Làng Bồ Bản nằm bình yên tách biệt dưới chân
dãy núi đá vôi, những dải núi nối nhau chạy xa tít tắp. Suốt bao nhiêu năm chỉ duy nhất cây
giàng giàng là sống được, loại cây khẳng khiu tích cóp từng giọt mưa mạch nước
nuôi mình. Mùa đông, khi rơm rạ đã hết, dân làng mấy xã xung quanh kéo nhau lên
núi gồng gánh giàng giàng, không cần phơi, cắt xuống hơi se se là đượm lửa.
Nhà nhà san sát
nhau nằm thảnh thơi, lưng tựa vào khối thiên nhiên vững chãi, bên hông nhà trồng đầy chè bụi, cứ mỗi dịp
cuối đông là hoa trắng bung mình. Con đường duy nhất dẫn vào làng hai bên đường
mênh mông ngô lúa. Lũ trẻ đi học về vừa đi vừa hát. Nước giếng núi trong văn vắt,
con gái làng uống nước ấy giọng trong như ngọc thảy mâm vàng, da tóc thơm như
hoa cau non, con trai khắp xã trong huyện nhiều người ao ước.
Nhưng đấy là chuyện xưa kia.
Người ta đấu thầu núi đá vôi, đêm ngày gì cũng kề
khoan vào mỏ đá, bộc phá đặt vào bụng núi, những tiếng nổ khủng khiếp váng cả gầm
trời. Người ta xẻ núi, vét những cái rãnh sâu dẫn từ ngọn xuống chân núi
để chuyển đá làm xi măng. Mấy dải núi tan hoang, bụi bay mù mịt, tiếng động cơ xe tải,
tiếng nổ mìn, tiếng máy khoan đinh tai nhức óc. Người ta nói với nhau như hét, những
câu ngắn ngủn và
cộc lốc. Trai tráng trong làng và mấy làng bên dồn đến lái xe, chuyển đá, việc nặng
nhưng công cao.
Làng bắt đầu thay da đổi thịt, những ngôi nhà cao tầng
bắt đầu mọc lên, người ta đua nhau sắm ti vi dàn máy. Cánh đồng mênh mông bây
giờ trơ gốc rạ, bụi xi măng bàng bạc choàng lên mọi vật như tấm áo khổng lồ,
nuôi cá cá chết, cỏ cây không tài nào sống được. Những người đàn bà ngày nào
cũng nơm nớp từ lúc bới cơm vào cặp lồng cho chồng con lên bãi đá đến khi họ trở
về ngã vật xuống giường dỗ dành sức lực trong khi ở bãi đá vẫn rung giật vọng
vào tiếng núi kêu than.
Nhiều người thành góa phụ khi mới vừa kịp
tân hôn.
Nhài mất chồng, nhưng không phải trên mỏ đá. Hôm ấy,
Nhài vẫn bới cơm cho chồng, không quên bỏ vào túi cước cút rượu trắng. Buổi
trưa cánh thợ đá cơm nước đâu đấy xong, rượu đã lâng lâng, đám đàn ông ngồi vãn
chuyện, chuyện gần xa rồi chuyện nhà chuyện vợ, chuyện Nhài không đẻ được con trai. Mới
đầu thì nói cho vui, sau chuyển sang cay cú, rằng làm tối mặt tối mày chỉ nuôi
vợ mình và vợ ba thằng khác, tốt nhất ở nhà cho sướng thân. Rằng bắt đầu từ hôm
nay chồng
Nhài hãy ngồi một mình một mâm, sau này làm ông ngoại cho nó quen dần. Rằng nhà hai tầng,
thợ bộc phá giỏi nhất nhì mỏ đá mà lấy con vợ người dài nhẳng như củi cháy. Rượu
và sự phẫn uất ngún vào nhau bắt lửa đốt rụi cả trí khôn. Chồng Nhài giắt thuốc
nổ vào lưng, lừng lững về nhà khi Nhài đang lúi húi nấu cơm trong bếp, hắn dí vào mặt Nhài ống thuốc, gầm giọng hỏi:
- Mày có đẻ nữa không?
Nhài hiểu ngay mọi sự thế nào, cô răm rắp gật đầu, răm
rắp dạ vâng. Cơn giận của chồng nguôi ngoai, Nhài ra ngoài sân quét tước. Một
tiếng nổ long trời nở đất. Lặng đi vài giây rồi đất đá rơi xuống ào ào. Nhài bị
hơi bom xô xuống sát mé ao, nằm viện gần một tháng trời về nhà thì xóm làng họ
hàng đã lo hậu sự cho chồng xong xuôi đâu đấy. Ba đứa con gái ôm mẹ rưng
rức khóc, làng đá mà không có đàn ông trong nhà thì lấy gì làm kế sinh nhai.
Bốn mẹ con nương tựa vào nhau, vỡ ruộng đất
ngày xưa từng màu mỡ, ươm lên những thửa ruộng thân quen mầm khoai nhánh mạ. Mấy sào ruộng
của mẹ con lẻ loi giữa đồng không, khoai chưa kịp thu chuột khắp nơi kéo đến cắn
sạch gốc, lúa vừa lên được gang tay là èo uột nghẹn đòng. Nước mắt đổ xuống đồng
cũng không tưới tắm được lúa ngô xanh tốt. Nhài xoã tóc đi lên núi, chỉ mặt hỏi
tên những thằng khích bác khốn nạn đâu rồi. Không một ai trả lời, chỉ có bụng
núi đang quặn lên cơn đau do bộc phá. Người ta bảo Nhài phát điên. Giá mà điên
đi được, ba đứa con gái đang tuổi ăn tuổi học, Nhài búi tóc, gạt nước mắt theo
những người đàn bà một vai hai gánh trong làng.
Đàn ông sức vóc thì lái xe tải, máy xúc, đàn bà yếu
hơn thì gánh gồng, đẩy xe rùa bưng bê đá mạt, Nhài cũng vươn vai, nhô cổ choãi
chân. Những người đàn bà cụm vào nhau, nhìn bất hạnh của nhau mà tìm lẽ sống.
Người sống được thì ta sống được kể cả giữa tiếng ồn ào váng óc, bụi bịt lấy lỗ
mũi, nắng đốt cháy da và thiêu loá mắt. Sống giữa khung cảnh ấy dường như mọi thứ đều bị kéo
căng hết cỡ, dễ dàng nổ tung. Với đám đàn ông, nhiều khi chỉ
một câu nói, một ánh nhìn không vừa mắt là sẵn sàng nổ ra một cuộc ẩu đả, một
tai hoạ. Lạ lùng là với cánh đàn bà, càng vất vả, càng khốn khổ, người ta càng co
cụm bao bọc lấy nhau.
Trên đời, ở bất cứ đâu, đàn bà vẫn là giống lo toan sớm.
Trên nền cũ của chái bếp tan hoang gạch vụn, ba đứa
con gái cùng mẹ hè nhau quây gạch, mua lợn giống về nuôi. Sáng chiều đi học
về chúng thay nhau đạp xe xuống mấy làng dưới ở ven đê
cạnh dòng sông Vận mua cám gạo, mùa đông chúng mang theo bao tải tranh thủ giữa trưa chiều
muộn đi kiếm rau dền rau rệu rau tàu bay. Mùa xuân mùa hè, chúng
xăn quần xuống con mương ven đê bắt ốc bươu vàng hái rau muống mọc dài về quấy
cám.
Chúng bắt đầu ao ước nhà mình nằm bình yên trong những
xóm nhỏ ven sông. Cuối xuân đầu thu được đi cắt lúa trên đồng, mùa đông té nước trồng
hành tỏi, hoa cải
vàng bên sông chấp chới, giấc ngủ bình yên không nghe tiếng núi rên rỉ trở mình.
Những ao ước ấy cứ lớn dần lên trong giấc ngủ chập chờn.
Trong bữa cơm ba chị em tranh nhau kể lể, chúng vẽ lên cuộc sống thanh nhàn như
ngày Nhài còn bé. Chị cũng ước ao.
Khi tấm
lưng dỗ giấc cả đêm tỉnh dậy không bớt đau, đôi chân leo lên núi bắt đầu rệu rã. Nhài không thể nào gồng mình được nữa. Chị rao bán nhà cửa vườn
tược, rõ là mảnh đất sát núi vàng núi bạc, người ta xúm lại mua ngay. Mẹ
con dắt díu rời làng. Nhà không có đàn ông, hàng xóm mới mỗi người một tay một
chân sửa
nhà, khuân vác đồ đạc. Những đêm yên lành giữa làng xóm mới, mấy mẹ con thi thoảng
vẫn giật mình. Đứa con gái nhớn học hết mười hai nhất quyết không đi học nữa,
em nói với mẹ trổ một gian nhỏ gần lối đi cạnh cổng mở tiệm may. Trong bữa cơm
quây quần, chị cả nói với các em phải cố mà thoát ly ra thành phố, phải cho người
ta thấy chẳng có chân lý nào mang tên con trai cả. Nhài bật cười trước sự hiếu
thắng của đứa con gái vừa kịp phổng phao rồi lại thấy rưng rưng quá. Nhài bảo:
- Con ơi! Mình sống đời mình.
Làng ven sông, đất trong vườn bóng màu nâu đỏ, mấy mẹ
con cùng nhau đắp đổi, gà gáy trăng non vẫn còn cặm cụi. Những bụi
chuối trong vườn cứ láng mướt xanh um,
lúa trên đồng chắc hạt nặng bông, rơm nếp phơi tăm tắp trên tường gạch, mẹ ngồi bện chổi góc
sân, con gái chỉn chu may vá, tiệm may lúc nào cũng xôn xao tiếng nói
cười lấy số đo, chọn màu vải vóc…
Bẵng đi mấy năm, một ngày khắp xã khắp huyện
xôn xao: Làng Bồ Bản nay lạ lắm, người ta kê chõng mắc bạt giữa con đường độc nhất vào
làng, người già trẻ con thanh niên trai tráng cắt cử nhau giữ đường
ngày cũng như đêm, đội hậu cần hùng hậu lo cơm nước cho dân làng giữ sức. Cánh
tài xế ở nơi khác đến chở đá bị túm cổ ấn xuống mương. Bọn
chủ thầu chưa kịp vỗ về bằng những lời hứa hẹn đường mật đã bị ông già bà cả hất bụi xi măng vào mặt... Trong làng, vợ bảo
chồng,
con
nhắc cha đừng lên núi nữa, trẻ con mới sinh ra nhiều đứa bị kinh giật, phổi nám
bụi xi măng, đám đàn ông sau bao nhiêu năm bươn bải kiếm tiền giờ hục hặc ho ra máu. Cửa
rộng nhà cao có ý nghĩa gì với người đàn ông thoi thóp đấm ngực trên giường chiếu.
Mâm cơm nóng hổi vừa bưng lên phải giục mọi người ăn quáng ăn quàng kẻo bụi thì
tiền bạc ý nghĩa gì với người đàn bà. Đám con cháu thành đạt trên thành phố về,
chúng mang đơn lên huyện rồi lên tỉnh.
Người ta trả lại bình yên cho làng khi những ngọn núi
đã bị cắt hết ngọn, chỉ còn là những dải đá thấp buồn bã nằm dưỡng thương.
Không còn lộc đá, dân làng kéo xe xuống mấy làng dưới xã mua trấu, mua tro, xin rơm
rạ mục về độn ruộng, vôi bột rắc trắng cánh đồng khử khuẩn, máy nước đêm ngày
hút nước lên đồng. Cũng mất đến mấy vụ nghỉ đồng cho đất ngấu, người ta lại bắt
đầu ngâm giống, lọc bùn xạ mạ. Màu xanh
trở lại trên đồng. Núi vẫn hiền lành cho nhà nào nhà nấy tựa lưng. Vạt núi
thấp chậm chạp hồi sinh bằng màu xanh cần mẫn của cây giàng giàng. Bên hông nhà mỗi cuối đông chè bụi tí tách bung
hoa trắng. Trẻ con lớn lên từ đồng ruộng rồi đi khắp muôn nơi bằng sự cặm
cụi của cha ông. Giữa hè, đầu xuân bọn chúng về làng, đi qua con đường hai bên
mênh mông lúa ngô vẫn khe khẽ hát, chúng bảo nơi không đâu an
lành bằng bầu ngực quê hương.
Câu chuyện có lối viết tinh tế, sắc sảo. Nói về một vấn đề hiện thực của xã hội mà cũng động đến những ngõ sâu trong đời sống và hồn người. Thực sự hấp dẫn!
Trả lờiXóa