Chủ Nhật, 8 tháng 4, 2018

MỘT TRƯỞNG CÔNG AN XÃ bút ký của NGUYỄN LIÊN - CHƯ YANG SIN SỐ: 307 - THÁNG 3 NĂM 2018



Được lãnh đạo Công an huyện Ea Kar cho biết, xã Ea Ô là đơn vị có nhiều hoạt động sáng tạo về công tác bảo vệ an ninh trật tự an toàn xã hội góp phần thành công trong quá trình xây dựng nông thôn mới; Trưởng công an xã đạt giải nhất cuộc thi Công an xã giỏi cấp tỉnh, và đạt giải ba toàn quốc, anh còn là điển hình về tinh thần học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nghe vậy thôi, tôi đã muốn về Ea Ô ngay. Ngồi đối diện với Bùi Trọng Lực, trong gian phòng treo biển Trưởng công an xã, một người có vóc dáng chắc chắn, nhanh nhẹn, thấy tôi nheo mắt nhìn những tấm giấy khen treo trên tường ghi chép thành tích, cấp khen và năm khen thưởng, anh nói “lát nữa tôi in cho anh bản thành tích, có tất cả trong đấy, anh uống nước đã”. Không phải để ghi chép mà tôi đang ngắm những hàng bằng khen được treo trân trọng theo từng hàng, thể hiện từng cấp khen thưởng, đáng nể thành tích của tập thể công an xã; từ 2008 đến 2016 công an xã liên tục nhận bằng khen của Bộ Công an về thành tích xuất sắc trong phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc. Năm 2016 nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính Phủ khen về thành tích phong trào bảo vệ An ninh Tổ quốc, giữ gìn an ninh trật tự an toàn xã hội, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Tuyệt nhiên những thành tích cá nhân của Trưởng Công an không thể hiện ở phòng làm việc như từng thấy một số nơi.
Trưởng công an xã Bùi Trọng Lực đang ngồi đối diện với tôi, trong mỗi câu nói không tỏ ra viên mãn, thậm chí còn có nhiều trăn trở lo toan trách nhiệm ở một xã  vùng sâu vùng xa được tỉnh công nhận “Xã Nông thôn mới”, tôi hiểu thêm về nhân cách của anh, một người đứng đầu ngành công an ở một xã còn len lỏi đâu đó những  hiện tượng tiêu cực trong đời sống và nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số. Bùi Trọng Lực điềm đạm, không phô trương, mà anh tự hào vì công việc mình đã làm được, làm đúng, được lãnh đạo và nhân dân ủng hộ, anh chia sẻ: Nếu không có trách nhiệm với công việc, không có cái tâm của con người thì làm sao xây dựng xã Ea Ô, một xã có địa bàn phức tạp nhiều tệ nạn trước đây trở thành đơn vị được ngành công an các cấp đánh giá mô hình mẫu, giới thiệu để các nơi học hỏi rút kinh nghiệm về tổ chức thành phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc. Qua tiếp xúc được biết, để người dân hoàn toàn tin tưởng vào đường lối của Đảng, về hình ảnh người công an gần gũi với dân, Trưởng công an xã Bùi Trọng Lực trăn trở tìm hiểu cách làm của nhiều nơi khác góp lại, nghiên cứu cách xây dựng hương ước của cha ông xưa mà đúc kết và vận dụng sáng tạo ra “Tiếng kẻng an ninh”. Bản đề án họat động an ninh được Đảng ủy, chính quyền và lãnh đạo Công an huyện đồng tình. Khi Đề án được cấp trên chấp thuận, anh lập tức xây dựng phương án triển khai ngay xuống dân, anh rất vui mừng được người dân hưởng ứng đồng tình, vậy là công tác bảo vệ an ninh trật tự làng xã thôn xóm đã có toàn dân cùng tham gia thực hiện. Trưởng công an Bùi Trọng Lực soạn thành quy chế: Quy định sử dụng tiếng kẻng an ninh cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã ký mang tính Pháp quy. Tiếng kẻng do Công an xã duy trì, có 5 loại kẻng được soạn và in thành văn bản quy định gửi về các thôn buôn. Hiệu lệnh kẻng quy định như sau:
1 – Kẻng báo động: Khi trong làng xã có trộm cắp, đánh nhau, hỏa hoạn thì kẻng báo động đánh nhiều hồi, mỗi hồi ba tiếng liền nhau, liên tục; Mọi người dân phải có trách nhiệm mang theo đèn pin, gậy tre, gỗ để tham gia truy bắt người vi phạm pháp luật hoặc có mặt kịp thời nơi xảy ra cháy để tham gia công tác chữa cháy, cứu thương, cấp cứu người bị tai nạn…
2- Kẻng khuyến học: 19 giờ từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần trong năm học thì có hiệu lệnh 1 hồi 3 tiếng, thông báo các gia đình mở nhỏ ti vi, loa đài, không gây ồn ào và nhắc nhở con cháu ngồi vào bạn học bài, không tụ tập đi chơi ngoài đường;
3- Kẻng báo yên: 22 giờ là tiếng kẻng báo yên quy định hai hồi dài để người dân nghỉ ngơi. Mọi gia đình kiểm tra lại cửa nhà, tài sản trước khi đi ngủ, mọi hoạt động vui chơi giải trí, dịch vụ ăn uống tại các nhà hàng, nơi tụ tập đông người phải dừng hoạt động.
4– Kẻng báo thức: 5 giờ sáng nghe tiếng kẻng báo thức, ba hồi dài, để người dân thức dậy tập thể dục nâng cao sức khỏe cộng đồng.
5- Kẻng họp: Mỗi lần họp dân, ngoài thông báo trực tiếp của các thôn xóm thì có tiếng kẻng thông báo cho dân bằng hiệu lệnh ba hồi dài chín tiếng….
Mô hình “Tiếng kẻng an ninh” ở xã Ea Ô được tổ chức thành 21 thôn theo hướng khép kín, có Chi bộ Đảng lãnh đạo, Ban Tự quản thôn quản lý, Ban Công tác Mặt trận, các đoàn thể phối hợp vận động nhân dân tham gia thực hiện. Với mô hình  “Tiếng kẻng an ninh” ở xã Ea Ô thực sự đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của quần chúng nhân dân tham gia phong trào bảo vệ an ninh tổ quốc. Tình hình an ninh ổn định hơn hẳn, không còn tình trạng thanh niên tụ tập uống rượu khuya, đi xe rồ ga gây mất trật tự diễn ra thường xuyên hàng đêm như trước đây, nhất là trong làng xã có đám cưới thu hút nhiều thanh thiếu niên mở nhạc hát hò thâu đêm gây mất trật tự ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Cả cộng đồng  đoàn kết bảo vệ thôn xóm, không còn tình trạng “nhà ai nấy lo” như trước. Vậy nhưng Trưởng công an xã vẫn chưa yên, Bùi Trọng Lực đã xây dựng chương trình tuyên truyền lưu động, Trưởng công an soạn thảo nội dung dựa theo các điểm quy định của pháp luật, trích các điều khoản pháp luật ngăn ngừa tội phạm và xử lý người phạm tội, nhờ một người có giọng đọc truyền cảm đọc sẵn vào băng ghi âm. Buổi chiểu từ 17 giờ đến 19 giờ, buổi sáng từ 4 giờ đến 6 giờ, công an viên buộc loa nén sau xe Hon đa, bộ âm li gọn nhẹ đi khắp các đường làng, ngõ xóm, khu dân cư mở đài phát loa tuyên truyền. Theo trưởng công an xã Bùi Trọng Lực cho biết thì những khoảng thời gian đó người dân chưa đi làm hoặc đã đi làm về, tác dụng tuyên truyền rộng hơn. Say sưa với việc làm của Trưởng công an tâm huyết quên thời gian, vừa lúc đồng chí công an viên đến văn phòng nhận băng ghi âm để đi tuyên truyền buổi chiều, anh Bùi Trọng Lực liền mở cho tôi nghe một đoạn nội dung tuyên truyền. Tôi thật sự ngạc nhiên nghe giọng nói được ghi âm không kém gì phát thanh viên của Đài Tiếng nói Việt Nam, sau đó thì được biết giọng đó là của một cán bộ phụ nữ xã từng được đào tạo tại trường Cao đẳng Phát thanh Truyền hình nhưng chị theo gia đình vào xây dựng kinh tế trên đất Tây Nguyên này, nên không có điều kiện theo nghề được đào tạo. Được công an xã mời đọc ghi âm, đúng sở trường, hèn chi giọng ngọt ngào truyền cảm ngấm vào lòng người đến thế.
Phương án “Tiếng kẻng an ninh” “Tiếng loa tuyên truyền lưu động” thành công, Bùi Trọng Lực nhận thấy trong địa bàn còn có những người một thời lầm lỗi trở về vẫn còn mặc cảm chưa hòa nhập cộng đồng, để xóa bỏ được sự kỳ thị của người dân thì trước hết người lầm lỗi phải có công ăn việc làm ổn định, biết được nguyện vọng của họ là gì? Bùi Trọng Lực đã đến từng nhà gặp từng đối tượng đi cải tạo, đi trường giáo dưỡng trở về địa phương lắng nghe tâm tư nguyện vọng trước khi anh đề xuất đối thoại tập trung. Anh phối hợp với cán bộ Phòng Xây dựng phong trào (Công an huyện) tham mưu cho cấp ủy, chính quyền sau đó xây dựng đề án “Doanh nghiệp với an ninh trật tự”, được lãnh đạo Đảng ủy xã thống nhất, anh xin ý kiến lãnh đạo Công an huyện về việc tập trung những người lầm lỗi, đối thoại với họ để cùng tìm cách tháo gỡ tạo việc làm, cho họ nhận thấy đây là một sáng kiến tốt, không những người lầm lỗi bỏ được mặc cảm với cộng đồng mà còn thay đổi tư duy của cán bộ địa phương không còn tư tưởng chính quyền với người thi hành án. Trong buổi đối thoại giữa người lầm lỗi với chính quyền có sự tham gia của đại diện Công an huyện, Công an xã, các đoàn thể và đại diện hai ngân hàng đóng trên địa bàn huyện. Buổi tiếp xúc cởi mở, đại diện ngành ngân hàng nhận ra đây là một chủ trương rất tốt, nhưng làm nghề kinh doanh đồng tiền ai dám đứng ra chịu trách nhiệm về việc rủi ro. Trong lúc ngân hàng còn cân nhắc thì những người lầm lỗi hy vọng làm lại cuộc đời ngày càng có nhu cầu cấp bách, vay vốn xây dựng kinh tế gia đình. May sao lúc đó xã được phân bổ số vốn của Trung ương dành cho các hộ nghèo sản xuất. Đảng ủy xã thống nhất giao cho Hội Nông dân quản lý, các đối tượng lầm lỗi buộc phải là hội viên nông dân để được nhận vốn vay. Toàn xã Ea Ô có hơn 60 đối tượng lầm lỗi từng đi cải tạo giam giữ và các trại giáo dưỡng trở về, dựa vào số vốn phân bổ để người vay có điều kiện làm sao sử dụng vốn làm ra tấm ra món cần phải cân nhắc, trong năm 2013 giải quyết được 11 người vay vốn. Người được vay nhiều 50 triệu, người ít cũng 20 triệu đồng. Hội Nông dân xã đã thành lập tổ hợp tác chăn nuôi cho những người vay vốn tham gia, hầu như các cá nhân vay vốn được tư vấn mua bò chăn nuôi, và thực tế họ đã hoạt động rất hiệu quả, chỉ trong 3 năm, từ 2013 đến 2016 những người vay đã hoàn vốn. Trong số đó có ông Phạm Văn Đính đi cải tạo giam giữ 6 năm vì tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, là đối tượng được xét vay 50 triệu để phát triển chăn nuôi, là thành viên của tổ hợp tác chăn nuôi do Hội Nông dân xã quản lý, do tích cực hoàn lương, ông Đính đã tận tụy trong việc chăm sóc bò ăn ngon, ăn no, tối về uống nước cám pha muối, những con bò do ông Đính chăm sóc béo tốt, sinh nở những con bê xinh xắn tăng số lượng đàn, từ việc bán bê gom góp, trong 3 năm ông đã hoàn đủ vốn vay. Những người một thời lầm lỗi phấn khởi vì có việc làm góp phần ổn định kinh tế gia đình, cái được hơn là họ được hòa nhập không còn sự kỳ thị của cộng đồng, chính quyền nhận thấy hiệu quả trong việc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, và có tính giáo dục, đảm bảo an ninh trật tự địa phương, không có người tái phạm tội. Từ đó Trưởng công an xã nảy ra sáng kiến phát động các doanh nghiệp, doanh nhân cùng tham gia phong trào an ninh trật tự, tiếp tục được lãnh đạo Công an huyện, cấp ủy chính quyền địa phương ủng hộ. Trưởng công an xã Bùi Trọng Lực cùng với Trưởng phòng Xây dựng phong trào Công an huyện Ngũ Văn Cảnh trực tiếp đi vận động các doanh nhân doanh nghiệp trên địa bàn kèm thư kêu gọi ủng hộ địa phương phục vụ công tác an ninh. Năm đầu xã thu từ đóng góp của các doanh nghiệp được 70 triệu, năm sau hơn 80 triệu… Khi tổng số vốn huy động địa phương đã có hơn 215 triệu đồng. Đảng ủy, chính quyền tổ chức công bố và biểu dương các doanh nghiệp, đồng thời tiếp tục mời những người lầm lỗi lên đối thoại, qua đối thoại có hơn 30 người có nhu cầu vay vốn, nhu cầu thì nhiều, vốn lại có hạn nên xã chỉ xét giải quyết cho 25 người được vay, ngoài ra mua 3 con bò trị giá 49 triệu đồng hỗ trợ hai hội viên nông dân thuộc diện nghèo để có điều kiện phát triển kinh tế.
Công an tỉnh Đắk Lắk mở Hội thi Công an xã giỏi, Trưởng công an xã Bùi Trọng Lực đạt giải nhất toàn tỉnh, và anh tiếp tục đem về giải ba trong Hội thi Công an giỏi toàn quốc. Bùi Trọng Lực là một tấm gương điển hình về tinh thần học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; năm 2016 được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đắk Lắk chọn biểu dương điển hình tiên tiến dự giao lưu những điển hình Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức. Trong 5 năm liền, từ 2013 đến 2017, Bùi Trọng lực liên tục đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, trong đó hai năm đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh. Bùi Trọng Lực được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen 5 năm thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị.
Một người năng động sáng tạo, không ngại khó, tận tâm tận lực trọng trách được giao là người đứng đầu ngành công an xã đã tạo dựng được lòng tin với Đảng, về hình ảnh người chiến sĩ công an trong lòng nhân dân, theo tôi, đó là niềm hạnh phúc và phần thưởng lớn lao hơn cả.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI