Một người ít
khi thấy ồn ào. Có lẽ anh thuộc típ người hướng nội. Những người như thế thường có đời sống tình cảm phong
phú nhưng cũng đầy phức tạp luôn được giấu kín. Giả dụ có ai đó trách cứ, thậm
chí dùng những lời nói hơi quá quắt anh cũng mặc kệ, chỉ cười, cùng lắm mặt hơi
đỏ một chút. Anh ít tham gia nêu ý kiến trực diện, nếu có phát biểu thường
chỉ tìm lời khen, những lời chẳng động chạm, ảnh hưởng gì tới người giao tiếp.
Sống như thế nên anh hiếm khi làm mất lòng ai. Với bất kì một đối tượng nào anh
đều có thể làm vừa lòng, kể ra sống như thế là rất khó chứ chẳng dễ dàng chút nào. Người
cho anh là mưu mô, tính toán nhưng cũng không ít người cho anh là khiêm tốn,
nhã nhặn. Thôi thì mặc kệ, biết làm sao, ở đời mà! Còn tôi, tôi
chỉ quan tâm tới đời sống sáng tạo của anh. Đến nay anh đã ra mắt bạn đọc các tập
thơ sau: “Hoa trong cỏ” và “Thầm thức cùng tiếng chim” Đủng đỉnh trăng về.
Anh là nhà
thơ Trần Phố, sinh năm 1950, vào Hội VHNT Đắk Lắk từ năm 1992. Quê anh nổi tiếng với danh thần
Trương Đăng Quế, từng giữ chức Thượng thư bộ Lễ, bộ Lại, bộ Công, bộ Binh, là đại
thần của viện Cơ mật, được thăng Hiệp điện Đại học sĩ thời nhà Nguyễn. Mảnh đất
Quảng Ngãi ấy đã sinh nhiều văn nhân mà đến nay danh tiếng của họ người đời
còn ngưỡng mộ như Bích Khê, Tế Hanh... Dù muốn hay không, có ý thức hay vô tình
ngẫu nhiên, anh may mắn sinh ra ở nơi đất có linh khí của núi sông
thì ít nhiều hơi hướng ấy cũng ám ảnh vào suy nghĩ, tình cảm. Đó là điều
không thể khác được. Còn điều đó có phát sáng hay không thì lại
là một vấn đề khác vì nó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố nữa như: năng khiếu, ý chí,
nghị lực, văn hoá, xã hội, trình độ...
Cuộc sống
hàng ngày dường như không ảnh hưởng tới công việc làm thơ của anh. Bởi anh tham gia vào rất nhiều công
việc khác nhau, thậm chí có công việc trái ngược hẳn với việc làm thơ (nhìn
theo một khía cạnh nào đó). Như vậy khi làm thơ, anh đã gột bỏ hoàn toàn những
tính toán so đo này nọ sang một bên. Có người đọc thơ anh cho rằng con
người ngoài cuộc sống mưu sinh của anh trái ngược hẳn với con người
trong thơ. Đó cũng là một dạng biến hình con người trong muôn mặt cuộc sống này
mà thôi có gì lạ. Lại có người cho rằng nếu nhìn nghiêng một
chiều thuần tuý về đời sống mưu sinh hàng ngày của anh thì không thể làm thơ được
vì bụi bặm cuộc sống nhiều quá, bám chặt quá, còn đâu giây phút tĩnh lặng với
thơ. Ấy vậy mà không phải với riêng anh, anh vẫn “thầm thức cùng tiếng chim” và
vui cùng “hoa trong cỏ” đấy thôi.
Sinh ra trên
cõi nhân gian này là một hạnh phúc, hạnh phúc ấy có được là nhờ mẹ của ta. Mẹ
ta đau đáu nuôi ta khi còn lẫm chẫm, lại đau đáu ngóng mong khi ta nơi xứ lạ.
Hình ảnh mẹ trong thơ anh vừa thực vừa ảo, buồn mênh mang bao thương nhớ: “Vời trông mây núi bay màu
nhớ/ Vóc mẹ hao gầy tóc trắng phau” (Nhớ
mẹ). Viết, nói về mẹ chẳng khi nào đầy chỉ có vơi thôi trong tâm tưởng. Anh đã lách ngòi
bút mà vẽ lên hư không hình ảnh mẹ dù có một vài chữ đã nhiều người dùng nhưng ở cặp
câu thơ này vẫn xôn xao một tâm trạng, tâm trạng ấy khiến người đọc cảm động và
yêu mẹ ngày một đượm thấm hơn. Trong đường đời, thời gian có khi cảm thấy chóng
vánh lạ lùng, có khi lại thấy chậm chạp vô cùng. Ấy là vì tâm của ta thường
quay về quá khứ. Thường thì quá khứ bao giờ chẳng đẹp, bao giờ
chẳng lung linh sắc màu. Và anh nhớ về tuổi thơ của mình: “Mải mê theo cánh
chuồn kim/ Bước chân nhè nhẹ con tim phập phồng” (Một thời cổ tích). Thơ của anh mới chỉ dừng lại ở tả nhưng hình ảnh chú bé tinh nghịch,
say mê, thích chí với thú chơi muôn đời của trẻ thơ hiện ra sinh động, đầy
phấn khích và đáng yêu vô cùng. Cuộc sống ồn
ã hôm nay, những cánh chuồn chuồn mỏng manh kia có
bao giờ trở lại? Cánh chuồn chuồn đã mất hút trong xa vời thương nhớ rồi phải
không? Con người khi ở một độ tuổi nào đó, thường hay nhớ nghĩ về thời quá vãng
dù nó có đẹp hay chưa đẹp nhưng những gì nó hiện ra trong dòng quá
vãng nhớ thương kia bao giờ cũng lấp lánh sáng hẳn lên. Anh nhớ về cái xóm nhỏ Gò Mạ
nơi anh thoát thai cất tiếng khóc chào đời, xóm nhỏ ấy hiện ra thanh bình, yên ả,
đáng yêu: “Như con thuyền xanh/ Xóm tôi Gò Mạ/ Ruộng đồng
vây quanh” (Xóm tôi). Cái xóm Gò Mạ ấy được anh vẽ lên với đủ đầy sắc màu, có vị ngọt của nước giếng khơi, có màu xám của
mây chiều khi đông về, có thanh âm buồn day dứt của tiếng quốc kêu chiều chiều ngoài rặng tre đầu
xóm, tiếng mẹ ru vây quanh làn khói bếp đùn lên mái tranh trong một chiều xa
xưa nào đó.
Thơ anh có một mảng ghi dấu những nơi bước
chân anh đã đi qua. Nó chỉ thoảng qua nhưng cũng kịp lưu lại cái giây
phút khó quên ấy: “Lên Bản Đôn cưỡi voi/ Dạo chơi miền cổ tích/ Rời nhà cổ,
mộ xưa/ Giật mình: Đời gang tấc!” (Bản Đôn). Với bài thơ bốn câu này rất dễ
bỏ qua, ba câu đầu chỉ là hành động kể mà giọng kể dường như trung tính chưa
có cảm xúc nhưng câu thứ tư mang đến cho người đọc một chút suy tư tuy cái suy
tư ấy nhiều người đã nói. Với cố đô Huế, anh có cái nhìn khá
ấn tượng: “Vắt ngang Huế, tà áo dài thơ mộng/ Hương Giang trôi êm ả, yên bình/
Khuya khoắt gọi rắc màu u tịch/ Con thuyền về đánh giấc bến Vân Lâu.”
(Đêm cố đô). Viết về Huế rất khó vì rất nhiều người đã viết, nếu không khéo người viết sau sẽ bị trùng lặp và điều này không
tránh khỏi ở khổ thơ này. Song khổ thơ này, anh đã phát hiện ra chiều sâu của hồi quang quá
khứ luôn luôn hiện
hữu trong không gian thời gian hiện
tại. Ra Hạ Long, anh để lại cho người đọc một hình ảnh đáng nhớ: “Tung rèm mây
hang Trinh Nữ êm đềm” (Với Hạ Long).
Lên Tây Bắc, anh bắt được câu thơ mang tính khái quát cao: “Khói sương đâu
đó về đây cả” (Tây Bắc), những câu thơ như thế trong thơ anh hơi hiếm.
Trong các sáng
tác của Trần Phố có nhiều bài thơ mang tính suy tư, ngẫm nghĩ về đời, về người. Anh ước ao: “Nụ chồi lên cho nắng chuyển mùa.” (Quẳng gánh vô thường). Đó là một cái nhìn tươi trẻ có tính chuyển lưu sự sống. Anh tự
răn mình: “Góc gai đời tráo quên quên hết” (Tuổi năm mươi). Giọng hơi lên
gân một chút nhưng không sao, anh tự nhủ đấy thôi vì khi tuổi đã năm mươi mà vẫn:
“Giọng hót say mùa thở/ Xôn xao khắp đất trời” (Ngày mới). Giọng thơ “xôn
xao” này hình như anh mượn tạm của nhà thơ Thanh Hải thì phải? Dẫu sao nó cũng bổ
sung nhựa sống cho: “60 tuổi cháy vèo như điếu thuốc”. Chúng ta cảm
thông cùng nỗi niềm nuối tiếc với anh. Người đọc có lẽ sẽ rất quý sự suy nghĩ này
của anh: “Vó ngựa đã chồn theo bụi đỏ/ Buông cần... câu một chút lãng
quên” (Đi câu). Tâm trạng này là tâm trạng thực của anh và có lẽ cũng là tâm trạng
của nhiều người. Bước chân của anh đã in dấu trên đường đời bao nhiêu rồi nhỉ,
cuối cùng anh nhận ra: “Và hạnh phúc không đầu không cuối/ Giữa dòng/ Trong đục,
ngẩn ngơ.” (Tạ ơn). Anh thương người hay thương chính mình: “Thương thân đại
thụ giữa rừng cô đơn” (Lên đỉnh Chư Yang Sin). Nhiều khi anh có cái nhìn
khá ấn tượng: “Phía trước em mượt mà xinh đẹp/ Phía sau em gian dối lọc
lừa” (Phía sau em). Anh đã phần nào nêu bật bản chất của đối tượng. Bao giờ chả thế, sự vật – con người
bao giờ và lúc nào cũng tồn tại đồng hành hai mặt đối lập, cái quan trọng ở chỗ
hành xử mà thôi.
Thú thực rằng
thơ của anh hơi ít phát hiện những điều mới lạ và độc đáo. Có bài còn sơ lược về cấu
tứ và cảm xúc chưa sâu. Đọc thơ anh có cảm giác những điều anh biểu hiện chỉ
dừng lại ở bề mặt bên ngoài mà chưa thực sự đi sâu vào vỉa tầng của suy tư,
chính vì thế thơ anh lúc có cảm xúc dồi dào thì nhẹ về tìm tòi, lúc ánh lên chiều
sâu tâm trạng lại dàn trải hình ảnh, cảm xúc. Nói vậy để chúng ta càng trân trọng
hơn những gì anh đã đem lại cho người đọc. Anh từng nói: “Văn chương ngẫu hứng
mấy dòng chơi”. Vâng, anh ngẫu hứng để chơi mà được như thế cũng đáng nể rồi.
Rất mong anh có nhiều lần ngẫu hứng để bạn đọc được “thầm thức” cùng với anh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI