Thứ Tư, 24 tháng 4, 2019

ẨN SĨ VÀ VUA Truyện ngắn của NGUYÊN HƯƠNG - CHƯ YANG SIN SỐ: 320 THÁNG 4 NĂM 2019




Đất nước thanh bình, dân chúng yên ổn làm ăn, trẻ con được học hành vui chơi, người già cả được chăm sóc chu đáo. Thành phố sạch đẹp ngăn nắp, cây xanh phủ bóng mát rượi lối đi, phụ nữ ra khỏi nhà vào ban đêm không hề sợ hãi và nếu có đứa bé nào đi lạc thì sẽ được đưa về tận nhà.
Vùng quê thì đồng ruộng phì nhiêu, sông suối trong trẻo và rừng cây xanh tươi chim chóc ca hót líu lo. Mùa nắng nóng, trước mỗi nhà đặt chum nước và cái gáo xinh xinh dành cho khách bộ hành đường xa lỡ bước. Mùa mưa, khắp nơi treo tổ rơm có mái kết bằng lá dày dặn để những chú chim có chỗ trú mưa giữa đường bay.
Khắp nơi an hòa. Khắp nơi vang tiếng ngợi khen nhà vua trị vì vương quốc thật khéo léo nên muôn dân có được cuộc sống hạnh phúc nhường này.
Nhưng nhà vua vẫn chưa yên lòng, ngài luôn trăn trở tự hỏi những quyết định của mình đưa ra có đúng đắn hoàn hảo không? Mỗi mệnh lệnh của ngài có đem lại đau khổ cho ai mà người ta không dám nói không?...
Mỗi buổi sáng họp bàn việc nước, nhà vua luôn có câu nói:
-  Này các quan, hãy chỉ ra những lỗi lầm sai trái của ta.
-  Thưa đại vương - Quan tể tướng đáp lời - Lỗi của ngài là khiến đất nước được bình an quá nên các quan tòa không có việc làm.
-  Thưa đại vương - Quan thượng thư đáp lời - Lỗi của ngài là khiến không khí vui tươi ngập tràn vương quốc khiến lũ chim khắp nơi tìm đến và chúng líu lo nhiều quá nên đôi khi cũng inh tai.
-  Thưa đại vương, lỗi của ngài là khiến vương quốc được yên ổn quá nên có nhiều nơi người ta đi ngủ mà không cần đóng cửa, hậu quả là có nhiều người già và trẻ em bị sổ mũi vì gió đêm khá lạnh.
Các quan không dám chê bai ta, nhà vua nghĩ thầm, và ngài cải trang thành một tiều phu đi tới cổng thành hỏi những người lính canh.
-  Này, phải đứng đây suốt ngày trời nắng trời các ông có buồn phiền mệt mỏi không? Có cảm thấy nhà vua bất công với mình không?
-  Sao lại buồn phiền chứ? - Người lính canh đáp lời - Không trộm cướp không có ai buôn lậu và cũng chẳng có kẻ do thám chực chờ, chúng tôi không phải căng thẳng theo dõi ai cả, chỉ việc ngắm nhìn mọi người qua lại buôn bán làm ăn và nghe họ chuyện trò vui vẻ. Chúng tôi thật may mắn được canh giữ một vương quốc quá yên bình. Tất cả là nhờ tài năng đức độ của nhà vua của chúng ta đó.
Người lính canh này không biết ta là vua nên hẳn anh ta nói thật, nhà vua nghĩ thầm và thấy vui vui trong lòng, nhưng ngài vẫn muốn biết rõ hơn nữa. Vậy nên ngài cải trang thành tiều phu đi đến tiệm nữ trang và đưa ra một viên ngọc:
-  Tôi là tiều phu đi lượm củi trong rừng nhặt được cái này, chẳng biết nó là hạt ngọc hay chỉ là hạt trái cây khô. Nếu là ngọc thì xin bán cho ông lấy tiền mua ít gạo, còn hạt trái cây khô thì quăng đi giùm.
Chủ tiệm nữ trang cầm lấy và kiểm tra rồi kêu lên:
-  Chà chà chà xin chúc mừng ông bạn, đây là loại ngọc quý hiếm. Hãy đem đến cung điện dâng tặng hoàng hậu, chắc chắn ông bạn sẽ được ban thưởng.
Nhà vua hỏi lại:
-  Vậy sao ông không mua để dâng tặng hoàng hậu?
-  Ồ - Chủ tiệm nữ trang gãi đầu - Tôi phải đưa ra lời khuyên tốt nhất cho khách hàng chứ.
-  Nhưng tôi chỉ là một kẻ quê mùa - Nhà vua nói - Làm sao tôi dám tới cung điện gặp nhà vua.
Chủ tiệm mỉm cười:
-  Dù bạn là một kẻ quê mùa hoặc lộng lẫy thì cũng sẽ được nhà vua đối xử hòa ái và công bằng như nhau. Tin tôi đi, chắc chắn ông bạn sẽ được ban thưởng xứng đáng.
Nhà vua nói cảm ơn rồi cất viên ngọc vào túi rồi tiếp tục đi. Tới đâu ngài cũng được nghe lời khen ngợi nhà vua. Khá là hài lòng, ngài quyết định đi vào rừng. Ta sẽ hỏi một tiều phu xem sao, công việc lượm củi vất vả có khiến họ than van không?
-  Này chú - Nhà vua nói - Đi lượm củi như vầy ngày nắng ngày mưa thật gian nan. Tôi biết là nhà vua có ra lệnh mở lớp dạy nghề miễn phí cho tất cả mọi người, chú có muốn đến đó xin học một nghề khác nhàn hạ hơn? Hay là chú từng xin mà không được?
Tiều phu cười vang:
-  Mỗi người chọn một nghề thích hợp với mình. Nếu tôi là thợ rèn thì tôi sẽ làm ra những lưỡi dao cùn, nếu tôi là thợ mộc thì chắc là tôi làm ra những bộ bàn ghế lung lay mất thôi. Nhà tôi ở trong rừng này, tôi yêu khu rừng này, lượm củi cũng vừa là dọn dẹp những cành khô gãy cho rừng được quang đãng. Tôi làm tiều phu là đúng nhất. Công việc của tôi vui mà, quanh tôi luôn tràn ngập hương hoa lá và tôi luôn được ăn trái cây vừa chín tới tươi roi rói. Mà không phải chỉ tiều phu tôi đây thích ở trong rừng này đâu nhé, có một vị ẩn sĩ tài ba cũng chọn khu rừng xinh đẹp này trú ngụ đó.
*
Nhà vua đi đến lều cỏ của vị ẩn sĩ nằm cạnh một cây sung. Mùi cỏ thơm thơm và mùi trái chín phảng phất. Vì không muốn nói dối với người tu hành nên ngài phân vân không biết có nên tiếp tục đóng vai tiều phu không, vậy nên ngài chần chừ trước lều khá lâu.
Chợt trời đổ mưa.
Ẩn sĩ lên tiếng:
-  Xin mời đại vương vào lều kẻo ướt.
Nhà vua khom người bước vào lều và ngồi xuống:
-  Sao người biết ta là vua?
-  Tiều phu đến đây chơi thường đem cho tôi ít củi và cỏ khô. Nhưng chẳng phải vì tay ngài không cầm theo gì. Bậc đế vương đáng kính khiến lều cỏ dậy mùi thơm.
Nhà vua đáp lời:
-  Còn ta thì nghĩ vì ẩn sĩ nên nơi này mới thơm mùi hoa trái.
Ẩn sĩ mỉm cười:
-  Quả là tôi không nhìn lầm người. Trên đời này chưa có bậc vua chúa nào đức độ khiêm tốn như vậy. Cải trang thành tiều phu không ngồi trên lưng voi không ngồi kiệu hẳn ngài đã mệt và khát nước rồi. Xin mời uống nước suối rừng và ăn vài trái sung rừng này.
Nhà vua nhận ly nước và chùm sung từ tay ẩn sĩ rồi không khách khí gì ngài ăn liền mấy trái sung và uống cạn ly nước và khen:
-  Nước mát lạnh và sung ngọt lịm. Ta chưa bao giờ được ăn trái sung ngon như vậy.
Ẩn sĩ đáp lời:
-  Nhà vua đức độ công minh, đất nước yên vui, nơi nơi hưởng thanh bình, những điều ấy khiến nước suối cũng được tinh khiết hơn và trái sung cũng được ngọt ngào.
-  Ồ, nói vậy thì nếu nhà vua bất chính đất nước không yên thì trái sung sẽ mất vị ngọt sao?
-  Đúng vậy - Ẩn sĩ gật đầu quả quyết - Thưa đại vương, vua chúa bất chính đất nước rối ren lòng dân không yên thì ngay cả đường và mật cũng mất đi vị ngon ngọt. Mọi thứ đều trở nên vô vị.
Trò chuyện đến khi dứt cơn mưa thì nhà vua chào ẩn sĩ ra về. Ngài hài lòng lắm, ẩn sĩ sống trong rừng chẳng màng gì danh lợi, lời khen ngợi của người ấy hẳn là đúng đắn.
Trở về cung điện, nhà vua hào hứng sắp đặt mọi việc cho các quan. Nhà vua giao cho quan tể tướng trông coi việc quân binh, quan thượng thư trông coi việc học hành thi cử... Cứ vậy, mỗi vị quan đầu triều toàn quyền trông coi một mảng.
-  Nay thì ta yên tâm nghỉ ngơi hưởng thụ được rồi.
Nhà vua nói với hoàng hậu như vậy và ra lệnh tuyển ban nhạc vào cung điện đàn ca cho ngài thưởng thức, những cô gái đẹp được tuyển vào cung để múa hát, ngài cho mở những cuộc thi nấu ăn và thưởng cho người nào dâng lên vua thức ngon vật lạ rượu ngon, ngài mở những cuộc thi đấu vật và những người thắng cuộc được phong dũng sĩ hộ tống vua trong những cuộc săn bắn vui thú...
Khắp đất nước mở ra những cuộc thi ăn chơi những mong làm đẹp ý nhà vua, vậy nên sinh ra ăn chơi nơi nơi. Các quan không còn suy tư về việc triều chính nữa mà cũng chăm chăm với những cuộc thi ca múa ăn chơi vì để tuyển được người đẹp nhất người hát hay nhất người nấu món ngon nhất thì phải trải qua vô số cuộc thi từ cấp dưới...
Rừng xanh không còn bình yên nữa, muông thú thấy bóng dáng con người là bỏ chạy. Những con thú bị thương lê lết máu me rất đáng sợ. Các dũng sĩ đua nhau lấy lòng nhà vua bằng cách lùng tìm những con voi già có cặp sừng đẹp, hươu nai cũng cùng chung số phận, cọp beo bị giết vì có lớp da đẹp. Mùi chết chóc khiến những con vật trở nên sợ hãi và hung hăng, vì sợ bị giết nên chúng tấn công trước. Những người tiều phu trở thành nạn nhân đầu tiên và tiếp theo là người dân hiền lành vào rừng hái măng hái nấm...
Vang tiếng oán than. Người ta đến cửa quan tâu trình nhưng than ôi các quan đang bận rộn nếm món ăn trong cuộc thi nấu nướng. Nem công chả phượng đã nhàm chán rồi, thức ngon bây giờ là phải xuống tận đáy biển tìm loài thủy ngư sống bám vào rặng san hô hoặc lên rừng đào trốc rễ cổ thụ để lấy cái lõi mài thành bột lấy mùi thơm. Nông dân bỏ bê ruộng đồng để lao vào cuộc tìm kiếm những thứ được gọi là quý hiếm hòng được nhận thưởng.
Nhưng đâu dễ có rễ cổ thụ nào cũng tỏa hương thơm, vậy nên sinh ra gian dối, người ta xay gạo thành bột mịn rồi tẩm hóa chất giả mùi thơm của rễ quý. Gian dối sinh ra gian dối...
Khắp vương quốc dối trá lọc lừa.
*
Nhà vua chìm đắm trong thụ hưởng suốt ba năm. Một hôm, có ông già đến cung điện xin gặp nhà vua để dâng lên một món.
-  Ngươi có món gì ngon nào? - Quan tể tướng hỏi.
Ông già đưa ra một chùm sung.
-  Món ngon vật lạ đây à? - Các quan cười ồ.
Ông già đáp lời:
-  Đây là món cần cho nhà vua trong lúc này.
Quan thượng thư cả cười:
-  Có thể mi nói đúng, nhà vua đã ăn tất cả món ngon trên đời, ngài ấy cần một món khác vị chăng?
Quan tể tướng hạ giọng:
-  Này ông già, muốn vật phẩm tầm thường của mi được nhà vua nhìn đến thì hãy đưa cho bọn ta ba lạng vàng.
Ông già thở dài:
-  Than ôi, đã đến mức này rồi sao?
-  Không có ba lạng vàng thì hãy cút đi - Quan tể tưởng lạnh lùng.
Ông già lấy trong túi ra một chai nước:
-  Tôi ở trong rừng nên chỉ có chùm sung và chai nước suối này thôi, xin trao hết cho ngài.
-  Hừ, lão già vô lễ - Quan tể tướng giận dữ - Quân canh đâu hãy đem lão già này đi ngay.
Quân canh xúm lại, kẻ xốc nách kẻ bẻ tay lôi ông già xềnh xệch ra cổng.
-  Có chuyện gì mà ồn ào vậy các khanh?
Các quan vội nín lặng vì sự xuất hiện bất ngờ của nhà vua, tất cả vội quỳ xuống chào ngài.
-  Hãy trả lời câu hỏi của ta - Nhà vua lặp lại - Có chuyện gì mà ồn ào vậy?
-  Thưa đại vương - Quan tể tướng liếc nhìn chùm sung và chai nước lăn lóc trên lối đi - Có một lão già đem đến đây...
Quan tể tưởng chưa nói dứt câu thì nhà vua chợt nhớ tới vị ẩn sĩ ngày nào và vị sung ngọt lịm, ngài cúi xuống tự tay cầm chùm sung lên. Rồi nhớ tới ly nước suối mát lành, ngài cúi xuống thêm lần nữa để cầm chai nước lên.
Nhà vua uống một ngụm nước trong chai và nhăn mặt, tanh quá.
Nhà vua ăn một trái sung và vội phun ra ngay, chát quá.
Nhà vua bừng tỉnh, ta đã làm gì suốt ba năm qua khiến nước mát lành thành tanh tưởi và sung ngọt thành chua chát thế này?
*
Sáng hôm đó, đám dũng sĩ hỏi nhau vì sao hôm nay sao nhà vua vào rừng mà không cần họ đi cùng.
Các quan cũng thì thầm hỏi nhau...
Trong khi đó thì nhà vua đi tìm lều cỏ của ẩn sĩ. Lối đi trước đây quang đãng giờ đầy cành lá gãy đổ, những con vật bị ăn thịt còn lại xương xẩu lẫn lộn trong các bụi gai.
Vất vả một hồi thì nhà vua cũng tìm ra lều cỏ, mùi tanh tanh khắp...
-  Ta đến đây để cảm ơn Người có lòng nhắc nhở - Nhà vua nói.
Nhưng lều cỏ trống không.
Nhà vua ngước lên cành sung, những chùm trái ẩn hiện.
-  Ta hứa sẽ khiến mi ngọt ngào trở lại - Nhà vua nói với cây sung.
*
Ba mươi năm sau vương quốc mới trở lại an yên. Nhà vua ra lệnh nhạc công soạn bài hát về sai lầm của mình để hoàng tử mai này nối ngôi nghe mà nhớ.
Con bò đầu đàn đi lạc hướng
Khiến cả đàn lạc lối tan tành
Vua chỉ mong thụ hưởng cho thân
Khiến dân chúng đến cùng đường hèn mạt
Khiến vương quốc đi vào đường mục nát
Bò đầu đàn kia đi đúng đường đúng hướng
Cả đàn theo sau chẳng sợ lạc lối đâu
Làm vua phải dốc lòng phụng sự
Cho người dân được hạnh phúc bền lâu
Cho vương quốc được yên bình khắp chốn.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI