Thứ Bảy, 21 tháng 7, 2018

NGƯỜI THƯƠNG BINH LUÔN NẶNG NỖI TRI ÂN ghi chép của TRẦN ĐÌNH HẰNG - CHƯ YANG SIN SỐ 311 tháng 7 năm 2018




Dù gối mỏi chân chồn, dú sức đã gần về cội, nhưng may mắn đi qua cuộc chiến; còn sống thêm ngày nào thì sẵn lòng hiến dâng chút sức cùng lực kiệt cho những anh em không được hưởng niềm vui Nam Bắc một nhà, đang còn nằm lẻ loi, chưa có tên tuổi nơi mộ phần.
Thương binh ¾, Đại tá Trần Quốc Huy, đang nghỉ hưu tại số nhà 340, đường Phan Bội Châu, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, là người luôn toàn tâm toàn ý tri ân đồng đội trong việc tìm hài cốt, trả lại danh tính cho Liệt sỹ, với tâm ý của những “hạt gạo trên sàng”, nên ông được nhiều người yêu mến, mệnh danh là: “Kho tư liệu sống, từ điển thông tin, triệu phú thông tin Liệt sỹ”… Ngay cả Chương trình “Trở về từ ký ức” của Đài Truyền hình Việt Nam cũng đã gửi ảnh và thông tin đến để nhờ ông xác minh danh tính Liệt sỹ, thì đủ thấy uy tín của ông tới mức nào!
Vốn tính cẩn thận, mang nặng ý thức tâm linh nên chưa khi nào ông Huy cho phép mình đưa ra những kết luận hời hợt vô căn cứ, mà đều dựa vào nhân chứng, chứng lý và có đối chiếu, xác minh. Nhiều người mãi ghi nhớ chuyện thân nhân của hai Liệt sỹ Y T’Lam Byă và Y Hiên Niê đã nhiều lần gùi theo cơm đùm, cơm nắm cùng hai tấm bằng “Tổ quốc ghi công” tìm đến Tỉnh Đội; sở Lao động Thương binh & Xã hội; Ban quản lý nghĩa trang Liệt sỹ tỉnh Đắk Lắk, mong được chỉ dẫn phần mộ của con em mình. Xem ra việc này sánh ngang chuyện mò kim đáy bể.
Ông Huy thấy lòng mình rưng rức nỗi xót xa trước đề nghị của hai gia đình đồng bào dân tộc bản địa này và tự nguyện xắn tay vào cuộc “Phải tìm cho được thông tin chỉ đường mách lối”. Kết quả sưu tra tàng thư ở hai ban Quân lực và Chính sách thuộc Tỉnh Đội Đắk Lắk cho thấy: “Hai liệt sỹ  Y T’Lam Byă và Y Hiên Niê cùng hy sinh trong một trận phục kích chống càn, thuộc địa bàn giáp ranh giữa H1 và H8 (nay là hai huyện M’Drắk và Ea Kar).
Việc đầu tiên ông tìm gặp cho được Thượng uý Nguyễn Văn Đợi, nguyên Huyện Đội phó H1.
- Huy phải không? Đúng mày rồi! Hai mươi mấy năm “sếp mải lo việc nước”, nay cơn gió lành nào đưa rồng đến nhà tôm vậy?
- Anh giận tới mức nào thì tôi cũng phải chịu. Còn bữa nay  không phải nhờ gió mà do nước dẫn tôi tới đấy!
- Nước? Nước mưa hay nước mắt đây?
- Là nước mắt đấy anh ạ!
- Sao? Lại có đứa nào “quy tiên” nữa hả? Mà sao mày tìm được đến cái xó này!
- Dù anh có chui dưới chín tầng địa đạo hay trên chín tầng xanh thì tôi cũng moi ra được, dân trinh sát mà.
Nghe bạn trình bày vắn tắt sự việc, tuy đang tất bật với công việc của một lão nông, nhưng cựu chiến binh (CCB) Đợi vui vẻ bỏ việc ngang xương:
- Gì thì gì,chiều nay phải nhậu cái đã, đêm mày ngủ lại đây!
Huy biện lý:
- Tôi đang bận bù đầu, xin anh thư thả đến khi xong việc đã!
- Chỉ cần nhậu “tẹc ga”, ôm nhau ngủ tới sáng là mọi việc đâu vào đấy liền!
- Thôi đi cha nội! Chuyện nghiêm túc mà cứ dỡn.
- Sao dỡn? Có cả thằng Huỳnh Hoan ở Ea Quang, thằng Văn Vi Tiến ở Ea Sol, thằng Lê Văn Tín ở Ea Bút nữa, ba thằng đó mà tới được đây thì cũng phải tối mịt.
- Trời ơi! Lại còn gặp “năm trăm anh em” nữa thì tới khi nào tao mới dứt ra để lo công chuyện được.
- Cái rẹc! Một cái rẹc, mày hiểu chưa! Chỉ huy trận phục kích ấy chính là thằng tao đây này! Thằng Tiến là tổ trưởng ém quân bên bờ Đông và nó cùng thằng Hoan chôn cất Y T’lam Byă đấy! Còn thằng Tín là tổ trưởng với bốn tay súng trong đó có Y Hiên Niê ém quân mé bờ Tây con suối cạnh buôn Cam Rưng chứ còn ai khác. Bốn năm trước, chúng tao ghé thăm thì bà con cho biết là: “Hai ngôi mộ đã được đưa về nghĩa trang rồi mày ơi!”.
Huy xiết chặt tay từng người, mang biên bản và sơ đồ trận chiến có chữ ký của “năm trăm anh em” đến gặp Đại uý Nguyễn Xuân Mão, Đội trưởng Đội quy tập hài cốt liệt sỹ (khi này chưa có đơn vị chuyên trách K51).
Anh Mão cho biết:
- Khi triển khai tìm kiếm ở địa bàn buôn Cam Rưng, chúng tôi tìm thấy và bốc cất được bộ hài cốt ở bờ phía Đông con suối thì phải dừng lại vì mưa to, nước suối lớn. Anh em đưa hài cốt về bàn giao cho Ban quản lý nghĩa trang Liệt sỹ tỉnh và tạm nghỉ. Mười ngay sau mới “tập kích” qua suối để tiếp tục làm nhiệm vụ.
Căn cứ biên bản bàn giao và sơ đồ mộ chí tại nghĩa trang cùng biên bản làm việc có chứng nhận của các nhân chứng nên bia mộ Liệt sỹ Y T’Lam Byă (hy sinh bên bờ Đông) và Y Hiên Niê (hy sinh bên bờ Tây con suối) đã được xác lập đầy đủ thông tin.
Trường hợp khác nữa là thân nhân Liệt sỹ Nguyễn Quang Vinh – Phó chủ nhiệm Hậu cần Tỉnh Đội, đến nhờ chú Huy tìm hài cốt “nhạc phụ” hy sinh tại H4 (nay là huyện Krông Năng). Tìm kiếm trong “kho” của mình, ông Huy hiểu rằng: Thương binh đã được đưa về xưởng Quân giới của Tỉnh Đội để cứu chữa. Vậy là ông đã tìm gặp ông Hoan (Xưởng trưởng), ông Cần – Kỹ thuật và ông Bốn – Quân y. Các CCB này đều xác định: “Anh Vinh bị thương rất nặng khi vượt đường 21 (nay là quốc lộ 26). Anh ấy hy sinh lúc đang cấp cứu, chúng tôi đã chôn cất anh ấy rất chu đáo ngay ở mỏm đất nhô ra lòng suối Ea Dah, gần xưởng!”
Sẵn kinh nghiệm nghề rèn gia truyền tại quê Nam Trực, Nam Định, ông Huy xác định: “Dấu tích của xưởng Quân giới chính là rỉ sắt và sắt vụn”. Và chỉ cần có vậy, ông liền thông báo: “Đã xác định được toạ độ nơi bố cháu nằm” với chàng rể hiếu thảo của người đồng đội.
Theo phương án của ông Huy, Huyện Đội Krông Năng chỉ đạo cho dân quân xã Ea Dah truy tìm rỉ sắt. Thực tế thì những rỉ sắt – di vật của xưởng quân giới đã phát lộ từ rất sớm tại một rẫy cà phê, người chủ rẫy đã từng khổ sở với cái thứ cứt sắt chết tiệt có thể tồn lưu hàng trăm năm kia, chính nó cùng với các mẩu sắt vụn đầu thừa đuôi thẹo đã làm cho người nhà và người làm công cho ông bao phen khốn đốn. Nay nghe nói: “Ven suối Ea Dah, nơi nào có nhiều rỉ sắt, gần đấy có hài cốt liệt sỹ”, thì hiểu vai trò lịch sử của nó và lập tức báo tin. Thế là hài cốt Liệt sỹ Nguyễn Quang Vinh được tìm thấy khá mau lẹ.
Đầu năm 2001, với cương vị Tham mưu phó Tỉnh Đội Đắk Lắk, Trần Quốc Huy đã cùng với Bí thư huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện M’Drak, TrưởngCông an huyện K’rông Pak, cùng hai CCB từ Phú Yên lên (trừ ông Huy, số còn lại đều là bạn cùng chiến hào), đến H1 tìm hài cốt hai Liệt sỹ Lê Anh Phương và Huỳnh Thị Lài. Nhờ công tác dân vận tốt mà các nhân chứng là người địa phương đã chỉ giúp hố chôn chung (do lính Nguỵ vùi lấp khi xưa). Chẳng những thế, người dân còn mang hương, hoa, lễ vật, cuốc xẻng cùng các CCB lập bàn thờ và góp công đào bới.
Khi hai bộ hài cốt được phát lộ thì một trở ngại lớn thử thách trí tuệ của mọi người: “Làm sao phân tách được xương của từng người đây?” Trong làn khói hương nghi ngút, các đồng đội đều hình dung, cảm nhận được hình hài của hai liệt sỹ đang hiển hiển mà lẩn khuất đột nhiên ông Huy hỏi:
- Có ai còn nhớ được diện mạo của hai người không nhỉ?
- Nhớ chứ!
Các đồng đội đều lên tiếng. Anh Phương có khuôn mặt chữ điền, cao to lực lưỡng mà rất hay cười, còn cô Lài thì thấp bé, thường bẽn lẽn và hay hát một mình.
Lời nói vừa dứt, đột nhiên bát hương bốc cháy, ngọn lửa rần rật làm cho tâm trạng đang bần thần của mọi người trở nên rờn rợn. Sau giây lát bóp trán trầm ngâm, ông Huy đĩnh đạc lên tiếng:
- Theo tôi, chúng ta phân tất cả các loại xương từ xương sọ, xương chi, xương sườn v.v… làm hai bộ nhỏ riêng, lớn riêng, tuy nhiên chỉ có một chiếc xương chậu có hai hốc ở hai bên thì thuộc về bộ nhỏ, đấy là xương chậu của phụ nữ và chính là hài cốt chị Lài, bộ kia là anh Phương.
- Tạ ơn Trời Phật! Đúng là một chứng lý khoa học!
Mọi người đều ồ lên mừng rỡ sau lời nhận xét của ai đó.    
Người cựu chiến binh, thương binh - Đại tá Trần Quốc Huy hết lòng vì đồng đội; một tấm gương điển hình của người Đảng viên - thương bình trong Cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đó cũng chính là nét đẹp của “Anh bộ đội Cụ Hồ”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI