Trên đất này Tây Nguyên, bao giờ
rừng xanh lại; sông cạn rừng tàn, có nỗi buồn nào hơn... Từ rừng đầu nguồn đến
rừng nguyên sinh đầy cây già bóng cả đã bị chặt hạ trơ trụi, chỉ còn lại gốc rễ
khô khốc lụi tàn. Những con suối dài, những dòng sông lớn nhiều năm qua khô cạn
nước giữa đôi bờ không còn bóng cây xanh. Từng cánh rừng bạt ngàn cây gỗ quí đã
ra đi theo những bàn tay đồng lõa thỏa thuận bán mua... Sông cạn rừng tàn, bao
giờ rừng xanh lại hai bên sông đầy đặn nước êm trôi từ thượng nguồn cao cho đến
cuối dòng... Câu hỏi âm ỉ buồn trong tôi, có khi đùn chất thành nỗi đau: Lá
phổi xanh Tây Nguyên đang tan nát từng ngày...
Trên đất này Tây Nguyên, tôi đã
hăm hở đi lại đó đây quanh những cánh rừng xanh kề cạnh buôn làng, bến nước,
dòng sông đọng đầy bao cảm xúc tốt đẹp trước tình người, tình rừng cộng hưởng
thiết thân, nâng cuộc sống tốt tươi lành lặn lên tầm cao đầy đặn tình ý nhân
văn, không gợn phút giây nào tính toán thiệt hơn; người nhìn người, người nhìn
rừng cây sông núi... mắt trong trẻo tin yêu. Trong nắng sớm mưa chiều đêm tối,
bếp lửa củi luôn bừng sáng trên nhà sàn, người làng luôn cởi mở lòng đón người
phương xa đến, là khách của cộng đồng làng, không của riêng ai. Âm nhạc cồng
chiêng ngân vang bài mừng khách đến, cả làng cùng vui quanh ngọn lửa đêm rừng;
tình cảm người người hài hòa cùng rừng cây bến nước và nhịp điệu cồng chiêng,
thánh thoát cộng hưởng thân thiết đến vô cùng...
Buôn làng nào trên Tây Nguyên, từ
vùng cao Kon Tum, miền núi Gia Lai, cao nguyên Đắk Lắk đến vùng đồi Đắk Nông
đều có bến nước gần gũi cộng đồng làng. Bến nước thiêng liêng giữa rừng cây
xanh lồng lộng trong niềm vui sống tự hào, luôn được giữ gìn sạch đẹp qua từng
đời người hưởng lộc dòng nước ngọt ngào từ thượng nguồn núi cao. Bến nước không
đổi dòng, lòng người không đổi thay qua tháng ngày nắng mưa hai mùa; lễ cúng
bến nước với tình cảm biết ơn trân trọng, cả làng cùng hướng về dòng nước từ
thượng nguồn đưa đẩy về đây, cho cuộc sống thêm đầy đặn bên rừng cây xanh bạt
ngàn có muôn vàn hoa quả dược thảo chim thú mật ong của thiên nhiên hào phóng
ban cho...
Trên đất này Tây Nguyên hôm nay,
sông cạn rừng tàn, bao nhiêu cánh rừng xanh màu trùng điệp mấy mươi năm trước,
đến nay đó đây biến dạng thay màu thành rừng trơ trọc, chỉ có cây bụi cùng cỏ
dại mọc đầy qua từng mùa nắng mưa. Buôn làng sống buồn bên rừng tàn sông cạn,
không còn không gian tươi tắn lành lặn của rừng cây xanh sông nước đầy. Tiếng
cồng chiêng âm vang trong những ngày lễ hội cũng lạc hồn lạc điệu, không còn
gởi trao cộng hưởng tâm tư tình ý cùng thiên nhiên xanh; đã qua những năm tháng
rừng cây bạt ngàn kề cạnh buôn làng..
***
Mấy mươi năm qua, tiếng cồng
chiêng mừng lúa mới vẫn còn vang vọng trong tôi; nhịp điệu thanh thoát gợi hồn
đong đầy tình ý đi qua sông núi rừng cây, khơi dậy niềm vui đồng cảm giữa cộng
đồng làng và thiên nhiên xanh hào phóng vây quanh... Ngày đầu xuân ấy, tôi đến
với lễ hội này; làng dân tộc Xê Đăng bên sông Sa Thầy bên rừng Chư Môn Rây vừa
qua mùa lúa mới. Người người chung vui mắt nhìn nương rẫy nặng trĩu hạt vàng,
người chung tay gặt hái mùa màng. Lễ hội mừng lúa mới được tổ chức trang trọng
bên ngôi nhà rông giữa cộng đồng làng với những căn nhà sàn gần gũi thân thiết
nhau, có bến nước dòng sông lấp lánh kề cạnh rừng cây xanh đồng cảm ngày vui...
Tôi nhớ đôi mắt già làng Xê Đăng
trong trẻo như ánh mắt trẻ thơ, không tư lự tuổi đời trên khuôn mặt đen đúa
nhăn nheo. Người chuyền tay tôi cần rượu thơm thảo với đôi mắt cười ý nhị...
Hương lúa nếp pha men rễ lá cây rừng thấm đậm vị ngọt thơm nồng, tháng ngày qua
từng mùa mưa nắng còn nặng tình trong tôi; quanh ghè rượu cần thơm hương đọng
đầy niềm vui lễ hội mừng lúa mới, những khuôn mặt người làng vùng cao thân
thiện hồn nhiên trao gởi mắt nhìn khách đến từ nơi nào xa xôi...
Cả làng vui gần gũi nhau quanh
ngôi nhà rông đường bệ với mái tranh thanh thoát in dáng lưỡi rìu lên trời cao;
cuộc vui nối tiếp cuộc vui, sau bữa ăn chung ấm áp nghĩa tình, tay chuyền tay
cần rượu thơm ngát hương rừng bên ngọn lửa bập bùng luôn sáng hồng ánh lửa. Tàn
lễ hội mừng lúa mới, người người làng dân tộc Xê Đăng không quên ơn nghĩa sông
núi, rừng cây, đất trời, mưa nắng... đã ban cho, lòng cùng hướng về vụ mùa sau
sẽ đầy đặn miếng ăn từng ngày với ghè rượu thơm hương lúa nếp bên bếp lửa củi
nhà sàn...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI