trong cộng đồng văn hóa các dân tộc ở Đăk Lắc.  Và tôi lại cảm kích kể lại câu chuyện với bài thơ xưa của mình. Bây giờ thì tôi lên Phú Xuân thật rồi. Lên để hát, để mừng cuộc sống mới hôm nay.
Chân tôi lấm đất ba zan
Để lên hát với Phú Xuân, với người…
Phú Xuân- Huế, tháng 12/2017




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI