Thứ Ba, 17 tháng 7, 2018

CHUYỆN ÔNG SABATIER SƯU TẦM KHAN ĐAM SAN Ở BUÔN MA THUỘT - tác giả TRƯƠNG BI - CHƯ YANG SIN SỐ 310 tháng 6 năm 2018




   



Các già làng buôn Kô Siêr, phường Tân Lập, thành phố Buôn Ma Thuột kể lại rằng: khoảng đầu năm 1922, ông Sabatier được Toàn quyền Đông Dương cử làm Công sứ Đắk Lắk tại Buôn Ma Thuột, với mục đích thực hiện âm mưu bình định Tây Nguyên lâu dài. Đến vùng cao nguyên rừng thiêng, nước độc này, nơi mà người bản xứ Êđê, M'nông, Jarai cư trú từ lâu đời, với nhiều phong tục tập quán vô cùng huyền bí, ông Xabachiê phải dựa vào các tù trưởng người bản xứ để nắm bắt tình hình dân chúng. Riêng ở địa bàn Buôn Ma Thuột và một số địa bàn phụ cận, ông phải dựa vào tù trưởng Ama Thuột để tìm hiểu phong tục tập quán, đời sống canh tác, và văn hoá của người Êđê. Với cách làm này đã giúp ông dần dần tiếp cận với người dân bản xứ để tìm hiểu về phong tục tập quán, đời sống văn hoá và tinh thần dân tộc của họ, nhằm giúp chính phủ Pháp đề ra những biện pháp thích hợp để cai trị người bản xứ trên cao nguyên Đắk Lắk.
Đầu mùa khô năm 1923, vào "mùa ăn năm uống tháng” của người Êđê, ông Sabatier được tù trưởng Ama Thuột mời dự lễ ăn trâu cúng sức khoẻ của mình. Tối đến, ông được dự buổi sinh hoạt nghe kể khan "Đăm San" tại ngôi nhà dài của tù trưởng Ama Thuột. Ông được tận mắt chứng kiến người dân đến nghe kể khan ngồi chật cả gian gah (gian khách). Họ ngồi nghe kể khan say sưa suốt đêm cho đến sáng. Buổi tối họ đến ngồi nghe kể khan như thế nào thì sáng sớm vẫn thấy họ ngồi đông nguyên như thế. Còn người kể khan là một ông gìa mù cả hai mắt, nhưng có trí nhớ tuyệt vời, giọng kể trầm ấm ngân vang. Ông già mù kể say sưa, đưa người nghe vào thế giới huyền ảo của câu chuyện. Nhìn nét mặt ông già mù lúc buồn, lúc vui, lúc giận dữ, lúc mơ màng như nhập thân vào từng nhân vật trong câu chuyện. Còn giọng kể, lúc thì nói theo câu vần, lúc thì đối đáp tâm sự khá hấp dẫn, lúc thì hát theo những vần điệu dân ca của dân tộc mình. Lời khan cứ thế tiếp nối nhau ngân nga bay vút lên trời cao rồi lắng sâu xuống lan toả vào từng ngôi nhà dài, từng bến nước buôn làng, từng rẫy nương rồi bay xa tận bốn phương trời. Đầu hôm, nghệ nhân kể khan ngồi trên chiếu hoa cạnh bếp lửa, về khuya ông nằm xuống chiếu hoa, đầu kê lên khúc gỗ tròn, tay phải đặt lên trán, mắt lim dim như mời gọi các nhân vật về trong trí nhớ của mình. Ông ta kể say sưa, đến lúc nào thấy khát nước, thèm hút thuốc thì ngồi dậy, mời bà con tạm nghỉ để uống nước, hút thuốc. Lúc này, chủ nhà lấy rượu cần từ ché cúng yàng lúc đầu hôm cho pô khan (nghệ nhân) uống để tạo thêm sự hưng phấn. Sau giờ giải lao, pô khan lại kể tiếp. Giọng pô khan lại trầm ấm vang xa đưa người nghe vào thế giới của ông bà xưa. Cứ thế pô khan kể say sưa, cho đến lúc con gà trống bên hiên nhà gáy vang báo hiệu trời đã sáng. Lúc này, pô khan dừng lại và nói: Chuyện khan còn dài lắm, mời bà con ta nghỉ, chuẩn bị lên rẫy, tối lại đến đây nghe tiếp. Nghe pô khan nói vậy, mọi người đứng dậy chào chủ nhà rồi ra về.
Qua người thông ngôn dịch lại, Sabatier bước đầu hiểu được nội dung của câu chuyện. Trước khi ra về, ông ta nói với ông Ama Thuột: Bài ca này rất lạ và khá hay, ông cho tôi nghe tiếp các tối khác nữa, được không? Ama Thuột gật đầu và nói: Mời ông Công sứ đến nghe tự nhiên như người dân buôn làng mình mà.
Tối hôm sau, ông Sabatier đến nhà Tù trưởng Ama Thuột sớm hơn. Ông gặp một người già đến nghe kể khan và hỏi: Ông ơi, khan là gì? Ông già trả lời: Khan ư! Nó chính là Klei Khan, là những câu chuyện xa xưa rất dài kể về những người anh hùng của người Tây Nguyên chúng tôi. Lời khan hay lắm, không có gì đẹp hơn thế. Dân làng chúng tôi thường nói: "cuộc sống thiếu tiếng khan như bữa ăn thiếu cơm, nhạt muối". Mỗi khi trong nhà có người kể khan, chúng tôi cảm thấy vui lắm, đàn bà thôi kêu la, trẻ con ngừng khóc, người già thôi kể chuyện rẫy nương, không hề ai ngủ, không ai nói chuyện, tất cả mọi người đều chăm chú lắng nghe lời khan.
Nghe ông già nói vậy, ông Sabatier, phần nào hiểu được giá trị các buổi nghe kể khan của người dân Êđê ở nơi này.
Thế rồi, ông Sabatier liên tiếp đến dự nghe kể nghe kể khan suốt bảy đêm liền tại ngôi nhà dài của Ama Thuột. Nhờ thông ngôn dịch từng đêm nghe ông già mù kể khan "Đăm San", nên Sabatier bị lôi cuốn về bài khan này. Nghe hết bài khan "Đăm San" ông Sabatier vô cùng ngạc nhiên và nói với Ama Thuột: Tôi rất xúc động, khi nghe lần đầu tiên bài ca "Đăm San". Nó rất hấp dẫn, nhưng khá buồn đã gợi cho tôi về quá khứ của người dân bản xứ và nó làm cho tôi có sự nghi ngờ. Ôi, đây là một sự phát hiện! Nó là một bằng chứng không thể chối cãi được rằng, những bộ lạc ở Cao nguyên Đắk Lắk đã có cuộc sống khác với người "Mọi" khốn khổ hôm nay. Tôi muốn ghi chép lại bài ca này, để phổ biến cho mọi người biết rằng, ở xứ sở lạc hậu này mà có một bài ca về người anh hùng làm rung động lòng người. Tôi phải tiến hành làm ngay, nếu để chậm, ông già mù mất đi, mang theo nó về thế giới bên kia thì sẽ không tài nào tìm lại được nữa. 
Ba ngày sau, Xabachiê bảo người thông ngôn mời ông già mù đến toà Công sứ kể khan "Đăm San" cho riêng ông nghe để ghi chép toàn bộ bài khan này. Hôm ấy vào dịp đầu tháng hai dương lịch, trời Tây Nguyên se lạnh, ông già mù trong trang phục của người Êđê, đóng khố và khoác trên người một tấm vải thổ cẩm đã cũ, sờn rách nhiều chỗ. Ông theo người thông ngôn vào toà Công sứ Pháp. Ông Xabachiê đón ông già mù tại phòng khách, mời ông uống nước rồi hỏi: Ông tên là gì? Ông già mù trả lời: Mình tên là Y Ka.
Ông Sabatier hỏi tiếp: Ông năm nay bao nhiêu tuổi?
- Mình năm nay bảy mươi mùa rẫy rồi.
- Ông biết kể bao nhiêu khan?
- Mình biết kể khoảng hơn chục khan thôi.
- Ông biết kể từ lúc nào?
- Từ khi mới lên 5 mùa rẫy, mình đi chăn bò với ông nội mình, khi thả đàn bò ra bãi cỏ cho nó ăn là ông mình kể khan cho lũ trẻ con cùng đi chăn bò nghe. Cứ thế, hết mùa rẫy này sang mùa rẫy khác nghe ông mình kể khan rồi mình nhớ vào trong cái đầu. Sau mỗi mùa rẫy là mùa ăn năm uống tháng, mình theo ông mình đi nghe kể khan trong các đêm lễ hội của buôn làng. Nhiều lần như thế mình nhớ và thuộc các khan của ông mình kể. Đến năm lên 15 mùa rẫy, mình kể khan cho lũ trẻ chăn bò nghe, và từ đó mình bắt đầu biết kể khan. Khi ông mình qua đời, mình thay ông kể khan cho bà con buôn làng nghe.
- Ông có gia đình không?
- Mình có vợ và hai con gái. Năm vợ mình được 37 mùa rẫy, một hôm bà ấy cùng đi lấy củi với ba người bà con, thì bị một cơn mưa giông bất ngờ đổ ập xuống, nước suối dâng lên cuốn trôi cả ba người mất tăm tích. Vợ mình mất từ ngày đó. Mình thương vợ khóc suốt mấy ngày liền, thế rồi hai mắt mình nó sưng lên và mình bị mù từ dạo đó. Hai con gái của mình lúc mẹ nó mất, đứa vừa 20 mùa rẫy, đứa 18 mùa rẫy, chúng nó đã có chồng cả rồi. Theo tục Chuê nuê (nối dòng) của người Êđê, sau lễ bỏ mả cho vợ mình, bà trưởng họ mang đến cho mình một cháu gái mới được 12 mùa rẫy, bắt mình lấy làm vợ. Tuy bụng mình không muốn lấy vợ nữa, nhưng theo tục Chuê nuê, mình phải chấp nhận, nếu không sẽ bị phạt và đuổi về nhà mẹ đẻ. Từ đó mình phải lấy đứa cháu gái làm vợ. Rồi một hôm, cô vợ trẻ của mình đi làm rẫy bị gặp cơn mưa, về nhà bị lên cơn sốt, mấy ngày sau thì mất. Nhà gái hết người nối dòng, nên mình phải trở về nhà mẹ đẻ. Mẹ mình lúc ấy đã mất rồi, nên từ đó mình sống một mình. Từ khi mình bị mù, mình cảm thấy kể khan hay hơn và được bà con trong buôn làng mình và các buôn lân cận mời hát kể nhiều hơn.
Ông Sabatier ngồi nghe ông già mù kể về quá khứ của mình, mà cảm thấy thương hại. Rồi ông nói với ông già mù:
- Mấy hôm vừa rồi tôi được nghe ông kể khan "Đam San" ở nhà ông Ama Y Thuột trong dịp lễ cúng sức khoẻ. Ông kể hay lắm. Hôm nay tôi mời ông đến đây để kể khan "Đăm San" cho riêng tôi nghe thôi. Ông có giúp không ?
- Ồ, kể khan phải kể trong nhà dài, có nhiều người nghe, và phải kể vào ban đêm, trước khi kể phải có lễ cúng yàng thì nó mới đúng phong tục của người Êđê. Còn kể ở đây cho một mình ông nghe thì tôi không kể được đâu.
Nghe ông già mù nói vậy, ông Sabatier liền nói với người thông ngôn: Giao cho cậu tìm một địa điểm thích hợp như ông già mù này nói, kể cả mời người nghe và có nghi thức cúng yàng trước khi kể khan nữa đấy.
Ba ngày sau, mọi việc chuẩn bị cho ông già mù kể khan đã hoàn tất. Địa điểm tại nhà người thông ngôn ở buôn Ea Tam. Thế rồi cứ mỗi buổi tối dân làng kéo đến ngồi chật gian gah chờ nghe kể khan. Chủ nhà làm lễ cúng thần linh xin phép kể khan bằng một ché rượu và một con gà trống choai. Sau nghi lễ này, ông già mù bắt đầu kể khan "Đăm San" cho ông Sabatier và dân làng cùng nghe. Theo yêu cầu của ông Sabatier thì pô khan phải kể chậm hơn mọi lần để thông ngôn vừa dịch vừa ghi chép. Cứ thế, ông già mù kể liên tục một tháng liền mới kết thúc bài khan "Đăm San". Trong quá trình nghe kể khan, ông Sabatier mới tận mắt thấy được ông già mù mỗi khi vào chuyện là kể say sưa, không kề thấy mệt. Nét mặt ông lúc vui, lúc buồn, lúc giận dữ. Lời khan ông kể lúc khoan thai, lúc trầm lắng, lúc dồn dập bay bổng thiết tha làm cho người nghe bị lôi cuốn, không bao giờ bỏ lỡ một buổi nào.
Ông Sabatier thấy dân làng đến nghe kể khan" Đăm San" nhiều lần mà không biết chán, ông liền hỏi một người già trong buôn Ea Tam: Khan "Đam San" có gì hấp dẫn mà mọi người thích nghe đến thế?
- Ồ, khan "Đam San" được dân làng chúng tôi yêu thích, vì chúng tôi phục chàng Đam San có tài đánh tù trưởng nào cũng thắng. Người ta thích theo Đam San lên nói chuyện với Yàng Trời, đi chơi khắp rừng núi, đi bắt cá dưới sông suối, đi chơi đẩy cây, đi thả diều từ ngày này sang ngày khác vui lắm và còn theo chàng đi lên nhà Nữ thần mặt trời cầu hôn nàng về làm vợ nữa. Ở đây, từ pô khan là ông già mù cho đến dân làng chúng tôi, tất cả đều tin rằng mỗi lần nghe kể khan, các nhân vật trong bài khan đều hiện về sống với dân làng và dân làng được sống với các nhân vật anh hùng trong những giây phút rất linh thiêng.
Qua lời tâm sự này của người nghe kể khan, ông Sabatier càng khâm phục người dân bản xứ về sự cảm nhận tác phẩm khan "Đăm San" mà người Pháp gọi là "Mọi". Ông cho rằng cách gọi này là khinh miệt người dân bản địa. Với suy nghĩ này đã thúc dục ông bắt tay vào dịch tác phẩm này. Sau một năm sưu tầm khan "Đăm San", Sabatier và người thông dịch đã hoàn thành bản thảo tác phẩm này bằng song ngữ Êđê-Pháp. Ông đặt tên là "Bài ca chàng Đam San", rồi gửi về nước Pháp xuất bản và công bố vào năm 1927. Tác phẩm này đã gây dư luận trong các nhà nghiên cứu Folklore ở các nước phương Tây. Họ không ngờ một xứ sở cao nguyên trung phần của Việt Nam, dân chúng còn lạc hậu mà có một tác phẩm văn học dân gian khá độc đáo. Họ xếp tác phẩm này ngang hàng với tác phẩm anh hùng ca "Bài ca chàng Rô Lăng" của người Pháp và một số tác phẩm anh hùng ca của phương Tây như Iliat, Ô đixê của Hômerơ ở Hy Lạp.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI