Chuẩn bị kỷ
niệm 25 năm ngày thành lập huyện (23/01/1984 – 23/01/2009), Huyện ủy, Hội đồng
nhân dân, Ủy ban nhân dân huyện Cư M’gar phối hợp với Hội Văn học - Nghệ thuật
tỉnh Đắk Lắk mở trại sáng tác văn học tại
địa phương nhằm tạo điều kiện cho các nhạc sĩ, nhà văn, nhà thơ có dịp tận mắt
trông thấy những danh lam thắng cảnh cũng như tiềm năng to lớn về du lịch nơi
đây, đồng thời được chứng kiến cuộc sống mới của người dân đang ngày một đổi
thay. Cách làm này của lãnh đạo Đảng – Chính quyền huyện Cư M’gar ngay sau khi
Bộ chính trị ban hành Nghị quyết 23 về Văn học – Nghệ thuật đã thể hiện sự
nhanh nhạy của địa phương khi thực hiện nghị quyết, ghi dấu ấn quan trọng của
văn nghệ đối với đời sống tinh thần xã hội. Trong những ngày dự trại, các nhạc
sĩ, nhà văn, nhà thơ được nghe lãnh đạo chính quyền địa phương báo cáo vắn tắt
tình hình kinh tế xã hội địa phương sau gần hai mươi lăm năm thành lập và đặc
biệt là sự phát triển mọi mặt trong năm năm gần đây. Ông Lê Đức Thắng – Ủy viên
thường vụ Huyện ủy, Phó chủ tịch Ủy ban nhân huyện, người cao lênh khênh nhưng
hơi ốm, vui vẻ nói với các văn nghệ sỹ: Báo
cáo xin chỉ ngắn gọn như vậy, còn thực tế như thế nào, xin mời các anh các chị
đi thực tế sẽ rõ!
Cách làm việc khoa học và chân
tình đã gây được thiện cảm của anh em văn nghệ sĩ đối với lãnh đạo địa phương
nói chung và đặc biệt vị Phó chủ tịch phụ trách khối Văn xã nói riêng. Trong những
ngày dự trại, ông Lê Đức Thắng dẫn anh chị em Trại viên đi thực tế thăm thác
Dray Dlông; dòng thác cao trên hai chục mét chia làm ba ngọn ầm ầm đổ xuống,
tung bụi nước phủ mờ cả một đoạn suối dài. Dòng thác đẹp quá, nhưng tiếc chưa
được khai thác du lịch. Đường vào thác còn ghập ghềnh khó đi, gai mắc cỡ che
kín cả lối mòn xuống thác. Nếu được đầu tư đúng mức, chắc chắn đây sẽ là một
khu du lịch được nhiều người ưa thích. Rời thác Dray Dlông chúng tôi tiếp tục đến
thăm hồ chứa nước buôn Joong xã Ea Kpan, một con đập hùng vĩ, mái đập được lát
bê tông, mặt đập rải thảm bê tông phẳng lỳ, trên bờ đập hai hàng cột đèn cao áp
nối nhau chạy dài đến hút tầm mắt. Mặt hồ còn sót lại những cây cổ thụ chết khô
dầm mình trong nước, làm chỗ dừng chân cho đàn cò trắng, tạo nên một bức tranh thủy
mặc khá đẹp mắt. Gần nơi xả lũ, đôi vạc màu nâu sẫm, cao lênh khênh lặng lẽ đứng
suy tư, thỉnh thoảng mới lười nhác thọc chiếc mỏ dài xuống mặt nước gắp một chú
cá lóng lánh ánh bạc giơ lên, lắc lắc rồi nuốt trửng. Trên trời xanh một con đại
bàng sải cánh dài cả mét lặng lẽ bay lượn, thỉnh thoảng mới khẽ vẫy cánh chao
nghiêng, bất chợt sà xuống mặt hồ chạm nhẹ vào mặt nước rồi bay lên; thật kì lạ,
đôi chân nó đã tóm gọn một con cá khá lớn, màu hồng nhạt, đuôi còn cố tình khua
khoắng trong không gian. Cảnh đẹp quá, mọi người mải mê nhìn, quên cả cơn dông
đang sầm sập kéo đến. Gió, mưa ào ào trút nước xuống mặt hồ, mọi người mới vội
vã chạy lại xe. Qua cửa kính, những hạt mưa bay xeo xéo lao xuống mặt hồ tạo
thành một lớp vảy bạc nhấp nhô trên mặt
nước. Xa xa mấy chiếc thuyền của những người đánh cá đang hối hả vào bờ. Trên triền đập, những cánh rừng cà phê
tươi tốt như mỡ màng hơn lên dưới những hạt mưa. Nhạc sĩ Sỹ Hùng quay qua nói với
tôi: Đây tổ chức du lịch sinh thái kết hợp
câu cá thư giãn chắc đông khách phải biết! Anh Trần Ngọc Trí, Trưởng phòng
Văn hóa – Thông tin huyện góp chuyện: Huyện
cũng biết vậy nhưng chưa kêu gọi được đối tác đầu tư. Giá như có kinh phí chắc
chắn đây sẽ là khu công nghiệp không khói mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách
địa phương. Thế huyện nhà cứ phải chờ đợi mãi như thế này ư? Tôi hỏi lại.
Anh Ngọc Trí tươi cười trả lời tôi: Huyện
có cái khó của huyện, nhưng chúng tôi tin các văn nghệ sĩ đã đến thăm mảnh đất
này, chắc chắn một thời gian ngắn sau sẽ có nhiều người biết đến và đó sẽ là sự
bắt đầu trở mình cho cả một vùng đất đầy tiềm năng này đấy. Tôi giật mình
trước câu nói của anh Trưởng phòng - một cán bộ còn khá trẻ, các anh đã có cách
tính riêng khi mở trại sáng tác văn học này. Tôi thấy vui vui nhưng cũng hơi lo
vì không biết có đáp ứng được kỳ vọng của các anh – những người lãnh đạo địa
phương không!
Rời đập,
đoàn chúng tôi ghé thăm một bản của người Tày mới vào định canh ở thôn 3. Tôi
ngạc nhiên khi thấy đội văn nghệ của thôn chiêu đãi đoàn bằng những làn điệu
hát Then, đàn Tính… Những diễn viên tóc bạc trắng, ngồi xen kẽ với thiếu nữ tuổi
độ trăng tròn, hai – ba thế hệ kế tiếp nhau cùng thể hiện làn điệu quê hương
mang từ các tỉnh Cao Bắc Lạng vào, làm say lòng những văn nghệ sĩ đất Tây
Nguyên. Trên vùng đất mới lập quê hương
thứ hai, chính quyền địa phương sở tại vẫn khuyến khích và tạo điều kiện phát
triển các nét đẹp truyền thống văn hóa – văn nghệ các dân tộc anh em, không kể
đó là dân tộc nào, ở vùng đất nào chuyển đến vì tất cả có chung một cội nguồn –
Người Việt. Tiếng đàn Tính, tiếng hát Then ngân vút cao trên Cao nguyên Đắk Lắk là một minh chứng cho hướng chỉ đạo sâu
sát và đúng đắn của Đảng và chính quyền các cấp nơi đây. Cuộc sống mới không những
đầy đủ về vật chất, con cái được học hành đến nơi đến chốn mà cả những truyền
thống văn hóa của cha ông để lại cũng được giữ gìn và phát triển. Đây quả là
nét đẹp của vùng đất “Núi Hoa” này.
Tạm biệt những người Tày mến
khách, đoàn chúng tôi tiếp tục hành trình đến thăm buôn Ea Sang – xã Ea H’Đinh
của người dân tộc Êđê. Hai bến nước của buôn vẫn mang đậm dấu ấn cổ xưa truyền
thống: trên đầu nguồn nước là một cánh rừng nguyên sinh cây cối xanh tốt, nhiều
cây cổ thụ thân to cả vòng tay người lớn; dưới bến nước vẫn những chiếc vòi nước
được chắt lọc từ lòng đất ra, chảy qua những ống nứa to như cổ tay, dòng nước
trong veo, mát rượi. Những cô gái bản địa vai mang gùi đựng những trái bầu khô
được nút bằng nắm lá chuối chen nhau lấy nước, thỉnh thoảng tiếng cười trong trẻo
bật lên làm xao xuyến lòng người. Nước suối từ những trái bầu khô ấy được các
cô gái chuyền tay nhau rót vào ché rượu cần và những người khách vừa cầm cần nhấm
nháp những giọt rượu thơm lựng vừa thưởng thức những bài chiêng đón khách được
tấu lên từ dàn chiêng của buôn. Tôi không thuộc nhiều tiếng Êđê, không rành lắm
về âm nhạc nên Nghệ sĩ ưu tú Vũ Lân ngồi bên cạnh phải giải thích cho tôi biết
trong những bài chiêng đang tấu lên kia đâu là cầu xin thần linh, đâu là chúc
phúc, cầu may cho những người khách… Thật vui khi thấy cảnh sinh hoạt văn hóa cộng
đồng vừa ấm áp đặc trưng của miền Tây Nguyên, vừa gần gũi chân tình, vừa mộc mạc
như người dân nơi đây. Không riêng gì tôi, mà cả những bậc cao niên như nhà thơ
Hữu Chỉnh, nhà thơ Văn Thảnh, nhà văn – nhạc sĩ Linh Nga Niê Kđăm… cũng bị cuốn
hút vào điệu nhạc mê hồn. Các anh, các chị cùng đàn hát theo các nghệ nhân,
không ai muốn dừng.
Theo lịch
trình, đoàn chúng tôi tiếp tục đến thăm Kon H’Rinh, xã Ea H’Đinh, đây là một
làng của người Xê Đăng trước kia là căn cứ cách mạng của ta trong những năm chiến
tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Trời mưa sụt sùi, đường mới đổ đất
cấp phối nên rất khó đi, đến nơi trời sụp tối. Thật không may lại bị mất điện,
chủ nhà phải thắp đèn chạy bằng ắc quy và đốt lửa. Trong ánh lửa bập bùng của
những cây củi vừa được nhen lên, các bạn thanh niên nam nữ trong làng chưa lập
gia đình nắm tay nhau kết thành vòng nhảy múa quanh đống lửa theo nhịp chiêng
chào khách đúng phong tục người Xê Đăng. Y Mang, Phó phòng Văn hóa – Thông tin
nói nhỏ với tôi: Đây là buôn của mình đấy,
căn nhà sàn đối diện kia là nhà của mình! Thế bà xã có sang đây không? Tôi
hỏi; Y Mang cười không trả lời. Nhà thơ Hữu Chỉnh ngồi bên cạnh quay sang bảo: Cái cậu này… vợ Y Măng là H’Năm công tác tại
Văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh ta nên ở trên Buôn Ma Thuột chứ! À ra
thế, H’Năm tôi đã gặp nhiều nhưng lại không biết đó là vợ của anh. Y Mang vạm vỡ
đúng hình mẫu người Xê Đăng. Qua những lần về hướng dẫn cho các cháu dự trại
sáng tác thơ văn ở huyện, giờ giải lao, tôi thường ngồi nhìn anh tâm sự với các
cháu dự trại; khéo chuyện, vui tính nên các cháu rất tích chú Y Mang, nhất là
khi chú nói về các loại chiêng của từng dân tộc. Anh là lớp cán bộ trẻ, có năng
lực, được đào tạo chính quy và tương lai sẽ còn phải gánh vác những trọng trách
lớn hơn trong công cuộc xây dựng quê hương.
Trong tiếng chiêng rộn ràng, chủ
nhà mời khách cùng múa hát quanh bếp lửa và thưởng thức rượu cần. Tiếng chiêng,
tiếng hát ngân dài xuyên qua màn đêm, xua tan đi cơm mưa dầm rả rích. Ngôi nhà
sàn rộng là vậy mà vẫn cảm thấy chật chội vì già trẻ, gái trai cả làng kéo đến
chung vui. Thật mừng cho một vùng đất trù phú, kinh tế phát triển lại có 26 dân
tộc anh em ở khắp mọi miền đất nước về đây sinh sống, chung tay xây dựng đời sống
ấm no. Và càng mừng hơn khi thấy bản sắc văn hóa của từng dân tộc vẫn tồn tại
và phát triển. Điều gì làm nên kì diệu cho vùng đất này như vậy! Có lẽ đó chính
là chủ trương, chính sách đúng đắng của Đảng và chính quyền địa phương nơi đây.
Cách đây hơn mười năm về trước, ông trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Cư
M’gar, ông Lê Đức Thắng (bây giờ đương chức Phó chủ tịch huyện), lên gặp nhà
thơ Hữu Chỉnh - Chủ tịch Hội Văn học – Nghệ thuật Đắk Lắk lúc bấy giờ để đặt vấn
đề mở trại sáng tác văn học cho các cháu thiếu niên nhân dịp hè. Nhà thơ Hữu Chỉnh
hoan nghênh ý tưởng mới mẻ đó và tạo điều kiện thuận lợi giúp đỡ để Phòng Văn
hóa – Thông tin huyện tổ chức thành công trại viết đầu tiên do Hội Văn học –
Nghệ thuật Đắk Lắk đỡ đầu. Hơn chục năm qua, có lẽ trên khắp mọi miền đất nước
Việt Nam chúng ta chưa có nơi nào làm được như huyện Cư M’gar; năm nào
cũng vậy, cứ mỗi độ hè về lại tổ chức mở
trại sáng tác thơ văn cho các cháu thanh thiếu niên đang là học sinh phổ thông
có năng khiếu văn học và khi trại hè kết thúc, các tác phẩm dự trại được tuyển
chọn in thành tập Núi hoa. Từ cách
nhìn nhận vấn đề đến cách thực hiện ý tưởng táo bạo, sát với tình hình thực tế
như vậy nên phong trào văn nghệ của huyện luôn gặt hái những thành tích đáng tự
hào qua các cuộc thi do tỉnh tổ chức. Cũng từ những trại sáng tác hè đã ươm mầm
cho nhiều thế hệ trở thành những nhà
báo, nhà giáo dạy giỏi văn. Thế mới biết, cái quan trọng là ở người lãnh đạo; họ
biết nhìn xa trông rộng, áp dụng các chủ trương, nghị quyết vào cuộc sống một
cách khoa học có sáng tạo sẽ tạo dựng được một phong trào sâu rộng và bền vững,
góp phần quyết định làm giàu mạnh và phồn vinh cho cả vùng đất.
Sau hai mươi lăm năm thành lập, đến
hôm nay Đảng bộ và nhận dân huyện Cư M’gar có thể tự hào đã xây dựng được một
vùng đất mạnh về kinh tế, vững về An ninh – Quốc phòng và đời sống Văn hóa –
Giáo dục ngày một phát triển đúng theo chủ trương nghị quyết của Đảng đã vạch
ra. Từ vùng quê khi hậu khắc nghiệt nhưng con người biết cải tạo, biến nó thành
trù phú phục vụ con người, đã mang lại hiệu quả tốt đẹp. Có người nói: Thủ trưởng nào, phong trào ấy - quả đúng
không sai! Vùng đất của huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk không những kinh tế phát
triển, cuộc sống nhân dân ngày một giàu lên theo năm tháng của công cuộc đổi mới
và bên cạnh đó đời sống văn hóa - giáo dục cũng ngày một nâng cao là do có sự
lãnh đạo sáng suốt của các cấp ủy đảng cũng như chính quyền địa phương; nhưng
không thể thiếu những cá nhân suất sắc, dám nghĩ dám làm đã góp phần bảo tồn và
phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc anh em trên vùng đất Tây Nguyên. Hai mươi
năm chưa phải là dài, nhưng cũng đủ để khẳng định một hướng đi đúng, một cách
làm táo bạo của một tập thể đoàn kết, biết dựa vào dân và phát huy bản chất tốt
đẹp của người Việt Nam. Trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, huyện Cư
M’gar, tỉnh Đắk Lắk xứng đáng là một điểm sáng trong thời kỳ đổi mới để nhiều địa
phương trong cả nước học tập.
Mùa mưa năm 2009
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI