Thứ Năm, 4 tháng 4, 2019

CÁI THUỞ BAN ĐẦU… Trích truyện ký Vượt qua nghèo khó của NGUYỄN VĂN RÈN - CHƯ YANG SIN SỐ: 319 tháng 4 năm 2019

    




Thuở ấy, hắn mới 24 tuổi đời, vừa tốt nghiệp Khoa Văn Trường Đại học sư phạm Huế, lại vừa học xong khóa đào tạo sĩ quan dự bị của Trường Quân sự Bình Trị Thiên, hắn cùng mấy người bạn được phân công trực tiếp vào công tác ở Đắk Lắk, dạy tại Trường Cao đẳng sư phạm Buôn Ma Thuột. Bạn bè cùng khóa đã đi Đắk Lắk và mang theo quyết định công tác của hắn vào trong ấy, thế mà hắn vẫn cứ lang thang ở Huế vì không nỡ rời xa một thành phố yên bình, thơ mộng, vừa không muốn dứt ra khỏi kỷ niệm thân thương của một thời sinh viên. Thế rồi, đến đầu tháng 10, hắn cũng phải dứt áo ra đi vì cuộc mưu sinh khó nhọc và niềm hân hoan được đứng trên bục giảng. Hắn nghĩ cứ vào trong ấy công tác mấy năm rồi lại xin chuyển về quê để có thể gần gũi, giúp đỡ cha mẹ già. Mấy đứa em ở lớp Văn 2 (khóa 1979 – 1983) tổ chức một buổi liên hoan nhỏ tiễn hắn đi nhận công tác. Chỉ mấy li rượu đã chếnh choáng, ôm nhau cười nói rồi hát - những bản nhạc buồn của Trịnh Công Sơn và Ngô Thụy Miên về tình yêu và chia ly. Nguyễn Tăng Khôi chép tặng hắn bài thơ Một mùa đông của Lưu Trọng Lư. Bài thơ với mối tình sầu mộng, nhớ thương vời vợi, rất hợp với tâm trạng của hắn lúc bấy giờ. Cao hứng, Tăng Khôi còn ứng khẩu mấy vần thơ mà hắn còn nhớ mãi: “Nghe tin anh đi Buôn Ma thuột/ Em ở nhà nát ruột nát gan/ Chiều chiều ra đứng đường quan/ Ngó lên côi nớ mà than đôi lời”. Xúc động quá, hắn gượng cười mà rưng rưng, không nói được lời cảm ơn. Từ nay mãi mãi xa mái trường thân yêu, xa các thầy cô, bạn bè, xa thành phố với công viên bên bờ sông Hương đầy kỷ niệm, xa mấy đứa em học Văn khóa sau mà hắn thương mến. Xa Huế cũng là xa một thời trai trẻ, một thời sinh viên say mê và vụng dại, một thời “chỉ biết yêu thôi, chẳng biết gì”, một thời đói khát nhưng sôi nổi và đầy cảm xúc. Hắn và Đinh Xuân Chiến - bạn thân cùng lớp của hắn - đi tàu hỏa vào Nha Trang, từ đó chia tay, Chiến đi Lâm Đồng còn hắn đi Đắk Lắk. Khi còn ở Huế, nghe mấy anh bộ đội về học nói: “Ở Buôn Ma Thuột hay lắm, có một thị xã, có phố phường và đặc biệt là phải ăn độn bằng đậu xanh”, hắn cũng có phần yên tâm. Ở Huế, sinh viên bọn hắn phải ăn độn bằng củ mì chặt khúc, phơi khô của đồng bào miền núi, mùi hăng mà vị đắng chát, không thể nuốt nổi, vậy nên nghe nói ăn độn bằng đậu xanh thì thật là xứ sở thiên đường rồi.
Hun hút từ Nha trang lên là một con đường rải nhựa đã cũ và hư hỏng nhiều, đèo dốc quanh co, uốn khúc và vắng vẻ. Hai bên đường chỉ thấy rừng bạt ngàn, chẳng thấy nhà cửa nào cả. Thi thoảng có mấy người đồng bào thượng cởi trần, đóng khố, vác xà gạc đi trên đường, chắc là họ đi rẫy về. Lâu lâu lại có một đàn heo rừng chạy ngang qua đường, chẳng sợ gì xe cộ. Đến Cây số 5 bây giờ, mới thấy lác đác mấy cái nhà xây và nhà gỗ, rồi đi dần vào Cây số 3 (bến xe cũ) thấy nhà cửa san sát hơn, có không khí của phố phường. Vào đến Ngã Sáu thì thấy đúng là phố thật - một phố thị nhỏ lạc vào giữa đại ngàn bao la, hắn thấy ngạc nhiên và lạ lẫm. Đắk Lắk ngày đó là một tỉnh miền núi rộng lớn nằm ở trung tâm cao nguyên miền Trung trải dài từ huyện Ea H’Leo đến tận huyện Đắk Nông giáp với tỉnh Sông Bé. Đất đai trù phú, ngô lúa, cà phê tươi tốt và bạt ngàn rừng xanh với rất nhiều cây gổ quý, thân cao thẳng, tán lá xòe rộng che mát cả một khoảng không gian rộng rãi. Đi đâu cũng thấy rừng cây xanh um và màu đất đỏ ba zan tươi mới. Thú rừng nhiều vô kể, đến nỗi người dân có rẫy bắp, nếu không đốt lửa và khua gõ ầm ĩ để canh giữ thì chỉ một đêm sẽ bị heo rừng phá tan hoang. Thị xã Buôn Ma Thuột nằm ở trung tâm tỉnh có địa hình tương đối bằng phẳng, đất đai màu mỡ với những dòng suối và những vườn rau xanh xung quanh. Ngã Sáu là trung tâm của Thị xã với những con đường đi về các hướng. Bạn hắn - Dạ Nguyên Hà đã xúc cảm: “Ban Mê đó, sáu ngã đường chia lòng tôi sáu ngã/ Ngã xuôi lòng mẹ, ngã đến tình thân/ Ngã vắng tương lai, ngã đời li biệt/ Ngã nhòa mơ ước, ngã tình xót xa…” (Ban Mê - sáu ngã đường).
Một ba lô sách, mấy bộ quần áo tàng, đó là hành trang của hắn khi vào đời, khi đến với Đắk Lắk, đến với Trường Cao đẳng sư phạm Buôn Ma Thuột. Trường ở trên đồi La San (trước đây là một trường Dòng) nên từ quốc lộ lên là con đường dốc cao, hai bên đường rậm rạp, cỏ tốt um tùm và những cây bằng lăng xòe bóng mát. Đến cổng trường, một anh cán bộ phòng Hành chính tưởng hắn là sinh viên khóa mới đến nhập học nên hỏi: “Sao nhập học mà bây giờ em mới đến?”. Hắn trả lời: “Tôi đến nhận công tác!”. Anh chỉ hắn lên phía giảng đường, tầng 3, Khu B, cán bộ, giáo viên mới đến đều ở trên đó. Nguyễn Đình Sáng, Đỗ Xuân Phương và các bạn đến trước đón hắn bằng mấy trái bắp luộc, vài chiếc bánh tráng, nải chuối mốc (chuối tây) và một chai rượu trắng. Bọn hắn vui vẻ hàn huyên, kể về kỷ niệm trường cũ, về những ngày xa cách nhau và những thông tin về trường mới, nơi bọn hắn vừa đến nhận công tác. Thế là hắn đã từ giã tuổi sinh viên để bước vào một giai đoạn mới của cuộc đời - làm một giáo viên (thời ấy còn gọi là “giáo viên” hoặc “cán bộ giảng dạy”, chưa có từ “giảng viên” như bây giờ). Giã từ xứ Huế để đến với Đắk Lắk, đến với đại ngàn hùng vĩ và man dại là một sự thay đổi lớn lao làm hắn không khỏi ngỡ ngàng. Hắn đã viết: “Tuổi sinh viên tôi vừa trôi qua/ Khi bỗng chốc đời gọi tôi:“thầy giáo”/ Nắng sân trường chưa phai màu áo/ Vở học trò chưa viết hết trang sau”. Bọn hắn được bố trí ở Khu B, tầng 3, được ngăn ra thành hai dãy phòng ở, ở giữa là hành lang. Phòng ở được ngăn bằng ván, nếu tò mò có thể nghe được lời thì thầm ở phòng bên, nhìn qua khe hở giữa những tấm ván có thể thấy được động tĩnh ở bên ấy. Thành ra, thi thoảng cả bọn lại được cùng nhau xem trộm một “trường đoạn phim” tán tỉnh hoặc tỏ tình sôi động vui đáo để. Có lần bọn hắn đang rình xem trộm một cuộc tỏ tình nồng nhiệt, đột nhiên người trong phòng phát hiện được, ra mở cửa, cả bọn chạy tán loạn, mất cả dép.
Tìm hiểu mới biết, lứa 1981 bọn hắn vào đây rất đông, riêng trường Huế đã có đến 20 người, cả trường Vinh và trường Hà Nội, tổng cộng có đến trên 50 người, sau này còn bổ sung thêm một số anh chị ở thành phố Hồ Chí Minh lên nữa. Tất cả đều trẻ trung, nhiệt huyết và náo nức được tham gia công tác. Môn văn có hắn, Đình Sáng, Xuân Phương, Hoàng Mạnh Hùng, Dương Thế Hoàn… Môn Toán có anh Phan Xuân Đàn, Nguyễn Trọng Hòa, Nguyễn Lưỡng, anh Lợi (anh Lợi nay đã chuyển công tác)… Môn Lý có anh Nguyễn Trọng Vinh, anh Ninh… Môn Sinh có anh Trọng, anh Hồ Sĩ Hạnh, cô Nguyệt… Môn sử có anh Châu, Trọng Hòa, Lưu Anh Tuấn. Môn Địa có anh Võ Ngọc Thạnh, anh Nhân, cô Liên.vv… Đất lạ, xứ người, bọn hắn sống tập thể, gắn bó, yêu thương, chia sẻ cho nhau như một gia đình, đùa vui, trêu chọc nhau như hồi sinh viên. Ngày hai bữa cơm bếp tập thể, thức ăn cũng đạm bạc nhưng không còn đói như thời sinh viên. Thỉnh thoảng, bọn hắn lại rủ nhau xuống mấy cái quán ở gần Cầu Trắng làm mấy cái bánh tráng, uống xị rượu, nói chuyện luyên thuyên. Buổi sáng, bọn hắn chẳng ăn gì mà xuống Căng tin của trường uống cà phê. Đúng là xứ sở cà phê! Cà phê ngon tuyệt, “đắng đầu lưỡi mà ngọt dần cuối lưỡi”, nhâm nhi một lúc thấy rạo rực, lại muốn đọc, muốn viết hay làm một cái gì đấy khỏi ngứa ngáy chân tay.
Sau một thời gian nghỉ ngơi, buổi làm việc đầu tiên của bọn hắn ở Trường Cao đẳng sư phạm Buôn Ma Thuột là cuộc gặp mặt với thầy Hiệu trưởng Hồ Đình Phương ở văn phòng Nhà trường (bây giờ là phòng đợi của giảng viên). Mấy dĩa bánh kẹo, ấm nước trà nóng, cuộc gặp diễn ra thân mật và trang trọng. Thầy Phương nói về tình hình địa phương Đắk Lắk, về thị xã Buôn Ma Thuột, nói về đặc điểm và nhiệm vụ của nhà trường và phân công nhiệm vụ cho bọn hắn. Thầy nói rành rọt, mạch lạc, ấm áp và chân tình làm cho hắn có ấn tượng và niềm tin sâu sắc. Hắn không ngờ ở mảnh đất giữa núi rừng hoang sơ này lại có một thầy hiệu trưởng có trình độ và nói năng có sức thuyết phục đến thế. Hắn càng thêm tin tưởng sẽ được đem sức lực và cái sự học của mình để cống hiến cho mảnh đất này. Về sau hắn mới được biết thầy Phương đã làm hiệu trưởng ở trường học sinh miền Nam ở Nam Ninh (Trung Quốc) rồi chuyển về Đông Triều từ hồi chống Mỹ cứu nước. Bọn hắn được phân về các tổ chuyên môn và sau đó, trường thành lập các khoa: Khoa Văn - Sử, Khoa Toán - Lý - KTCN, Khoa Sinh - Hóa - Địa – Kỹ thuật phổ thông, Khoa Dự bị và Tổ bộ môn chung.
Tổ Văn lúc bấy giờ đông đảo và rất mạnh, giảng viên phần lớn được chọn trực tiếp từ các trường đại học nên có chuyên môn khá. Khi hắn về Tổ Văn, một số thầy cô lớp trước thuộc loại công thần đã hồi hương nhưng vẫn còn đông đảo thầy cô giỏi: Anh Lê Quốc Thái (tổ trưởng), anh Lê Văn Luận (Chủ nhiệm khoa), anh Lê Đình Cấp, Nguyễn Như Lương, Phan Ngọc Quang, Thái Ngọc Mẫu, Nguyễn Công Lý, Nguyễn Hữu Hợp, Nguyễn Duy Xuân, cô Thùy Dung, cô Bảo Minh.vv… Hắn được phân công chủ nhiệm lớp văn A khóa V (Anh Lê Quốc Thái chủ nhiệm lớp văn B) và dạy phần Văn học Việt Nam hiện đại sau Cách mạng Tháng Tám. Nhận công tác xong, hắn trở về Huế đọc sách, tìm tài liệu để soạn bài hơn nửa tháng, sau đó trở lại Trường rồi xuống xã Hòa Tiến (Krông Pách) tham gia chỉ đạo đoàn thực tập của sinh viên. Cũng từ đó, hắn lao vào công tác, với niềm say mê văn chương và yêu mến học trò của mình, dồn tâm huyết vào những bài giảng và công tác chủ nhiệm lớp, nghiên cứu khoa học, huấn luyện quân sự cho sinh viên và trưởng thành cho đến ngày nay. Sinh viên thời đó phần lớn được tuyển từ học sinh đã tốt nghiệp cấp III ở ngoài Bắc, chủ yếu là ở Nghệ Tĩnh, Thanh hóa, Hà - Nam - Ninh, Thái Bình. Các anh chị em chỉ nhỏ hơn hắn vài tuổi, nhiều người là cán bộ đi học còn lớn tuổi hơn hắn. Thầy và trò đều còn trẻ và phải sống xa nhà, xa quê nên rất gần gũi, thông cảm, sẻ chia cho nhau. Tuy đời sống vô cùng khó khăn nhưng sinh viên rất chăm học và học hành rất khá (so với bây giờ), vì vậy, hắn càng phải cố gắng và nhiệt tình hơn trong giảng dạy và công tác.
Thấm thoắt đã 30 năm trôi qua kể từ “cái thuở ban đầu” ấy, khi hắn đến với Đắk Lắk, đến với Buôn Ma Thuột. Mảnh đất ngày ấy mùa mưa thì “buồn muôn thuở” (vì đất đỏ dính lầy, không đi đâu được), đến mùa khô thì lại “bụi mù trời”, nay đã trở thành quê hương thứ hai với “bao mến thương”. Đến nay, bạn bè hắn nhiều người đã hồi hương, chuyển công tác hoặc nghỉ hưu, nhiều người đã trưởng thành, học vị thạc sĩ, tiến sĩ, làm quản lý các cấp. Riêng hắn, công tác mãi mà chẳng tiến bộ, chỉ lên được chức lão làng, chức vụ cao nhất mà hắn cố giữ là “Giám thị I ” nhưng hắn không buồn mà tự an ủi mình bằng câu thơ của cụ Nguyễn Tiên Điền “Tự sinh bất đái vô hầu cốt” (tạm dịch là: thân sinh ra vốn không có tướng làm quan). Vả lại, cuộc đời đã đem đến cho hắn nhiều niềm vui, nhiều điều tốt đẹp. Hắn có một gia đình nhỏ đầm ấm, một “ngôi nhà nhỏ trên cao nguyên” như đã từng mơ ước và những đứa con đã lớn khôn. Hắn còn có nhiều thế hệ học trò trưởng thành, tỏa đi khắp các vùng trong và ngoài tỉnh để phục vụ sự nghiệp giáo dục và phát triển kinh tế xã hội. Hắn vẫn tràn ngập niềm vui sống, miệt mài công tác, nhiệt tình đóng góp sức mình để cùng đồng nghiệp góp phần vào sự nghiệp giáo dục Đắk Lắk, xây dựng cuộc sống. Không như ý định ban đầu khi đến Đắk Lắk, hắn đã gắn bó lâu dài với mảnh đất bazan này, với nhiều thế hệ học sinh, sinh viên thân yêu.
Có người bảo hắn: “Kể chuyện quá khứ làm gì cho buồn”. Đúng là khi đã lớn tuổi, người ta lẩm cẩm, hay kể về quá khứ mà mỗi lần kể lại thấy ngậm ngùi, vui ít, buồn nhiều, nhưng kỷ niệm cứ ám ảnh mãi, thôi thúc hắn viết ra. Đúng như một nhà thơ đã trăn trở:
“Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy
Nghìn năm hồ dễ mấy ai quên”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI