Thứ Bảy, 7 tháng 7, 2018

MỘT ĐỜI "LÀM NGỌN ĐÈN CHONG" - lời bình của   LÊ THÀNH VĂN

 - CHƯ YANG SIN SỐ 310 tháng 6 năm 2018

Sổ tay Thơ:


NHÀ BÁO

Chẳng phải vay ai mà cũng nợ
Số này số khác thúc chân nhau
Lo trang, lo chữ hơn lo vợ
Nhìn đó trông đây tự chuốc sầu

Nghề oách, nhiều khi nghe cũng oách
Tiếng tăm vang cả bốn phương trời
Xe kia, xe nọ thường đưa rước
Quan nhỏ, quan to ấy bạn chơi...

Xuống huyện xắn quần bàn cơ cấu
Lên rừng vung bút giữ môi sinh
Bán buôn quốc tế, trừ tham nhũng
Khoa học, văn chương tỏ điệu sành

Chơi quan những tưởng mình quan trọng
Bàn nghề, ngộ nhận đã lên chuyên
Xót nỗi muộn mằn nay mới tỉnh
Quan chẳng quan mà chuyên chẳng chuyên

Ngày xưa cây súng, lòng thanh thản
Cây bút bây giờ mới nặng thay!
Tài mọn thôi đành viên đá lát
Làm ngọn đèn chong khát ánh ngày.
                                                             NGUYỄN SĨ ĐẠI

LỜI BÌNH:


Nguyễn Sĩ Đại là một nhà thơ khá quen thuộc với bạn đọc, đồng thời cũng là một nhà báo tên tuổi. Có lẽ sự am tường và thấu hiểu nghề nghiệp báo chí mà mình đang công tác nên bài thơ Nhà báo ra đời đã được nhiều đồng nghiệp và độc giả thích thú. Không chỉ mang tính thời sự nóng bỏng mà còn lắng sâu nỗi niềm tâm sự của một người từng "xuống huyện, lên rừng" để góp tiếng nói cho cuộc đời thêm tươi đẹp, "làm ngọn đèn chong khát ánh ngày" trên mỗi trang báo hôm nay.
Trước hết, sự thành công của thi phẩm nằm ở chính cái giọng điệu tưng tửng, nhưng chân thành và tha thiết. Thể thơ bảy chữ kết hợp với nghệ thuật sử dụng phép đối khá đậm đặc đã thể hiện được nỗi lòng đầy trăn trở, day dứt khi tác giả cảm nhận cuộc sống hiện tại, đồng thời biết thấu cảm quá khứ để nâng mình lên, sống thật đúng nghĩa một nhà báo biết yêu nghề, yêu đời và đặc biệt là thấy được trách nhiệm quan trọng mà xã hội đã giao cho mỗi nhà báo trên hành trình góp một tiếng nói trước đời sống con người, nhất là giữa thời buổi kinh tế thị trường đầy trắc ẩn.
Bài thơ Nhà báo mở đầu khá thú vị nhờ cái tự nhiên của một người biết trần tình nghề nghiệp pha chút hóm hỉnh rất có duyên:
Chẳng phải vay ai mà cũng nợ
Số này số khác thúc chân nhau
Lo trang, lo chữ hơn lo vợ
Nhìn đó trông đây tự chuốc sầu
Đọc bốn câu thơ trên, chúng ta dễ dàng nhận ra đây là lời của một nhà báo thuộc phái mày râu. Phái mày râu làm báo dù sao cũng ít vất vả hơn nữ giới, nhưng ở đây sự lo toan tất bật đến cuống cuồng khiến cho anh ta như mắc phải nợ nần, vì "số này số khác thúc chân nhau". Bao nhiêu lo toan cứ đuổi theo ngày tháng đã buộc người làm báo "lo chữ hơn lo vợ". Việc nhà, việc vợ con mà trách nhiệm người đàn ông phải biết quan tâm, chăm sóc bây giờ trở thành thứ yếu để dồn hết cho công việc làm báo mỗi ngày.
Lo toan, vất vả là vậy, nhưng nghề báo cũng có cái "oách" của nó. Tiếng tăm vang dội khiến thiên hạ phải trầm trồ thán phục, ngưỡng mộ về chữ nghĩa, tài năng. Nhà báo trong quá trình tác nghiệp cũng được đưa rước bằng xe kia, xe nọ, hơn nữa lại được quen biết với quan nhỏ, quan to trên khắp mọi miền đất nước. Vẫn cái giọng tưng tửng từ đầu, Nguyễn Sĩ Đại đưa nghề nghiệp nhà báo lên tận mây xanh để rồi thấm thía trong sự vất vả, lo toan, ngược xuôi khắp chốn, bởi phải góp một tiếng nói chính thống điều chỉnh hành vi xã hội, làm cho đời sống ngày một tốt đẹp hơn:
Xuống huyện xắn quần bàn cơ cấu
Lên rừng vung bút giữ môi sinh
Bán buôn quốc tế, trừ tham nhũng
Khoa học, văn chương tỏ điệu sành
Phải là người trong nghề, thấu cảm được biết bao nỗi vất vả khó nhọc của người làm báo, nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại mới có được những câu thơ đầy xúc động đến thế. Phép đối khá chỉnh chu nhằm diễn tả các hành động thực tế của nhà báo khi "xuống huyện", "lên rừng" nghe thật cảm động. Có "xắn quần" bước xuống ruộng mới có được cái nhìn thiết thực về đời sống nông nghiệp, về tình cảnh người nông dân. Có "lên rừng" mới hiểu thấu vai trò và ý nghĩa của rừng để "vung bút" giữ môi sinh". Có thể nói, đây là khổ thơ giàu chất hiện thực nhưng cũng biểu cảm nhất, giọng thơ hóm hỉnh mà tâm tình lại thẳm sâu, cao đẹp. Nhà báo có trách nhiệm phải là người đi sát thực tiễn, biết đau lòng trước bất công, tham nhũng, cất tiếng nói chính nghĩa từ cây bút của mình nhằm đem lại hoa thơm và trái ngọt cho đời.
Khép lại bài thơ Nhà báo, Nguyễn Sĩ Đại có cái giật mình muộn mằn đầy tỉnh ngộ, nhưng đó là sự ngộ của một con người đầy trăn trở qua cái tôi nhân vật trữ tình tác giả: "Quan chẳng quan mà chuyên chẳng chuyên". Cuối bài thơ, tác giả mở lòng ra bát ngát, nguyện làm một "viên đá lát", "làm ngọn đèn chong khát ánh ngày", khai mở niềm tin và hi vọng cho một tương lai tốt đẹp, một khát vọng đầy tính nhân:
Ngày xưa cây súng, lòng thanh thản
Cây bút bây giờ mới nặng thay!
Tài mọn thôi đành viên đá lát
Làm ngọn đen chong khát ánh ngày.
Hóm hỉnh mà lắng sâu, tưng tửng mà đầy thấm thía, Nhà báo cất lên tiếng nói của một tâm hồn giàu lòng yêu thương và khao khát để vun đắp cho cuộc đời này mỗi ngày thêm tươi đẹp. Nỗi lòng của nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại âu đó cũng là tấc lòng của hết thảy những nhà báo chân chính, giàu tài năng và lòng hướng thiện, luôn khát khao chân lý ở đời.
                                                                                     

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI