Thứ Hai, 30 tháng 7, 2018

GIỮA VÙNG ĐẤT NÓNG - bút ký dự thi của H’LINH NIÊ - CHƯ YANG SIN SỐ 311 tháng 7 năm 2018



Tác phẩm dự thi viết bút ký chủ đề:
“Công An Đắk Lắk bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”




Do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam mấy ngày nay, Buôn Ma Thuột mưa dầm. Hai chiếc gạt nước cần mẫn lia ngang cố giúp chủ nhân làm sáng hơn tấm kính đầu xe, vậy mà vẫn cảm thấy như đang bồng bềnh bơi đi trong biển sương mù đặc quánh trên đèo Hà Lan. Xe phải bật đèn vàng để di chuyển.
Hơn 3 năm, kể từ ngày khảo sát làm đề án quy hoạch làng nghề cho tỉnh, tôi mới trở lại Ea H’leo nên nếu chỉ có bão mới hoãn chuyến đi, chứ mưa vậy đã ngán gì. Cuộc hẹn của Đại tá Y Thoan Hmok - nguyên Phó giám đốc Công an tỉnh, với Đại tá Lê Văn Sơn - Trưởng công an huyện Ea H’leo, những người bạn chiến đấu từng vào sinh ra tử với anh hùng LLVT Y Ni Ksor, chính là động lực để chúng tôi dầm mưa mà đi là thế  
Có thể ít người biết việc huyện Ea H’leo được Bộ Công an xếp vào địa bàn “nóng”, là trọng điểm phức tạp về cả an ninh chính trị lẫn an toàn xã hội. Bởi không chỉ là nơi có số dân đông thứ 4/15 thành phố, huyện, thị trong toàn tỉnh Đắk Lắk, ngoài người dân tộc tại chỗ Êđê và Jrai, còn có tới  24 tộc người trong cả nước, đông nhất là Tày – Nùng, đang cùng cộng cư, mang theo nguy cơ tiềm ẩn tệ nạn tàng trữ và buôn bán ma tuý. Đây còn là địa bàn giáp ranh với các huyện của tỉnh Gia Lai, từng là trọng điểm móc nối chỉ đạo của Fulrô gây biểu tình bạo loạn những năm 2001-2008.
Ea H'leo là miền đất đỏ. Mặc dù diện tích rừng tự nhiên đã giảm, nhưng cao su, cà phê ngát xanh bạt ngàn là hai loại cây công nghiệp chủ đạo và bây giờ thêm những cánh đồng sả cũng xanh ngăn ngắt để chưng cất tinh dầu, mang lại thêm thu nhập đáng kể cho người dân và cho ngân sách của huyện. Ea H'Leo từng được Nhà nước trao tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, với lịch sử hào hùng của chiến thắng Cẩm Ga -Thuần Mẫn, mở màn cho Chiến dịch Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk. Ngày nay, huyện đang vươn lên trở thành một trong những địa phương nằm trong tốp đầu của tỉnh về phát triển kinh tế. Ngày 8.4.2010, huyện đã tổ chức lễ kỉ niệm 30 năm thành lập huyện và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì của Nhà nước. Với thành tích đóng góp ngân sách đứng thứ 2 toàn tỉnh (chỉ sau thành phố Buôn Ma Thuột), toàn huyện đang phấn đấu trở thành đơn vị Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới.
Thật vui khi ngắm nhìn sự tấp nập bán mua, với những cửa hàng biển hiệu đỏ vàng chi chít trên những trục đường của thị trấn huyện lỵ Ea Đrăng, nơi đang trên đường xây dựng đô thị văn minh hiện đại, trung tâm của tiểu vùng phía Bắc tỉnh Đắk Lắk. Năm 2016, thị trấn Ea Đrăng đã được công nhận là đô thị loại IV. Bên cạnh đó, ngày 19.5.2017 xã DLiê Yang, một xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số, chính thức hoàn thành chương trình xây dựng xã Nông thôn mới đầu tiên của huyện.
Có được vài dòng ngắn ngủi trên và kết quả từ 2008 đến nay, giữa một vùng “đất nóng”, không xảy ra vụ việc bạo loạn chính trị nào, chắc chắn có sự đóng góp không nhỏ của Công an huyện.
Với vị trí cận kề một địa phương luôn có kẻ kích động vượt biên sang Cam-pu-chia và Thái Lan, trước đây là di tản và nay là lao động bất hợp pháp, bằng những lời rủ rê có việc làm thu nhập cao, ăn ở sung sướng. Nhất là từ khi Công ty Ô Lam của Ấn Độ đầu tư trồng tiêu tại xã Ea Lê, bị người dân đấu tranh đòi lại đất nên bắt trói người của Công ty, hàng loạt thanh niên bán hết tài sản kéo cả gia đình vượt biên. Để đảm bảo an ninh chính trị ở một vùng đất “dữ”, Công an Ea H’leo đã có những sáng kiến bất ngờ. Khi vận động được họ hồi hương, thay vì đưa ra kiểm điểm trước cộng đồng hay bắt tạm giam, các anh đã đề xuất chính quyền địa phương phối hợp tổ chức cho bà con tái hoà nhập cộng đồng, thậm chí toàn bộ chiến sỹ trong đơn vị còn trích lương, đóng góp chia sẻ những khó khăn ban đầu bằng gạo, muối, dầu… đưa đến tận từng gia đình. Công an trực tiếp đứng ra liên hệ ngân hàng cho vay vốn sản xuất, đề nghị nhà trường nhận các cháu đi học lại… Những việc làm tưởng như “không giống ai” ấy đã tạo được lòng tin ấm áp cho dân. Thông qua các già làng, trưởng các dòng họ, những sự hỗ trợ của chính quyền và công an, 85 trường hợp ra đi, đã có 35 hộ trở về (thậm chí Công an huyện còn cho xe ra tận biên giới đón về buôn). Nay những Kpă Y Nêk, Rchăm Y Pin, R’Ô Phi Ông… đều đã yên tâm làm ăn, con cái đến trường học hành ổn định. Không chỉ tuyên truyền phát động rộng rãi để người dân hiểu, không nghe lời kẻ xấu, công an còn đưa những người trở về đến nói chuyện tại các buôn. Nhân chứng sống động khiến bà con thêm tin tưởng. Đại đa số chiến sỹ trong đơn vị đều nói được tiếng Êđê, có thể trực tiếp trò chuyện thân mật cùng bà con.
Đại tá Lê Văn Sơn, Trưởng công an huyện, kể cho tôi nghe trường hợp của Siu Y Nhi, trở về tháng 5.2018: Được 2 tội phạm hình sự móc nối, Y Nhi đưa cả vợ con cùng vượt biên sang Cam-pu-chia, rồi từ đó qua Thái Lan. Ở đó 6 tháng, làm thuê được 5 tháng mà không có lương. Thực tế cuộc sống nơi xứ người không giấy tờ tuỳ thân, bị cảnh sát bắt 8 người trong số những kẻ cùng đi, không tiền, không nơi trú chân, lại bị vợ mang con bỏ theo người Thái, Y Nhi vô cùng hoang mang. Thông qua người nhà, Trung tá Y Sao - Phó công an huyện - có được số điện thoại của Y Nhi, anh trực tiếp gọi điện trò chuyện, thuyết phục, hứa bảo lãnh sinh mạng để họ yên tâm hồi hương. Thông qua người dân tốt bên nước bạn, nhờ đưa nhóm trở về. Nhưng thay vì đi theo đường tiểu ngạch, tới đâu điện thoại tới đó cho Y Sao biết và chỉ mất chừng 200 ngàn đồng cho xe ôm đưa tới biên giới, thì vì không đủ tiền, họ đành lên xe đò (chỉ 150 ngàn) về cửa khẩu Mộc Bài. Không có giấy tờ nên bị hải quan Cam-pu-chia giữ lại. Đơn vị phải cho xe tới nơi làm thủ tục đón nhận.
Bằng những nỗ lực của các anh, từ năm 2016 đến nay, tỷ lệ vượt biên giảm hẳn, chỉ còn lẻ tẻ vài ba người, đều đi tìm việc, không vì lý do chính trị. 
Với vấn đề an toàn xã hội, những việc làm của đơn vị cũng có hiệu quả cao.  Phòng chống ma tuý tại Ea H’Leo được coi là một trọng điểm, chỉ xếp ngay sau thành phố Buôn Ma Thuột, bởi người dân tộc phía bắc di cư đông, thanh niên không có việc làm thường xuyên tụ tập, nhất là tại xã Ea Wy, nơi tập trung toàn bà con dân tộc Tày (chiếm tới 62% dân toàn xã). Hàng năm số vụ và số đối tượng bị phát hiện tại xã cũng chiếm tỷ lệ tới 40% trên toàn huyện. Xác định việc cảm hoá người dân địa bàn là khâu quan trọng để ngăn chặn, giảm nguồn cung ma tuý, giảm số người nghiện, các anh đã cùng chính quyền huy động mọi sức mạnh tổng hợp ngoài chính quyền, đoàn thể, còn gia đình, dòng họ, người có uy tín, kể cả hàng xóm… để tham gia phòng, chống. Gần như nửa lực lượng được đưa xuống Ea Wy, rà soát, đánh giá mức độ, lập hồ sơ, khi cần thì xử lý hành chính cai nghiện tại cộng đồng hay bắt buộc tập trung… Chỉ trong năm 2017 – 2018 đã xác định được 64 người nghiện. Sau đó 17 đối tượng tự nguyện cai nghiện, 30 đối tượng Toà án huyện ra quyết định đưa vào Trung tâm cai nghiện.
Thực ra công việc cũng chẳng giản đơn như trong những dòng báo cáo kết quả. Các chiến sỹ còn phải đối đầu với nhiều hiểm nguy bất ngờ. Như khi bắt quả tang Triệu Văn Hùng ở thôn 6 xã Ea Khal tàng trữ 5,953 gam Heroin. Đối tượng chống trả quyết liệt để hòng thoát thân. Bằng các thế võ thuần thục, Trung uý Hà Văn Phương đã quyết tâm, nhanh chóng quật ngã đối thủ, nhưng lại bị hắn hung hãn cắn chảy máu. Đơn vị e ngại bị phơi nhiễm HIV đã đưa đồng chí Phương đi xét nghiệm, nhưng chưa xác định được. Hay cuộc hỗn chiến của những thanh niên mâu thuẫn sau chơi game ở thôn 4 xã Ea Hieo. Phía bên nhóm di cư sử dụng súng kíp, nhóm thanh niên Êđê dùng súng bi tự chế, bắn nhau. Mỗi bên đều có 2 người bị thương vong. Bằng nghiệp vụ, các anh khống chế bắt truy tố 2 đối tượng cầm đầu, vận động các đối tượng khác ra đầu thú để xử lý theo pháp luật… Thôn xóm bình yên, đời sống kinh tế các buôn bản ổn định, nụ cười bừng trong ánh mắt cả người dân lẫn các chiến sỹ.
Ngồi trong căn phòng ngát hương tinh dầu sả của Đại tá Lê Văn Sơn (như một cách khoe khéo rằng Công an huyện cũng là đơn vị tư vấn giúp mở rộng diện tích và vận động thành lập HTX chế biến tính dầu xả, nâng cao thu nhập cho người dân), mông lung theo những giọt mưa ngắn dài tí tách rơi ngoài sân. Trong tôi kỷ niệm đong đầy với Ea H’Leo sóng dậy. Tại đây, không chỉ có gia đình bác Ama Khê, một trong những vị Chủ tịch huyện Buôn Hồ đầu tiên của tỉnh Đắk Lắk sau thời chống Pháp, quê của những phụ nữ dòng họ Niê Kdam kế tục sự nghiệp chính trị của cha như Mai Hoa, Mai Hoan… mà còn là nơi chúng tôi đã cùng hai cố ca sỹ NSND Y Moan Ê Nuôl và H’Gang Snar, vừa đi vừa hát, gánh gồng và chất lên xe bò máy móc, nhạc cụ để về diễn tại buôn Dliê Yang, sau chuyến đi biểu diễn ở Bun-ga-ri trở về. Cũng trong một ngày mưa rả rích như thế. Bà con đội mưa ngồi xem, chúng tôi cũng mặc kệ mưa mà hát, báo hại kỹ thuật thỉnh thoảng bị điện giật vài cái. Đây cũng là nơi những học trò thân thương của tôi Y Brức, Y Liêm, Y Tuýt… vì gia cảnh mà tốt nghiệp trung cấp âm nhạc, múa rồi phải nuốt ước mơ vào lòng, quay lại cặm cụi với vườn cà phê, ruộng lúa. Và Y Phôn Ksor cũng thế… khó khăn lắm mới gỡ được phần nào gánh nặng gia đình vợ để em trở về với nghệ thuật, đủ an lòng và cảm xúc để làm nên những ca khúc đẹp như sử thi “Chim phí bay về cội nguồn”, “Đi tìm lời ru Nữ thần mặt trời”… Đây cũng là nơi trái tim nhạc sỹ Nguyễn Cường rung động để làm nên ca khúc nổi tiếng một thời “Đến với cao nguyên”, rằng “Vì một bình mình rừng thu sương tan/ Vì một trường ca Dam San/ Vì một dòng suối Ea Khal/ Tôi đến đây cao nguyên ơi”…
Tôi đã gặp Trung tá Y Sao Niê trong tâm trạng ấy. Dáng cao lớn, nụ cười cởi mở, anh gây cho người đối diện cảm giác tự tin và thân thiện. Là cháu của Amí Khê, anh được cậu Sa Phôn hướng đi học công an ngay từ khi tốt nghiệp lớp 12. Mặc dù bị cả gia đình phản đối vì e ngại lúc ấy đang là thời kỳ cao điểm cả tỉnh chống Fulrô, đây lại là ngành dễ gặp hiểm nguy đến tính mạng, nhưng tuổi trẻ ham đi xa, anh vẫn quyết tâm vác ba lô đến trường. Y Sao cười:
- Nào có biết gì về nghề nghiệp đâu. Cứ được đi xa là thích đã. Đến trường thấy áo xanh, áo vàng còn thắc mắc sao có bộ đội học chung với công an nhỉ? Học rồi mới hiểu thế nào là an ninh, thế nào là cảnh sát. Hiểu rồi là thích, là gắn bó với nghề nghiệp từ đó đến nay, nhất là được đảm bảo cuộc sống bình an cho chính quê hương thân yêu của mình.
Tốt nghiệp Đại học An ninh, Y Sao về nhận nhiệm vụ tại Công an tỉnh từ năm 1998, rồi 2012 lại về làm Phó Công an huyện Krông Năng. Mãi đến tháng 6.2014, để hợp lý hoàn cảnh gia đình, mới chính thức về nhận chức Phó Công an huyện Ea H’Leo. Thấy tôi săm soi mấy tờ Bằng khen của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên về thành tích hoạt động và Huân chương Chiến sỹ vẻ vang hạng Nhất trong phòng làm việc của anh, Y Sao cười:
- Tất thảy hơn 50 cái các loại cô ạ. Treo ở nhà cũng không đủ chỗ.
Vâng! Đó là những minh chứng về thành tích của Y Sao khi tham gia các hoạt động bảo vệ an ninh chính trị của quê nhà. Như chuyên án CAK302 năm 2001, thực hiện việc vây bắt toán trưởng Y Kuăr  Buôn Yă vốn nằm vùng tại buôn Akô Mlieo (xã Hoà Thắng, Buôn Ma Thuột). Khi biết hắn có ý định cùng đồng bọn vượt biên qua Căm-pu-chia, Y Sao và đồng đội đã bí mật đuổi theo hành trình, tới tận Bình Dương, nhân cơ hội chúng đang ăn sáng, uống cà phê trong tiệm vắng vẻ tại Lái Thiêu, các anh đã ập vào, bằng các động tác nghiệp vụ, bắt gọn cả 3 tên, áp giải về Đắk Lắk. Ngày đó Y Sao là thượng sỹ, trẻ nhất đội công tác. Anh còn tham gia vây bắt hết các đối tượng trưởng các khu vực từ T2 đến T14 của địch. Góp phần hạ nhiệt cho vùng “đất nóng”. Y Sao cười hiền khi tôi hỏi các sự cố nghiệp vụ và chìa hai cánh tay mang những vết sẹo, kết quả của trận bị thanh niên  quá khích ở các buôn bủa vây ném đá, khi anh điều quân giải tán cuộc biểu tình ở phường Tân Lợi thành phố Buôn Ma Thuột năm 2004. Cả đôi bàn tay rộng đầy chai sần cùng vợ chăm sóc 1.000 gốc tiêu với 5 ha cà phê cho năng suất 4 tấn/ha (khá cao so với thu hoạch của bà con dân tộc thiểu số trong vùng). Y Sao đang có một gia đình hạnh phúc cùng người vợ là hậu phương vững chắc, với hai đứa con khoẻ, ngoan, mà trai lớn đã nối nghiệp ama đang học ở trường Công an.
Với những thành tích và những con người như Lê Văn Sơn, Y Sao Niê, Hà Văn Phương… cùng các đồng đội, năm 2017, Công an huyện Ea H’Leo được nhận Cờ thi đua của Tổng cục chính trị Công an nhân dân, được Bằng khen của Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk về thành tích 5 năm liền đạt danh hiệu “Đảng bộ trong sạch vững mạnh”.
Mưa đã tạnh khi chúng tôi trên đường về lại Buôn Ma Thuột. Mặt trời cao nguyên hừng lên nhẹ nhàng lau khô giọt mưa trên lá những cánh rừng cao su, cà phê đã thoả thuê vẫy vùng no nê nước. Vùng “đất nóng” đang mỗi lúc một thêm mát mẻ và xanh màu bình yên ấm no. Nhờ sự góp sức của Công an Ea H’Leo.



Thứ Bảy, 28 tháng 7, 2018

GÁI QUÊ - truyện ngắn của NGUYỄN THỊ THU HỒNG - CHƯ YANG SIN SỐ 311 tháng 7 năm 2018






Tôi đẹp lắm. Không phải tôi tự khen mình nhưng quả là tôi đẹp thật. Đẹp từ mái tóc đến cả gót chân. Tôi có dáng người cao ráo và khá cân đối. Thêm vào đó là nước da của tôi mịn màng, trắng trẻo đến lạ. Khuôn mặt của tôi thanh tú, ưa nhìn. Nói chung là tôi đẹp.
Vậy nhưng tôi lại là gái quê chính hiệu. Năm mười tám tuổi tôi lấy chồng. Thực ra thì lúc đó tôi chưa biết yêu đương gì cả. Nhưng mẹ tôi bảo phải lấy chồng thôi chứ không suốt ngày lo giữ chó cũng mệt. Có con gái trong nhà mà lại là con gái đẹp như tôi khiến bố mẹ tôi lo lắng nhiều hơn là vui mừng. Thế là trong tất cả những chàng trai có tình ý với tôi ngày đó, bố mẹ tôi đã nhắm cho tôi một anh chàng hơn tôi năm tuổi thuộc nhà có điều kiện ở trên thị trấn. Gia đình có nghề buôn bán gạo từ lâu. Anh ta mới đến nhà tôi chơi hai lần. Tôi không có ấn tượng gì với anh ta nhưng như bố mẹ tôi nói “con gái chỉ cần lấy được người chồng tử tế, nhà có cơm ăn, có việc làm là được”. Nhìn anh ta không đến nỗi nào, tuy nhiên mọi người nhận xét nếu so với tôi thì anh ta chỉ được ba phần.
Thế là tôi trở thành vợ anh ta. Những ngày đầu cuộc sống hôn nhân chưa có gì là phức tạp. Bố mẹ chồng mở một cửa hàng riêng để hai vợ chồng chúng tôi tự lo liệu. Anh ta vốn là con nhà buôn bán nên tính toán khá nhanh nhẹn, hoạt bát và cũng chiều chuộng tôi. Tôi chỉ việc ngồi bán hàng và ghi sổ sách. Còn mối lái làm ăn và các giao dịch bên ngoài đều do chồng tôi lo lắng. Một năm sau, tôi sinh con. Một thằng con trai bụ bẫm, kháu khỉnh và giống tôi. Có người không biết ác ý hay vô tình nói rằng: “Những người phụ nữ yêu chồng nhiều, hay nghĩ về chồng lúc mang thai thì sinh con mới giống chồng”. Tôi chẳng tin vào điều đó nhưng chồng tôi thì khác. Anh ta tin như vậy và bắt đầu nghi ngờ tình yêu và cả sự thuỷ chung của tôi nữa. Chả là thế này, khi tôi đã qua thời kỳ ở cữ và bắt đầu công việc thường nhật của mình thì các bạn hàng của tôi đều ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của tôi “gái một con trông mòn con mắt”. Tôi càng đẹp hơn trước. Dù sao thì tôi cũng chưa tới hai mươi tuổi mà. Họ khen tôi nhiều lắm, khen ngay trước mặt chồng tôi. Lúc đó, nét mặt anh ta nặng như chì, đôi mắt tức tối và hằn học. Đáng lẽ anh ta phải tự hào vì có vợ đẹp nhưng không, ngay tối hôm đó tôi đã bị một trận đòn thừa sống thiếu chết. Những cú đấm, những cái tát của anh ta cứ đi thẳng vào khuôn mặt thanh tú, trắng trẻo của tôi một cách không thương tiếc. Vừa đấm, vừa tát, anh ta vừa hét lên: “Mày thích khen đẹp hả? này thì đẹp này, đẹp này… Tao thử đánh như thế này xem mày còn đẹp được không”.
Thật dã man, tàn bạo mà đến bây giờ chỉ cần nghĩ lại buổi tối hôm đó, tôi vẫn rùng mình sợ hãi.
Tôi đúng gái quê chính hiệu. Nết na, cam chịu và nhẫn nhịn. Tôi không dám ôm con về nhà khoe với bố mẹ tôi vì quan điểm của mẹ tôi là “Bát đũa còn có lúc xô xát, bởi vậy cuộc sống vợ chồng làm sao tránh khỏi. Nếu mày có bị chồng đánh mắng thì mày phải làm gì sai chứ không tự nhiên mà bị nó đánh mắng”. Tôi nghĩ có lẽ vì anh ta ghen thôi, có yêu tôi anh ta mới ghen chứ.
Ngày hôm sau, khuôn mặt thanh tú và xinh đẹp của tôi sưng vù lên thâm tím. Tuy vậy tôi vẫn khéo léo che khăn và đeo kính để không ai nhận ra. Tôi rất chịu khó bôi nghệ để nhanh liền da. Cuối cùng thì một tuần sau tôi lại xinh đẹp như chưa bao giờ bị sưng tấy vì những cú đấm và những cái tát nổ đom đóm.
Tôi chờ đợi lời xin lỗi của anh ta, rằng anh đã sai, rằng chỉ vì anh quá yêu em hay là chỉ vì anh thấy có nhiều người khen em xinh nên anh sợ mất em. Em bỏ qua cho anh lần này nhé. Nhưng chỉ sau này tôi mới hiểu ra, đó là những từ ngữ quá xa xỉ đối với một người cục cằn, thô lỗ như anh ta. Có lẽ đối với anh ta đẹp như tôi là một cái tội, cái lỗi quá lớn.
Tôi vẫn đẹp và người ta cứ phải khen tôi khi đến cửa hàng của tôi, khi tôi đi chợ, khi tôi ôm con, hay cả khi tôi đang giặt đồ, phơi quần áo hoặc quét nhà. Và tỷ lệ thuận với những lời khen ấy lại là những trận đòn thừa sống thiếu chết anh ta dành cho tôi. Có hôm anh ta đã hất cả tô canh vào mặt tôi, cũng may nó chỉ còn âm ấm. Hôm khác anh ta vớ ngay nồi cơm điện úp thẳng vào đầu tôi khiến tôi xây xẩm mặt mặt mày, chỉ thấy đầu tai ù đi và  lấp lánh trăng sao vây quanh. Lại hôm nữa anh ta vớ ngay cái gậy đuổi đánh tôi. Tối đó tôi phải ôm con trốn vào bụi chuối sau nhà, muỗi đốt sưng chân.
Tôi đúng là gái quê chính hiệu. Thế mà ba năm sau tôi lại sinh cho anh ta một thằng con trai nữa, bụ bẫm và xinh xắn giống tôi. Lại một lần nữa tôi phải đối mặt với dư luận, với những lời vô tình hay ác ý từ miệng người đời. Và lần này, ngay cả khi tôi đang ở cữ, anh ta cũng đánh đấm tôi bầm dập. Quả thật những trận đòn của anh ta sau này, tôi không còn cảm thấy đau đớn gì nữa. Mặc dù nó tàn bạo hơn lần đầu tiên nhưng giờ đây dường như cơ thể tôi đã quen với bạo lực, với đòn roi rồi nên nó không có cảm giác gì với đau đớn cả. Thời gian này, anh ta không chỉ đánh tôi chỉ vì có nhiều người khen tôi đẹp mà còn đánh tôi vì nhiều tội nữa: tội con hay khóc, tội con lười ăn, tội con bị ốm… và cả khi việc buôn bán không được thuận lợi anh ta cũng sẵn sàng ra đòn với tôi. Tôi đã chịu đựng với ý  nghĩ mình phải sống và cố gắng sống vì con. Cuộc sống đối với tôi chẳng khác gì địa ngục. Tôi đã nghĩ đến việc bỏ anh ta và sống cuộc đời của riêng tôi với hai đứa con. Nhưng tôi vẫn cam chịu, nhẫn nhịn. Tôi sợ. Tôi sợ mang tiếng hư hỏng vì bỏ chồng. Tôi sợ bố mẹ tôi không chịu đựng nổi. Tôi sợ các con tôi không có một gia đình hoàn hảo. Tôi sợ tôi không nuôi nổi con. Nói chung là tôi hèn nhát và sợ nhiều thứ. Chính vì vậy, tôi vẫn phải phục tùng anh ta từ bữa cơm cho tới giấc ngủ. Vẫn phải ân cần, săn sóc anh ta hàng ngày. Để rồi sau đó nhận lại được từ anh ta những trận đòn đê điếng.
         Con trai lớn của tôi mười tuổi. Một lần nó chứng kiến anh ta lấy cả cái xiên gạo bằng nhôm mà dân buôn chúng tôi hay dùng để chọc vào bao gạo kiểm tra hàng lao thẳng vào người tôi. May mà tôi tránh được nhưng nó đã đâm vào cánh tay tôi khiến tôi tê tái, máu chảy thành dòng. Thấy thế nó hỏi tôi: “Đàn ông có quyền đánh phụ nữ hả mẹ? Sau này con cũng sẽ lấy cây xiên đâm vợ như bố phải không?”. Câu hỏi ngây thơ con trẻ khiến tôi giật mình sợ hãi. Tôi bỗng thấy lo sợ cho nhân cách và tương lai của các con tôi hơn bao giờ hết. Thiên chức của người làm mẹ nhắc nhở và thức dậy trong tôi trách nhiệm lớn lao. Tôi đã suy nghĩ và đấu tranh tư tưởng rất nhiều. Tôi yêu thương các con tôi hơn mọi thứ trên đời. Tôi có thể làm bất cứ mọi việc vì chúng và tôi cũng sẵn sàng hi sinh tất cả vì chúng. Tôi bỗng không con cảm thấy sợ hãi điều gì nữa. Điều sợ hãi nhất lúc này của tôi là các con tôi sẽ là những đứa trẻ hư hỏng, vũ phu, bạo lực và cục cằn, vô học như bố nó.
         Tôi quyết định làm đơn ly hôn, trong đơn tôi nhận nuôi hai con. Anh ta nhìn vào lá đơn, cười khẩy vẻ khinh thường: “Để xem sống được mấy ngày. Con cô thì cho cô nuôi hết ”. Rồi anh ta kể lể nợ nần, vay mượn và tài sản của chúng tôi. Tóm lại trừ hết nợ nần đi thì chúng tôi chả có gì chung. Nhà cửa cũng là của bố mẹ anh ta. Tôi cũng chả có công trạng gì suốt mười năm qua. Anh ta trả lại tôi hai chỉ vàng của bố mẹ tôi ngày trước cho tôi khi đi lấy chồng. Anh ta đã mượn để làm vốn buôn bán.
         Thế là mười năm có lẻ tôi sống với anh ta… tôi đã đến với anh ta và ra đi như thế đấy. Đến không vì tình yêu và ra đi cũng không cảm xúc. Tôi vẫn còn hai chỉ vàng của bố mẹ và hai tình yêu to lớn là các con trai tôi. Tôi đưa con về ở với bố mẹ tôi. Mẹ tôi giờ đã nghĩ thoáng hơn xưa, bà bảo “Ôi giời, mày mới ba mươi tuổi, đời còn dài lắm. Tội gì phải sống cả đời với nó như thế. Đưa con về đây, tao vẫn còn khoẻ tao chăm cho đi mà làm công nhân trên thành phố. Bạn bè mày đi làm lấy chồng trên đấy cũng như người thành phố cả rồi”.
         Tôi làm hồ sơ xin việc vào một công ty may trên thành phố. Hồ sơ xin việc tôi ghi rõ tình trạng hôn nhân và sự có mặt của các con tôi. Công ty tôi làm có nhiều con gái lắm. Trong đó đa số là những cô gái trẻ, chưa chồng còn thanh niên và cũng có những người phụ nữ lỡ dở như tôi, có những cô mới hơn hai mươi tuổi cũng đã bỏ chồng vì những lý do khác nhau.
         Dù trước một rừng phụ nữ và con gái như thế. Tôi vẫn cứ đẹp. Tôi đẹp không trang điểm, không tô vẽ, đẹp nổi bật và khiến nhiều người phải ganh tị vì tôi đã là một phụ nữ có hai con. Tôi chẳng để ý nhiều đến lời khen lắm bởi tôi đã nghe về chúng quá nhiều rồi. Và sau bao thăng trầm, biến cố của cuộc đời, tôi bỗng cảm thấy vẻ đẹp của tôi chẳng có giá trị hay ý nghĩa gì ngoài một cuộc hôn nhân bất hạnh. Đẹp để làm gì kia chứ. Tôi đâu có thích khen đẹp. Những lời khen ấy đã khiến đời tôi tối sầm lại. Giờ điều quan trọng là tôi phải chăm chỉ làm việc, làm ra nhiều tiền để nuôi các con tôi khôn lớn, trưởng thành hoặc ít ra nó cũng không vô học như bố nó.
         Hơn một năm làm việc, với sự chuyên tâm, khéo léo của mình, các sản phẩm may của tôi đã đã được Ban giám đốc công ty đánh giá cao. Tôi đã được mời tham dự buổi tiệc liên hoan dành riêng cho những công nhân sáng tạo và tận tâm vì công việc với Ban giám đốc. Hôm đó, tôi đến dự tiệc với bộ đồ may đơn giản, xỏa tóc và không vớivớivớitrang điểm. Tôi thật không thể ngờ được rằng giám đốc công ty tôi lại là một chàng trai trẻ như vậy. Anh ta hơn tôi có ba tuổi mà đã là giám đốc công ty hơn hai năm nay. Trông anh ta phong độ và lịch lãm. Một số bạn đồng nghiệp cho tôi biết là anh ta vẫn chưa lấy vợ. Rồi các cô còn cười khúc khích bảo nhau: “nhưng anh ta không để ý đến gái công nhân chúng mình đâu”. Anh ta đến bàn chúng tôi, nâng ly cụng chúc tất cả mọi người. Anh ta nhìn tôi ngỡ ngàng, lạ lẫm, và không rời mắt khiến tôi hơi ngại. Cô bạn gái ngồi cạnh tôi cười nói vô tư “Giám đốc ơi chị ấy đã là mẹ của hai đứa con rồi đấy. Con chị ấy sắp lấy vợ được rồi”. Anh ta có vẻ ngạc nhiên và thích thú nhưng ánh mắt vẫn dán vào tôi và nói “Ồ vậy hả, nhưng dù sao chị vẫn rất đẹp”.
         Kể từ sau bữa tiệc đó, tôi đã có cơ hội được gặp anh ta nhiều hơn. Lý do là anh ta đã thường xuyên xuống các phân xưởng để tự mình kiểm tra, nhắc nhở công nhân làm việc cẩn thận cho đơn hàng quan trọng sắp tới. Một hôm, anh ta xuống thăm phân xưởng của tôi và nhân cơ hội chỉ có mình tôi anh ta ghé nhỏ vào tai tôi thì thầm “ Tối hôm trước anh bị hớ vì đã gọi em bằng chị. Từ hôm nay, em sẽ là em của anh thôi”. Lúc đó tôi vô cùng bất ngờ và bối rối nên nói trong vội vàng “vâng, anh -giám đốc”. Hôm sau anh ta lại xuống phân xưởng tôi nói là để kiểm tra kỹ thuật gì đó nhưng tôi nghĩ đấy chỉ là cái cớ để anh ta được gặp tôi. Anh ta đến bên tôi và nhẹ nhàng hỏi tôi: “Tối nay em đi ăn cơm cùng anh được không”. Tất nhiên là không đời nào tôi đồng ý. Bởi tôi nghĩ giữa tôi và anh ta chưa đến mức thân thiết. Hơn nữa dù có thân thiết thì mối quan hệ ấy chẳng đi tới đâu. Nói chung là giữa chúng tôi chẳng có tương lai gì. Tôi là một phụ nữ đã có hai con và đã từng bị đổ vỡ trong hôn nhân. Tôi ý thức được thân phận của mình và của cả anh ta.
         Lần thứ ba anh ta mời tôi đi ăn và tất nhiên tôi vẫn từ chối. Tôi cũng nói rõ hoàn cảnh khốn khổ của mình cho anh ta. Rằng tôi như thế và giờ tôi chỉ muốn kiếm tiền để nuôi con. Tôi không phải là loại gái để anh trêu đùa nữa. Tôi mong anh ta đừng làm tôi khó xử. Anh ta im lặng. Một sự im lặng mà tôi thấy nó hơi khác những lần trước. Chiều hôm sau, anh ta đến hẳn phòng trọ của tôi và trước con mắt chứng kiến của bao ánh mắt ghen tỵ anh ta ôm một bó hoa to tiến thẳng về phía tôi nói tặng tôi. Ôi, thật không ai có thể hiểu nổi tâm trạng và cảm xúc của tôi lúc đó. Chẳng nhẽ lúc đó tôi lại thú thật với anh ta rằng từ thủa cha sinh mẹ đẻ đến giờ chưa có ai tặng hoa cho tôi cả. Đây là bó hoa đầu tiên của người con trai tặng cho tôi. Tôi sung sướng. Tôi bối rối và lúng túng. Nhưng lý trí và sự cảnh giác của một người phụ nữ từng trải không cho phép tôi được nhận hoa của anh ta. Tôi nhìn vào mắt anh ta và nghiêm khắc hỏi: “Anh đang làm trò gì vậy? Tôi không thích trò đùa này”. Anh ta nói “Nếu vậy bây giờ em phải đi với anh”. Tôi nghĩ tôi cần phải chấm dứt trò đùa vớ vẩn này của anh ta. Vì thế tôi đã đi cùng anh ta.
         Chúng tôi ngồi nói chuyện tại một quán cà phê nhỏ gần phòng trọ. Tại đây anh ta bắt đầu kể cho tôi nghe về quá khứ của anh ta. Anh ta đã từng có một người vợ và hiện đang có một cô con gái năm tuổi. Vợ anh ta đã phản bội anh ta khi đứa con gái mới được một tuổi. Chính vì vậy, họ đã chia tay. Con gái hiện đang được vợ anh nuôi. Dù đã có cơ hội gặp gỡ nhiều người con gái, kể cả những cô gái trẻ trung, xinh đẹp và có học thức nhưng anh ta không hề rung động, không hề có cảm giác cho đến khi gặp tôi. Từ hôm đầu tiên gặp, trong lòng anh ta chỉ nghĩ đến tôi và lúc nào cũng muốn ở bên tôi. Tôi cảm nhận rõ sự chân thành, ấm áp trong từng lời tâm sự của anh. Nếu như nói rằng tôi không có cảm giác gì với anh thì quả thật là tôi đang lừa dối trái tim mình. Tôi đã sống với chồng tôi mười năm có lẻ nhưng chưa bao giờ tôi được nghe lời nói dịu dàng, yêu thương nào. Và quả thực cảm giác tôi đang có với anh, tôi chưa bao giờ có với chồng cũ. Nhưng tôi vẫn chưa thể đón nhận tình cảm ấy từ anh. Trách nhiệm với con cái và trách nhiệm với chính bản thân mình. Tôi không thể cho phép mình sai lầm thêm lần nào nữa. Anh nói: “Vậy thì hãy để thời gian chứng minh tình cảm của anh dành cho em”.
Thực sự là tôi đã cố gắng cứng cỏi và kiên cường, mạnh mẽ và tỉnh táo để không bị rung động và có tình cảm với anh. Cuộc hôn nhân đầu tiên ám ảnh tôi khiến tôi sợ hãi và mất niềm tin. Tôi đã cố gắng trốn chạy trước sự theo đuổi bền bỉ, lặng lẽ của anh. Nhưng dù sao tôi cũng chỉ là phụ nữ mà lại là một phụ nữ bất hạnh. Tôi chưa từng được yêu thương, nâng niu và trân quý. Anh đã đến bên tôi như những giọt sương ban mai trong trẻo, ngọt ngào. Cuối cùng tôi đã không thể lừa dối trái tim mình. Tôi chấp nhận tình yêu của anh sau một năm anh đằng đẵng, âm thầm bên tôi.
Tôi về ra mắt bố mẹ anh tại thành phố. Ông bà có vẻ không thích tôi lắm. Mẹ anh bảo: “Bao nhiêu đứa con gái thích nó mà nó không có chịu. Thôi thì đành coi là cái duyên cái số vậy”. Chúng tôi quyết định tổ chức đám cưới. Tôi muốn có một đám cưới đơn giản nhưng ấm cúng với sự có mặt của gia đình đôi bên và một số bạn bè thân thiết bởi cả hai chúng tôi đều đã tổ chức đám cưới lần hai, chẳng hay ho gì mà làm rình rang lên mặc dù anh có thừa điều kiện để làm việc đó. Nhưng anh kiên quyết phản đối. Anh muốn về quê tôi tổ chức đàng hoàng, sang trọng với đầy đủ nghi lễ của một đám cưới. Anh nói vì tôi xứng đáng được như vậy. Và quả thực là tôi đã có một đám cưới mà từ trước tới giờ ở quê chưa có đám nào có thể sánh được.
Sau ngày cưới chúng tôi đi đăng ký kết hôn tại quê tôi. Chị cán bộ tư pháp bảo anh đưa giấy chứng nhận tình trạng hôn nhân ra để chị kiểm tra rồi chị ta đọc lẩm nhẩm nhưng tôi nghe rõ “Tình trạng hôn nhân: Chưa kết hôn lần nào”. Tôi há hốc mồm kinh ngạc nhìn anh và kéo tay anh ra một góc tra khảo: “Thế là thế nào? Anh nói đi. Có nghĩa là anh và vợ trước lấy nhau mà chưa đăng ký kết hôn sao?”. “Không anh chưa có vợ, chưa có con và chưa kết hôn lần nào”. Anh  trả lời tôi một cách bình thản như chả hề gì. Tôi hét lên đầy tức giận: “Anh điên rồi. Anh điên thật rồi. Sao anh lại làm thế? Anh là kẻ lừa dối”. Anh ta vẫn hết sức bình tĩnh: “Em nghe này, tình yêu anh dành cho em thế nào thì suốt thời gian qua em đã biết. Nếu anh không lừa dối em như vậy. Em có chấp nhận anh không. Em có đủ tự tin để lấy anh không. Thôi chuyện này về nhà nói tiếp. Vào làm thủ tục đăng ký cho xong đi”. Lúc đó tôi như chú thỏ con, ngoan ngoãn nghe theo lời anh ta.
Giờ đây đã hơn mười năm chung sống, chúng tôi đã có với nhau hai đứa con trai. Hai đứa con trai giống anh như đúc. Có lẽ nào câu nói bâng quơ ngày trước của ai đó nói rằng “người phụ nữ yêu chồng thì sẽ sinh ra những đứa con giống chồng” đúng với hoàn cảnh của tôi. Những năm tháng sống với anh tôi mới cảm nhận và có được hạnh phúc trọn vẹn của người phụ nữ. Anh vẫn luôn ân cần, nhẹ nhàng, quan tâm và yêu thương tôi như thuở ban đầu. Các con riêng của tôi với người chồng cũ đã được anh động viên và nuôi ăn học, hiện con trai lớn của tôi đã có công việc ổn định, đứa thứ hai cũng đã bước vào năm đầu đại học. Cuộc sống hiện tại của tôi là mơ ước của nhiều người phụ nữ.
Nhiều bạn đọc sẽ thắc mắc muốn hỏi tôi về người chồng cũ của tôi bây giờ ra sao. Thực ra chuyện của anh ta cũng dài lắm nhưng tôi có thể tóm tắt thế này: Từ ngày bỏ tôi, anh ta sa đoạ vào cờ bạc, lô đề và rượu chè, bỏ bê công việc buôn bán dẫn đến mất hết tất cả. Sau đó vì xấu hổ, anh ta đã bỏ đi sống lang bạt nay đây mai đó. Hiện anh ta đang sống như vợ chồng với người phụ nữ hơn mình cả chục tuổi. Con trai lớn của tôi cho biết thỉnh thoảng anh ta điện thoại về xin tiền nó. Tôi vẫn dạy bảo chúng: “Dù xấu hay đẹp cũng là bố của các con. Không có ông ấy thì không có các con nên các con vẫn phải có trách nhiệm với bố mình”. Các con tôi đều ngoan ngoãn nghe lời.
Đã hơn bốn mươi tuổi nhưng tôi vẫn đẹp mặn mà. Một số người mới gặp hoặc chưa biết tôi nghĩ rằng do tôi có cuộc sống sung túc, đầy đủ nên tôi đẹp. Có người còn nói, “là vợ giám đốc thì phải đẹp chứ”. Nhưng quả thật tôi chỉ là gái quê chính hiệu. Tôi đẹp vì tôi là gái quê – đó là nhận xét của chồng tôi và anh yêu tôi cũng chính bởi vì tôi là gái quê.