Chủ Nhật, 15 tháng 7, 2018

SƯU TẦM VĂN NGHỆ DÂN GIAN TÂY NGUYÊN ĐI TỪ KHÔNG ĐẾN CÓ - tác giả LINH NGA NIÊ KDAM - CHƯ YANG SIN SỐ 310 tháng 6 năm 2018



                                              


Kho tàng văn nghệ dân gian các dân tộc ít người Tây Nguyên không chỉ đồ sộ mà còn vô cùng độc đáo. Đó  là những “Bảo tàng sống” về đời sống xã hội của một tập hợp phong phú các tộc người bản địa, của tín ngưỡng đa thần giáo; của hệ thống các phong tục tập quán riêng biệt; của những áng văn chương truyền miệng dài hơi mà các nghệ nhân hát kể “suốt ngày dài đêm thâu”; của nhịp điệu ching chêng và vòng suang quyến rũ những bàn chân trần, những đôi tay mềm nâu màu nắng; của những câu hát giao duyên ngọt ngào trong điệu sáo, tiếng ting ning những đêm trăng cao nguyên vời vợi....
Ngay từ khi người Pháp đặt chân đến miền đất Tây Nguyên, bề dày và tính độc đáo của văn hoá dân gian Tây Nguyên đã cuốn hút các ông bà Tây mắt xanh mũi lõ. Không phải ngẫu nhiên mà một nhà văn hoá lớn như Comdominas nhiều năm sau, sang tận thế kỷ XXI còn nặng lòng khát vọng trở lại với vùng văn hoá anh em Mnông Gar (Đắk Lắk). Hoặc một Sabatier đã gần như “lãng quên” cả vai trò công sứ, khi sưu tầm và dịch sang tiếng Pháp không chỉ trường ca Dam San,mà còn cả bộ luật tục hàng trăm câu bằng vần của người Êđê. Hay Anne De Mautecloque ăn dầm nằm dề để tìm hiểu và viết “Người Êđê, một chế độ mẫu quyền”. Hoặc một Đức Cha Jacques Dournes yêu đến chấp nhận từ bỏ tất cả, sống và chết với Tây Nguyên ....
Cũng từ những năm tháng ấy, bước chân các học giả, các nhà nghiên cứu các miền như Nguyễn Đổng Chi, Cửu Long Giang, Toan Ánh... đã lần lượt bước sau nối tiếp bước trước hành trình tìm đến Tây Nguyên, để có những “Mọi Kon Tum” (nay được xuất bản dưới tên gọi “Người Bâhnar ở kon Tum),  “Buôn làng cổ truyền xứ Thượng” cho đến hôm nay vẫn còn là những tác phẩm khiến người đọc phải lưu tâm bởi tính xác thực của những tư liệu gốc... Còn tại Hà Nội, khi đất nước đang bị tạm chia làm hai miền, những bản trường ca, sử thi bất hủ của Tây Nguyên ra mắt dưới dạng tác phẩm văn học (Đam San, Xing Nhã, Đam Phu...), những điệu múa, làn điệu dân ca độc đáo... đã được các nhà sưu tầm nghiên cứu giới thiệu với bạn yêu văn học nghệ thuật trong và ngoài nước.
Từ sau 1975, việc sưu tầm nghiên cứu văn hoá cổ truyền Tây Nguyên  được đặt thành trách nhiệm của nhiều ngành, nhiều người, và dần trở thành đích đến không thể thiếu của những người làm công tác nghiên cứu  khoa học văn hoá xã hội, văn nghệ dân gian.
Năm 1982, ngành văn hoá các tỉnh Tây Nguyên, với sự giúp đỡ của Viện nghiên cứu VHNT thành phố Hồ Chí Minh, đã tổ chức lớp KPVAC (khai thác, phát huy văn hoá âm nhạc cổ truyền) tại Đắk Lắk, đặt những dấu ấn đầu tiên cho công tác sưu tầm, nghiên cứu văn hoá - văn nghệ dân gian các dân tộc ít người Tây Nguyên, ngay tại Tây Nguyên. Lần đầu tiên bài học vỡ lòng của phương pháp sưu tầm có “bài bản” qua đo đạc, ghi âm, ghi hình, ghi chép... được các thầy tỷ mỷ hướng dẫn, trò trân trọng tiếp thu. Lớp học ngày ấy có cả anh chị em yêu thích công tác sưu tầm văn hoá của không chỉ Tây Nguyên, mà còn ở các tỉnh Bình Định, Phú Khánh, Quảng Ngãi... tham gia. Đó có thể được coi là những hạt giống đầu tiên của công tác sưu tầm văn nghệ dân gian, được thế hệ đi trước nâng niu gieo xuống miền Trung và mảnh đất đỏ bazan màu mỡ.
Từ ngày hồi sinh, năm 1989, Tây Nguyên ngay lập tức trở thành một trong những địa chỉ được đặc biệt chú trọng của công tác sưu tầm, nghiên cứu của Hội VNDG Việt Nam. Hình ảnh các giáo sư Đặng Nghiêm Vạn, Chu Thái Sơn, Ngô Đức Thịnh, Đỗ Hồng Kỳ, Phan Đăng Nhật... miệt mài, lặn lội ghi âm, chỉnh lý;  các Giáo sư Tô Vũ, Trần Quốc Vượng, Tô Ngọc Thanh, Nguyễn Xuân Kính say sưa trên bục giảng ươm gieo không chỉ kiến thức mà còn cả sự tận tuỵ với nghề... như những tấm gương trên con đường dài vạn dặm dẫn đến với văn hoá cổ truyền Tây Nguyên.
Hạt giống các thày gieo xuống đất màu Ba Zan đã nên cây, mỗi ngày thêm xanh và ra hoa kết trái. Chi hội VNDG đầu tiên ở Tây Nguyên đã được thành lập ở Trường Cao đẳng sư phạm Đắk Lắk. Tiếp đó là chi hội Kon Tum, rồi chi hội Gia Lai, Lâm Đồng... lần lượt ra mắt. Đội ngũ rải rác khắp Tây Nguyên đã có nơi chốn tập hợp lại để hỗ trợ nhau cho cùng một mục đích: bảo tồn văn hoá truyền thống.
Tôi luôn nhớ về những người bạn đồng nghiệp, như tiến sỹ Tấn Vịnh: từ lúc chỉ là những bài viết vừa tròn một trang vở học trò, cho đến lúc là  tiến sỹ vẫn thuỷ chung với kho tàng văn hoá dân gian các dân tộc Trường Sơn-Tây Nguyên. Hay nhà thơ Văn Công Hùng, từ chỗ chỉ tò mò kể lại một cách vô tư (thậm chí còn hơi ác cảm) những tập tục, đã dần chuyển sang tình cảm yêu mến và trân trọng những giá trị nhân bản của văn hoá phong tục Tây Nguyên. Hoặc NSƯT Vũ Lân, nhà sưu tầm Trương Bi (Đắk Lắk), hoạ sỹ Phùng Sơn, cố nhạc sỹ Phạm Cao Đạt (Kon Tum), cố nhạc sỹ Y Sơn Niê (Đăk Lăk), Nguyễn Quang Tuệ, Nguyễn Thị Kim Vân, nghệ sỹ Trần Phong (Gia Lai), K’Ra Zan Plin (Lâm Đồng)... mê mải tháng năm với những cây đàn, điệu múa, mảng hoa văn cổ, những bức tượng nhà mồ, từng trang sử thi... như người bới  tro tìm ngọc, đưa ra ánh sáng, cho di sản văn nghệ Tây Nguyên chói loà lên trong ánh nắng mặt trời rực rỡ của cao nguyên. Rồi những nghệ nhân già, các “báu vật dân gian” đắm say với việc “giữ hồn của rừng” như nghệ nhân Điểu Kâu, các cụ Điểu Klứt, Điểu Glung (Mnông), A Lựu, Gang, A Ya (Bâhnar), Âe Wưu, Y Yơn (Êđê), mà không ít cụ đã bay về cõi ông bà xưa... Kể không hết được những người đã sát cánh  trên con đường góp phần gìn giữ tinh hoa của đời sống văn hoá truyền thống trên mảnh đất cao nguyên. Chỉ tiếc, ngoài các nghệ nhân, số anh chị em người dân tộc bản địa thực sự gắn bó, đam mê công tác sưu tầm nghiên cứu để gìn giữ và bảo lưu văn hoá truyền thống của chính mình vẫn còn quá ít.
Đội ngũ những người làm công tác sưu tầm nghiên cứu văn nghệ dân gian Tây Nguyên đã đi từ không đến có, không chỉ được tập hợp lại, mà còn ngày một trưởng thành về nghề nghiệp, đủ sức đứng vững trên nhiệm vụ công tác và niềm say mê của chính mình, mà các giải thưởng hàng năm của Hội VNDG Việt Nam trao cho Trương Bi, Tấn Vịnh, Linh Nga Niê Kdam, Nguyễn Quang Tuệ... nghiên cứu của các tiến sỹ Thu Nhung Mlô Dun Du, Tuyết Nhung Buôn Krông, các thạc sỹ, người sưu tầm trẻ các dân tộc bản địa dấn thân vào con đường nghiên cứu văn hoá dân gian Tây Nguyên như  Lý Vân Linh Niê Kdam, Y Chen Niê (Êđê), Nay Kỳ Hiệp, Kpă Tố Nga, Siu H’Ril, Siu Tâm (Jrai), Y Tuyn Binh (Mnông), Phạm Thị Trung, Phạm Văn Hoàng (Sê Đăng), Y Phương (Bâhnar), K’ra Zan Đick (K’Ho)... là những minh chứng sống động.
Bên cạnh con người là tác phẩm. Từ lúc chỉ là “cái bóng” của các nhà khoa học trung ương, cho đến lúc chuyển từ những người sưu tầm sang nghiên cứu chuyên sâu. Như Tuyết Nhung Buôn Krông với vai trò mẫu hệ trong sử thi. Linh Nga Niê Kdam với đặc tính âm nhạc trong trường ca, sử thi. Phạm Thị Trung, Nay Kỳ Hiệp với tâm linh của người Sê Đăng và Jrai. Y Tuynh Bing, Kpă Tố Nga, Y Phương… với các lễ bỏ mả Mnông, Jrai, Bâhnar. Lý Vân Linh Niê Kdam với nhạc cụ dân gian của người Êđê Kpă. Lý Sol, Mang Linh Nga với nghệ thuật múa dân gian, Nga Ri vê với văn hoá dân gian Ka Dong, Hrê… Không chỉ đào sâu, minh chứng sự phong phú, độc đáo mà còn cả vai trò, vị trí, lẫn hiện trạng, giải pháp bảo tồn của nghệ thuật diễn xướng trong đời sống của các tộc người Tây Nguyên… kể sao hết được.
Mừng đội ngũ mỗi ngày mỗi đông. Vui lắm với những tác phẩm, những công trình nghiên cứu giới thiệu vẻ đẹp của văn nghệ dân gian Tây Nguyên ngày càng xuất hiện nhiều hơn trên văn đàn. Tiếc lắm những nghệ nhân – Báu Vật Dân Gian đã mang theo cả kho tri thức Tây Nguyên khổng lồ đi về cõi Mang Lung. Thương lắm tấm lòng những con người ngày đêm lặng lẽ gạn đục khơi trong, làm sống lại cả một nền văn minh nương rẫy Tây Nguyên, trong đó có “Không gian văn hoá cồng chiêng” đã được thế giới công nhận là “Di sản văn hoá đại diện của nhân loại”.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI