Thứ Ba, 24 tháng 4, 2018

ĐỌC TẬP THƠ “ƯỚC MƠ NHÀ RÔNG của NGUYỄN XUÂN DƯƠNG - CHƯ YANG SIN SỐ: 307 - THÁNG 3 NĂM 2018





Đọc thơ Đỗ Toàn Diện viết về vùng đất Tây Nguyên ta như nghe tiếng voi gầm gió hú vang vọng gọi đại ngàn, như nghe tiếng cồng chiêng rền âm trong những ngày lễ hội, nhìn thấy những mái nhà Rông như mũi lao lao vào trời thẳm mà ở đó “Những chàng trai Êđê giáo mác sáng ngời. Bắp cuồn cuộn ngực căng như cánh ná”; ta nhìn thấy những cơn mưa từ đất tưới tắm cho những cánh rừng cà phê bạt ngàn, ngửi thấy mùi men rượu cần nồng ấm phả lên từ trong những cái ché đã nhuốm màu thời gian bên những bếp lửa bập bùng, mùi cà phê Ban Mê thơm đắng mà ngạt ngào. Không những thế ta còn nhìn thấy cả nếp suy tư trăn trở hiện lên trên thớ gỗ của những pho tượng nhà mồ. Nói khác đi cả một vùng cao nguyên mênh mông đang bừng dậy trong thơ Đỗ Toàn Diện. Phải có một tình yêu đắm say và máu thịt với vùng đất cao nguyên Đỗ Toàn Diện mới có thể viết được những vần thơ giàu nhân hậu nhiều yêu thương và cũng rất nhiều chất trí tuệ.
Khi đọc Ước mơ nhà rông, tôi cứ nghĩ rằng Đỗ Toàn Diện phải là đứa con của vùng đất cao nguyên đứt ruột đẻ ra rồi nuôi anh khôn lớn bằng hạt ngô củ sắn bằng tất cả sự chở che đùm bọc. Vùng đất này đã bồi đắp cho tâm hồn anh lộng gió thi ca. Nhưng không! Anh là người con của xứ Thanh anh hùng đã vào đây sinh cơ lập nghiệp. Lý giải về thơ anh chỉ có thể dùng bốn từ Tình yêu cuộc đời.
Thơ Đỗ Toàn Diện rất giàu hình tượng. Tôi nghĩ hình tượng trong thơ anh được hình thành từ nhiều yếu tố: Tài năng và trí tưởng tượng, cộng vào đó chính là hình tượng của vùng đất này. Vùng đất của đại ngàn gió và nắng của những con người dũng cảm bất khuất.
Ước mơ nhà rông hay là khát vọng? Theo tôi đúng hơn phải là khát vọng. Như nhà thơ đã viết:
“Nhà Rông, nét văn hóa Tây Nguyên vẫn muôn đời tồn tại.
Lưu giữ cho đời mơ ước của nghìn năm”
Tôi sững sờ khi bắt gặp câu thơ:
“Mơ ước ngàn đời bay tới những vì sao
Nhà Rông như mũi lao, lao vào trời thẳm”
Ta nghĩ gì về câu thơ giàu hình tượng và ước mơ đó. Khi ta nhìn trực diện thì nhà Rông có hình tượng của lưỡi rìu như đang vung lên trời cao. Nhưng sao Đỗ Toàn Diện lại coi đó là mũi lao. Không hiểu sao tôi cứ đinh ninh rằng lần đầu tiên đến với Tây Nguyên anh được nhìn thấy nhà rông từ phía hồi nhà. Ở góc nhìn đó thì nhà Rông có hình tượng của cây lao vĩ đại đang vươn lên lao vào trời thẳm. Hình tượng ban đầu ấy đã nhập vào hồn nhập vào óc chàng trai trẻ đi khai mở. Để đến bây giờ nó trở thành một thi ảnh độc nhất của anh về nhà Rông. Trong cái nhà Rông tụ hội biết bao những gì là ước mơ và khát vọng phải nhờ đến mũi lao kia chuyên chở để gửi gắm thông điệp cho trời cao “Gửi lòng mình đồng vọng hồn chiêng”về khát vọng ngàn đời được sống trong thuận hòa ấm no hạnh phúc .
“Dấu chân thời gian” Cái dấu chân vô hình nhưng sao vẫn ghi khắc vào cuộc đời ghi khắc vào tâm hồn thi nhân dấu khắc chẳng thể xóa nhòa:
“Từ ngàn xưa vẫn đầu trần chân đất
Tôi tìm tôi dĩ vãng luân hồi
Gùi nước lòng khe hái gió đỉnh trời
Đánh thức đá cất lời huyền thoại”
Không có một trí tưởng tượng mãnh liệt, không có một bộ óc quan sát bằng tất cả trí tuệ và cảm xúc tôi tin Đỗ Toàn Diện sẽ không có câu thơ kỳ vĩ “Gùi nước lòng khe hái gió đỉnh trời”. Một câu thơ ấy thôi đã sừng sững trước mắt ta trong tâm khảm ta về hình tượng vĩ đại của con người Tây Nguyên. Người dân Tây Nguyên sống thuận hòa bên nhau đã ngàn đời nay và bây giờ vẫn thế:
“Âm hưởng chiêng bằng làm căng nhịp thở
Ché rượu cần rung bếp lửa đêm nay
Mọi người nối vòng xoang trong tay
Đêm vũ hội đất trời nghiêng ngả”
Nói về đàn Tơ rưng và dấu khắc thời gian của bàn chân trần người dân nơi đây Đỗ Toàn Diện đã viết:
“Khoét ống lồ ô để nghe hồn của gió
Dấu chân trần đã hóa thạch thời gian”
Đàn Tơ rưng chính là cây đàn của gió. Cũng đã rất nhiều dân tộc mượn gió trời để ngân lên những khúc nhạc của dân tộc mình, quê hương mình. Nhưng có lẽ đàn Tơ rưng là loại nhạc cụ độc đáo nhất của đất nước này.
Dáng núi, dáng sông, dáng người, dáng đồ vật, dáng các nhạc cụ đã bừng lên trong bài thơ Trên cầu treo Buôn Đôn của Đỗ Toàn Diện:
“Vùng đất Buôn Đôn huyền bí thiêng liêng
Còn ấp ủ trong vỏ bầu ,miệng ché
Những dũng sỹ săn voi đã tạc vào dáng núi
Khắc lên tượng gỗ nhà mồ”
Một lần nữa Đỗ Toàn Diện lại nhắc đến những nhạc cụ độc đáo nhất:
“Họ thổi hồn vào những ống lồ ô
Và chắt lọc âm thanh từ ruột đá”
Chỉ có sự kiên trì nhẫn nại của người dân Tây Nguyên mới có thể chắt lọc âm thanh từ ruột đá để làm vui làm đẹp cho đời.
Rồi ông khẳng định khí phách hồn cốt của người dân Tây Nguyên cũng chỉ bằng hai câu thơ:
“Cứ hồn nhiên như hình sông dáng núi
Đây Buôn Đôn huyền thoại mãi trong đời”
Trong bài Buôn Đôn huyền thoại, Đỗ Toàn Diện đã có những câu thơ thật kỳ vĩ để nói về lòng quả cảm dũng mạnh của người dân Buôn Đôn:
“Mặt trời vỡ trên lưng
Da sắt lại những bắp cơ cuồn cuộn”
Và nữa cảnh tượng thật hùng vĩ và cũng rất nhiều phi lí, hư ảo:
“Chiều Buôn Đôn trầm tư
Đàn voi cõng tiếng cồng đi qua thời gian”
Bình minh trên cao nguyên là một bài thơ đẹp – đẹp đến vô ngần. Tôi không thể bình luận gì thêm chỉ biết chép vào đây để các bạn cảm nhận cho hết vẻ đẹp kỳ ảo của vùng đất Tây Nguyên dưới cặp mắt ấm áp đắm say của Đỗ Toàn Diện:
“Mặt trời mọc dưới chân tôi
Tiếng gà đạp dưới lưng đồi bước lên
Kéo bình minh nhích gần thêm
Xuyên qua những đám sương mềm dần tan
Cao nguyên như được vén màu
Màu xanh huyền thoại vắt ngang đỉnh trời
Thác gầm tung bọt sáng ngời
Ngàn thông như mác dựng trời đứng lên”
Còn đây là Gió trên đỉnh tây nguyên của Đỗ Toàn Diện. Thơ ông đã quá đẹp và quá đủ đầy nên một người vẫn tự cho mình nghèo nàn trong ngôn ngữ chẳng thể bình luận thêm gì nữa. Tôi chỉ làm được một việc duy nhất là sao chép những câu thơ hay vào đây cho những ai chưa có may mắn đọc thơ ông để cùng tôi cảm nhận:
“Ta đứng trên đỉnh trời
Nhìn Cao Nguyên cuộn vỗ
Những nổi chìm của gió
Rùng rùng sóng trùng khơi .
…..
Chỉ có gió và gió
Thổi bạc phếch mái đồi
Đàn voi đi ngang trời
Nhuộm bụi hồng tiền sử
Đường lên trời đi nghiêng
Những mảnh đời lầm lũi
Họ gùi gió lên núi
Họ cõng mây về trời”
Cuối cùng tôi muốn nói đến bài thơ DÁNG TƯỢNG NHÀ MỒ. Tôi nghĩ nếu không am hiểu nền văn hóa Tây Nguyên – một nền văn hóa thấm màu huyền thoại – và không có một cảm nhận sâu sắc về hình tượng nghệ thuật mà khát vọng của người dân Tây Nguyên gửi gắm vào những pho tượng nhà mồ thì Đỗ Toàn Diện không thể có những vần thơ như một sự hóa thân vào một nền văn hóa như thế. Đây là một bài thơ nhiều trăn trở:
“Da mật nhuộm màu nắng gió
Bó gối mắt vương nỗi sầu
Suốt đời quẩn quanh bên lửa
Vui buồn cần rượu vít cong
Nỗi niềm khắc vào thớ gỗ
Mắt quầng hun hút nỗi đau
Chống cằm nhìn vào vô vọng
Nổi chìm chẳng biết vì đâu”
Vẫn còn rất nhiều bài thơ và câu thơ rất hay rất đáng để ta chiêm nghiệm. Nhưng đã đến lúc tôi phải dừng lại để nhường cảm nhận cho những ai may mắn có được trên tay tập thơ ƯỚC MƠ NHÀ RÔNG của Đỗ Toàn Diện. Xin thành tâm chúc nhà thơ giàu sáng tạo để viết về vùng đất Tây Nguyên mà tác giả yêu với tất cả tình yêu đắm say máu thịt của mình.













Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI