Chủ Nhật, 22 tháng 4, 2018

NGHỆ THUẬT, SO SÁNH, ĐỐI LẬP, TƯƠNG PHẢN TRONG “CHỮ NGƯỜI TỬ TÙ” CỦA NGUYỄN TUÂN của PHẠM MINH TRỊ - CHƯ YANG SIN, SỐ: 307- tháng 3 năm 2018




Nguyễn Tuân (1910 – 1987) đã về với cõi người tài hoa ngót nghét một  phần ba thế kỷ rồi, vậy mà bóng dáng của ông vẫn cứ lừng lững ôm trùm cả một khoảng rộng dài mênh mông trên con đường văn chương hiện đại Việt Nam. Cái khoảng trống ấy đến nay dường như chưa thấy ai có thể thay thế được. Có lẽ nó vang bóng mọi thời chứ không chỉ “vang bóng một thời” như tựa đề tập truyện của ông đã đặt.
 Nhiều người cho rằng “Chữ người tử tù” là một tác phẩm: gần tới sự toàn thiện, toàn mỹ (Vũ Ngọc Phan); là trong sáng lạ thường (Trương Chính); là nghệ thuật văn xuôi điêu luyện (Nguyễn Đăng Mạnh); là truyện ngắn “cổ điển” trong lịch sử văn học Việt Nam hiện đại (Văn Tâm); là đạt đến trình độ nghệ thuật bậc thầy (Hà Bình Trị); là làm thơ trong văn xuôi (Ngô Ngọc Phú)... “Chữ người tử tù” không dài, chỉ trên dưới sáu trang sách giáo khoa khổ 17x24cm, thế nhưng người đọc “đào xới” mãi vẫn ẩn tàng nhiều điều cần nói, cần bàn và cần học. Thế mới hay rằng cái giá trị của chữ nghĩa khi được một người chân tài sử dụng thì năng lượng của nó dường như bất tận, không giới hạn. Một trong những nét giá trị làm nên văn phẩm nổi tiếng này là nghệ thuật so sánh, đối lập, tương phản đến lạ kỳ nếu không muốn nói tới sự đạt gần đến độ tận cùng của nó.
Cặp nhân vật Huấn Cao – viên quan coi ngục là cặp nhân vật (hình tượng) chứa đựng chứa quan điểm thẩm mỹ sâu sắc nhất của tác giả. Không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Tuân dùng danh từ chung gọi viên quan ngục mà không dùng danh từ riêng như dùng để đặt tên nhân vật Huấn Cao. Ngay cách đặt tên nhân vật, người đọc đã thấy sự so sánh, đối lập, tương phản. Một bên là danh từ riêng bên kia là danh từ chung. Một đằng viết hoa còn đằng kia viết thường. Tâm ý của tác giả đã rõ: một trân trọng, nâng niu một tầm thường, giải đãi. Chỉ một cách dùng từ loại thôi, đơn giản thế mà sao sâu sắc thế. Chỉ là cách đặt tên cho nhân vật đã lóe lên dụng ý nghệ thuật, đã khiến người đọc phải nghĩ suy, đã bắt quan điểm, tư tưởng, nhận thức của bất cứ người đọc nào cũng phải dứt khoát lựa chọn hoặc ngợi ca hoặc coi thường, tôn vinh hoặc khinh bỉ, trân quý hoặc rẻ rúng. Cái tài ở chỗ đó, nghệ thuật viết văn ở chỗ đó, người đọc học được cũng ở đó mà ra.
Ta thấy, số lượng từ chữ miêu tả, kể trực tiếp về hình tượng Huấn Cao rất ít. Còn về nhân vật viên quan coi ngục thì gấp nhiều lần. Đây lại là một thủ pháp so sánh, đối lập nếu người đọc vội vàng, sơ ý rất dễ bỏ qua. Không phải ngẫu nhiên như vậy. Hình tượng Huấn Cao chủ yếu hiện lên sáng chói khí phách, tài hoa, lẫm liệt là do từ lời nói của chính viên quan coi ngục và nhân vật thầy thơ lại. Thông thường, người viết sẽ dựng nhân vật một cách trực tiếp để người đọc hình dung ra dáng hình, tính cách, lời nói, hành động... nhưng ở đây Nguyễn Tuân không làm thế mà ngược lại ông cho nhân vật này chồng lấn, ẩn và thoát lên từ nhân vật kia. Có lẽ thế mà người đọc mới cảm thấy sửng sốt, kinh ngạc về hình tượng Huấn Cao lồng lộng sáng ở phần cuối tác phẩm. Thủ pháp này nhà phê bình Kim Thánh Thán gọi là “vẽ mây nẩy trăng”. Và chợt nhớ ra rằng trong tác phẩm “Những trò lố hay Va-ren và Phan Bội Châu”, Nguyễn Ái Quốc cũng dùng thủ pháp nghệ thuật này điêu luyện, khéo léo vô cùng. Từ đầu đến cuối truyện, Phan Bội Châu dường như chỉ im lặng, chẳng nói gì, chỉ có nhân vật Va-ren nói và nói liên tục, liên hồi, không ngớt từ đầu đến cuối. Còn trong “Chữ người tử tù” Nguyễn Tuân vẫn còn dành cho Huấn Cao một tỉ lệ vừa phải để trực tiếp kể tả. Về mức độ đậm đặc, thì Nguyễn Ái Quốc sử dụng đến tận cùng hơn Nguyễn Tuân. Nhưng cả hai ngòi bút tài năng thiên bẩm này bắt cái “thần” của nhân vật sáng bừng, ôm trùm, xuyên suốt từ đầu đến cuối thiên truyện.
“Chữ người tử tù” đem đến một khoái cảm thẩm mỹ đến không cùng. Tác giả dựng lên một đối sánh tương phản rất kỳ thú đó là: ánh sáng và bóng tối. Cái thế giới tối tăm, tù ngục, kẻ độc ác, bất lương làm chủ, còn người “thiên lương, nhân tính, tài năng, bị chèn ép gông cùm. Một đốm sáng Huấn Cao bị vây bủa cả một vùng tối tăm, ẩm thấp, tù đọng. Nhưng cái đốm sáng vẫn hừng hực cháy, tưởng như thiêu tàn cả cái không gian tù ngục luôn bốc mùi ai oán, ác nhân. Ngay từ đầu tác phẩm, “ánh sáng Huấn Cao” đã khiến cho viên quan coi ngục và thầy thơ lại phải kính nể: “cái người mà vùng tỉnh Sơn ta vẫn khen cái tài viết chữ rất nhanh và rất đẹp đó không?” và “ngoài cái tài viết chữ tốt, lại còn có tài bẻ khóa và vượt ngục”; “thế ra y văn võ đều có tài cả”. “Cái ánh sáng Huấn Cao” ấy  đã chinh phục được địch thủ: “phải chém những người như vậy, tôi nghĩ mà thấy tiêng tiếc”. “Chữ tốt” ở đây là biểu tượng văn hóa đẹp nhất của dân tộc. “Tài bẻ khóa và vượt ngục” là cái tài tuyệt đỉnh. Hiểu như thế càng thấy cái đẹp có sức hút biết nhường nào, cái tài có sức thuyết phục đến không giới hạn. Cái Đẹp, cái Tài ấy tụ lại ở một cái Tâm sáng trong rờ rỡ cùng với phẩm cách uy nghi, phi phàm của ông Huấn Cao thì Đẹp –Tài –Tâm dứt khoát phát ra một thứ ánh sáng đặc biệt, đó là thứ ánh sáng “xưa nay chưa từng có”. Vì vậy, thứ ánh sáng ấy đã cảm hóa cả ngục tù tăm tối, ác nhân. Quan trọng hơn nó khiến cho địch thủ phải ngưỡng mộ, kính nể và thay đổi cả bản chất của mình. Thói thường, viên quan coi ngục là một tên ác quỷ, là tay sai đắc lực, là bản sao y nguyên bản chính của cái chế độ xã hội mà “người ta sống bằng tàn nhẫn bằng lọc lừa”, ấy vậy mà viên quan coi ngục khi được giáp mặt với “ánh sáng Huấn Cao” đã ngợp choáng và dần dần thay đổi, cuối cùng lột sạch hết những cái “cặn bã” bấy lâu mà y chìm vào để ngoi đứng lên, vượt thoát khỏi kiếp tôi đòi hèn hạ, theo lời khuyên bảo của “ánh sáng Huấn Cao”: “ở đây lẫn lộn. Ta khuyên thầy Quản nên thay chốn ở đi. Chỗ này không phải là nơi để treo một bức lụa trắng với những nét chữ vuông tươi tắn nó nói lên những cái hoài bão tung hoành của một đời con người... Tôi bảo thực đấy, thầy Quản nên tìm về nhà quê mà ở, thầy hãy thoát khỏi cái nghề này đi đã, rồi hãy nghĩ đến chuyện chơi chữ. Ở đây, khéo giữ thiên lương cho lành vững và rồi cũng đến nhem nhuốc mất cái đời lương thiện đi”. Cuối cùng  ánh sáng đã chiến thắng huy hoàng, bóng tối bị tan rữa, hủy hoại. Nhưng đáng giá hơn bao giờ hết là cái “bóng tối” ấy đã nhiễm hoàn toàn cái “thiên lương”của “ánh sáng Huấn Cao”: “Ngục quan cảm động, vái người tù một vái, chắp tay nói một câu mà dòng nước mắt rỉ vào kẽ miệng làm cho nghẹn ngào: Kẻ mê muội này xin bái lĩnh”. Thật lạ lùng, chính ánh sáng Huấn Cao đã làm thay đổi, đảo lộn một cách ghê gớm, không thể tưởng tượng nổi: kẻ tử tù giữa chốn lao ngục được chính chủ của nó kính trọng, vái lạy, người mang gông, đeo xiềng làm chủ còn kẻ trước đây là chủ lại khúm núm, so ro, lo sợ. Mới chưa đầy hai ngày mà kẻ nắm quyền sinh sát lại tôn quý kẻ tử tù, xin chỉ dạy một cách cung kính, lễ phép. Vị trí, vai trò đã thay đổi, ngược hẳn lại, tù nhân răn dạy, chỉ bảo cai ngục, cai ngục quỳ lạy tù nhân. Thật là “xưa nay chưa từng có”. Trong ngục tù tăm tối cứ tưởng rằng cái ác, cái xấu, cái bẩn thỉu, nhơ nhớp thống trị làm chủ, có ai ngờ rằng cái đẹp, cái cao cả, cái phi thường, sự thiên lương toàn quyền làm chủ. Phải chăng “cái đẹp cứu vớt con người”.
Có thể nói rằng “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân điệp trùng thủ pháp nghệ  thuật so sánh, đối lập, tương phản. Có đối sánh tương phản rộng, có đối sánh tương phản hẹp, có đối sánh tương phản của hai đối tượng, lại có đối sánh tương phản trong một đối tượng. Ta hãy xem nhân vật “viên quản ngục”. Ngay bản thân nhân vật này vẫn tồn tại sự đối lập tương phản. Đã là quản ngục thì đó là  ác quỷ hiện hình, song trong tâm hồn của y khi gặp được ánh sáng lành thiện và văn võ song toàn của Huấn Cao thì cái ác nhân trong con người hắn đã nhạt dần đi theo thời gian được gần cận với Huấn Cao. Từ tàn ác chuyển sang nhún nhường, biết điều; từ cậy quyền thế, ra oai tác quái sang thành tâm sám hối; từ u ám tối tăm sang thanh nhẹ trong trẻo. Ta hãy đọc những đoạn văn sau đây sẽ thấy rất rõ điều đó: “Trong hoàn cảnh đề lao, người ta sống bằng tàn nhẫn, bằng lừa lọc, tính cách dịu dàng và lòng biết giá người, biết trọng người ngay của viên quan coi ngục này là một thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bẩn đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn xô bồ... Ông trời nhiều khi chơi ác đem đầy ải những cái thuần khiết vào giữa một đống cặn bã. Và những người có tâm điền tốt và thẳng thắn, lại phải ăn đời ở kiếp với lũ quay quắt” và “Ta muốn biệt đãi ông Huấn Cao, ta muốn cho ông ta đỡ cực trong những ngày còn lại”; “hôm nay viên quan coi ngục nhìn sáu tên tù mới vào với cặp mắt hiền lành. Lòng kiêng nể...” Một lần nữa, ta càng thấy công năng hiệu nghiệm, sức cảm hóa của cái Đẹp-Tâm-Tài quyện tụ làm nên một sức mạnh không gì cản ngăn được. Sức mạnh ấy cuốn phăng hết mọi u tối, xấu xa, thấp hèn, nhơ bẩn, ác độc, đem lại sự sáng trong, thành tâm. Và bản thân đối tượng như được hồi sinh với tràn đầy nhựa sống được chuyển lưu trong từng mạch máu, trong từng nghĩ suy, nó làm thay đổi hẳn cả thế giới quan của đối tượng.
Quả thực, với nghệ thuật so sánh, đối lập, tương phản được tác giả sử dụng điệp trùng, chồng lấn, trong ngoài, trên dưới, cao thấp một cách khéo léo góp phần không nhỏ trong việc thể hiện sâu sắc chủ đề của thiên truyện, đem lại một xung lực hấp dẫn hiếm thấy cho người đọc. Và theo riêng tôi, đó là chỗ lý thú nhất, còn nhớ một lần Nguyễn Tuân nói thế này: “Văn học có cái rất vui là phong cách. Cách nói, cách viết khác nhau. Vậy mà nhiều anh viết văn, dạy văn lại không đi vào đấy, chỉ nói về nội dung, về tư tưởng nên trở thành nhạt nhẽo, vô duyên. Tại anh thôi, cái chỗ phong phú, cái chỗ “xôm” nhất, “vui” nhất anh “đếch” đi vào nên người ta chán.” Ta cùng suy ngẫm.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI