Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2018

PHÁT HUY TINH THẦN ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975... của NGUYỄN VĂN THANH - CHƯ YANG SIN SỐ: 308 - THÁNG 4 NĂM 2018


Năm 1858, các pháo hạm Pháp tấn công vào Đà Nẵng, lớp lớp quân dân yêu nước anh dũng đứng lên đánh đuổi ngoại xâm và bao người đã hy sinh xương máu trên mảnh đất này để giành lại độc lập, tự do cho đất nước. Ngày 30 tháng 4 năm 1975 - kể từ phút chiếc xe tăng quân giải phóng húc đổ cánh cổng tiến vào dinh Độc lập - đã đánh dấu chiến thắng vĩ đại của một chặng đường dài chiến đấu hy sinh oanh liệt, mưu trí, dũng cảm của dân tộc ta.
Thời gian càng lùi xa, chúng ta càng nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa to lớn và tầm vóc vĩ đại của chiến thắng lịch sử 30/4/975. Thắng lợi vĩ đại đó là kết quả của sự hội tụ sức mạnh toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam; sự ủng hộ, giúp đỡ lớn lao của nhân dân yêu chuộng hoà bình và công lý trên thế giới. Thắng lợi huy hoàng đó đã chứng minh tài thao lược và bản lĩnh, trí tuệ của Đảng ta trong lãnh đạo, chỉ đạo chiến tranh cách mạng, được thể hiện đậm nét nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân. Chiến thắng 30/4/975 thực sự là bản hùng ca toàn thắng bất diệt, là chiến thắng của khát vọng và ý chí “Không có gì quý hơn độc lập tự do!”. Đó là nguồn động lực chính trị - tinh thần to lớn, làm bàn đạp cho dân tộc Việt Nam có thêm bản lĩnh, niềm tin để bước vào kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Từ thời điểm lịch sử ấy đến nay, đã hơn 40 năm trôi qua, với lòng kiên định, yêu nước, biết thời, biết thế, biết đi lên cùng thời đại để trường tồn, phát triển - chúng ta đã có những bước tiến vượt bậc… Bao khó khăn, thách thức, cản phá đều không chặn được ý chí của một dân tộc khát khao tự do, hạnh phúc và sự phồn vinh đất nước. Đặc biệt, qua 32 năm thực hiện đường lối đổi mới đất nước, thế và lực của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được khẳng định. Tầm vóc và ý nghĩa cách mạng sâu sắc của công cuộc đổi mới ở Việt Nam thể hiện ở việc chuyển đổi nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè năm châu hiện nay đầy sức trẻ, tự tin hội nhập với những đô thị hiện đại; nông thôn mới với điện, đường, trường, trạm hoành tráng. Những khu công nghiệp đang trở thành điểm sáng trên trường quốc tế. Hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết dân tộc được củng cố và tăng cường; chính trị - xã hội ổn định, độc lập chủ quyền quốc gia được giữ vững, tiềm lực an ninh, quốc phòng ngày càng lớn mạnh. GDP bình quân đầu người năm 2017 đạt 2400 USD. Trong những năm qua, hệ thống chinh sách giảm nghèo và an sinh xã hội ngày càng được tăng cường, hoàn thiện và hiệu quả hơn, người nghèo tiếp cận được đầy đủ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước; một số  chính sách đã đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả, được người dân đồng tình ủng hộ, như chính sách người nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở, chính sách cho vay vốn tín dụng ưu đãi…
Với truyền thống hoà hiếu của dân tộc, chúng ta nhất quán  “Lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh làm điểm tương đồng; xoá bỏ mặc cảm, định kiến về quá khứ…”, đất nước ta ngày càng tranh thủ sự đồng tình ủng hộ rộng rãi của cộng đồng các dân tộc Việt Nam trong nước, ở nước ngoài cũng như bạn bè quốc tế. Đến nay Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 185 nước, hình thành 26 khuôn khổ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện, trong đó có 5 nước Uỷ viên thường trực Liên hợp quốc; có quan hệ kinh tế trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Chúng ta đã tổ chức thành công nhiều hoạt động đối ngoại quan trọng, nhất là các hoạt động đối ngoại cấp cao và Năm APEC 2017, góp phần nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Đặc biệt, sau 10 năm Việt Nam tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam tăng hơn 4 lần, đạt gần 425 tỷ USD. Dữ trữ ngoại hối đạt 51,5 tỷ USD. Nhiều tập đoàn lớn trong Top 500 toàn cầu đã chọn Việt Nam để đầu tư phát triển thành trung tâm sản xuất khu vực và kết nối trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Thời cơ, vận hội, tương lai tươi sáng đang chờ đón dân tộc ta! Song cũng có không ít khó khăn, thách thức phía trước. Hiện nay, tình hình thế giới hợp tác và phát triển vẫn là xu hướng chủ đạo, nhưng căng thẳng địa - chính trị, khủng bố, xung đột vẫn tiếp diễn ở nhiều nơi. Ở trong nước, chúng ta được kế thừa những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của 30 năm đổi mới, tình hình chính trị - xã hội ổn định, nhưng những tồn tại, bất cập nội tại của nền kinh tế tiếp tục bộc lộ rõ nét; nợ xấu cao. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tệ quan liêu tham nhũng lãng phí chưa được đẩy lùi. Trong những năm qua, các thế lực thù địch triệt để lợi dụng những khó khăn yếu kém nói trên để thực hiện “diễn biến hoà bình” chống phá nước ta, can thiệp vào công việc nội bộ của ta; cổ suý tự do cá nhân thông qua thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội, tự do biểu tình,… để xâm nhập, tác động, chuyển hoá các tổ chức chính trị, xã hội ở nước ta hòng “phi chính trị hoá” các tổ chức này, từng bước biến thành các tổ chức xã hội dân sự theo tiêu chí phương Tây. Thông qua triển khai dự án tài trợ, các tổ chức phi chính phủ (NGO) đã tìm cách tiếp xúc, móc nối, mua chuộc, kích động tâm lý bất mãn, lôi kéo một số người thoát ly khỏi sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Chúng khai thác, lợi dụng mạng xã hội, internet,… để phát tán đưa thông tin thất thiệt, bịa đặt, bôi nhọ Đảng, chính quyền và các đồng chí lãnh đạo; phủ nhận, xét lại lịch sử và giá trị văn hoá dân tộc, làm phai nhạt lý tưởng cách mạng, giảm sút lòng tin của cán bộ, đảng viên đối với Đảng, Nhà nước, từ đó làm “đổi màu” các tổ chức chính trị, xã hội. Ngoài ra biến đổ khí hậu; thiên tai hạn hán, bão lũ, xâm nhập mặn, thời tiết cực đoan tiếp tục diễn biến phức tạp cũng ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế -xã hội của đất nước.
Để giữ gìn nền độc lập, hoà bình, ổn định và phát triển đất nước bền vững, hơn bao giờ hết chúng ta cần phát huy truyền thống đoàn kết; phát huy những phẩm giá cao quý  của con người Việt Nam trong các cuộc chiến tranh cách mạng, để ngày càng nhân lên những giá trị cao đẹp mà lịch sử đã trao gửi lại cho chúng ta. Nhớ lời Bác Hồ từng dạy: Khi ta mạnh thì ai cũng là bạn của ta; khi ta suy yếu, nhiều kẻ chống ta. Hãy là một đất nước giàu mạnh, một dân tộc thông minh biết vượt qua thách thức, tiến cùng thời đại. Đó cũng chính là ước nguyện của cả dân tộc.
Bài học của Đại thắng mùa xuân năm 1975 đã và đang cổ vũ nhân dân Việt Nam. Kế thừa truyền thống cha ông, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta nguyện phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, chúng ta hãy chung sức đồng lòng, đổi mới, sáng tạo, liêm chính, kỷ luật, kỷ cương, vượt qua bao khó  khăn, thách thức, tranh thủ vận hội mới, ra sức thi đua, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội mà Đảng và Nhà nước đã đề ra, xây dựng một nước Việt Nam XHCN, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI