Sau năm
1975, lịch sử đất nước gắn liền với 3 sự kiện lớn, theo thứ tự thời gian là Chiến
tranh bảo vệ Biên giới Tây Nam, Chiến tranh bảo vệ Biên giới phía Bắc và Trận chiến
Gạc Ma.
Thế hệ
những người thuộc lớp U60 như tôi “may mắn” được sống trong không khí hào hùng
của cả nước, tiếp nối tinh thần “thà hy sinh tất cả…”, “Tất cả cho tiền tuyến”
của những năm đánh Pháp và đánh Mỹ. Bóng ma chiến tranh vẫn còn lảng vảng nơi
biên cương, Tổ quốc sau hàng chục năm chinh chiến vẫn chưa một phút bình yên.
Năm nay
tròn 40 năm Chiến tranh bảo vệ Biên giới phía Bắc, tôi lại như được sống với hồi
ức, với tâm tưởng của một thời khói lửa. Niềm tự hào xen lẫn nỗi buồn.
Tự hào
bởi dân tộc này, “yêu hòa bình nhưng không sợ chiến chinh”, vì Tổ quốc thiêng
liêng, lớp lớp con dân sẵn sàng nằm gai nếm mật, hi sinh tính mạng cho Đất Nước
trường tồn.
Buồn vì
thế hệ trưởng thành sau chiến tranh giải phóng như tôi lại hiểu biết quá ít ỏi về
ba cuộc chiến nói trên.
Khi
Chiến tranh Biên giới Tây Nam xảy ra, tôi đã bước vào giảng đường đại học. Thông
tin về cuộc chiến đến được với sinh viên rất ít ỏi, qua hai tờ báo lớn là Nhân Dân
và Quân đội Nhân dân, nhưng cũng chẳng mấy khi có báo mà đọc.
Tôi còn
nhớ, những ngày đầu tháng 1.1979, qua hệ thống loa phóng thanh của nhà trường,
Đài Tiếng nói Việt Nam liên tục đưa tin về cuộc chiến, đặc biệt là Chiến thắng
giải phóng Phnom Penh khỏi ách thống trị tàn bạo của tập đoàn diệt chủng Pol
Pot - Ieng Sary ngày 7.1.1979.
Chiến
tranh Biên giới phía Bắc xảy ra vào lúc chúng tôi vừa chân ướt chân ráo đặt chân
lên đất Anh Sơn, huyện miền tây Nghệ An, sau kỳ nghỉ Tết trong chuyến thực tập
hai tháng cuối khóa.
Không
biết có phải vì đây là cuộc chiến khốc liệt, liên quan đến vận mệnh đất nước hay
không mà báo chí cũng tuyên truyền rộng rãi hơn.
Chúng
tôi cũng như bao người dân khác lúc bấy giờ không khỏi bàng hoàng khi Đài Tiếng
nói Việt Nam đưa tin rạng sáng ngày 17.2.1979 (nhằm ngày 21 tháng Giêng năm Kỉ
Mùi), Trung Quốc xua hàng chục vạn quân tràn qua biên giới phía Bắc, tiến hành
cuộc chiến tranh xâm lược bẩn thỉu chống Việt Nam. Tin chiến sự ngập tràn trên
mặt báo. Một loạt bài hát mang hơi thở nóng bỏng của khói lửa chiến tranh ra
đời. Cả dân tộc lại bừng bừng khí thế ra trận.
Hào
hùng, hào sảng nhất là khi Đài Tiếng nói Việt Nam công bố Lời kêu gọi của Ban chấp
hành Trung ương Đảng, Lệnh Tổng động viên của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng.
Lời kêu
gọi có đoạn:
"Hỡi
đồng bào và chiến sĩ yêu quý! Quân thù đang giày xéo non sông, đất nước ta. Độc
lập, tự do, chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta đang bị xâm phạm. Hòa bình và ổn
định ở Đông Nam châu Á đang bị đe dọa. Dân tộc Việt Nam ta phải ra sức chiến đấu
để tự vệ... Toàn thể đồng bào các dân tộc anh em trong cả nước, các tôn giáo,
các đảng phái, già, trẻ, gái, trai hãy phát huy truyền thống Diên Hồng, triệu người
như một, nhất tề đứng lên bảo vệ tổ quốc".
Chúng
tôi thực tập nghề trong một bầu không khí nôn nao khó tả, dù chỉ một tháng sau,
Trung Quốc tuyên bố rút quân, nhưng cuộc chiến nơi Biên cương vẫn còn dai dẳng.
Sau khi tốt nghiệp đại học, hầu hết nam sinh của trường được chọn tham dự khóa
huấn luyện sĩ quan dự bị đầu tiên, đối với sinh viên đã tốt nghiệp các trường
đại học, của Bộ Quốc phòng. Ai nấy xác định, sẵn sàng xếp bút nghiên ra trận.
Hoàn thành khóa huấn luyện 3 tháng sĩ quan dự bị, tôi vào
Tây Nguyên công tác. Cuộc chiến Biên giới phía Bắc dần đi vào quên lãng phần vì
sức ép của cơm gạo áo tiền thời bao cấp, phần vì thông tin trên báo chí thưa
dần rồi “tắt” hẳn từ những năm đầu thập kỉ 90.
Nhưng
buồn nhất có lẽ là sự kiện Gạc Ma. Tôi và rất nhiều công dân không biết đến sự
kiện đau thương này. Cuối thập niên đầu tiên của thế kỉ 21, nhờ thông tin trên mạng
Internet mà nhiều người dân tiếp cận được trận chiến bi hùng nhất trong lịch sử
giữ nước thời hiện đại. Và mãi đến dịp kỉ niệm 25 năm Gạc Ma, báo chí mới công
bố những tư liệu về trận hải chiến đặc biệt này.
Năm đó,
tôi đã viết những dòng thơ:
“hai
mươi lăm năm im lặng
nỗi đau
lặn trong tim
để hôm
nay bật lên
tiếng
nấc
rớm máu
…
Hai
mươi lăm năm rồi
cứ ngỡ
hôm qua
những
chàng trai mười tám đôi mươi
ngực
căng gió ôm chặt cờ đỏ
chân
cắm đá như cọc gỗ Bạch Đằng
chở che
cho biển đảo quê hương
trước
bom đạn quân thù xối xả
máu các
anh thắm đỏ màu cờ”
Thế hệ
tôi sống trong thời điểm lịch sử đó còn không biết, trách gì con cháu mình chẳng
hay.
Cả một thời gian dài, sách giáo khoa Lịch sử phổ thông đề
cập cuộc chiến Biên giới 1979 chỉ vài dòng sơ sài, hờ hững, vô cảm giữa lúc môn
Sử bị học sinh “ghẻ lạnh”. Đã có lần tôi hỏi các bạn sinh viên, ngày 17.2 là
ngày gì, cả lớp im lặng, duy nhất chỉ có một bạn giơ tay trả lời: Đó là ngày
thứ hai! (so với thời điểm tôi đặt câu hỏi là ngày 20, thứ tư trong tuần). Gợi
ý rõ hơn, ngày 17.2.1979, nhưng các em cũng không ai trả lời được.
Ba mươi
lăm năm, cuộc chiến đã qua rồi
Tôi hỏi
các con tôi ngày Mười bảy tháng Hai
Chúng
hồn nhiên trả lời: - Không biết
Chẳng
sách vở nào dạy chúng hồi đi học!
Tôi hỏi
các bạn sinh viên, họ vô tư đáp:
- Thưa
thầy, đó là ngày thứ Hai(!)
Tôi hỏi
những người xung quanh tôi
Họ bĩu
môi, sao ông rỗi hơi thế
- Ngày
ấy như mọi ngày!
Tôi hỏi
người cựu chiến binh
Một
phần máu xương đã để lại nơi chiến trường biên giới
Người
lính năm xưa lặng im không nói…
Tôi không trách các con mình, tôi không trách các bạn
sinh viên, tôi không trách mọi người.
Lịch sử cần sự minh bạch và công bằng như nó đã xảy ra.
Đất nước này đã trải qua hàng chục cuộc chiến tranh lớn nhỏ, từ thời lập nước
của các Vua Hùng, Hai Bà Trưng, băng qua các triều đại Ngô, Đinh, Lý, Tiền Lê,
Trần, Hậu Lê, Quang Trung,… triều đại nào cũng gắn liền với những chiến công hiển
hách giữ nước như Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa,…
Cha ông
xưa có lẽ chẳng nghĩ việc ghi lại bằng sử sách, kể lại trong nhân dân, dạy lại
cho con cháu những chiến công hiển hách cùng tội ác của quân thù lại có thể gây
cản trở cho việc bang giao, hòa hiếu. Một dân tộc lấy nhân nghĩa làm đầu, một dân
tộc đối xử với bọn xâm lược không phải chỉ là kẻ chiến bại, khi chúng “như hổ
đói vẫy đuôi xin cứu mạng” đã “thể lòng trời” mà “mở đường hiếu sinh”, cấp xe,
cấp ngựa cho chúng cút về nước – dân tộc đó thật cao thượng.
Chuyện
bang giao cha ông ta bao giờ cũng có sách lược, chiến lược hợp thời, hợp lẽ, khi
nhu, khi cương để vẹn toàn bờ cõi. Lịch sử thì phải được ghi lại, truyền đời cho
dân. Thật minh bạch, rõ ràng. Thật cứng cỏi tư thế Việt Nam.
Viết đến đây, bất chợt tôi nhớ hai câu dịch trong bài thơ
“Xuân nhật yết Chiêu Lăng” của Nhà Vua - Phật Hoàng Trần Nhân Tông mà mình đã
thuộc nằm lòng từ hồi con đi học: “Người lính già đầu bạc/ Kể mãi chuyện Nguyên
Phong” (Bạch đầu quân sĩ lại/ Vãng vãng thuyết Nguyên Phong). Những người lính
chân đất oai hùng nơi chiến trận bỗng trở thành những nhà sử học dân gian,
truyền dạy con cháu chuyện muôn đời của cha ông.
Những
người lính anh hùng trong cuộc chiến bảo vệ Biên giới phía Bắc năm 1979 giờ đã
thành ông thành bà, đầu đã bạc. Có lẽ họ cũng như các bậc tiền nhân, đang kể
lại cho con cháu mình “chuyện Nguyên Phong” của thế kỉ 20?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI