Tháng tư Tây Nguyên, khi
đất trời thắp lên cái nắng gắt gỏng trên từng cành cây kẽ lá, khi cái gió và
cơn mưa đầu mùa bất chợt gọi về cũng là lúc mùa bướm sâu muồng xuất hiện.
Đi giữa Tây Nguyên mùa
nắng, vậy mà không mấy ai quan tâm đến nắng. Người ta say đắm chiêm ngưỡng vẻ
đẹp đến nao lòng của một loài côn trùng mang tên bướm sâu muồng. Đâu phải chỉ
Tây Nguyên mới có bướm vàng, thế nhưng cánh bướm được giao hoà, đẫm mình trong
nắng, trong gió thì dường như chỉ vùng đất đỏ bazan mới có. Chính bởi thế lòng
người xa gần mới say, mới dặt dìu tìm về nơi đây.
Lòng tôi chộn rộn, nao
nao khi thấy từng đàn bướm bay rồi đậu vàng cả một góc sân nhà, vàng trên những
vũng nước nhỏ, vàng ở nơi đất ẩm ướt, ở hai bên bờ hồ… Dọc những cung đường
xanh ngát vào buôn, dọc những con đường nối huyện, nối tỉnh… bướm vàng dập dờn
bay đậu khiến bước chân du khách ngược xuôi đều phải nán lại, trầm trồ, thưởng
ngoạn. Khi ấy, đất trời Tây Nguyên cơ hồ như một tấm thảm vàng diệu vợi.
Người dân phố Núi vẫn
thường gọi loài bướm ấy với cái tên sâu muồng, một loài bướm rất nhỏ có màu
vàng nhạt. Chúng thường đẻ trứng, làm sâu, tạo kén trên những cây muồng vốn
được trồng rất nhiều ở nơi đây. Những ngày nắng hạn, sâu muồng lặng lẽ ẩn mình
dưới những tán lá xanh, đợi đến thời khắc phù hợp, kén sâu sẽ cựa mình. Để rồi
giữa bầu trời cao nguyên lộng gió, sắc vàng rợp trời của hàng triệu cánh bướm
tung bay làm ai nấy cũng phải vỡ oà ngạc nhiên.
Bướm sâu muồng là hiện
tượng chỉ có ở Tây Nguyên. Loài bướm ấy không hề gây nguy hại cho con người
cũng như các loài thực vật khác. Mỗi năm một lần, mùa bướm sâu muồng xuất hiện
khiến cho tất cả mọi người đều phải hồi hộp chờ đợi, phải ngỡ ngàng ngạc nhiên
vì vẻ đẹp của chúng.
Năm nào tôi cũng trở về thăm quê
đúng vào dịp mùa bướm sâu muồng nở, vậy mà cảm giác tò mò và háo hức vẫn cứ như
lần đầu biết đến mùa bướm sâu muồng vậy. Tôi chọn khoảng thời gian thích hợp
vào giữa trưa để ngắm chúng. Nếu nhìn vào một cánh bướm sâu muồng đi lạc, hẳn
sẽ không đọng lại trong ta cảm xúc gì, thế nhưng nếu tập trung vào cả một đàn
bướm với triệu con cùng hoà nhịp, ta sẽ thấy sức hút đặc biệt của loài côn
trùng mảnh mai, nhỏ bé mà vô cùng đáng yêu ấy.
Mùa bướm sâu muồng về đẹp lắm.
Bướm vàng đậu kín trên bông dã quỳ hiếm hoi còn sót lại. Bướm dập dìu trên
triền hoa dại bên đường, và đặc kín trên những vũng nước nhỏ đọng trên nền đất
đỏ. Dọc đường đi, những cánh bướm lao mình trong không trung, rủ nhau sà xuống
rồi lại bay lên như như một triền vải lụa mỏng mềm, thanh thoát, êm dịu, phấp
phới. Chúng va mình vào xe, vào cả người đi đường làm biết bao tâm hồn trở nên
thảng thốt. Chúng khiến những bước chân đang lên nương, lên rẫy bớt nhọc nhằn,
vội vã. Chúng dệt nên khung trời kỉ niệm cho biết bao tâm hồn trẻ thơ...
Người ta ví tháng tư ở Tây Nguyên
là tháng của con ong đi lấy mật chẳng khác nào người con gái chịu khó của núi
rừng cao nguyên dẻo dai, khoẻ khoắn. Đất trời có thứ ngôn ngữ của nắng mưa; cỏ
cây, vạn vật có thứ ngôn ngữ âm thanh, sắc màu. Chính cái nắng cái mưa đã làm
nên một phần cuộc đời của con người nơi xứ sở đại ngàn và mùa bướm sâu muồng đã
làm nên vẻ riêng cho con người và vùng đất phố núi nơi đây.
Tần ngần đứng giữa sắc trời vàng
óng của mùa bướm sâu muồng tháng tư, bỗng thấy lòng chùng chình chẳng muốn
bước. Đơn giản chỉ vì muốn thu vào mình cảnh tượng đẹp mê hồn của một miền đất
hội tụ rất nhiều những ưu ái của đất trời ban tặng. Đơn giản vì thấy thế giới
bỗng nhiên thu nhỏ ở cái dịu dàng, nhẹ nhàng, êm ả đến không ngờ qua những cánh
bướm nhỏ xinh tựa những vạt hoa bên đường rung rinh trong gió. Và đơn giản chỉ
vì thấy cuộc đời thật đẹp bởi những điều
dung dị, nhỏ bé như thế.
Bất kì ai sinh ra và lớn lên ở
Tây Nguyên đều quá đỗi quen thuộc với mùa bướm sâu muồng. Vậy mà đi giữa bầu
trời xanh vợi, bềnh bồng mây trắng, bềnh bồng những cánh bướm mỏng tang, lòng
người vẫn không khỏi rung động, xuyến
xao. Lòng nhủ lòng thật nhẹ nhàng trong từng bước chân, hơi thở để có thể níu
giữ, tận hưởng trọn vẹn khoảnh khắc diệu kì này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI