Nạn heo rừng tàn phá hoa màu kéo dài đã bao đời nay ở vùng Ea Ty- Ea Bin –
Ea Pal mà không ai làm gì nổi. Cứ đến vụ thu hoạch lúa, bắp hay khoai là người
ta phải làm chòi, đốt lửa, thức trắng đêm khua chiêng, gõ mõ canh rẫy. Heo rừng
vùng này nhiều lắm, chúng chia thành nhiều đàn, đàn vài chục con, đàn hàng trăm
con. Chỉ cần một đêm không canh giữ, bầy heo có thể phá sạch cả nửa héc ta bắp
sắp thu hoạch; Hoặc cả sào lúa đang đông sữa.
Nhìn cánh đồng bắp sắp thu hoạch, cây gãy ngang thân, chắc chắn là heo rừng
phá; Cánh đồng lúa đông sữa chỉ còn trơ bông không hạt, rạ bị cắt chất thành đống,
thủ phạm chỉ có heo rừng. Mỗi loại cây lương thực, chúng ăn theo một cách khác
nhau; Nếu là khoai lang hay khoai mỳ chúng ủi từng gốc, đào sâu nửa mét, moi hết
củ; Còn bắp chúng ăn theo kiểu riêng: Con lớn cắn ngang thân cho cây bắp gãy xuống,
con nhỏ nhai cả cùi lẫn hạt. Ăn lúa thì đơn giản hơn, lũ heo cứ ngang cổ bông lúa
mà nhai, nuốt lấy nước nhả trấu ra từng đống. Ăn no, chúng rủ nhau cắn sát gốc
lúa tha rạ lại một chỗ chất thành đống to như ngôi nhà, phía trong rỗng có hai
cửa ra vào. Đuổi nhau chạy vòng quanh nô đùa, khi mệt chui qua cửa vào trong giữa
đống rơm, rạ, cắn nhau kêu chí chóe rồi lăn ra ngủ.
Nhưng có điều lạ, ở khu vực này một con heo lớn thỉnh thoảng vẫn về, người
dân nơi đây gọi nó là heo một. Gọi nó là heo một vì nó hay đi một mình, ít khi đi
với bầy đàn. Người già trong buôn nói rằng: “Ông một này thành Yang(1) rồi, không đụng vào được
đâu nhé!”.
“Ông một”, to bằng con bò kéo xe. Hai cái nanh to bằng cổ tay trẻ con, trắng
hếu thò ra phía trước mồm như hai qủa chuối tiêu. Lông bờm dài cả gang tay, dựng
đứng, lởm chởm. Vòng ngực rất nở, to gấp rưỡi phần sau; Nhìn qua giống như con
sư tử vẽ trong sách.
Người trong vùng kính trọng “Ông một” không phải vì ông không phá hoại hoa
màu của dân mà còn đánh đuổi cả con hổ lớn khỏi vùng. Chuyện kể lại rằng...
*
**
Hôm ấy, ông mặt trời vừa đi khuất sau đỉnh núi Chư Yang Sin, mấy đám mây
trắng kéo nhau lên đỉnh núi nhìn xuống buôn. Trong buôn, nhà nhà đỏ lửa chuẩn
bị bữa cơm tối. Thoảng trong gió có cả mùi thơm của cơm vừa chín tới. Bọn trẻ
xúm xít quanh bếp lửa, líu lô những chuyện trong ngày cần nói với ami ama(2).
Buổi chiều thanh bình bỗng nhiên bị xáo trộn. Mấy con chó đang nằm trên đầu
cầu thang bỗng nhiên đứng bật dậy, tai dựng đứng, đuôi cụp xuống sát sàn nhà,
mắt nhớn nhác nhìn vào cánh rừng trước mặt. Một thoáng sau, lũ chó chui tọt vào
trong nhà, cứ quấn lấy chân người, miệng kêu ư ử. Già làng ngạc nhiên, nói với
mọi người trong nhà:
-Hình như có hổ về buôn!
-Sao adun biết?
Người cháu học lớp sáu đang ngồi bên bếp lửa chờ ăn cơm tối ngạc nhiên hỏi
lại.
-Nhìn lũ chó thì biết.
Nói xong, ông với lấy cây ná và chiếc lao dựng trên vách nhà, bước ra đầu
cầu thang nhìn về phía rừng già. Không ai bảo ai, người lớn trẻ con trong các
nhà dài đều tay ná, tay lao chạy ra đứng hết đầu sàn nhìn về phía bến nước. Bến
nước của buôn có nhiều cây to đứng án ngữ kéo dài tới tận chân núi cao. Lũ chó
cũng theo ra núp ngay dưới chân người, không giám ở trong nhà một mình.
-H... ừm!
-E... éc, e... éc, e... éc.
Một tiếng gầm nổi lên làm trâu bò nhốt dưới gầm sàn chạy nháo nhào. Lũ chó
có con cất tiếng sủa nhưng tắc nghẹn trong cổ họng, có con ngã dúi dụi vào chân
người. Đám người, không ai bảo ai, đều cùng la lên một lượt: Huầy huầy, huầy...
Rồi tiếng gõ: Chiêng, trống, xoong, nồi... Ầm ĩ cả lên.
Con hổ màu vàng ươm có những sọc đen kéo từ trên lưng xuống bụng; Vồ được
con heo nhà ami H’Oanh vừa đi ăn dưới suối về. Con heo dài gần sải tay, bị con
hổ ngọam vào gáy, chỉ biết cất tiếng kêu đau đớn như bị chọc tiết. Con hổ lớn
quá, lớn đến mức ngay cả người già sống nhiều mùa rẫy nhất trong buôn cũng chưa
thấy bao giờ.
-Phựt, phựt, phựt...
Tiếng lẫy của nỏ vang lên, những mũi tên trên các nhà sàn bay ra như châu
chấu, nhưng không mũi tên nào đến được chỗ con hổ, vì khoảng cách quá xa. Con
hổ cắn vào gáy heo tha đi và hình như nó không để ý đến tiếng tên bay, tiếng
chieng, trống, tiếng hò hét của người dân trong buôn.
-H...ộc!
Một tiếng gầm không lớn lắm, nhưng nghe rờn rợn vọng đến, cùng lúc cả hai
chân sau của con hổ bị hất tung lên khỏi mặt đất. Con heo đen sì, to không kém
gì con hổ từ trong rừng lao ra, nhằm phía sau con hổ húc mạnh. Con hổ vội nhả
mồi, nhảy dựng lên trên không rồi chụp xuống; Nhưng con heo đã chạy cách xa một
đoạn, quay đầu nhìn lại con hổ như chuẩn bị tấn công lần nữa.
Trên nhà sàn, không ai bảo ai, cánh đàn ông cầm lao nhất tề lao lại phía
con hổ, đồng thanh hét ầm lên:
-Huầy, huầy, huầy...
Con hổ thấy đoàn người mang lao chạy đến vội tập tễnh lủi luôn vào rừng, để
lại trên mặt đất một vũng máu lớn. Con heo đen thấy người cũng bỏ chạy theo con
heo vừa bị hổ vồ xuống suối. Sau hôm đó, người ta không còn thấy con hổ lớn ấy
dám bén mảng về buôn nữa. Còn con heo đen, sau lần đánh hổ lại thường xuyên về
thăm buôn vào những buổi chiều tà. Khi thì người ta thấy nó đi qua bến nước; Có
khi đứng bên cánh rừng đầu nguồn nhìn vào buôn; Nhiều khi sáng ra người ta chỉ
thấy dấu chân to gần bằng cái chén ăn cơm quanh buôn, dấu chân nó không lẫn với
con heo nào khác. Cũng từ ngày ấy, bầy heo nhà trong buôn tăng lên nhanh chóng;
Mỗi lần heo mẹ đẻ một đàn trên chục con, heo con sinh ra, con nào cũng mang bộ
lông hoe hoe đỏ, có sọc vàng kéo dài từ đầu tới mông. Chỉ khi heo lớn lên, các
sọc đó dần dần biến mất, nhường chỗ cho màu đen và bộ lông bờm đen bóng, dài ra,
dựng đứng.
Người trong buôn từ già tới trẻ đều
mến con heo đen, gọi nó bằng cái tên kính trọng: “Ông một” . Khi thấy heo về
thường mang cơm, rau, củ... để gần bến nước cho heo ăn.
*
**
Y Nhung, một chàng trai khỏe mạnh, con út trong một gia đình có năm anh em,
được cô H’Thu người cùng buôn hỏi về làm chồng và đã có một người con gái gần
hai mùa rẫy(3). Họ sống với nhau hạnh phúc lắm, hàng ngày chồng địu con vác xà
gạc(4) đi trước, vợ cõng gùi đi sau, nụ cười không bao giờ tắt trên môi. Ngôi
nhà sàn của họ chiều về đầy ắp tiếng cười xen tiếng bi bô của trẻ. Cuộc sống
thanh bình ấy bỗng dưng bị xáo trộn khi có hai người Kinh đến đi xe máy chơi,
thăm nhà. Họ khen cô chủ nhà xinh, đứa con bụ bẫm như được Yang ban, thật quý
quá. Nhưng trong nhà Y Nhung ché túc, ché ba chưa có cái nào để trên sàn; Trên
vách không có một chiếc chiêng nào để tựa, thế là thua nhiều nhà trong buôn này
rồi.
Mấy hôm sau người ta chỉ thấy H’Thu địu con lên rẫy một mình, còn người
chồng đưa người lạ lân la qua các nhà sàn hỏi mua các thứ lâu ngày để lại. Một
hôm, người lạ ngồi trên nhà sàn bỗng nhìn thấy “Ông một” đi qua, mắt tròn như
chữ O, mồm há ra như chữ A, không nói nên lời. Một lúc sau mới vỗ vai Y Nhung,
bảo:
-Con heo nhà ai mà to thế?
-Heo rừng đấy.
-Heo rừng sao không bắn?
-Nó là Yang của buôn, không được bắn đâu.
-Trời ơi, chiêng ché, xe máy... nó nằm ở đó đấy?
Người lạ bật mí cho Y Nhung biết, con heo rừng có cái nanh quý giá lắm,
càng to càng quý, bán đắt gấp ba lần ngà voi luôn. Nanh heo rừng trị được tà
ma, làm cho con người khỏi ốm... vì thế mới đắt. Nanh con heo này có thể đổi
được cả chục ché túc, ché ba, cả dàn chiêng lớn nữa... Lời của người lạ như mật
rót vào tai, Y Nhung sướng quá về bàn với vợ ý định bắn “Ông một”; H’Thu nổi
cáu bảo:
-Có muốn vào rừng sống một mình không?
Y Nhung lè lưỡi, lắc đầu khi nhớ lại quy định: Ai làm trái với quy ước của
buôn sẽ bị đuổi vào rừng. Đấy là hình phạt nghiêm khắc nhất, khủng khiếp nhất
mà ai cũng sợ.
Nhưng người lạ lại nói hay hơn, bàn cách bắn “Ông một” mà già làng không
biết. Bắn heo rồi sẽ thành giàu có nhất vùng, chiêng ché đầy nhà, còn có xe
không đạp cũng chạy băng băng, như thế chắc ai cũng phải kính trọng; Bia, rượu
uống cả ngày, không cần phải lên rẫy làm như con trâu nữa. Ừ chỉ, mấy người ngu
muội mới không biết làm giàu, còn thông minh như Y Nhung thì... Thế là cả ba
cột rượu, bắt gà làm lễ ăn thề, kết nghĩa anh em, sống chết có nhau. Y Nhung bỏ
ngoài tai lời khuyên của vợ, quyết chí làm ăn lớn, đổi đời.
*
**
Hai hôm nay con heo cái nhà Y Nhung bỏ ăn, nó có vẻ hung hăng hơn mọi ngày.
Người lạ bảo đây là dịp Yang cho, không nên bỏ phí. Một chiếc cũi mỗi bề rộng
chừng hai sải tay làm bằng cây rừng to như bắp đùi, cách chòi canh rẫy hơn chục
sải tay được ba người dựng lên. Con heo nhà Y Nhung muốn theo bạn trai được bí
mật bắt đến, đem thả vào trong cũi. Hai người lạ mang theo súng cùng Y Nhung
lên chòi rẫy ngồi đợi.
Chiều tà, ông mặt trời đứng trên đỉnh núi Chư Yang Sin, nhìn cảnh vật lần
cuối trước khi đi ngủ. Con heo nái nhà Y Nhung bị nhốt trong cũi lồng lộn như
muốn bay ra ngoài, thỉnh thoảng hộc lên những tiếng uất hận. Hai người lạ và Y
Nhung nằm trên chòi canh rẫy, mắt nhòm qua vách nứa, quan sát bìa rừng, nơi có
mấy lùm cây lúp xúp chỉ cao ngang đầu người, gần bên đường đi.
Bỗng đám cây rung rung rồi “Ông một” xuất hiện. Lúc đầu chỉ thấy cái mõm
với hai chiếc nanh trắng như ngà voi, cong vút nhô ra ngoài đám lá. Một lúc
sau, con heo đi ra khỏi lùm cây, mắt nhìn đám rẫy vừa qua mùa thu hoạch, không
có gì đáng ngờ. Heo nhìn lên chòi canh như có linh cảm điều gì đó rồi quay ngoắt
mình lủi luôn vào bụi rậm.
Con heo cái bị nhốt, lại lồng lộn như muốn phá cả cái cũi để ra ngoài, miệng
không ngớt kêu gào. Một lúc sau “Ông một” lại từ từ đi ra, đứng nhìn về phía
cũi, nơi nhốt con heo cái. Bóng con heo trong cảnh chiều tà như hình một con sư
tử đực dũng mãnh, uy nghi, đầu ngẩng cao nhìn bốn phía.
Chỉ chờ có vậy, Y Nhung nâng khẩu AR15, kê lên trên vách nứa, siết cò.
Tiếng súng nổ, bụi đất bao trùm lên “Ông một”. Sau tiếng “hộc” cụt ngủn, con
heo lao luôn vào bụi rậm bên cạnh, biến mất. Cả ba người vội nhảy bổ xuống đất
chạy như bay lại nơi “Ông một” vừa đứng. Y Nhung reo lên:
- Có vết máu đây rồi. Trúng rồi!
-Y Nhung giỏi quá!
-Thằng em tài thiệt!
Cả ba người cùng cười như điên dại, họ ôm chầm lấy nhau rồi lại vội buông
nhau ra, vạch cây lần theo vết máu. Y Nhung đi trước, thọc nòng súng vào đám dây
leo, rẽ lối với hi vọng con heo trúng đạn đã chết. Đi cách bìa rẫy chưa được chục
sải tay, bổng nhiên vạt cây trước mặt Y Nhung rung lên như có gió xoáy kèm theo
tiếng “hộc” rợn người. Thân hình hơn năm chục ký của Y Nhung đã lơ lửng trên không,
khẩu súng văng lên ngọn cây bên cạnh. Hai ông anh kết nghĩa đi sau cuống quýt hò
hét, rồi lao ra ngoài đám rẫy, chạy như bị ma đuổi, băng rừng biến mất.
Đêm xuống, H’Thu không thấy chồng về mới gửi con, đốt đuốc lên rẫy đi tìm.
Đến bìa rẫy thấy Y Nhung nằm ngất lịm trên vũng máu, một vết rách dài từ đùi lên
tới tận bụng. H’Thu xé áo băng bó cho chồng rồi chạy vội về buôn gọi người đến
giúp. Người trong buôn xúm lại đưa lên bệnh viện; ba tháng sau Y Nhung mới lành
vết thương về nhà, người trông như con cá khô. Ngôi nhà Y Nhung về ở không còn
là ngôi nhà dài có nhiều chị em cùng sinh sống, mà là một căn nhà hai gian dựng
tạm cách buôn một quãng khá xa, giữa rừng già. Cũng từ ngày bị bắn, người trong
vùng không còn ai trông thấy “Ông một” xuất hiện nữa.
Cuối mùa mưa 2018
Chú
thích:
1. Yang: thần linh – tiếng Êđê;
2. Ami ama: ba má - tiếng Êđê;
3. Gần hai mùa rẫy: cách tính tuổi của
người Ê đê, mỗi mùa rẫy là một năm.
4. Xà gạc: dao phát rẫy của người Êđê.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI