Thứ Ba, 9 tháng 4, 2019

PHONG TỤC KẾT NGHĨA CỦA NGƯỜI ÊĐÊ tác giả TUYẾT NHUNG BUÔN KRÔNG - CHƯ YANG SIN số: 319 tháng 3 năm 2019




         Phong tục kết nghĩa của người Êđê là một trong những phong tục độc đáo và mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, được được lưu truyền từ rất lâu đời và tồn tại đến ngày nay. Theo người Êđê, mối quan hệ gia đình và dòng họ không chỉ được xây dựng trên cơ sở quan hệ huyết thống, họ hàng mà còn được xây dựng qua sự liên kết giữa những người trùng họ, khác họ trong cùng dân tộc hoặc khác dân tộc.
Nguyên tắc phong tục kết nghĩa
Lễ kết nghĩa thường được xây dựng theo quan hệ cha mẹ - con cái, anh - em, chị - em. Người kết nghĩa có thể cùng làng, có thể đến từ một làng khác, đặc biệt đối với nam giới sau khi lập gia đình ở làng khác, khi cư trú phía nhà vợ, họ thường chọn một người chị gái, em gái hoặc một gia đình nào đó để kết nghĩa. Sau lễ kết nghĩa, người được kết nghĩa sẽ chính thức trở thành thành viên mới của gia đình và dòng họ nhận kết nghĩa. Trong xã hội truyền thống, người được nhận là con kết nghĩa sẽ được hưởng những quyền lợi nhất định về tinh thần và vật chất. Ngược lại, những người em, người con kết nghĩa sẽ có trách nhiệm đối với bố mẹ nuôi, hoặc anh chị nuôi của mình. Thông thường, một người phụ nữ Êđê có thể có những người anh em trai cùng huyết thống và những người anh em trai kết nghĩa cùng họ hoặc khác họ. Điều này sẽ làm tăng thêm uy tín và quyền lực đối với người phụ nữ đã có gia đình. Khi kết nghĩa, người Êđê không đặt nặng vấn đề giàu nghèo, sang hèn, dân tộc này hay dân tộc khác. Đó là sự thành tâm được xây dựng trên cơ sở của tình cảm và trách nhiệm được duy trì sau khi làm lễ kết nghĩa. Mối quan hệ này được duy trì đến cả thế hệ con cháu của họ. Các thành viên và con cháu của hai bên sẽ trở thành quan hệ họ hàng và không được kết hôn với nhau theo quy định của luật tục.
Điều kiện và thủ tục kết nghĩa
Một mùa trăng trôi qua và có thể hơn một mùa rẫy, khi một người thân hay một vị khách đã chạm sàn, khui cần mời rượu, khi đã “ăn cùng một mâm”, khi đã “uống rượu cùng một ché”, khi tình cảm đã đến độ chín mọng như quả m’ố (quả xoài) trong rừng, cộng đồng thường tổ chức lễ kết nghĩa. Lễ kết nghĩa được gọi là“mjing amí ama” (kết nghĩa mẹ cha), “mjing ayong adei’’ (kết nghĩa anh em), nghi thức này được tổ chức theo nghi thức “mđi hóa”(lễ ăn thề). Lễ ăn thề thường được tổ chức tại gia đình nhận kết nghĩa. Bên nhận kết nghĩa sẽ thực hiện nghi thức nhận con, hoặc em nuôi, bên được nhận sẽ trao vòng cho bên nhận hiện vật như chăn thổ cẩm, trang phục, heo hoặc trâu bò, kể cả chiêng, ché quý nếu như gia đình có điều kiện. Một vòng đồng, một ché rượu và con vật của người thành viên mới được hiến sinh giữa gian khách nhà người nhận nuôi,“Pô riu Yang” (người khấn thần) sẽ thực hiện những nghi lễ trao vòng cho hai bên, họ cùng thực hiện nghi thức cam kết. Sau ba ngày, bên nhận kết nghĩa sẽ làm một nghi thức dành cho thành viên mới, nghi lễ này được người Êđê Adham ở huyện Cư Mgar gọi là “wăt um” (tạm dịch là lễ tiếp nhận). Bên nhận kết nghĩa sẽ thui một con gà để tiếp nhận thành viên mới và mổ một con heo, hoặc bò để đãi khách. Nếu quan hệ mẹ - con, thì những người anh em được gia đình tiến hành một nghi thức “mem ksâo amí” (bú mẹ) và nhận vòng đeo tay để thắt chặt thêm tình anh em. Ngày nay, phụ thuộc vào điều kiện kinh tế của hai gia đình, tục kết nghĩa được tổ chức đơn giản hơn. Lễ vật bao gồm một con gà trống, ít nhất một ché rượu cần, chiếc vòng đeo tay để làm kỷ vật cho đôi bên. Hai bên cùng ăn xôi, trứng gà, chuối chín, tiết trộn tim heo và cùng đeo vòng thể hiện sự cam kết và sự gắn kết bền lâu.
Tính nhân văn của phong tục kết nghĩa
Có thể thấy phong tục kết nghĩa của người Êđê không chỉ kết nạp thêm một thành viên mới, tạo tính liên minh dòng họ mà còn là  thể hiện mối quan hệ trên nền tảng của yếu tố tâm linh. Tục kết nghĩa sẽ thắt chặt hơn nữa tinh thần, trách nhiệm giữa các thành viên trong gia đình, dòng họ, tạo sự thống nhất trong dòng họ trên quan hệ song phương. Phong tục kết nghĩa mang tính cộng đồng và thể hiện giá trị nhân văn sâu sắc. Sự gắn kết này không chỉ là sự gắn kết trên phương diện tình thương, trách nhiệm mà còn mang ý nghĩa tâm linh nhất định. Trở thành một hiện tượng độc đáo, thú vị khi tìm hiểu về di sản văn hóa của người Êđê và bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Bạn, tôi và chúng ta sẽ thêm hạnh phúc khi cùng nhận chiếc vòng đeo tay trong lễ kết nghĩa “uống rượu ăn thề” khi đến với miền đất Cao Nguyên Đắk Lắk đầy huyền thoại này.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI