Thứ Tư, 10 tháng 4, 2019

CHI TIẾT CHIẾC BÓNG TRONG TÁC PHẨM CHUYỆN NGƯỜI CON GÁI NAM XƯƠNG tác giả NGUYỄN PHƯƠNG HÀ - CHƯ YANG SIN số: 319 tháng 3 năm 2019

                                                                                            






Trong tác phẩm tự sự, chi tiết nghệ thuật có vai trò hết sức quan trọng. Nhiều trường hợp chi tiết rất nhỏ nhưng lại có ý nghĩa thẩm mĩ đặc sắc. Đối với nhà văn, chi tiết là yếu tố giúp thể hiện ý đồ nghệ thuật, đối với người đọc, chi tiết như một “nhãn tự” để chiếm lĩnh giá trị của tác phẩm. Chi tiết chiếc bóng trong Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ (Ngữ văn 9 – Tập I ) là một trường hợp như vậy.
Chuyện người con gái Nam xương là một trong hai mươi truyện trong tác phẩm Truyền kỳ mạn lục được sáng tác vào khoảng thế kỷ thứ XVI. Truyện kể về nhân vật Vũ Thị Thiết (Vũ Nương) - Một phụ nữ có nhan sắc và phẩm hạnh - là vợ của chàng Trương Sinh. Vì chiến tranh loạn lạc, Trương Sinh phải đầu quân cho triều đình, chiến đấu ở xa. Khi Trương Sinh xa nhà “chưa đầy tuần”, Vũ Nương sinh con trai đặt tên là Đản. Trong thời gian chồng đi vắng, Vũ Nương luôn gìn giữ, hiếu thảo và chăm lo cho mẹ chồng lúc ốm đau cũng như lúc bà qua đời. Năm sau Trương Sinh trở về, vì đa nghi và ghen tuông vô cớ, chàng hắt hủi, mắng nhiếc và đánh đuổi Vũ Nương vì cho rằng nàng đã bội bạc. Không thể thanh minh được, Vũ Nương đã tìm đến cái chết ở sông Hoàng Giang mong được rửa oan. Khi hiểu được sự tình thì đã quá muộn, Trương Sinh đành sống trong đau khổ, bi kịch vì hạnh phúc tan vỡ.
1. Chiếc bóng - chi tiết thắt nút truyện
Đọc Người con gái Nam Xương, ta thấy một hình ảnh giàu ý nghĩa. Đó là chiếc bóng trên vách mà Vũ Nương đã chỉ cho bé Đản và nói đó là cha của con mình khi chồng nàng ở xa. Bé Đản thơ ngây, thật thà đã đáp lại lời Trương Sinh khi chàng dỗ con: “Ô hay! Thế ra ông cũng là cha tôi ư? Ông lại biết nói, chứ không như cha tôi trước kia chỉ nín thin thít”. Trương Sinh gạn hỏi thì bé Đản giải thích thêm: “Trước đây thường có một người đàn ông, đêm nào cũng đến, mẹ Đản đi cũng đi, mẹ Đản ngồi cũng ngồi, nhưng chẳng bao giờ bế Đản cả”. Mối nghi ngờ ngày càng sâu sắc của Trương Sinh đều bắt nguồn từ sự ngây thơ của bé Đản và chiếc bóng trên vách ấy. Chàng đã nghi ngờ vợ mình hư hỏng, không chung thủy và phản bội. Mâu thuẫn giữa hai vợ chồng Trương Sinh ngày càng sâu sắc, không có gì tháo gỡ được.
Tác giả đã khéo léo dẫn dắt, gài thắt nút truyện, chỉ để chiếc bóng xuất hiện như một “người đàn ông” đêm nào cũng đến với vợ Trương Sinh khi chàng đi vắng, qua lời kể ngây thơ của bé Đản, để tạo ra sự lôi cuốn, hấp dẫn của cốt truyện. Nhưng rõ ràng, người đọc vẫn nhận ra rằng, chính chiếc bóng vô hình kia là nguyên cớ trực tiếp của bi kịch gia đình Vũ Nương.
2. Chiếc bóng - chi tiết mở nút truyện
Nỗi oan khuất của Vũ Nương không thể giải được mặc dù nàng đã tìm cách giải thích bằng những lời lẽ và cả tấm chân tình thống thiết. Đau khổ và bế tắc tột cùng, nàng đã gieo mình xuống sông Hoàng Giang, tìm đến cái chết để rửa nỗi oan khuất. Vợ chết, Trương Sinh tuy giận nhưng vẫn động lòng thương xót. Chàng sống trong cô đơn và thất vọng. Trong một đêm phòng không vắng vẻ, chàng ngồi với ngọn đèn khuya, chợt đứa con nói rằng: “Cha Đản lại đến kia kìa!”. Chàng hỏi “đâu”. Nó chỉ bóng chàng trên vách và nói: “Đây này”. Đến đây Trương Sinh mới vỡ lẽ và tỉnh ngộ, hiểu thấu nỗi oan của vợ nhưng việc đã qua rồi, không thể nào cứu vãn được nữa. Nút truyện đã mở ra, vỡ òa trong ngỡ ngàng, nuối tiếc và thất vọng của nhân vật và của người đọc. Có thể nói, cuộc đời của Vũ Nương đã kết thúc ở sông Hoàng Giang nhưng bi kịch của gia đình Trương Sinh thì còn mãi, dù tác giả có thêm phần “truyền kỳ” ở cuối truyện cũng chỉ để an ủi phần nào cho linh hồn người đã khuất. Vũ Nương không thể trở về dương gian để đoàn tụ với Trương Sinh, thế giới thần linh hư vô không thể cứu được cuộc sống và hạnh phúc của con người trần thế.
3. Chiếc bóng - ý nghĩa sâu sắc và độc đáo
Bi kịch của Vũ nương và gia đình Trương Sinh bắt nguồn từ sự hiểu nhầm chiếc bóng ấy. Chiếc bóng - chỉ là một chiếc bóng - là hư ảnh chứ không phải là nhân ảnh. Nó chỉ là một hiện tượng vật lý thông thường chứ không phải là một hiện tượng xã hội. Ấy thế mà nó có sức hủy hoại cuộc đời và hạnh phúc của một người phụ nữ “tính tình thùy mị, nết na, lại thêm tư dung tốt đẹp” và một gia đình phong lưu, nền nếp. Điều này chứng tỏ hạnh phúc trong cuộc đời thật mong manh và thật mẫn cảm với những biến động của đời sống. Hạnh phúc có thể đổ vỡ vì bất cứ lý do gì, kể cả những điều không đâu như chiếc bóng kia, nhất là trong chế độ phong kiến phụ quyền.
Như trên đã nói, chiếc bóng chỉ là nguyên cớ, bi kịch của gia đình Vũ Nương là bi kịch mất lòng tin, bi kịch của đầu óc tăm tối, thói gia trưởng, bảo thủ và ghen tuông vô lý. Nếu Trương Sinh bình tĩnh, chịu khó tìm hiểu, tôn trọng và nghe lời giải thích của vợ, nếu Trương Sinh có niềm tin vào phẩm chất của vợ, niềm tin vào tình yêu của mình thì bi kịch đã không xảy ra. Chính vì thế, bi kịch Vũ Nương không chỉ có ý nghĩa lên án chế độ phong kiến, lên án chiến tranh mà còn là lời cảnh báo, cảnh tỉnh sâu sắc đối với mọi người.
Chi tiết chiếc bóng còn giúp tác giả thể hiện được những nét tính cách của các nhân vật. Mỵ Nương thùy mị, nết na, đảm đang, hiếu nghĩa và đặc biệt yêu chồng, thương con. Có yêu chồng, nhớ chồng, nàng mới lấy chiếc bóng của mình để nói với con đó là “cha Đản”. Người chồng đi xa nhưng vẫn luôn ở trong nỗi nhớ, luôn ở trong sinh hoạt gia đình của người phụ nữ ấy. Chi tiết này cũng giúp thể hiện rõ bản chất “ít học”, đa nghi, mất lòng tin của nhân vật Trương Sinh.
Như vậy, với chi tiết chiếc bóng đặc sắc, đầy sức ám ảnh, với tình huống truyện độc đáo, tác giả đã làm nổi bật bi kịch và nguyên nhân bi kịch của người phụ nữ trong xã hội phong kiến và trong cuộc đời nói chung. Tác phẩm không chỉ có giá trị hiện thực mà còn có ý nghĩa nhân sinh sâu sắc. Có thể nói, Chuyện người con gái Nam xương là một trong những truyện đặc sắc nhất trong Truyền kỳ mạn lục nói riêng và văn xuôi thời kỳ trung đại nói chung.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI