Chủ Nhật, 9 tháng 8, 2020

ẤN TƯỢNG THỊ GIÁC TRONG BÀI THƠ QUÊ HƯƠNG CỦA TẾ HANH tác giả TRỊNH BÍCH THÙY - CHƯ YANG SIN SỐ 335 THÁNG 7 NĂM 2020

 

 

Từ rất sớm, người xưa đã đề cập đến vấn đề “thi trung hữu họa”của thơ ca. Bởi so với các thể tài khác, thơ mang tính tạo hình rất cao. Tính tạo hình vừa là đặc trưng vừa là yêu cầu sáng tạo của thơ. Thơ Tế Hanh tiêu biểu cho điều này. Thơ ông giàu tính tạo hình, mỗi tác phẩm như từng bức vẽ mà ở đó hình ảnh hiện lên hết sức sống động, gợi cảm. Một trong những thủ pháp tạo hình mà Tế Hanh thường xuyên sử dụng là ấn tượng thị giác. Điều này thể hiện rõ trong Quê hương, thi phẩm tiêu biểu cho phong cách thơ ông, in trong tập Nghẹn ngào (1939), sau in lại trong tập Hoa niên (1945).

Mở đầu bài thơ, nhà thơ tự giới thiệu:

Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới

Nước bao vây cách biển nửa ngày sông.

Quê nhà của Tế Hanh là “một hòn cù lao trên sông Trà Bồng trước khi đổ ra biển”. Tuổi thơ của tác giả chắc hẳn gắn liền với những hình ảnh con thuyền, tấm lưới, những thanh âm của câu hát điệu hò chèo ghe… Trong bài viết “Kỷ niệm về một điệu hò trên sông Trà Bồng”, nhà thơ thổ lộ: “Trước khi tôi vào đời để làm thơ, tôi đã yêu thơ qua tiếng hát câu hò của những người đánh cá quê tôi” (Hồi nhỏ các nhà văn học văn, Nxb TP.Hồ Chí Minh). Không phải ngẫu nhiên mà Tế Hanh có những bài thơ rất hay về đề tài quê hương, đồng thời được xem là một trong những thi sĩ thành công nhất ở mảng đề tài này. Quê hương với cảnh sắc thanh bình, tươi đẹp chính là mạch nguồn cảm hứng sáng tạo, đồng thời là kho chất liệu nghệ thuật quý giá trong thơ ông.

Bức tranh thiên nhiên và cuộc sống con người được thể hiện trong thơ Tế Hanh rất đỗi cụ thể, chân thực nhưng sinh động, đầy thanh âm, sắc màu. Ở Quê hương, bức tranh ấy được thể hiện từ đầu tác phẩm. Cả vùng trời tươi sáng hiện ra trước mắt người đọc chỉ với một dòng thơ: Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng. Thiên nhiên được thể hiện bằng những gam màu sáng “trong”, “hồng”. Với gam màu này, đặc biệt là sắc “hồng” ở cuối dòng quy tụ sức gợi của cả câu thơ, ngay lập tức đã gây ấn tượng mạnh mẽ đối với thị giác tiếp nhận. Trước mắt người đọc như hiện lên cả một bầu trời trong veo với sắc ửng hồng phía mặt trời ló dạng. Hình ảnh thiên nhiên nhờ đó trở nên thi vị hơn, đồng thời gây được nhiều hiệu ứng thẩm mĩ hơn.

Khung cảnh thiên nhiên không chỉ đẹp vì vẻ trong trẻo, lãng mạn vốn có mà còn bởi hình ảnh con người với những hoạt động thường nhật. Tác giả chỉ dùng vài dòng thơ đầu để gợi tả cảnh sắc thiên nhiên nhưng lại dùng đến gần như toàn bộ phần còn lại của tác phẩm để khắc họa cuộc sống của con người vùng sông biển.

Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã

Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang.

Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng

Rướn thân trắng bao la thâu góp gió.

[…]

Những con cá tươi ngon thân bạc trắng.

Dân chài lưới làn da ngăm rám nắng

Cả thân hình nồng thở vị xa xăm.

Nếu như trong bức tranh thiên nhiên tác giả sử dụng từ chỉ màu sắc thuộc gam màu sáng thì với bức trang làng quê miền biển trong lao động, tác giả khắc họa với sự hòa hợp giữa cả hai gam màu sáng và tối. Gam sáng là màu trắng của “cánh buồm”, của “những con cá tươi ngon”. Màu trắng với cường độ mạnh đã gây kích thích trực tiếp thị giác người đọc. Hình ảnh cánh buồm trắng căng gió đưa thuyền “vượt trường giang”, những con cá thân bạc trắng tươi rói trên những chuyến thuyền đầy ắp trở về chắc chắn để lại những ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc về cuộc sống lao động đặc thù miền biển. Đây cũng là gam màu ám ảnh hồn thơ Tế Hanh. Vì mãi đến sau này, dù đi đến đâu, những hình ảnh ấy cứ luôn thường trực trong tâm trí nhà thơ: Nay xa cách, lòng tôi luôn tưởng nhớ/ Màu nước xanh, cá bạc, chiếc buồm vôi.

Trên phông nền tươi sáng ấy, nổi bật lên là hình ảnh của con người lao động. Nhà thơ dùng gam màu tối để khắc họa hình ảnh người dân chài lười quê mình. Đó là các màu “ngăm”, “rám” của nước da người miền biển. Sau Cách mạng, trong bài Tiếng sóng, Tế Hanh cũng sử dụng lại gam màu này để miêu tả người dân chài lưới quê mình:

Da ngăm ngăm như một làn nước mặn

Miệng cười vui mặt biển ánh trăng nghiêng

Có chàng trai vai ngang như bến rộng

Có cô gái mày thanh như làn nước ven sông

Không phải ngẫu nhiên mà khi đặc tả hình ảnh con người miền biển, nhà thơ lại chọn chi tiết màu da. Có lẽ nước da rám màu nắng gió biển khơi và mặn mòi chất muối là một đặc trưng của người miền sông biển. Gam màu tối không gợi buồn mà ngược lại, đã làm nổi bật lên sự săn chắc, khỏe khoắn, can trường. Hình ảnh con người lao động hiện lên một cách chân thực, sống động hơn. Cũng như màu trắng, màu ngăm với cường độ mạnh đã gây nên ấn tượng thị giác mạnh, từ đó tăng cường hiệu ứng khắc họa hình tượng. Hơn nữa, hai gam màu sáng - tối được thể hiện một cách hợp lí đã triệt tiêu tính tương phản, gia tăng hiệu ứng bổ sung. Bức tranh thiên nhiên và con người nhờ đó trở nên thật hài hòa, sinh động.

Miêu tả phương tiện lao động là những chiếc thuyền ra khơi đánh cá, cùng với trường từ vựng chỉ màu sắc, nhà thơ còn sử dụng trường từ chỉ kích thước: “to”, “bao la”. Đi kèm với chúng là những tính từ, động từ mạnh: “hăng”, “phăng” “giương”, “rướn”. Tác giả còn sử dụng biện pháp so sánh, trong đó, đối tượng để so sánh là những hình ảnh hết sức độc đáo: “con tuấn mã”, “mảnh hồn làng”. Nếu “con tuấn mã” là biểu tượng của sức mạnh và vẻ đẹp kiêu hãnh thì “mảnh hồn làng” lại là hình ảnh thiêng liêng biểu trưng cho hồn cốt, truyền thống văn hóa của quê hương. Hình ảnh so sánh cùng từ ngữ ấn tượng đã gây nên những ấn tượng thị giác đặc biệt. Hình tượng cánh buồm, con thuyền vì thế cũng trở nên nổi bật, để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong sự liên tưởng, cảm nhận của độc giả.

Bên cạnh sử dụng trường từ vựng chỉ màu sắc, kích thước, biện pháp tu từ so sánh, tác giả còn sử dụng biện pháp ẩn dụ chuyển đổi cảm giác. Nói về thành quả lao động của dân chài lưới quê mình, nhà thơ viết: Nhờ ơn trời biển lặng cá đầy ghe/ Những con cá tươi ngon thân bạc trắng. Ở đây, “ngon” đã được chuyển đổi cảm giác từ vị giác (ngon miệng) sang thị giác (ngon mắt). Ấn tượng thị giác nhờ thế được gia tăng. Ta còn nhớ, trước Tế Hanh hàng trăm năm, thi hào Nguyễn Gia Thiều cũng từng dùng biện pháp này khi tả người cung nữ qua cái nhìn của đấng quân vương: Đóa lê ngon mắt cửu trùng/ Tuy mày điểm nhạt nhưng lòng cũng xiêu (Cung oán ngâm khúc). Nếu “ngon” trong thơ cụ Nguyễn đã chuyển sang cả cảm xúc nhục thể thì “ngon” của Tế Hanh chỉ dừng lại ở xúc cảm thị giác. Cả hai chữ “ngon” đều là nhãn tự, được dùng hết sức tài tình. Trong câu thơ của Tế Hanh, cùng với “tươi”, “ngon” đã thể hiện được tối đa độ tươi, độ ngon của cá được đánh bắt về. Đó cũng là cách thể hiện ấn tượng về thành quả lao động biển cả của dân chài lưới quê hương nhà thơ.

Có thể nói, Quê hương là một đỉnh cao của thơ Tế Hanh. Bài thơ tràn ngập sắc màu và nhộn nhịp hình ảnh con người. Bằng ngôn ngữ của sắc màu, đường nét, hình khối và so sánh, nhân hóa, ẩn dụ có tác dụng gây liên tưởng thị giác, tác giả đã đem đến cho người đọc những ấn tượng khó quên về bức tranh thiên nhiên và đời sống lao động của con người miền sông biển. Với Quê hương, Tế Hanh đã góp vào gia tài thơ Việt Nam hiện đại một bài thơ hay, độc đáo, giàu hình ảnh về đề tài quê hương nói chung, miền sông biển nói riêng.

 

 


2 nhận xét:

NHẬN XÉT MỚI