Thứ Hai, 31 tháng 8, 2020

ĐÒ ĐÊM truyện ngắn của TỐNG NGỌC HÂN - CHƯ YANG SIN SỐ 336 THÁNG 8 NĂM 2020

 



 

 

Gió thổi ruỗng đêm. Mẫn không hề chợp mắt. Thấy tiếng Vạc kêu thảm thiết ngoài bến, cô ngồi dậy, thì thào. Các con lại về đấy à? Tuấn ơi! Nghĩa ơi! Anh lại về phải không?

Hanh gõ cửa đến lần thứ ba, Mẫn mới mở cửa. Trong bóng tối của ba gian nhà gỗ ọp ẹp dột nát, người đàn bà bốn mươi như được cộng thêm cả chục tuổi. Lần nào nhìn thấy Hanh, Mẫn cũng ngỡ chồng mình mà ôm chầm lấy sờ đầu sờ cổ, nắn tay, nắn vai. Lúc đầu Hanh ngượng lắm, sau cũng quen. Chị dâu đã mất trí rồi, chấp làm gì. Có lúc, chị còn tưởng Hanh là thằng Nghĩa. Chị xiết chặt đầu Hanh vào ngực mình rồi hít hà mùi tóc khét nắng của anh mà mắng. Dãi cho khỏe vào, nứt đôi đầu rồi đây này. Chị cứ ngỡ mình hạnh phúc nhất trần gian. Chồng vạm vỡ khỏe mạnh và giỏi giang, hai thằng con trai ngoan ngoãn. Thôn Vạc này, có người đàn bà nào sánh được với Mẫn chứ.

Sau khi buông Hanh ra, một lúc sau Mẫn mới bẽn lẽn cười:

- Đêm nay gió to quá.

Hanh trầm ngâm:

-  Em tính mua xuồng chạy đêm chị ạ. Thầy không đồng ý, nhà em cũng không đồng ý. Nhưng em quyết rồi. Bến Vạc xưa, đò chạy thâu đêm, bỏ chục năm nay rồi cũng phí. Chăn nuôi phập phù, buôn bán mỗi ngày một khó.

Mẫn, tay chống cằm, tay mân mê cái quạt cọ sờn rách, tỉnh táo:

- Chú mà đi nữa thì thím ấy chết.

Hanh lạnh cả sống lưng đứng dậy thắp hương cho anh trai rồi chào về. Ra đến cửa. Mẫn nhào theo ôm chặt lấy Hanh mà rên rỉ. Anh đừng đi, đêm nay gió to lắm, đừng đi, cũng không có khách đâu, ở nhà với con. Hanh gỡ tay Mẫn ra. Em đây mà, muộn rồi chị ngủ đi.

***    

Ông Tốn ngồi trên trường kỉ, chờ Hanh vào nhà mới nói nhỏ:

- Anh ngồi xuống tôi bảo.

Hanh ngoan ngoãn ngồi xuống, đối diện với bố không chút sợ sệt. Trong buồng, vợ Hanh đang căng tai nghe bố giảng giải. Chồng cô, cô biết chứ. Ba mươi tuổi mà vẫn cạn nghĩ, không chịu nghe lời ai khuyên can bao giờ, cứ thích gì là làm cho bằng được. Nhà có hai anh em trai chứ có đông đàn dài lũ gì. Anh cả đi đã chục năm, đi một lúc với hai thằng con trai sinh đôi lên bảy, ngay ở bến Vạc kia, ngay giữa ban ngày ban mặt. Chị dâu chết đi sống lại chả biết bao nhiêu lần, giờ vật vờ như cái bóng. Thế mà còn không chừa sông nước, lại còn hí hửng đò đêm nữa cơ.

Nghĩ đến đó, cô ngồi dậy, lục bọc tiền trong hòm quần áo, giấu sang chỗ khác. Chỗ này kín, đố tìm được, chả có tiền thì đừng nói chuyện sắm đò. Con đò máy giờ ít nhất cũng vài chục triệu. Ngửa ngực ra bưng cám cả mấy tháng. Xuất chuồng, cộng lại, tiền vốn, tiền cám, tiền thuốc men. Vừa vặn, không lòi ra một xu tiền công. Ấy thế mà chồng hỏi, vẫn lem lém, lứa lợn này được ba triệu đấy. Nhưng Hanh là gã tinh quái, hắn bảo cô cất ba triệu đi mà ăn quà dần.Thế có cay không?

Tiếng tay đấm xuống bàn làm vợ Hanh sợ sệt, chạy vọt ra ngoài nhà. Mặt ông Tốn phừng phừng. Anh đi đi, có giỏi thì ra khỏi nhà luôn đêm nay đi, tôi không có cái loại con mất dạy không nghe lời. Ông Tốn vừa dứt lời, Hanh cũng đứng dậy, đi ra ngõ.

***

Tiếng gõ cửa dõng dạc từng cữ. Mẫn đi ra mở cửa. Ông Tốn hỏi:

- Thằng Hanh có sang đây không?

Mẫn lắc đầu, có lẽ cô quên, cách đó chừng một giờ thôi mà đã quên. Ông Tốn đi vào nhà rút hương châm lửa đốt ba nén và lầm bầm câu gì. Mẫn mở to mắt nhìn bố chồng. Một lúc thì mắt cô nhòe đi. Ông Tốn hằm hằm đi ra sân. Mẫn chạy theo ôm chầm lấy, thổn thức:

- Anh đừng đi, ở nhà với em, đừng tìm con nữa, không thấy đâu.

Ống Tốn đang bực mình, giật toang vòng tay con dâu ra, sỉ vả:

- Đồ đốn mạt, con với chả cái.

Mẫn ngượng ngùng, đưa hai tay che mặt rồi chạy ù vào nhà, đóng sầm cửa lại, leo lên giường, nằm im tới sáng.

Làng Vạc nằm bên hữu ngạn sông Hồng, nơi sơn thủy hữu tình, nơi trai tài gái đảm, nơi đền Yến dập dìu lữ khách gần xa. Bên kia, tả ngạn, là làng Dâu trù phú. Con gái đứa nào cũng óng ả như cái kén tằm, hay lam hay làm và nức tiếng đắt chồng. Nhân duyên giữa làng Vạc và làng Dâu có từ bao đời. Đò đêm có từ bao đời. Mẹ chồng Mẫn,và Mẫn nữa, cũng là người làng Dâu. Tuổi tròn trăng, Mẫn nghe bà nội kể về sự tích đò đêm.

Thuở ấy, làng Vạc có chàng trai nghèo mồ côi cả cha lẫn mẹ, gia tài chỉ có một con đò nhỏ cùng manh lưới vá chằng vá đụp. Tuổi mười chín đôi mươi, chàng mồ côi cũng thầm thương trộm nhớ một thôn nữ làng Dâu. Đôi trai gái đã thề non hẹn bể mà cha mẹ người ấy không thương, một mực chê nghèo nên không gả. Một đêm, người nhà cô gái sai người đục thủng con đò nhỏ mà chàng trai không hề hay biết. Sau khi chia tay người yêu, trở về, đến giữa sông, sóng to gió cả, nước tràn đầy thuyền. Chàng trai đã tính chuyện bỏ mặc con đò để thoát thân, nhưng lại không thể. Con đò là kỉ vật duy nhất cha mẹ chàng để lại, cũng là cầu nối đưa chàng đến với người yêu đã mấy mùa trăng, lại là miếng cơm manh áo của chàng. Sau một hồi vật lộn, chàng lả đi, không thể lên bờ được nữa. Linh hồn chàng biến thành con vạc cứ khắc khoải đêm này sang đêm khác, gọi người yêu rã rời. Trong làng, có người động lòng thương cảm đã sắm đò chạy đêm cho đôi lứa hai làng gặp nhau. Đò đêm bến Vạc ra đời từ đó. Mà lạ thay, có lúc bến Vạc là nơi tụ về kiếm ăn của cả mấy trăm con Vạc.

Mẫn lớn lên trong tiếng vạc kêu ròng rã và đem lòng thương Hữu, người con trai tài ba của làng Vạc và đã nên vợ nên chồng.

Trưa ấy, vợ cấy, chồng cày, hai đứa con trai sinh đôi lên bảy đẹp như tranh vẽ tha thẩn chọi cỏ gà trên đê. Cái nóng tháng sáu gọi chúng xuống bến Vạc tắm. Người cha buông trâu nheo mắt nhìn theo hai con rái cá đã được huấn luyện kĩ càng. Tiếng kêu cứu của các con làm cả hai vợ chồng lao lên mặt đê, phóng qua bãi cát ào xuống. Xoáy nước sau lũ nằm ngay trong bến mà không ai lường trước được. Sóng đánh dạt Mẫn vào bờ, còn hai đứa con và chồng Mẫn phải dùng lưới vét mới đưa lên được. Hai đứa trẻ vẫn nắm chặt tay nhau, và chồng cô, tay còn cầm vạt áo của thằng Nghĩa.

Mẫn cứ chết lại sống. Cứ điên lại tỉnh, lấy hết nước mắt xót thương của bạn bè, bà con họ hàng tưới lên đau đớn  mà không nguôi được. Mười năm mà không nguôi phút nào. Lúc nào, trong ba gian nhà nhỏ cũng hiện diện hình ảnh của chồng, của con.

Đêm nay, nghe đứa em chú nói sẽ chạy đò bến Vạc, lòng Mẫn lại sôi lên, lại đau. Ngày xưa, nghe nói bố chồng Mẫn là người đàn ông chạy đò đêm bến Vạc lâu nhất đấy, không hiểu sao ông nghỉ đò và cấm các con lai vãng sông nước. Trong làng, có người kể. Một đêm, ông Tốn say rượu ngủ quên trong lều, nửa đêm có tốp người gọi ông đưa đò sang bên kia sông để kịp đến đám tang người thân. Ông Tốn khước từ vì sóng to gió lớn và lại lên chõng ngũ. Chẳng được bao lâu, tiếng kêu cứu dậy cả khúc sông làm ông tỉnh giấc. Vội vàng bơi ra sông, vẫn biết cứu một người phúc đẳng hà sa, nhưng mất con đò của hợp tác xã, ai đền cho ông? Thế là cứu con đò trước. Khi cột được con đò vào bến là khi mặt sông đã yên ả, mười lăm mạng dân gò không biết bơi lội, lại còn liều lĩnh cướp đò đã nộp mình cho hà bá. Ông Tốn bỏ đò từ khi ấy.

Chẳng biết ông Tốn nghĩ gì. Cũng không biết Hanh nghĩ gì mà cứ nằng nặc đòi chạy đò đêm? Vợ Hanh sau khi cản chồng không được thì buồn bã đi ra bến sông. Bến Vạc ban ngày tấp nập đông vui, hai phen chia nhau với hai con xuồng máy chạy không hết khách. Vợ Hanh hỏi thử hai người đàn bà lễ mễ khiêng sọt xuống xuồng, các bà ấy bảo, nếu có đò đêm như ngày xưa, bọn em đi đêm cho mát, sáng ra giao hàng là vừa. Mấy bác buôn khoai sọ, bồ kết và đỗ đen cũng bảo thế. Vợ Hanh toan về thì thấy một tốp thợ hì hục chưng biển quảng cáo “Đò đêm”. Cô hốt hoảng bổ về nhà, lục ví tiền thì thấy vẫn còn nguyên. Quái lạ, thằng nào dám bán chịu cho chồng cô cả con đò máy?

***

Ông Tốn đứng giữa nhà Mẫn buông lời cay đắng:

- Cá không ăn muối cá ươn.

Mẫn không nói gì cả, ngồi im trên giường ve vuốt mớ tóc khô xác. Từ lâu, cô không còn thói quen lắng nghe ai nói, dù người ấy là bố chồng. Có mấy thằng đàn ông cơ hội định lợi dụng thân đàn bà côi cút ngớ ngẩn, đều bị cô xé cho tơi tả. Có hai người đàn ông gây cho cô thiện cảm, đấy là ông Tốn và Hanh. Có lẽ bởi hai người ấy quá giống chồng cô, thế thôi. Thế nên, bất cứ giờ nào Hanh gõ cửa và gọi, cô cũng mở. Ông Tốn cũng vậy. Nhất là khi mẹ chồng cô chết, thì bố chồng cô lại chăm sang hương khói cho con trai hơn.

Cũng như bao đêm khác, ở trong vòng tay điên dại, mơ hồ của con dâu, ông Tốn cuống quýt hứa hẹn. Ừ không ra sông nữa, ở nhà thôi. Mẫn không chịu buông ra, đến khi con gà gáy, ông Tốn mới phũ phàng chạy ra khỏi chốn tội lỗi. Mẫn rưng rưng hạnh phúc. Anh ấy phải đi để kiếm tiền xây lại căn nhà cho hai vợ chồng chứ. Trên đời này, chẳng có ai bằng Hữu của cô cả.

Hanh nấp sau bụi chuối, đợi ông Tốn về thì chạy sộc vào, anh nắm bàn tay gầy guộc của chị dâu, rơi nước mắt, dặn dò. Từ giờ thầy mà gọi, chị đừng mở cửa nữa nhé. Mẫn thì thào. Sao thế, thầy thế nào? Hanh nói bừa. Thầy bị ma nhập, chị mà cho thầy vào nhà là anh Hữu không về nhà nữa đâu.

Trước khi về, Hanh còn dặn thêm:

- Em nói thật đấy. Chị phải nghe em, không mở cửa cho bất kì ai.

Mẫn cười như trẻ con, ngu ngơ chốt cửa. Hôm nay Mẫn không nhầm nữa, chú ấy là em của chồng mình, chú ấy rất tốt với mình.

***

Từ trên đê nhìn xuống, cái biển hiệu đò đêm sáng xanh, côn trùng, ong bướm khát ánh sáng bu đầy. Hanh lui cui dọn dẹp lau chùi cẩn thận từng chiếc ghế nhỏ, kiểm tra máy móc, dầu nhớt. Xong xuôi, anh lên lán nằm. Đêm đầu tiên như thế tạm coi là thuận lợi, trôi chảy. Đưa trả bảy thằng trai làng Dâu đi đám bên làng Vạc về. Sau đó là mấy cô đi cầu tự đền Yến về trễ giờ xe. Rồi một tốp thợ mỏi chân trên giàn giáo không muốn cuốc bộ cả năm cây số xuống bến phà cho gần nhà xa ngõ…Sơ sơ cũng mấy chục khách đêm chứ ít gì. Mới chín giờ, sớm chán, xem vớt thêm quệt nào nữa không, rồi về ngủ, nằm lán làm gì cho muỗi cắn.

Không có gió mà sóng quẫy ì oàm đến lạ. Từ lều nhìn xuống, Hanh thấy bóng hai thằng trẻ con đang nô đùa thình thình trên đò khiến con đò chòng chành căng sợi xích neo. Không hiểu anh nghĩ gì mà lại cất giọng gọi:

- Tuấn, Nghĩa có phải không? Nghịch ít thôi!

Anh vừa dứt lời, từ đò, bay lên hai con vạc trắng muốt, vừa bay chúng vừa kêu gào, cánh vỗ phành phạch. Hanh bối rối nhìn quanh, đúng lúc ấy, tiếng gọi đò yếu ớt vang lên. Cho sang sông với đò ơi!

Hanh nhìn xuống đò, dựng cả tóc mai vì thấy một người đàn bà áo trắng ngồi đó, bỏm bẻm nhai trầu. Hanh xuống bến, len lén lên đò, cuống quýt nổ máy, hướng mũi con đò sắt ngược theo bờ dăm mét rồi mới căng ngang. Xăng dầu đắt đỏ, đi một người là lỗ đấy, nhưng làm đò là thế. Xong chuyến này rồi về. Quái lạ, đò một người mà nặng như trở cả mười mấy người. Hanh vít lái tê cả tay, nhìn nước cắn cạp đò mà rùng mình hoảng sợ. Liếc về phía sau, người đàn bà ăn mặc theo lối cổ, điềm nhiên nhai trầu, mặt tai tái như vừa vớt dưới sông lên.

Đến giữa sông, sóng lớn ở đâu xô về, chồm lên đè con đò xuống. Hanh tuột tay lái, con đò xoay tít, hất văng bà khách xuống sông rồi nghiêng mình chìm xuống. Hanh vùng vẫy giữa dòng nước xiết, nghe tiếng kêu cứu mông lung. Đạp nước ngoi lên, Hanh thấy cái bóng áo trắng đang nhấp nhô cách anh cả chục mét. Hanh dồn sức bơi về phía đó và túm tóc người đàn bà miết đi. Người đàn bà nặng bằng ba xác chết cứ dìm anh xuống. Mấy lần định buông tay mà không đành lòng. Cuối cùng, chân anh đã chạm triền cát. Anh lả đi.

Tiếng gà gáy bên làng Dâu làm Hanh tỉnh lại. Con đò neo trên bến gọn gàng. Người đàn bà đã đi đâu mất. Hanh như người bước ra từ cơn mê trước, lại dấn thân vào cơn mê sau. Lên đò, nổ máy quay về bến Vạc. Kẻ mộng du bước về nhà mình. Tôi đã chết đâu mà khóc. Vợ Hanh vẫn khóc như nhà có người chết thật. Hanh chợt tỉnh cơn mộng, hỏi. Thầy đâu? Vợ Hanh hất hàm chỉ về phía nhà chị dâu. Hanh lại quày quả ra sân, vợ anh lốc thốc chạy sau, đến sân nhà Mẫn, Hanh bảo vợ vào trước. Cửa chốt trong rất chắc. Hai vợ chồng thi nhau gọi không thấy chị dâu mở cửa. Hanh sốt ruột đạp cửa lách vào. Nhà không có ai cả, chỉ có ô cửa sổ quay ra phía bờ sông mở toang, người lớn có thể chui lọt. Cả hai vợ chồng lại bì bõm chạy ra bến Vạc. Từ xa đã thấy Mẫn rũ rượi ngồi trên cát như một bóng ma. Thấy vợ chồng Hanh, Mẫn bảo. Đừng tìm chị, cho chị ngồi với các con chị một đêm, từ đêm mai, tiếng xuồng máy của em sẽ đuổi chúng đi xa. Thầy đã giết mười lăm mạng người ba chục năm trước, nên họ đòi chồng con chị phải đền mạng. Họ không cướp đò đâu, thày tham tiền mà đi chuyến đò đầy. Gặp nạn, thày bỏ mặc tất cả rồi chối tội đấy thôi. Hanh thảng thốt. Ai bảo chị thế? Anh Hữu kể như vậy cho chị nghe. Anh bảo suốt mười năm nay anh chèo đò đưa những oan hồn sang sông nên không ở nhà đêm nào với chị. Em đã giúp anh ấy đưa đò đêm nay để anh ấy về, anh ấy ngủ trong nhà đấy. Cả đời này em có làm việc ấy thay anh Hữu được không? Vợ Hanh khụy xuống cát, Hanh cúi đầu nâng vợ dậy. Nhìn sang, đã không thấy Mẫn, chỉ còn hai hàng bước chân in đậm trên cát ướt đi xuống nước.

Lần đầu tiên Hanh khóc trước mặt vợ, tiếng gọi của anh lan xa dát bạc mặt sóng. Trăng cuối tháng vỡ ra từng mảnh nhỏ theo tiếng gọi, Mẫn ơi. Tiếng những con vạc đầm đìa đau đớn từng chặp đáp lời.

                        

 

 


Thứ Bảy, 29 tháng 8, 2020

MẤY VẤN ĐỀ VỀ PHÊ BÌNH VĂN HỌC NGHỆ THUẬT Ở TỈNH TA tác giả ĐẶNG BÁ TIẾN - CHƯ YANG SIN SỐ 336 THÁNG 8 NĂM 2020

 


 

Phê bình văn học, nghệ thuật (VHNT) là một công việc có tác động trực tiếp đến quá trình sáng tác VHNT, là một bộ phận hữu cơ trong hoạt động VHNT nói chung, vừa giữ vai trò đồng hành với sáng tác để đồng cảm, chia sẻ, vừa làm nhiệm vụ đánh giá, dự báo, góp phần điều chỉnh và định hướng cho sáng tác. Phê bình VHNT không chỉ là tiếng nói của cá nhân nhà phê bình mà còn phản ánh thái độ, ý thức của quần chúng nhân dân, của xã hội đối với các giá trị, các khuynh hướng VHNT thể hiện trong các sáng tác của văn nghệ sĩ. Nhà phê bình văn học Lại Nguyên Ân lý giải khá rõ ràng, rằng: “Các sáng tác văn học vừa là chỗ từ đó phê bình "đi ra" vừa là chỗ phê bình "trở lại". Và quan hệ "hai mặt" ấy, phê bình cũng giữ khi nó làm việc với công chúng. Nó gánh vác đủ thứ tạp vụ cần thiết vì sự tồn tại của văn học, từ tuyên truyền, quảng cáo, phổ cập đến trình bày, lý giải, đề xuất cho công chúng cách đọc của mình, theo những ý đồ sáng tạo của nhà văn mà phê bình nắm được. Lắng nghe phê bình cả trong giọng thông tin sự vụ lẫn trong giọng diễn giả của nó công chúng sẽ biết, sẽ cảm thấy những vấn đề mà các tác phẩm muốn nói với họ. Đó là việc chuẩn bị sơ bộ cho việc đọc của chính họ, hoặc có khi là việc tham khảo đối chiếu cho họ nếu đã đọc xong. Nghe phê bình, công chúng biết những tác phẩm đang được chú ý, những tên tuổi đang nổi bật, những giá trị đang được định đoạt… Ấy là một mặt. Mặt khác nữa, phê bình còn có vai trò là sự diễn đạt ý kiến, phản xạ của chính công chúng văn học”. Ở đây nhà phê bình Lại Nguyên Ân chỉ đề cập đến phê bình văn học, nhưng theo tôi trong các lĩnh vực nghệ thuật khác, phê bình cũng đóng vai trò tương tự. Vì vậy, có thể khẳng định: Phê bình VHNT có vai trò, ý nghĩa hết sức quan trọng trong quá trình phát triển VHNT, qua đó cũng góp phần thúc đẩy đời sống tinh thần của xã hội ngày càng phát triển.

Vậy, phê bình VHNT ở tỉnh ta 10 năm qua (2010 - 2020) như thế nào? Sở dĩ chúng tôi chỉ chọn chặng đường 10 năm qua, vì theo chúng tôi đây là chặng đường VHNT Đắk Lắk phát triển rực rỡ nhất so với các chặng 10 năm trước. Đây cũng là quãng thời gian mà chúng tôi có điều kiện theo dõi khá kỹ tạp chí Chư Yang Sin - cơ quan ngôn luận duy nhất của Hội chúng ta.

Thứ nhất về lực lượng viết phê bình, có thể nói ngay rằng: Rất mỏng manh. Chỉ điểm danh số người viết có “chạm” tới phê bình VHNT, chưa đòi hỏi ở trình độ phê bình đúng nghĩa của từ này, chúng tôi cũng chỉ đếm được chưa đủ hai bàn tay. Có thể kể: Lê Thành Văn, Phạm Minh Trị, Bùi Minh Vũ, Hữu Chỉnh, Nguyễn Phương Hà, Đặng Bá Tiến, Nguyễn Duy Xuân, Lê Vĩnh Tài, Nguyễn Văn Thiện... Đa số trong những người này sáng tác là nghiệp chính, thỉnh thoảng mới “đá ngang” một vài bài có “dính” đến phê bình; riêng Lê Thành Văn viết nhiều hơn, tác phẩm của anh không chỉ đăng tải trên Chư Yang Sin mà còn đăng tải trên nhiều tạp chí và báo khác. Các tác giả kể trên 100% là “người của văn học” (các lĩnh vực nghệ thuật khác không có người viết phê bình) và hầu hết họ cũng chỉ “dính” tới phê bình văn học, còn các lĩnh vực nghệ thuật khác “không đụng hàng”; riêng Hữu Chỉnh có thêm các bài viết đề cập tới tác giả âm nhạc, Đặng Bá Tiến có thêm một số bài viết về nhiếp ảnh, mỹ thuật.

Thứ hai về tác phẩm phê bình: Xét ở góc độ quy mô, trước tiên cần kể đến các tác phẩm đã in thành sách. Lê Thành Văn có Miền thơ thao thức (248 trang bình 33 bài thơ), Cảm bình thơ chương trình tiểu học (2 tập, 380 trang, bình 95 bài thơ). Hữu Chỉnh có Cảm nhận bạn bè (198 trang, nhận xét, bình phẩm về 17 tác giả thơ, văn, âm nhạc). Chi hội các huyện phía Đông Đắk Lắk có tác phẩm Đông Đắk Lắk Thơ với lời bình (282 trang, tập hợp 68 bài viết của các tác giả trong ngoài tỉnh). Các tác giả khác chỉ thảng hoặc có các bài phê bình nhân dịp bạn bè ra mắt sách, triển lãm, hoặc nhân ngày lễ trọng nào đó của đất nước “hứng chí” viết về một tác phẩm nào đó có cùng chủ đề... Nhìn chung, đa số các tác phẩm phê bình của các tác giả Đắk Lắk mới chỉ ở mức độ “cảm nhận”, điểm sách, giới thiệu tác phẩm, tác giả, chưa đề cập được một cách sâu sắc nội dung tư tưởng, phong cách nghệ thuật của tác phẩm, tác giả. Bởi thế, mặc dù sáng tác VHNT của Đắk Lắk trong 10 năm qua có rất nhiều thành tựu về cả đội ngũ và tác phẩm, nhưng hoạt động phê bình của Đắk Lắk vẫn khá bình lặng, mới chỉ là vài gợn gió lăn tăn trên mặt hồ thu, chưa tạo ra được những cơn sóng lớn gây được chú ý của người đọc trong và ngoài tỉnh. Xin ví dụ về điều này: Về thơ năm 2011 chúng ta có Đinh Thị Như Thúy đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2011, với tập thơ Ngày linh hương nở sáng. Đây là một giải thưởng danh giá, mỗi năm Hội Nhà văn chỉ tặng cho 1-2 tác giả thơ (có năm không tặng). Thế nhưng chỉ có các nhà phê bình ở Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh như Nguyễn Quang Thiều, Inrasara và một số tỉnh bạn có bài viết, trao đổi, phẩm bình về tập thơ của Đinh Thị Như Thúy; còn các cây bút phê bình trong tỉnh gần như “dửng dưng”, duy nhất chỉ có một bài viết của Đặng Bá Tiến (Đọc Ngày linh hương nở sáng của Đinh Thị Như Thúy). Tập trường ca Rừng cổ tích của Đặng Bá Tiến đoạt giải nhất Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài công nhân giai đoạn 2010 - 2014, do Hội Nhà văn Việt Nam và Tổng LĐLĐ Việt Nam phối hợp tổ chức. Đây cũng là một giải thưởng “chẳng dễ có”. Các nhà phê bình ngoài tỉnh đã có 7 bài viết về tác phẩm này; còn các cây bút phê bình trong tỉnh? duy nhất chỉ có một bài viết của Lê Vĩnh Tài. Hay như Lê Vĩnh Tài hiện đang được nhiều nhà phê bình trong và ngoài nước chú ý, anh có lối viết mới mẻ, khó đọc đối với những ai quen hiểu, quen thưởng thức lối thơ truyền thống, nhưng lại được các nhà thơ, nhà phê bình nổi tiếng như Inrasara,Nguyễn Quang Thiều, PGS-TS Phan Huy Dũng (Đại học Vinh)... đánh giá cao. Inrasara cho rằng: Lê Vĩnh Tài là nhà thơ tiên phong ở Việt Nam về phong cách thơ hậu hiện đại... Thế nhưng các tay bút phê bình ở Đắk Lắk trước “hiện tượng” Lê Vĩnh Tài vẫn... “kính nhi viễn chi”.

Ở mảng văn xuôi, trong 10 năm qua chúng ta cũng có số lượng tác giả, tác phẩm nhiều nhất so các thập niên trước. Về đội ngũ có thể kể trên chục người: Niê Thanh Mai, Nguyễn Văn Thiện, Nguyễn Hoàng Thu, Nguyễn Anh Đào, Nguyên Hương, H’linh Niê,Trúc Hoài, Khôi Nguyên, Hồng Chiến, Lâm Hạ, Nguyễn Thị Bích Thiêm, Ánh Nguyệt, Nguyễn Liên, H’Siêu, H’Xíu... Về tác phẩm, số lượng đầu sách lên tới gần 100 cuốn, trong đó có những tác phẩm rất đáng chú ý, như Nước mắt màu xanh thẫm của Nguyễn Văn Thiện, Đại ngàn của Khôi Nguyên, Giếng hoang, Thà cứ một mình rồi quen của Nguyễn Anh Đào, Ngày mai sáng rỡ của Niê Thanh Mai, Bên sông Krông Bông của Trúc Hoài, Bí mật của H’Loan của Hồng Chiến, Tại gió mà nhớ của H’Linh Niê...

Nhiều tác phẩm kể trên đã được tặng thưởng của Liên hiệp VHNT Việt Nam, Hội Văn nghệ các dân tộc thiểu số Việt Nam, Hội VHNT Đắk Lắk, có tác phẩm đoạt cả giải thưởng văn chương của nước ngoài. Thế nhưng lực lượng phê bình văn học tỉnh nhà đã đánh giá, thẩm định như thế nào về tác phẩm kể trên? Nếu tôi nhớ không nhầm thì chỉ có một số bài mang tính giới thiệu in trên tạp chí Chư Yang Sin, báo Đắk Lắk. Các bài viết đó còn mang nhiều cảm tính và thiếu một hệ thống tiêu chí tin cậy để đánh giá tác phẩm, tác giả. Số bài viết vươn tới được các báo, tạp chí của các hội chuyên ngành trung ương không nhiều, chỉ có “Nước mắt màu xanh thẫm lấp một khoảng trống trong văn học viết về Tây Nguyên” (in báo Văn nghệ) của Đặng Bá Tiến, Về một số truyện ngắn của Nguyễn Anh Đào của Lê Thành Văn...

Ở các chuyên ngành nghệ thuật khác, Đắk Lắk cũng có rất nhiều thành tựu. “Làng nhiếp ảnh” Đắk Lắk trong những năm đầu của thập niên vừa qua từng đứng đầu cả nước về số huy chương giành được trong các cuộc thi ảnh trong và ngoài nước hàng năm. Mỹ thuật, âm nhạc Đắk Đắk cũng có những tác giả, tác phẩm nổi bật trong các cuộc triển lãm, liên hoan cấp khu vực và quốc gia. Thế nhưng các bài  phê bình nghệ thuật về tác giả, tác phẩm Đắk Lắk thì vẫn “khan”,  hiếm hoi lắm mới có một vài bài đăng trên Chư Yang Sin, trên báo Đắk Lắk về nhiếp ảnh, về hội họa... nhưng cũng mới ở dạng bài báo, nêu vấn đề, nêu những điều cơ bản về tác giả, tác phẩm, hoặc hiện tượng trong sáng tạo nghệ thuật mà thôi; chưa phân tích, lý giải được sâu sắc các vấn đề, các hiện tượng đã nêu.

Nếu bây giờ có một “đơn hàng” yêu cầu đánh giá 10 năm (2010 - 2020) văn học Đắk Lắk (chỉ riêng văn học thôi), chúng tôi nghĩ các cây bút phê bình ở Đắk Lắk khó có thể hoàn thành tốt “đơn hàng”, sẽ có rất nhiều lúng túng từ đánh giá nội dung, đề tài phản ánh, đến việc đánh giá, nhận xét về xu hướng sáng tác, thi pháp chung, riêng thể hiện qua các tác phẩm của cả đội ngũ và của một số cá nhân tiêu biểu trong tỉnh; lúng túng cả trong việc so sánh, đánh giá các tác giả, tác phẩm Đắk Lắk đang đi theo trào lưu, xu hướng nào? đang đứng ở vị trí nào trong dòng chảy chung của văn học cả nước? 

Vì sao phê bình VHNT Đắk Lắk có tình trạng đó?

Có một nhà văn của tỉnh bạn nói với tôi: Đắk Lắk các ông có cả một trường đại học to đùng đóng chân trên địa bàn, ở đó có chuyên ngành văn, có nhiều phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ văn chương, họ được đào tạo cơ bản về tiếp nhận văn bản, cảm thụ văn chương, về phương pháp luận để có thể viết phê bình tốt. Đó là điều kiện để các ông đẩy mạnh hoạt động phê bình... Thế nhưng 10 năm qua tạp chí Chư Yang Sin chúng tôi không hề nhận được bài viết phê bình nào của họ. Có thể họ không thích viết phê bình về văn học? Có thể họ nghĩ văn học địa phương không có gì để viết? Hoặc họ bận, không có thời gian? Họ không đủ nhiệt huyết, đam mê? Chúng tôi từng đến Thanh Hóa, Thái Nguyên, Nghệ An... được biết nhiều cán bộ giảng dạy tại Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa), Đại học Thái Nguyên, Đại hoc Vinh cũng là hội viên của hội, có người là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, họ là những người giữ vai trò nòng cốt trong hoạt động phê bình của các hội đó như PGS-TS Hỏa Diệu Thúy (Thanh Hóa), PGS-TS Trần Việt Trung, TS Cao Thị Hồng (Thái Nguyên) Tiến sĩ Đặng Lưu, PGS-TS Phan Huy Dũng (Nghệ An). Nhưng ở Đắk Lắk lâu nay các cán bộ giảng dạy chuyên ngành ngữ văn ở Đại học Tây Nguyên, đóng chân ngay trên địa bàn vẫn còn “ẩn tích”. Vì thế lực lượng phê bình ở Đắk Lắk chủ yếu là một số hội viên vốn là giáo viên THCS, THPT, cao đẳng và một số “tay ngang” chỉ viết bằng chút năng khiếu “trời cho” và lòng đam mê, chưa được đào tạo bài bản về công việc này.

Một nguyên nhân khác, theo chúng tôi, là do chính tổ chức Hội VHNT chưa thực sự quan tâm đến lĩnh vực này. Chi hội Văn học từng thành lập Tổ lý luận phê bình (trực thuộc Chi hội). Nhưng rồi chẳng ai quan tâm đến lực lượng này. Tổ vừa thiếu người “cầm chịch” có năng lực, tâm huyết, vừa thiếu các điều kiện hoạt động, thiếu cả sự động viên, khích lệ của lãnh đạo Hội... Vì thế, chỉ một thời gian ngắn Tổ lý luận phê bình “chết yểu” mà chẳng ai thương tiếc(!).

Một nguyên nhân khác nữa là: Hoạt động phê bình đòi hỏi rất nhiều công sức, trí tuệ, phải có quá trình tích lũy kiến thức, vốn sống về rất nhiều lĩnh vực, đặc biệt lĩnh vực mà mình muốn viết, phải nắm vững các nguyên tắc, tiêu chí đánh giá tác phẩm, hiểu sâu phương pháp luận... Điều đó đòi hỏi người viết phê bình phải tự học, tự bổ túc kiến thức không ngừng, phải lao tâm khổ tứ đọc sách, báo hàng ngày... Thế nhưng hiện nay thù lao trả cho người viết phê bình chưa tương xứng với công sức bỏ ra. Ở tạp chí Chư Yang Sin nhuận bút trả cho bài phê bình còn thấp hơn cả bài ghi chép thông thường, khiến người viết phê bình có cảm giác bị “coi rẻ”. Một số người viết phê bình buông bút cũng vì lý do đó.

Theo chúng tôi, trong nhiệm kỳ tới, để thúc đẩy VHNT tỉnh nhà phát triển tốt hơn nữa, trước tiên lãnh đạo Hội phải ý thức được vai trò của phê bình VHNT, cần phải quan tâm thực sự đến hoạt động phê bình. Hội phải chọn được những người có năng lực, có đam mê lĩnh vực này gửi đi đào tạo, được dự các hội thảo về lý luận phê bình; phải kiên quyết xóa tình trạng cử người đi dự các lớp bồi dưỡng, dự hội thảo về lý luận phê bình mà chưa hề viết một bài phê bình nào, cử người đi chỉ như một nghĩa cử ưu ái, tạo điều kiện cho người đó được tham quan, du lịch bằng tiền nhà nước...


Thứ Sáu, 28 tháng 8, 2020

NHỚ VỀ NGƯỜI BỐN KHÓA LÀM BÍ THƯ TỈNH ỦY tác giả HỮU CHỈNH - CHƯ YANG SIN SỐ 336 THÁNG 8 NĂM 2020

 


 Nhà thơ HỮU CHỈNH

Đảng bộ và đồng bào, chiến sĩ các dân tộc tỉnh Đắk Lắk đang sôi nổi thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII để tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, tôi lại nhớ đến tấm gương sáng của người đảng viên Cộng sản mẫu mực mà tôi vô cùng kính trọng. Đó là đồng chí Huỳnh Văn Cần. Tuy ông đã đi xa nhưng những điều tốt đẹp để lại trong tôi còn sâu đậm.

Đầu năm 1990, tôi còn ở Công ty Sách – Thiết bị trường học, biết tôi sẽ được điều động sang công tác văn nghệ, nhiều để cán bộ, nhân viên công ty viết đơn tập thể với nhiều chữ ký, gửi đơn lên Tỉnh ủy xin cho tôi ở lại Công ty. Đây là nguyện vọng của tôi. Một hôm, anh Hồ Quang Tám, lúc đó làm Phó Ban Tuyên giáo, nhà ở 51 Lý Thường Kiệt (tôi ở 47 Lý Thường Kiệt nên gần nhau) đưa cho tôi giấy mời do anh Huỳnh Văn Cần – Bí thư Tỉnh ủy ký, trao cho tôi và nói nguyên văn: “Cụ bảo nếu gặp Chỉnh thì đưa giấy mời này”. Tuân lệnh, tôi lên gặp. Uống nước xong, ông mới nói chậm rãi:

- Đừng làm rối tổ chức. Là đảng viên thì phải chấp hành!

Tôi có trình bày lại:

- Thưa đồng chí Bí thư! Tôi quả thật không biết làm văn nghệ. Hơn nữa văn nghệ rất phức tạp.

- Không biết thì vừa làm vừa học sẽ biết.

Rồi ông cười:

- Đánh Mỹ còn không sợ mà lại sợ làm văn nghệ! Lạ thật! Không bàn cãi gì nữa. Thế nhé!

Tôi hiểu đó là mệnh lệnh, là giao nhiệm vụ cho mình, không được phép từ chối.

Đại hội thành lập Hội Văn nghệ trong hai ngày (ngày 4 và 5.9.1990). Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp đến dự, trực tiếp chỉ đạo. Có một chi tiết bây giờ mới kể. Đại hội giới thiệu 13 ứng cử viên đã bầu lấy 9 người vào Ban Chấp hành. Khi kiểm phiếu có hai người số phiếu bằng nhau, đều quá bán cùng xếp thứ 9. Đại hội tranh luận có nên bầu lại, chọn một trong hai người ngoài số 8 người đã trúng cử. Ông phát biểu: “Quyền là của Đại hội, nhưng cá nhân tôi thấy Ban Chấp hành gồm 10 đồng chí là số đẹp. Y Nhi Ksơr là họa sĩ, người dân tộc tại chỗ, văn nghệ cần lắm. Nguyễn Lưu có trình độ, gia đình cách mạng, cần cho mảng lý luận phê bình. Nên Ban Chấp hành là 10 người, không phải bàn lại. Các đồng chí thấy sao?”. Cả hội trường vỗ tay rầm rầm tán thưởng. Cả 10 người trong Ban Chấp hành khóa I (1990 – 1995) đều hoàn thành phần việc của mình.

Có lần tôi đến thăm ông khi nhà ông còn ở đường Bà Triệu, đối diện với Trường PTTH Buôn Ma Thuột, tôi gặp bà Trinh là vợ ông đang phun nước cho dàn nấm linh chi. Tôi chứng kiến gia đình một Bí thư Tỉnh ủy giữa đời thường mà cảm phục.

Có lần đến Sở Giáo dục – Đào tạo để dự tang lễ anh Ra Lan Nhơ (từng làm Trưởng Ban Tuyển sinh, quyền Giám đốc Sở), tôi đứng sau ông, bên trong áo sơ mi trắng, tôi nhìn thấy bên trong là áo may ô đã rách vai. Chi tiết nhỏ đã lay động tâm hồn tôi về một nhân cách lớn – chỉ lo công việc, nhiều khi không nghĩ tới mình.

Đi công tác, không muốn làm phiền cơ sở, ông mang theo cặp lồng cơm. Ông ít khi dự các buổi liên hoan sau các đại hội, hội nghị. Ông dành một số tiền gửi tặng các tỉnh mà ông từng công tác, với Đắk Lắk, ông tặng các huyện. Có lần tôi hỏi ông về việc này, ông nói: “Đâu phải là tiền của mình, đó là tiền của Đảng, của Dân cho mình thì mình tặng lại”.

Ngày ông về cõi vĩnh hằng, theo di nguyện của ông, tang lễ tổ chức tại tư gia rồi đưa thi hài hỏa táng ở Khánh Hòa. Số tiền phúng viếng được gửi về Văn phòng Tỉnh ủy.

Ông đã tham gia hai khóa Ban Chấp hành Trung ương Đảng, bốn khóa làm Bí thư Tỉnh ủy, ở cương vị nào cũng khiêm tốn, giản dị, đau đáu làm gì có lợi cho Dân, cho Đảng.

5 năm trước, chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2015 -2020), Báo Đắk Lắk phỏng vấn, ông đã nói lên suy nghĩ của mình: “Một trong những yếu tố quyết định đó là phải lấy công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ làm trung tâm, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của Đảng, tăng cường đoàn kết nội bộ, từ đó tập hợp, đoàn kết toàn dân”.

5 năm đã trôi qua, hai năm ông đã đi xa nhưng lời nhắn gửi của ông – một bậc tiền bối cách mạng, một người Cộng sản chân chính vẫn còn nguyên giá trị.

Tôi tin và kỳ vọng vào Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII thành công tốt đẹp, thỏa nguyện người đã ra đi và người đang còn cống hiến để Đắk Lắk phồn vinh.

 

 


Thứ Năm, 20 tháng 8, 2020

NGHỆ NHÂN ƯU TÚ A NOL NGƯỜI GIỮ HỒN CHIÊNG HLING tác giả Y MANG - CHƯ YANG SIN SỐ 335 THÁNG 7 NĂM 2020

 

Ông A Nol sinh năm 1941, dân tộc Xê Đăng, ở buôn Kon H’ring, xã Êa H’đing, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk. Sinh ra từ gia đình truyền thống biết đánh cồng chiêng, sáng tác bài cồng chiêng, chỉnh cồng chiêng, chế tác các loại nhạc cụ dân tộc, hát dân ca…

Ông là Đội trưởng đội chiêng của ở buôn Kon H’ring.  Đã từng có thời trong buôn không nhà nào có chiêng tốt để đánh và phải đi thuê chiêng về đánh khi có việc quan trọng. Năm 1987, ông A Nol lặn lội sang Kon Tum để tìm mua lại bộ chiêng cổ (chiêng Hling) phục vụ các dịp lễ, ngày hội quan trọng.

Không chỉ có tài đánh chiêng, dạy chiêng, sáng tác bài chiêng cho dân làng, biết truyện cổ, sử thi, ông A Nol còn là thợ chỉnh chiêng giỏi nhiều người biết đến, ông đã tham gia trình diễn chỉnh chiêng tại Plei Ku năm 2010. Trong những ngày tập luyện hay lưu diễn, ông đều là người đưa đội chiêng đi, để hướng dẫn, sắp xếp đội hình đánh chiêng sao cho phù hợp với không gian diễn xướng. Nếu chiêng có bị lạc tiếng trong lúc ra trình diễn, ông sẽ có mặt kịp thời để chỉnh chiêng.

Ông đã chế tác được nhạc cụ dân tộc như: Ting ning ( đàn goong), kloong put, t’rưng… được sự dụng trong các lễ hội và tham gia liên hoan tại huyện và tỉnh. Ông đến từng nhà dạy đánh cồng chiêng và múa xoang cho trẻ em, nên thanh niên trong buôn ai cũng biết đánh chiêng, múa xoang. Ông đã truyền dạy trên 100 thanh niên trong buôn biết đánh cồng chiêng. Trong năm 2014, nhóm chiêng trẻ của ông tham gia liên hoan đội chiêng trẻ toàn tỉnh Đắk Lắk đã đạt giải nhất toàn đoàn.

Ông A Nol sống trong không gian văn hóa cồng chiêng từ thuở nhỏ, tiếng cồng, tiếng chiêng đã trở thành máu thịt của nghệ nhân A Nol. Cha ông cũng là một nghệ nhân cồng chiêng có tiếng trong buôn. Từ khi lên 8 tuổi ông đã theo cha đi biểu diễn cồng chiêng vào các dịp lễ mừng lúa mới, đám cưới, đâm trâu, lên nhà mới... Tối về, người cha thường đem chiêng ra lau chùi, ông A Nol ngồi bên được người cha kể về lịch sử, ý nghĩa của mỗi loại chiêng. Lớn hơn thì ông được cha hướng dẫn cho cách đánh cồng chiêng, trống, đàn t’rưng, hát kể sử thi…và các loại nhạc cụ khác.

Gần mấy chục năm kinh nghiệm đánh cồng chiêng, đánh đàn t’rưng, đến bây giờ nghệ nhân A Nol luôn tự hào là một trong số ít nghệ nhân có thể thẩm âm cho  chiêng. Cứ sau mùa lễ hội hoặc hội diễn, liên hoan chiêng nào bị lạc tiếng là ông A Nol tự tay chỉnh lại. Muốn cho chiêng có thang âm chuẩn đòi hỏi cái tai phải biết phân biệt tiếng cao, tiếng thấp khi chiêng ngân vang là đúng hay sai. Khi đã bắt được “bệnh” của chiêng thì dùng búa gõ nhẹ vào chiêng xem âm thanh phát ra để đoán định phần nào trên thân chiêng bị phồng, bị dẹp. Sau đó, dùng búa tán nhẹ theo vòng tròn đồng tâm cho đến khi nào tiếng chiêng đánh lên nghe đúng âm, đúng điệu là được. Nghe thì đơn giản vậy, chứ để biết chuẩn xác vị trí trên chiêng mà gõ nhịp nặng nhẹ… đòi hỏi người nghệ nhân phải có kinh nghiệm, kỹ thuật được đúc rút cả một đời.

Còn nhớ, cách đây chưa lâu, ông được người bạn ở xã Diên Bình, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum mời đến chỉnh âm thanh cho bộ chiêng Hling của gia đình người bạn. Chỉ mất một buổi nghệ nhân A Nol đã “gọi tiếng hồn nhập chiêng”, ông đã chỉnh chiêng phù hợp với âm sắc cho người bạn. Theo nghệ nhân A Nol kể lại thì hiện tại, lớp nghệ nhân chỉnh được chiêng ở buôn này không còn ai nữa. Dù chiêng được lưu truyền hay mua mới thì qua mấy mùa lễ hội đều bị “lạc âm”. Muốn chỉnh âm phải có chiếc búa loại nhỏ. Khi chỉnh âm cần lật ngửa chiêng ra rồi dùng búa nhỏ tán một đường lồi nhẹ ở mép bên trong chiêng. Sau đó, lật úp chiêng tán thêm một đường lõm nhẹ bên ngoài. Cứ tán đều tay và đúng kỹ thuật… Và kỹ thuật chỉnh âm cho chiêng là cả một nghệ thuật bởi nó dựa vào khả năng cảm nhận, am hiểu về nguyên lý dao động, lan truyền của âm thanh trên bề mặt chiêng trong không gian.

Ngoài ra, ông đã sáng tác cồng chiêng Xê Đăng và được cộng đồng sử dụng rộng rãi, không chỉ tại tỉnh Đắk Lắk mà cả dân tộc Xê Đăng ở tỉnh Kon Tum, bài chiêng của ông A Nol không chỉ khép kín trong các buôn làng của mình, mà đã bay khắp núi rừng Tây Nguyên, đã gắn liền với các lễ thức của nền văn hoá lúa rẫy ẩn chứa tư tưởng, tình cảm, niềm vui, nỗi buồn, lòng yêu thương, căm giận, tinh thần đoàn kết, thượng võ và chiến thắng của dân tộc Xê Đăng ở Tây Nguyên. Nghệ nhân A Nol có vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị của văn hoá truyền thống của Xê Đăng.

Tháng 9 năm 2019 ông được Chủ tịch Nước tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”. Bây giờ, vì tuổi già, sức yếu cộng với căn bệnh hiểm nghèo ông A Nol đã về với tổ tiên, núi rừng. Chắc ông đã yên tâm, thanh thản bởi vốn quý về nghệ thuật cồng chiêng Hling cùng các loại nhạc cụ, làn điệu dân ca Xê Đăng đã được trao truyền trọn vẹn lại cho lớp trẻ.

 

 


Thứ Ba, 18 tháng 8, 2020

KÈN RLET-NHẠC CỤ THIÊNG TRONG NGHI LỄ CỦA NGƯỜI M’NÔNG tác giả TRƯƠNG BI - CHƯ YANG SIN SỐ 335 THÁNG 7 NĂM 2020

 


 

Theo các già làng M’nông ở Dak Rung kể lại: Xưa kia kèn Rlet được làm nên từ những người dân giữ rẫy. Họ dùng kèn Rlet để thổi đuổi chim thú, giữ lúa rẫy, thổi vui trên rẫy, thổi giao lưu giữa những người giữ rẫy trong những đêm thanh vắng giữa núi rừng thanh tịch, thổi trong dịp tuốt lúa rẫy, tạo không khí vui tươi trong mùa thu hoạch. Dần dần các nghệ nhân dùng kèn Rlet thổi trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng, trong một số lễ hội, trong giao lưu tìm bạn, trong khi ru con ngủ, trong các lễ cúng đuổi thần ác, thần ma ra khỏi bon làng. Đặc biệt kèn Rlet trở thành nhạc cụ thiêng trong các lễ lớn có hiến trâu của người M’nông.

Kèn Rlet của người M’nông có bốn loại: Một là kèn Rlet dùng thổi trong lễ cúng tẩy uế rẫy. Hai là để thổi đuổi thú bảo vệ rẫy. Ba là thổi cúng trừ đau ốm. Bốn là thổi gọi mời thần lúa trong lễ Tâm Ngêt mừng được mùa rẫy.

Kèn Rlet dùng thổi trong lễ cúng tẩy uế rẫy:

Người M’nông quan niệm rằng: rẫy bị ô uế là vì đất rừng chủ rẫy vừa phát, trước đây đã có người làm, họ đã cúng lợn, cúng chó, cúng dê; đám rẫy này xưa kia có tranh chấp chửi rủa nhau; hoặc đám rẫy này xưa kia có con mang, con trăn, con chồn chết. Nếu chủ rẫy để vậy mà trỉa lúa, khi lúa vừa chín chưa kịp thu hoạch thì trong nhà có người đau ốm, hoặc tai nạn, chết chóc.

Vì vậy mà chủ rẫy phải cúng tẩy uế. Trước khi làm lễ cúng tẩy uế, chủ rẫy nhờ nghệ nhân làm kèn Rlet để thổi, và cúng bằng tiết con lợn, con chó. Sau khi cúng xong, chủ rẫy phải dùng kèn Rlet thổi trên rẫy suốt từ khi trỉa cho đến khi tuốt, đưa lúa về kho nhà mình mới thôi. Đến ngày cúng tắm lúa, chủ nhà phải cúng bằng tiết con trâu để tạ ơn thần lúa, tạ ơn thần kèn Rlet. Cúng xong, chủ nhà mang kèn Rlet lên rẫy treo lên cành cây bên rẫy rồi để vậy không quan tâm đến nữa.

Kèn Rlet thổi trong lễ cúng bảo vệ rẫy:

Nếu lúa rẫy bị các con thú, như: khỉ, heo, nai, chim công, chim cu, chồn, sóc... kéo về ăn lúa, phá rẫy, thì chủ rẫy nhờ nghệ nhân làm kèn Rlet để thổi trên rẫy đuổi chim thú. Làm kèn Rlet này không cúng tiết lợn, tiết dê, tiết gà và không cúng rượu cần. Kèn Rlet này chỉ dùng thổi bình thường trên rẫy, giống như thổi chơi các nhạc cụ sáo, kèn môi, m’buăt, r’nung (tù và). Nhạc cụ này chỉ thổi trên rẫy để đuổi chim thú, không được mang về nhà. Nếu mang kèn Rlet này về nhà thì bị chủ bon phạt cúng trâu hiến thần linh để tạ lỗi, nếu không sẽ bị mất mùa, dịch bệnh. Cúng xong chủ nhà phải mang kèn Rlet lên rẫy treo vào cành cây bên rẫy và để vậy không quan tâm đến nữa.

Kèn Rlet thổi cúng trừ bệnh tật:

Theo quan niệm của người người M’nông, khi trong nhà có người ốm lâu ngày không khỏi thì gia chủ phải nhờ nghệ nhân làm kèn Rlet để cúng trừ bệnh tật. Bắt đầu làm kèn Rlet phải cúng tiết lợn với nước đầu rượu ché Rlung, cầu xin thần kèn Rlet bảo vệ hồn người ốm không cho con ma xứ Phan, con ma Ác, con ma Biăng (coi giữ linh hồn) bắt người ốm đi. Gia chủ dùng Rlet này cúng xong treo trong nhà, đến khi người nhà khỏi bệnh thì chủ nhà làm trâu cúng tạ ơn thần kèn Rlet. Cúng xong chủ nhà mang kèn Rlet ra rẫy treo trên cây và để vậy cho đến khi kèn mục.

Kèn Rlet thổi cúng thần lúa:

Người M’nông có phong tục: Nếu năm ấy cả bon được mùa lúa (trung bình mỗi nhà thu được 100 gùi lúa trở lên thì chủ bon tổ chức lễ Tâm Ngêt - mừng được mùa. Trong lễ này người ta làm kèn Rlet cúng tiết trâu với nước đầu ché rượu Rlung để gọi mời  thần Lúa về uống rượu cùng với dân làng, giúp cho mọi nhà mùa rẫy mới lúa đầy kho, đầy bồ. Làm kèn Rlet trong lễ này chỉ để được bốn hoặc lâu nhất là tám nắng (tám ngày).

Ngày cuối cùng làm lễ hiến trâu cho thần linh, người ta hiến luôn cho thần lúa kèn Rlet cùng một ché rượu Rlung và một tô đầy gạo lúa mới. Cúng xong, chủ lễ treo kèn Rlet vào cây nêu N’gâng và để vậy, không cho trẻ con lấy chơi. Nếu có trẻ con nào lỡ nghịch lấy chơi, thì cha mẹ đứa trẻ phải làm lễ cúng tạ lỗi thần Rlet một con lợn, một ché rượu Rlung. Làm như vậy đứa trẻ mới khỏi bị bênh hoặc tai nạn. Do vậy, người M’nông thường căn dặn con trẻ không nên lấy chơi kèn Rlet khi đã cúng xong.

Kiêng cữ trong thời gian thổi kèn Rlet: 

Người M’nông có tục lệ: Trong thời gian làm kèn và thổi kèn Rlet cúng thần linh, chủ nhà không được xuất lúa, của cải, tài sản cho con cháu hoặc bán cho người ngoài; hoặc người nhà lên rẫy, đi rừng săn thú, ra sông suối suối đánh bắt cá.

Nếu gia chủ đã lỡ xuất lúa và của cải trong nhà cho con cháu và bán cho người ngoài, hoặc trong nhà có người đi rẫy, đi rừng, đi đánh cá thì chủ nhà phải cúng thần kèn Rlet với tiết con lợn cùng nước đầu rượu ché Rlung. Nếu không cúng thì người xuất của cải và người nhận của của cải, người di rẫy, đi rừng sẽ bị đau ốm, hoặc bị tai nạn.

Người M’nông còn kiêng cữ: sau khi cúng thần linh xong, kèn Rlet đang treo trên cây nêu trong bon, hoặc treo trên cành cây ở rẫy, trẻ con không được nghịch ngợm lấy chơi. Nếu không sẽ bị thần quở xẩy ra đau ốm hoặc tai nạn.

Trong quá trình tìm hiểu, nghiên cứu tính thiêng của kèn Rlet, chúng tôi được các nghệ nhân M’nông kể rằng: Một lễ cúng của gia đình, hay của bon làng, bên cạnh dựng cây nêu, nếu không có kèn Rlet thì lễ cúng ấy không  thiêng. Nên bất kỳ làm lễ gì hễ có dựng nêu, thì phải làm kèn Rlet thì lễ ấy mới thiêng, có như vậy người già mới yên cái bụng.

Qua đây, có thể khẳng định rằng, nhạc cụ Rlet là một trong những nhạc cụ không giống các nhạc cụ thiêng khác của người M’nông, như: cồng chiêng, tù và. Ở đây nhạc cụ Rlet khi làm xong phải cúng tiết con vật hiến tế như: lợn, gà, dê, cao hơn nữa là trâu bò… thì nhạc cụ này trở thành linh thiêng, thành thần Rlet. Khi được thổi lên, có thể làm cho con chim, con thú lánh xa, con ma xứ Phan, con ma Ác sợ bỏ đi, người bệnh có thể khỏe mạnh trở lại bình thường. Đặc biệt, kèn Rlet khi thổi lên, các vị thần (thần Lúa, thần Núi, thần Sông…) đều về dự lễ hội cùng uống rượu cần với dân làng. Vì vậy, chúng tôi gọi kèn Rlet là một biểu tượng Thiêng trong kho tàng nhạc cụ của người M’nông.