Tác phẩm tham dự Cuộc vận động viết bút ký chủ đề
“Công an Đắk Lắk bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”
Nhà văn - nhạc sỹ H'LINH NIÊ
Nếu cuộc sống trên mảnh đất cao
nguyên ngập nắng, tràn gió này một ngày không có những người lính an ninh, âm
thầm lặng lẽ với nhiệm vụ của mình thì
buôn làng liệu có bình yên như thế? Những tà áo dài trắng tung bay trên
Ngã Sáu Ban Mê mỗi bình minh, tiếng cười trong vắt của trẻ thơ nơi sân các
trường học có ríu rít ấm lòng như thế? Điệu hát K’ưt tự sự mênh mang, câu arei
giao duyên, nhịp ching knah rộn ràng có cất lên đắm say đến thế trong những
ngày lễ hội?
Cuối mùa rẫy năm 1990. Đại úy Y Juêt
Niê về hàng. Y nộp súng đạn và trình diện đội công tác. Đại tá Y Ni
Ksor, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk phụ trách công tác chống Fulro, cử ngay
đại diện đơn vị đến buôn Krua đón. Sau khi làm xong mọi thủ tục lấy lời khai và
tiếp nhận, giữ đúng lời hứa, đơn vị đưa y về tận nhà. Cuộc gặp gỡ giữa người ở
rừng về với gia đình, bà con và dòng họ thật cảm động. Hầu như cả buôn đều kéo
tới. Căn nhà sàn từ cửa trước tới bếp lửa sau chật cứng người đứng ngồi. Người
chia sẻ niềm vui, người hóng chuyện con em mình còn ở rừng, người lặng lẽ nghe
ngóng… Cha mẹ già ứa nước mắt mừng vì con trai trở về thì ít, mà nhiều hơn vì
từ nay khỏi nơm nớp lo bị truy quét tiêu diệt.
Trinh sát theo dõi thấy những
ngày ở buôn, ngoài đi làm rẫy cùng vợ con tối đến Y Juêt hay la cà các gia
đình, hỏi han về người và công việc của đội công tác. Y thường nói vẫn lo lắng
không biết số phận của mình ra sao, có thật sự được đi lại tự do không, muốn
tiếp xúc để hiểu và tin tưởng. Linh tính nhạy bén mách bảo Y Ni có gì không
bình thường ở hành động này của Y Juêt. Phải chăng đây chỉ là trá hàng để nắm
được ý đồ và phương thức hoạt động của ta chăng? Anh cho Y Thông mời hắn lên
thị xã Buôn Ma Thuột tra hỏi. Y Juêt không nhận, y vẫn chỉ nói vì ở rừng đói
khổ quá, tin sự khoan hồng của chính quyền nên về đầu thú. Y Ni quyết định ra
đòn mạnh hơn, anh làm lệnh bắt tạm giam.
Những ngày đầu, dù đã dùng nhiều
biện pháp tra hỏi, khuyên nhủ, Y Juêt vẫn khăng khăng không nhận là trá hàng.
Phải tìm cách tiếp cận khác thôi. Y có vợ và một con trai, mới đầu thú về ở nhà
với vợ con chưa được bao lâu. Y Ni rất hiểu tâm lý của người phụ nữ Êđê, không
ai muốn xa chồng, lúc nào cũng thích gần gụi bên nhau như con chim trên rừng có
đôi, nhất là hắn đã theo Fulro một thời gian khá dài. Hơn nữa, lúc Y Juêt ở
rừng, người vợ luôn luôn bị áp lực về tâm lý cả vì thiếu thốn tình cảm vợ
chồng, lẫn sự “quan tâm” khác biệt của chính quyền, của người dân trong buôn,
cũng như phải vất vả làm nương rẫy, nuôi con một mình. Y Ni cho mời vợ con Y Juêt tới, vận động chị khuyên
bảo chồng. Cận kề bên vợ và con vài ngày, đủ để trái tim đại úy tan chảy theo
nước mắt của người bạn đời luôn nhẫn nhịn, lẫn sự ngây thơ đáng yêu của đứa con
lúc nào cũng quấn quít bên cha. Hắn bắt đầu khai nhận ý đồ trá hàng. “Được lời
như cởi tấm lòng”, Y Ni lại mạnh bạo chỉ đạo đưa Y Juêt ra khỏi nơi tạm giam
cùng vợ con về sống tại khu nhà nghiệp vụ của công an tỉnh, cùng với một trinh
sát của đội để tiếp tục khai thác. Hai tháng trời, Y Juêt Niê khai ra tất cả
địa điểm đóng quân, quân số, lương thực, đạn dược của các nhóm ở rừng, lẫn
những cơ sở tại những buôn quanh vùng. Hành lang hoạt động từ Ea Suop, Ea H’Leo
qua Cư Né, Buôn Hồ cũng được dựng lại một cách chính xác. Lòng tin của Y Ni
không đặt nhầm chỗ. Y Juêt khai ra cả
địa bàn hoạt động của một trong những kẻ cầm đầu cộm cán là đại úy Y Blim Mlô,
từ Ea Drơng quê hắn, qua Mdrăk về Ea
Kar.
Vài tháng sau, Y Ni mạnh bạo
quyết định cho phép Y Juêt trở lại buôn cùng gia đình. Đồng thời “lấy độc trị
độc”, vừa phân công người bí mật bảo vệ, hỗ trợ không để kẻ địch tiếp cận hay
thủ tiêu Y Juêt mà còn biến anh ta trở thành cơ sở của trinh sát. Vậy là chuyên
án ZD36 kết thúc, mở ngay ra chuyến án ZD37 về việc truy tìm tên đại úy Y Blim Mlô, một trong những tên Fulro cuồng tín, từng có nhiều
nợ máu trong việc bắn giết bà con người lương thiện. Đã từng một lần được cơ sở
báo tin chắc chắn Y Blim xuất hiện tại rừng Ea Phê, khi xuất phát, đột nhiên
một trong 2 chiếc xe uwat của đội bị lủng lốp, anh em cũng có người buột mồm nói
“điềm xui xẻo”, nhưng đã có lệnh là phải thực thi. Ấy vậy mà không hiểu sao, trinh
sát dùng AK bắn rất gần nhưng vướng những cây cổ thụ to vật vã nên viên đạn đi
trật. Y Blim thoát chết. Lại phải sử dụng phương án khác.
Cuộc họp bàn của lãnh đạo Ban an
ninh và các chiến sỹ trinh sát về việc thực hiện chuyên án ZD37 không suôn sẻ,
vì ý kiến trái ngược nhau giữa Y Ni và phó ban Trần Cao Giang. Theo Y Ni:
- Y Blim là kẻ cáo già, lại có nợ
máu. Ta đã từng bắt hụt hai lần, nên hắn rất cảnh giác. Tốt nhất là chúng ta
vẫn sử dụng biện pháp thuyết phục hắn về hàng. Thực hiện hình thức này chuyên
án sẽ phải kéo dài. Nhưng nếu được hắn lôi kéo thêm đồng bọn thì càng tốt, còn
có thể phục vụ cho những chuyên án sau, chúng ta không nóng vội. Tuy nhiên tên
này đã từng có nợ máu và rất liều lĩnh. Nếu các biện pháp đó không thực hiện
được, thì cứ săn lùng, thấy là diệt. Cách tốt nhất là giao súng cho đặc tình,
để họ hỗ trợ nếu có cơ hội và cần phải tiêu diệt.
- Tôi không nhất trí – Trần Cao
Giang lên tiếng – Giao súng cho đặc tình có khác gì giao trứng cho ác chứ? Vừa
không an toàn cho trinh sát nếu bị phản lại; vừa nếu bị lộ, địch phát hiện ra
đặc tình thì uổng công mình vận động. Nguyên tắc nghiệp vụ không cho phép.
- Tôi tin ở những người đã nhìn
ra con đường lẫm lỡ mà quay lại.
- Sao có thể dễ tin ngay những
người vừa ở phía đối lập thế được?
- Nếu mình tin họ, họ cũng sẽ tin
mình. Cái khó nhất là xây dựng lòng tin, chúng ta đã làm được rồi. Chỉ cần gìn
giữ lấy thôi.
Cuộc tranh cãi về biện pháp thực
hiện chuyên án ZD37 diễn ra rất gay gắt, thậm chí là to tiếng dẫn tới đập bàn
đập ghế. Nhưng rồi với sự thuyết phục chí tình chí lý vừa mềm dẻo vừa kiên định của Y Ni, mọi việc
cũng dẫn tới đồng thuận với quyết định giao vũ khí cho đặc tình, đồng thời rút
ngắn thời gian thực hiện chuyên án bằng việc tổ chức bắt sống Y Blim.
Y Dân K’Buôr, quê ở buôn Klah,
vốn là thiếu tá Quân khu 3 của lực lượng Fulro, sau những cuộc gặp gỡ cùng bà
con và trinh sát ngoài rừng, đã tình nguyện làm cơ sở ngầm để liên hệ với Y
Blim, được hướng dẫn kỹ lưỡng về cuộc hẹn gặp tại rẫy ở buôn Puăn, xã Ea Phê.
Trinh sát vừa cử người giám sát tại chòi rẫy, vừa mật phục ở suối nước đục chảy
qua một khoảng rừng rậm rạp nhiều cây cổ thụ, cách đó 2 km. Nắng tắt, Y Blim
xuất hiện một mình. Sau khi cẩn thận ngó trước ngó sau, hắn yên tâm rời bìa
rừng bước ngay lên căn chòi rẫy nhỏ. Như mọi khi, Y Dân đã chuẩn bị đầy đủ cơm
thịt, bia, rượu trắng. Thậm chí trong những lon nước ngọt còn có sẵn một lượng
thuốc mê, để nếu hắn gục, trinh sát sẽ ập vào cùng bắt sống. Nhưng Y Blim rất
cảnh giác, chỉ uống dè chừng rượu trắng sau khi đã cụng ly, kín đáo chờ để Y
Dân uống trước. Mặc dù chắc chắn ở rừng lâu ngày, rất thèm thuồng nhưng nước
ngọt và bia hắn không đụng tới, nói để mang về rừng cho đồng bọn. Cuộc trò
chuyện kéo dài chừng một tiếng, Y Blim đứng lên dặn dò Y Dân và chuẩn bị trở
lại căn cứ. Được sự truyền tín hiệu
nhanh chóng của trinh sát về việc bắt sống không thành công, đơn vị quyết định
đón lõng. Y Blim bị tiêu diệt. Chuyên án ZD 37 kết thúc.
Thắng lợi của các chuyên án là sự
sáng tạo giữa công tác vận động quần chúng với công tác nghiệp vụ, xây dựng cơ
sở nội tuyến, dùng địch tác động gọi hàng đồng bọn. Trận chiến chống Fulro ngày
đó kéo dài 16 năm, rộng khắp địa bàn Đắk Lắk với rất nhiều những tình huống khó
lường. Xin được trích lược vài số liệu trong “Lịch sử Công an nhân dân Đăk Lăk
giai đoạn 1975-1995” để có một cái nhìn sâu hơn về thắng lợi này: “các chuyên án vừa bám buôn, vừa tác động gọi
hàng, vừa phối hợp lực lượng vũ trang, tiêu diệt địch. Tổ chức đánh 499 trận,
diệt 1.341 tên, bắt sống 8.154 tên, gọi hàng 5.629 tên, bóc gỡ 5.073 cơ sở, thu
4.953 súng các loại, trên 27.000 viên đạn. Làm tan rã Tổng nha nghiên cứu chiến
lược trung ương Fulro, các ZG31, 36, 37 và các toán nội địa; góp phần đẩy Fulro
đến bước đường cùng phải đầu hàng Untac tại Campuchia tháng 10/1992”.
Người 16 năm trực tiếp chỉ huy
thực hiện chủ trương, mặt đối mặt với lực lượng Fulro để có kết quả vài dòng ngắn ngủi nêu trên, chính là Anh
hùng lực lượng vũ trang, cố Đại tá Y Ni Ksor và đồng đội. Lính cũng ít gặp ông
ở văn phòng. Trinh sát không thức nổi cùng ông cả đêm trò chuyện trên sàn, để
rồi dân tin, dân yêu, trao vòng, cột rượu cần kết nghĩa anh em. Lúc nghe tin
ông ở đồng cỏ M’Drăk (phía Đông Đắk Lắk), thoắt cái đã qua vùng đất đỏ bạt ngàn
Đăk Min (nay thuộc tỉnh Đăk Nông). Đã có lúc
trực tiếp đội mưa cùng trinh sát mật phục tại rừng già Ea H’leo (phía
Bắc tỉnh). Đôi lần phải lặn lội trong rừng sang phối hợp cùng cả bên nước bạn
Campuchia. Nơi nào có Fulro là Y Ni Ksor và đồng đội có mặt. Những chuyến đi
liên tục. Lặng thầm. Không mệt mỏi. Ông
như cánh chim Grứ, một loài chim có sải cánh lớn mà người Êđê mô phỏng trong
điệu múa dân gian Grứ phiơr – chim Grứ bay - của tộc người. Loài chim luôn
luôn đơn độc, giang đôi cánh dài lượn vòng rất rộng không mỏi trên núi
rừng, sông suối, như một sự chở che, bao bọc, bảo vệ lấy giang san, đất đai “cái nong cái nia cái
lưng ông bà mình”.
Không thể kể lại hết được những
cuộc chiến đấu sinh động suốt 16 năm ròng rã, dù có tiếng súng hay không của
các anh, nhưng tất cả đủ để hình dung được về
Y Ni Ksơr, một lãnh đạo an ninh chính trị vững vàng nghiệp vụ, đầy sáng
tạo trong cách phá án, với tấm lòng vô cùng nhân ái không chỉ với gia đình,
đồng đội mà với cả những người đồng tộc lầm đường. Đồng đội nhận xét anh “là
người kiên quyết, không bao giờ chịu bỏ ngang và rất táo bạo. Một con người
giản dị, nói ít, làm nhiều, dám nghĩ, dám quyết, dám chịu trách nhiệm, tất cả
vì sự bình yên của buôn làng. Mãi mãi sau này cũng không có được một người như
thế nữa”. Y Ni Ksơr, người chiến binh thầm lặng. 34 năm, (bắt đầu tính từ năm
1968) làm công tác bảo vệ an ninh chính trị, trong đó có 16 năm trực tiếp chống
Fulro đâu phải là một quãng thời gian ngắn.
Trời Ban Mê cao lồng lộng biếc.
Nắng óng vàng trìu mến phủ lên những mảnh vườn xanh trải dài tít tắp. Con sông
Srêpôk thao thiết chảy về hướng mặt trời lặn, ôm ấp trong làn nước xanh đậm màu
lá rừng bao câu chuyện huyền thoại về con người và vùng cao nguyên đất đỏ. Hãy
hít sâu vào lồng ngực làn gió ngát thơm hương hoa cà phê nở muộn, để thấy đất
trời cao nguyên tự do, thanh bình, dường như đẹp thêm lên rất nhiều.
Ghi chú : Tên các nhân vật liên quan trong bài đã được đổi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI