Thứ Hai, 8 tháng 4, 2019

TẬP SÁCH MANG TÍNH GIÁO DỤC LỨA TUỔI THIẾU NIÊN – NHI ĐỒNG lời bình của HỮU CHỈNH - CHƯ YANG SIN số: 319 tháng 3 năm 2019






Đọc Khi mẹ vắng nhà – Nguyễn Thị Bích Thiêm – NXB văn học, 2018




24 truyện ngắn được gói gọn trong 200 trang in khổ 13x20,5 cm, dung lượng vừa phải để Nguyễn Thị Bích Thiêm trải lòng, dành tình yêu cho tuổi thơ – lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng – một cách trân quý.
Tạm chia tập sách thành các chủ đề nhỏ: yêu thiên nhiêu, yêu loài vật, yêu bạn bè, yêu quê hương – tất cả thành tình yêu đất nước.
Câu chuyện trong khu vườn nhỏ tuy không mới nhưng vẫn cuốn hút bởi được dẫn dắt hợp lý, có tình. Thược Dược Đỏ ganh tỵ, anh Dừa cạn càu nhàu, nàng Hồng quyến rũ, Cúc Tím lườm nguýt... Tất cả tại chàng Gió rong chơi đề các nàng hoa phô diễn. Chỉ có nàng Mười Giờ im lặng, bung nở từng chút theo nắng.
Ông Mặt Trời là trọng tài lên tiếng: “Nhìn kìa, cô Mười Giờ đã nở, mà cô ấy có cần phải nói nhiều đâu? Mỗi cây, mỗi hoa, mỗi màu đều làm đẹp cho khu vườn, thay vì công kích, chê bai nhau thì hãy yêu thương nhau có hơn không?”. Giọng văn lộ chút dạy đời nhưng cũng có lý, có tình.
Người bạn cây là truyện về tình yêu thiên nhiên, bảo vệ môi trường. Cô bé coi cây Tùng như bạn. Trên đường đến lớp, bao giờ cũng ghé lại chào và trò chuyện với Tùng. Đến một ngày có nhiều túi rác được vứt dưới gốc Tùng, trong đó có cả mẹ cô bé. Cô bé trốn mẹ để đi gom các túi rác, trả lại môi trường trong sạch cho cây: “Tôi dựa vào cây Tùng, thân của cậu ấy thật ấm áp. Cây Tùng cất tiếng hát, giọng hát hơi khàn khàn nhưng thật ấm. Mấy người bạn cây cùng hát theo cậu ấy, những tiếng hát hòa vào nhau, tạo nên một bản nhạc bất tận của rừng xanh”. Truyện giáo dục nhẹ nhàng, không chút lên gân, khiên cưỡng.
Mảng truyện thứ hai là viết về loài vật như các truyện: Sẻ con và đại bàng, Kiến anh và kiến em, Chuyện Cún và Miu, Chị em Miu tinh nghịch...
Một cơn bão làm đại bàng mất phương hướng, lạc đến hộc tường có tổ của sẻ con. Đại bàng xòe cánh chắn gió và những giọt mưa hắt xiên vào tổ sẻ. Bão tan, sẻ mẹ về khi đại bàng đã bay đi.
Biết chuyện và nghe sẻ con ước được to khỏe như đại bàng, sẻ mẹ đã khuyên con: “Dù là có đôi cánh to khỏe như đại bàng hay nhỏ nhắn như cánh loài sẻ nhà ta, đôi cánh ấy đều quý giá và đẹp như nhau khi chúng ta sử dụng nó vào những chuyến bay, những công việc có ích cho mọi người” – (Sẻ con và đại bàng).
Chuyện Cún và Miu kể về tình bạn giữa chó con và mèo con được chủ nhà xin từ hai nơi khác nhau về nuôi. Có sự tranh giành, nghịch ngợm của thú cưng khi còn nhỏ. Hai con vật thân thiết với nhau và cả người nuôi chúng.
Do ăn nhầm phải viên thuốc tăng trưởng nhanh do cậu chủ điều chế nên Cún con lớn vượt để kẻ trộm chó bắt bán cho quán cầy tơ bảy món. Miu theo cậu chủ đi tìm bạn. Nhờ tiếng gọi “Nghi... eo... nghi... eo!” của Miu da diết nên Cún tiến sát lồng sủa tiếng “gâu gâu” để cậu chủ biết mà giải cứu. Tất nhiên, truyện chỉ là hư cấu nhưng có tình của con người.
Mảng truyện chiếm nhiều nhất là viết về các bạn nhỏ. Có vui buồn khi hiểu lầm, có đùa nghịch, cãi nhau chí chóe, kể cả sự dại khờ khi tập làm người lớn.
Bí quyết học bơi là truyện đã từng xảy ra ở nhiều nơi. Tú không biết bơi nhưng Đạt, Kiên vừa dụ dỗ, vừa khuyến khích Tú cho chuồn chuồn Ngô cắn rốn: “Đảm bảo cậu biết bơi ngay”.
Đúng là trẻ con ngây thơ mới tin cho chuồn chuồn cắn rốn là biết bơi. May có người lớn đến cứu kịp thời nên Tú thoát khỏi đuối nước.
Lời mời sinh nhật là truyện có lối dẫn truyện sinh động. Trong cái buôn nhỏ này chỉ có bốn bạn cùng trang lứa, chơi với nhau từ mẫu giáo, qua tiểu học. Vậy mà người lớn tự nhiên không cho chúng chơi với nhau. Nguyên nhân chỉ là chút đất cát ở cái bờ dậu liền kề hay vườn rẫy gì đó.
Ngày sinh nhật cô bé Thảo, cậu Vũ muốn sang chúc mừng mà không dám sang, vì sợ mẹ và chưa có lời mời từ Thảo. May nhờ có hai ông bố đại lượng, “dẹp loạn” hai bà vợ nên mọi việc tốt đẹp khi Vũ nói với Thảo: “Thảo ơi! Thảo sang nhà Vũ mời Vũ đi sinh nhật đi”. Truyện dí dỏm, trẻ con hóa giải sự sĩ diện hão của bà mẹ Thảo.
Mảng truyện về tình người, tình quê hương, đất nước có nhiều trang sinh động. Cô bé H’Mari trong Khi mẹ vắng nhà tự thực hành nấu cơm rất tỉ mỉ, cẩn trọng, nhớ từng lời mẹ dặn: vo gạo xong, cho nước một đốt rưỡi ngón tay, lau khô đáy nồi cơm điện. Nhặt rau muống rửa ba lần trước khi luộc. Chiên trứng với hành phi, vặn nhỏ bếp để trứng không cháy mà có màu vàng ươm... Truyện như sách dạy nấu ăn cho lứa tuổi cuối cấp tiểu học, bắt đầu vào trung học cơ sở. Yêu mẹ mới nhớ kỹ lời mẹ như vậy.
Một truyện để lại ấn tượng là truyện Bà lão ăn xin. Vũ được bố đón khi tan học thì gặp bà lão. Bố Vũ lại để quên ví tiền ở nhà nên rất áy áy. Đoạn đối thoại mang tính nhân văn:
- Thế nếu không xin được thì sao ạ?
- Thì bà lão sẽ không có cái ăn.
- Thế thì bà ấy khổ, bố nhỉ?
Rồi Vũ bảo bố quay xe lại vì nhớ ra trong túi còn năm mươi nghìn mẹ cho mua sách mà chưa mua. Bố còn dặn: “Cháu biếu bà và đưa bằng hai tay, nghe chưa!”. Truyện nặng tình người dù rất ngắn.
Những cái tên là truyện thể hiện tình yêu vùng đất mình đang sống. Giải thích địa danh cho con cũng là để mọi người cùng hiểu: Ea là nước, Ea Nah là tên con suối phía sau nhà. Cư M’gar là hố sâu do núi lửa phun trào tạo thành lòng chảo, còn M’Nga có nghĩa là Hoa nên thường lẫn lộn. Có một chi tiết vui mà Bích Thiêm lựa chọn, cô giáo H’Lum mới về trường cũng đọc sai tên học sinh. Học sinh tên là H’Lim Byă đáng ra đọc là H’Lim Buôn Yá thì lại đọc là H’Lim Bia để tạo tiếng cười nhẹ nhàng.
Một truyện mà tác giả dành nhiều tâm sức là Chuyện quê cha đất tổ. May mắn cho Bích Thiêm được sinh ra ở Phú Thọ, hiểu vùng đất cội nguồn, đồng thời nói thay tình cảm của những người từ miền Bắc vào Nam lập nghiệp. Bích Thiêm đưa ta về núi Nghĩa Lĩnh, đất Phong Châu nơi phát tích sự nghiệp dựng nước của các vua Hùng cũng là cội nguồn dân tộc. Chi tiết không thể quên là có chín mươi chín con voi chầu về đất Tổ thì cũng có một con quay đi. Kẻ phản phúc thời nào cũng có, kể cả thời dựng nước nên tinh thần cảnh giác không chỉ với giặc ngoài. Di tích còn có Đền Giếng mà sau này gọi là Giếng Ngọc, nơi con gái vua Hùng là Ngọc Hoa, Tiên Dung soi mình, chải tóc. Ngọc Hoa lấy Tản Viên giúp chồng chống thiên tai còn Tiên Dung lấy Chử Đồng Tử dạy dân làm nghề chài lưới và chăn tằm, dệt vải. Tôi có may mắn được một lần dự hội Đền Hùng vào ngày 10 tháng 3 âm lịch, có đến Giếng Ngọc để soi mình và nẩy ra thi hứng: “Dáng Ngọc Hoa, dáng Tiên Dung/ Còn in Giếng Ngọc Đền Hùng soi em” nên phần nào thêm đồng cảm với truyện.
Tôi chỉ điểm vài truyện trong số 24 truyện. Không thể không nhắc tới những minh họa sinh động phù hợp với lứa tuổi. Điều khẳng định đây là tập sách dễ đọc, dễ tiếp thu, giáo dục nhẹ nhàng.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI