Sổ tay thơ:
CUỘC ĐUA
Cháu bốn tuổi rủ chạy đua
Ông ông cháu cháu vui đùa hồn nhiên
Cuộc đua trong trẻo, bình yên
Ông vờ thua, cháu cười nghiêng nắng chiều!
(Rút
từ tập thơ Đủng đỉnh trăng về)
TRẦN PHỐ
LỜI BÌNH:
Nhà thơ Trần Phố đã in và chủ biên nhiều tập thơ, tập
phê bình trong hành trình sáng tác hơn một phần tư thế kỷ. Thơ Trần Phố, nói như Đặng Bá
Tiến, đó là
một tạng thơ "thường kiệm lời, ngắn gọn, mang chất giọng tâm tình nhẹ nhàng, nhẹ
nhàng mà không nhạt, không như gió thoảng qua, bởi câu thơ thấm được tình thật của tác giả".
Tôi muốn nói thêm, trong tập thơ Đủng đỉnh trăng về, mảng thơ thế sự quả thật
đã có nhiều bài rất đọng, rất sâu lắng cảm xúc và tràn đầy tình thương yêu
của tác giả đối với mẹ cha, bạn bè, cháu con và những gì thiết thân, gần
gũi trong cuộc sống. Đọc xong một mạch 62 bài thơ trong tập Đủng đỉnh trăng về,
tôi đã dừng lại khá lâu ở bài thơ Cuộc đua mang vẻ đẹp thâm trầm, sâu lắng về ý
tứ; tha thiết và đằm thắm về tình thương yêu của một người ông đối với cháu
mình. Sâu sắc hơn, thông điệp về một "cuộc đua" rất "thiền"
của Trần Phố cũng là bài học nhân sinh đầy triết lí để mỗi người tự suy tư,
chiêm nghiệm về những lẽ thiệt hơn đang tồn sinh giữa cuộc sống con người.
Không trang hoàng, cầu kỳ về chữ nghĩa, hai
câu thơ mở đầu bài thơ đi thẳng vào ý tứ của thi phẩm mà tác giả muốn giãi bày:
Cháu bốn tuổi rủ chạy đua
Ông ông cháu cháu vui đùa hồn nhiên
Đó là một cuộc chạy đua hồn nhiên, tinh nghịch. Một
ông, một cháu đang hào hứng thi thố tài năng. Bằng giọng thơ nhẹ nhàng, trong
sáng, nhà thơ đã trần tình, thủ thỉ lại "cuộc đua" mà cháu là
người "rủ" trước. Nhà thơ Trần Phố không cố ý phô diễn các thủ pháp
nghệ thuật, song phép điệp sóng đôi "ông ông cháu cháu" một cách tự
nhiên đã gợi mở cho người đọc thấy được một cuộc chạy đua "ngang sức ngang
tài" giữa ông và cháu. Nhưng chạy đua mà lại "hồn nhiên" thì lạ
quá! Ngay cả sự thách thức ban đầu của cháu đã là một sự trong sáng và
đầy thi vị. Tuổi thơ quá vô tư, thích gì nói nấy; ông thì thương cháu vô cùng,
thích gì chiều nấy; nên đua mà hóa ra chơi, một cuộc chơi hồn nhiên, trong trẻo.
Độc đáo và tỏa sáng nhất là ở hai câu thơ kết bài, đó
cũng là ý tưởng để làm nổi bật tứ thơ thật hàm súc và đầy dư vị:
Cuộc đua trong trẻo, bình yên
Ông vờ thua, cháu cười nghiêng nắng chiều!
Cuộc đua giữa ông và cháu đã trở thành một tứ thơ lạ,
vì đó là "cuộc đua trong trẻo, bình yên". Một cuộc đua mà người ông
đã xác định phần thua thuộc về mình và mong cháu giành chiến thắng để được vui
cười hớn hở. Cháu vui ông cũng vui lây, thế là cả hai cùng thắng! Hình ảnh ông và cháu cười
trong ánh
nắng buổi chiều nghiêng xuống sao mà đáng yêu đến thế. Nụ cười hồn nhiên của
cháu thật ngây ngô và trong sáng làm sao! Câu thơ cuối bài nhờ đó ánh lên vẻ đẹp
tâm hồn nhân ái và tràn đầy thi vị, đồng thời cũng thấm đẫm màu sắc triết lí về
tình thương yêu giữa cuộc sống đời thường thông qua cảm xúc chân thành và đầy
trải nghiệm. Hình ảnh đứa cháu "cười nghiêng nắng chiều" trước cuộc
thất bại của ông và chiến thắng của mình đã làm nức lòng người đọc. Bài thơ hay
nhất ở câu thơ cuối bài này, ba câu trên phần lớn chỉ làm sứ mệnh dẫn dắt. Viết
thơ tứ tuyệt cốt ở sự độc sáng ấy và nhà thơ Trần Phố đã thực sự thành công ở
thi phẩm này.
"Cuộc đua trong trẻo, bình yên" là tứ thơ xuất
thần và thâm thúy. "Cuộc đua" ấy cũng chính là một cuộc nhượng bộ
mang tính "chiến lược" mà người ông dành cho cháu mình về sứ mệnh cuộc
đời phải mang vác ở tương lai phía trước. Có lẽ nhờ đó mà thi phẩm lấp lánh
sáng lên tấm lòng độ lượng, tình cảm thương yêu của chủ thể trữ tình tác giả
khi ta cầm trên tay tập thơ Đủng đỉnh trăng về của nhà thơ Trần Phố.
LÊ THÀNH
VĂN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI