VẺ ĐẸP NGƯỜI MẸ TÀ ÔI QUA BÀI THƠ
“KHÚC HÁT RU NHỮNG EM BÉ LỚN TRÊN LƯNG MẸ” - lời bình của LÊ THÀNH VĂN - CHƯ YANG SIN SỐ 310 tháng 6 năm 2018
(SGK
Ngữ văn lớp 9)
Thế
hệ các nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ thực sự đã làm nên một dòng chảy văn học độc đáo với nhiều tên tuổi lớn. Một Thu Bồn vạm
vỡ với sức viết thật hoành tráng, một Thanh Thảo cũng dấn
thân quyết liệt không kém để vươn lên trở thành "ông vua của thể loại trường
ca", một Nguyễn Trọng Tạo lãng mạn
và tài hoa qua nhiều bài thơ đằm thắm chất men say của người lính trẻ.
Nguyễn Đức Mậu, Hữu Thỉnh, Anh Ngọc, Hoàng Nhuận Cầm... mỗi người một vẻ đã viết
tiếp một chương mới trong lịch sử thơ ca nước nhà. Nguyễn Khoa Điềm là một
trong những bông hoa rực rỡ sắc hương trong vườn thơ giai đoạn chống Mỹ, đã để lại nhiều bài thơ gây ấn tượng thật sâu
sắc trong lòng bạn đọc. Ngoài trường ca Mặt đường khát vọng mà chương Đất nước
được học nằm lòng qua nhiều thế hệ bạn
đọc, Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ là một
trong những bài thơ xuất sắc, phản ánh hình tượng người mẹ Tà - ôi ở miền núi của
tỉnh Thừa Thiên Huế, nghèo khổ nhưng giàu tình thương con, tình yêu buôn làng, đất nước trong những năm đánh Mỹ.
Bài
thơ có ba khúc, hai khúc đầu ca ngợi hình ảnh bà mẹ Tà - ôi trong lao động sản xuất.
Bà mẹ nghèo ấy vừa địu con vừa lao động giã gạo, tỉa bắp để nuôi bộ đội. Đi kèm
với vẻ đẹp lao động bình dị, chân chất là tình thương con vô hạn, tình cảm gắn bó với buôn làng và niềm ước mơ của mẹ thật bình dị, sáng trong:
-
Con mơ cho mẹ hạt gạo trắng ngần,
Mai sau con lớn vung chày lún sân...
-
Con mơ cho mẹ hạt bắp lên đều
Mai
sau con lớn phát mười Ka - lưi!
Trong
hai khúc đầu của bài thơ, có những câu thơ tác giả khắc hoạ vẻ đẹp người mẹ khiến
người đọc không thể nào kìm nén xúc động. Cảnh người mẹ giã gạo nuôi bộ đội, em cu Tai cứ thế mà ngủ trên lưng mẹ, thành ra "nhịp
chày nghiêng giấc ngủ em nghiêng". Rồi nữa, gian khổ, vất vả
là vậy, nhưng tâm hồn người mẹ vẫn sáng trong lấp lánh một tình thương con vô hạn
qua lời hát nhịp nhàng, sâu lắng bằng chính nhịp tim đưa nôi khi địu con của
mình:
"Mồ
hôi mẹ rơi má em nóng hổi,
Vai mẹ gầy nhấp nhô làm gối,
Lưng
đưa nôi và tim hát thành lời:..."
Không
gian lao động của bà mẹ Tà - ôi cũng được nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm mở rộng có
chủ ý, từ ở sân nhà trong tư thế giã gạo đến khung cảnh núi cao lúc mẹ lên núi
tỉa bắp. Núi Ka - lưi hùng vĩ, có "mặt trời của bắp thì nằm trên đồi",
nhưng bóng dáng người mẹ nghèo khổ ấy lại thật nhỏ bé, chỉ có tấm lưng làm nhịp
nôi đưa ru em cu Tai vào giấc ngủ êm đềm với mơ ước âm thầm "mai sau con lớn
phát mười Ka - lưi". Nghệ thuật ẩn dụ qua hình ảnh mặt trời, phép tương phản
trong sự đối sánh giữa lưng núi và lưng mẹ đã thật sự gợi ấn tượng rất mạnh mẽ trong
lòng người đọc từ khi bài thơ ra đời cho đến nay: "Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi/ Mặt trời của mẹ em nằm trên lưng"
Đến
khúc thứ ba của bài thơ, tác giả Nguyễn Khoa Điềm đã nâng hình tượng người mẹ
lên một tầm vóc mới. Người mẹ Tà - ôi trải qua lao động giã gạo nuôi bộ đội, đến
tỉa bắp trên núi Ka - lưi, giờ đây đã là bà mẹ trực tiếp đi làm cách mạng. Có đặt
bài thơ trong hoàn cảnh ra đời khi cả nước đứng trước cuộc kháng chiến chống Mỹ
ác liệt nhưng sắp đi đến thắng lợi ta mới hiểu rằng sự chuyển biến ấy qua hình tượng người mẹ Tà - ôi là điều không thể khác.
Do tính chất công việc của mẹ ở khúc thứ ba đã khác nên không gian cũng
được mở rộng, hùng tráng và lẫm liệt hơn nhiều. Không chỉ là
sân nhà nơi giã gạo, núi Ka - lưi nơi tỉa bắp,
mẹ bây giờ phải di chuyển qua rất nhiều không gian núi
rừng rộng lớn, nguy hiểm hơn:
Mẹ
đang chuyển lán, mẹ đi đạp rừng,
Thằng
Mỹ đuổi ta phải rời con suối,
Anh trai cầm súng, chị gái cầm chông,
Mẹ
địu em đi để giành trận cuối.
"Mẹ
đang chuyển lán, mẹ đi đạp rừng" để giành trận chiến thắng cuối cùng trước
quân giặc. Mẹ vất vả, gian lao và hoạt động trong không gian nguy hiểm là vậy, nhưng
trên lưng mẹ vẫn là em cu Tai ngoan ngoãn, hiền lành trong giấc ngủ say để mẹ hoàn thành nhiệm vụ. Đọc những câu thơ ở khúc ba
này, chúng ta ngỡ mình đang
bước vào không gian huyền thoại, nơi đó có sự đối lập giữa thiên nhiên dữ dội,
hùng vĩ và vẻ đẹp của tình yêu, khát vọng mà con người hướng đến thật tươi
sáng, êm đềm. Mẹ vẫn hát ngân nga trong tim mình bằng niềm mơ ước, nhưng đến
đây niềm mơ ước ấy không còn bình dị nữa mà mang tâm trạng và nỗi niềm của người mẹ yêu quý Bác Hồ, yêu thương đất nước thiêng liêng. Tất cả
tình cảm ấy được mẹ gửi vào em cu Tai đang ngủ trên lưng: "Từ trên lưng mẹ
em đến chiến trường/ Từ trong đói khổ em vào Trường
Sơn"
Về nghệ thuật xây dựng hình tượng, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm viết bài thơ
Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ bằng sự thấu hiểu
nhân dân miền núi tỉnh Thừa Thiên Huế thật
sâu sắc. Phải nói rằng, trong những tháng ngày chiến đấu và
chung sống cùng với bà con dân tộc Tà - ôi lam lũ, tháo vát và giàu tình yêu
cách mạng, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm mới có
được những câu thơ viết ra từ gan ruột,
từ tình thương yêu và cả sự khâm phục. Bà mẹ Tà - ôi nhỏ bé nhưng tấm lòng nhân hậu, tình thương con và nghĩa cử hi sinh lớn lao không gì có
thể so sánh được. Có hiểu và thấu cảm sâu sắc tự đáy lòng mình tác
giả mới thăng hoa và tạo nên bài thơ tuyệt tác này. Tâm hồn và trái tim nhà thơ
như tan hoà trong lời ca say đắm qua những
khúc dân ca dân gian của người Tà - ôi mới có thể
chắp cánh viết những câu thơ vừa giàu giá trị hiện thực, song cũng rất bay bổng
lãng mạn. Qua lao động và chiến đấu cùng với bà con nơi đây, Nguyễn Khoa Điềm đã
thực sự khắc hoạ rất thành công hình tượng người mẹ đẹp như trong huyền thoại.
Một người mẹ giỏi giang trong lao động, giàu tình thương con hết mực, yêu tha
thiết buôn làng nghèo khổ của mình, nhất là thẳm sâu một tấm lòng yêu nước, khát khao thống nhất non sông giữa lúc cuộc kháng chiến chống
Mỹ của nhân dân ta đang diễn ra vô cùng ác liệt.
Sức khái quát qua hình tượng nhân vật trữ tình bà mẹ Tà - ôi của bài thơ
cũng thật đặc sắc. Từ hình tượng người mẹ Tà - ôi cụ thể, Nguyễn
Khoa Điềm đã giúp người đọc cảm nhận được vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ Việt
Nam trong những năm đánh Mỹ. Đó là những người mẹ gian khổ trong lao động,
nhưng tấm lòng thương con, ước mơ và khát vọng về một
ngày mai tươi sáng vẫn không bao giờ tắt. Cao
quý hơn, từ người mẹ nghèo nơi xứ sở miền Tây của một tỉnh miền Trung đất nước,
nhà thơ đã thắp sáng lên trong trái tim mỗi người về những người mẹ ân tình,
yêu lao động, lạc quan trong cuộc đời và sẵn sàng hiến dâng tất cả cho đất nước
được hoà bình, thống nhất.
Bài
thơ đẹp như một khúc dân ca sâu thẳm giữa lòng người, là điệu tâm tình của tác giả hoà trong tấm lòng người mẹ thương con thiết tha gắn với tình yêu đất
nước vô hạn. Bà mẹ Tà - ôi trong bài thơ Khúc hát ru những
em bé lớn trên lưng mẹ ra đời đã năm mươi năm, song tượng đài bất tử ấy vẫn
toả sáng lung linh như vì sao trên bầu trời mỗi khi ta mở trang thơ của
Nguyễn Khoa Điềm ra đọc và bắt gặp một khúc hát ru chan chứa tình đời.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI