Chủ Nhật, 2 tháng 8, 2020

NHỮNG ĐIỀU KHÔNG PHẢI AI CŨNG BIẾT ghi chép của H’LINH NIÊ - CHƯ YANG SIN SỐ 335 THÁNG 7 NĂM 2020

 

 

Cổ tích Tây Nguyên kể rằng có một người đi săn lạc rừng, phải leo lên một cành cây cổ thụ để ngủ đêm. Chẳng may gốc cây tối đó lại là nơi tụ tập chia mồi của bầy thú rừng. Người đi săn chứng kiến sự tranh giành giữa những con thú non. Có con sói nhỏ yếu thế bị sát thương nặng, sói mẹ vặt một loại lá rừng đem về cho ăn khiến sói con hồi tỉnh. Sáng hôm sau người thợ săn bứng cả cây ấy về trồng trong rẫy, từ đó ai trong buôn làng có bệnh gì cứ đến hái lá cây ăn sẽ khỏi…

Đó là câu chuyện ngày xửa ngày xưa bà kể cháu nghe trong ánh lửa bập bùng tỏ mờ bên bếp lửa trên nhà sàn. Đó cũng là phương thuốc tự cứu mình bằng cây lá, củ, quả rừng từ xa xưa. Ngày nay, bà con các dân tộc Tây Nguyên đã biết khi ốm đau, sinh nở phải đến trạm y tế cho các bác sỹ thăm khám và cho thuốc, bệnh nặng cần phải nằm viện để điều trị. Những cây lá thuốc quý trong rừng đại ngàn, cũng được ngành Đông y quan tâm, điều chế ngày một nhiều hơn những loại thuốc từ thảo dược, để an lành thêm cho việc trị bệnh. Ngành y, nhất là tại các bệnh viện, nơi chữa trực tiếp cho nhiều loại bệnh tật, nhưng không phải khoa nào cũng có thể kết hợp Đông – Tây y, hai trong những khoa ấy là khoa cấp cứu và khoa ung bướu.

         Thật tình mà nói, ở thời buổi nào sức khỏe cũng là vàng. Không ai muốn có ngày phải bước chân vô bệnh viện làm gì, bởi có những thứ bệnh tật chìa ra cả đống vàng cũng không xua nó đi được. Chẳng thế mà vì cái chuyện hoành hành đến dã man của Cô Vy (vi rút corona) quỷ quái ấy, hàng triệu người  bỏ xứ ra đi đến những nước giàu có, tưởng là văn minh bậc nhất, cũng đã phải quay về trông cậy vào tấm lòng và ý thức trách nhiệm của nhà nước mình, mà trên hết là của những thiên thần áo trắng màu mây, áo xanh màu cỏ đó sao? Cũng trong đại dịch Covid-19, khắp thế giới tri ân những lương y áo trắng. Vẫn là những Con Người mang trái tim đỏ màu máu, vẫn những Con Người có cha mẹ già, con dại, thậm chí hoãn cả ngày vui nên đôi để lăn mình vào chống dịch, đảm bảo sự an bình của Đất nước và người dân. Ừ, đó là những ngày căng như giây đàn của cả nước. Nhưng còn nhiều điều ngày nào cũng diễn ra đâu đó ở trong những bệnh viện mà không phải ai cũng biết.

Có lẽ điều tiếng nhiều nhất trong ngành y chính là ở Khoa Cấp cứu, nơi đầu tiên tiếp nhận bệnh nhân, hầu hết là những trường hợp nặng, đủ mọi loại bệnh (cấp cứu kia mà). Không ít lần người ta nghe người nhà bệnh nhân kêu ca vì sự chậm thăm khám, nào là “không có tiền lót tay thì… hãy đợi đấy”, nào là “phân biệt đối xử” nào là “chẩn đoán sai bệnh người nhà tôi”… Cũng chẳng thiếu những lần báo chí đưa tin các vụ hành hung nhân viên y tế của những kẻ quá khích. Thậm chí những kẻ đánh nhau gây thương tích rồi đưa vào bệnh viện cấp cứu, vẫn đuổi theo truy sát, khiến các y bác sỹ bị vạ lây. Ngay Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên mới chính thức đi vào hoạt động vừa qua “tuổi thôi nôi”, cũng đã bị báo chí soi mói điều này điều nọ. Thế nên bước chân vào Khoa Cấp cứu, thấy ngay một chiến sỹ công an mặc cảnh phục đầy đủ quân hàm, ngồi ở bàn hội chẩn, có hơi giật mình một chút, rồi cũng… à, hiểu ra (như vụ tháng 5/2020, mấy kẻ phê ma túy tự chặt cụt ngón tay, chở vào cấp cứu, đánh bảo vệ, rồi lại tự chở nhau ra, trên đường còn tông chết một phụ nữ…), phải có công an để tham gia xử lý.

Cái nóng 36oC lóa mắt, xạm da cháy cây lá của mùa hạ cao nguyên ở ngoài kia, dường như không ảnh hưởng gì lắm tới gian phòng rộng, sạch bóng (gấp đôi so với phòng cấp cứu vàng khè cũ kỹ, chật chội ở bệnh viện tỉnh trước đây), với hàng chục chiếc quạt quay tít mù hết tốc độ. Không thấy tình trạng chật cứng người như mấy lần vào bệnh viện tỉnh thăm ai đó cấp cứu (có nghĩa là người bệnh đã được chuyển nhanh về các khoa điều trị hoặc mổ). Những bước chân áo trắng lướt nhẹ, nhanh nhẹn; tiếng dụng cụ y tế loảng xoảng quanh một chiếc giường; những gương mặt lo âu, phấp phỏng của người nhà; mấy điều dưỡng xúm xít chuẩn bị cho việc chuyển người bệnh về khoa…

Trừ những bệnh tật thông thường đến các phòng khám, tùy theo nặng nhẹ mà cho thuốc về hay nhập viện để điều trị, thì như đã nói ở trên, Khoa Cấp cứu của mọi bệnh viện là nơi đầu tiên tiếp xúc và xử lý các trường hợp nhập viện vì bệnh quá nặng, sau đó mới đưa về các khoa chuyên môn để tiếp tục can thiệp sâu. Sơ cứu và phân loại bệnh là yếu tố vô cùng quan trọng, quyết định chính xác hướng điều trị, chỉ định mổ… cho bệnh nhân, đều bắt đầu từ khoa cấp cứu. Không được nhầm lẫn hay sai sót.

83 cán bộ nhân viên của Khoa Cấp cứu Bệnh viện Vùng Tây Nguyên, gồm 14 bác sỹ đa khoa, 64 điều dưỡng, 5 hộ lý, trong số này có 64 phụ nữ, đều còn rất trẻ. Họ thật sự chẳng còn nhớ mình đã tham gia xử lý bao nhiêu ca bệnh, kể cả bác sỹ Trưởng khoa Nguyễn Quang Sơn, Điều dưỡng trưởng Lê Thị Tuyền hay nữ điều dưỡng người dân tộc Êđê H’Nuôl Niê (khoa có 5 bác sỹ, 10 điều dưỡng là người dân tộc. Bệnh nhân người dân tộc đến đây, nghe tiếng “của mình” yên tâm hẳn)… Bởi “cứ người bệnh đến là mình phải cấp cứu thôi”, mà toàn những vụ khiến người nghe “dựng tóc gáy”… Sơ sơ như gần đây, ngày 03.6.2020, xử lý thành công một bé 12 tháng tuổi ở Hòa Khánh, không có hậu môn, đã chuyển bệnh viện Nhi Đồng thành phố Hồ Chí Minh tái tạo, về lại bị mẹ tâm thần bất ổn cắt ống đại tiện dẫn lưu, lòi hết ruột non ruột già. Hay trường hợp H’Đương Enuôl ở huyện Cư Kuin, hái tiêu ngã, bị cành cây đâm xuyên tai… phải xử lý tất tần tật mọi việc trước khi chuyển lên tuyến trên. Ừ, mà mình đi khám bệnh, nếu được chỉ định siêu âm hay xét nghiệm, chụp X quang… phải chạy hết chỗ này đến chỗ khác, chứ ở Khoa Cấp cứu tất cả phải làm đủ tại chỗ, từ đơn giản là bắt mạch, đo huyết áp, băng bó vết thương, làm giảm đau, tiêm phòng uốn ván, đến thở ôxy, điện tâm, điện não… cả mời các khoa về hội chẩn. Mọi thứ đều phải thực hiện gấp để còn định hướng chuyển khoa điều trị.

Hành lang di chuyển trong bệnh viện vừa dốc, vừa trơn, người khỏe mạnh, một mình đi không đã thấy khó giữ bước chân. Vậy mà  điều dưỡng của khoa đa số là nữ, có ngày chị em phải đẩy băng ca chuyển bệnh lên xuống đi khắp bệnh viện (rộng 12 ha) gần 10 km. Năm 2019, khoa cấp cứu cho 66.000 bệnh nhân (chỉ có 197 bệnh nhân tử vong). Có ngày hơn 60 ca bệnh nặng. Đã là phụ nữ tất nhiên phải đi cùng thiên chức làm mẹ. Không ít chị vì áp lực công việc mà sảy thai, sinh non, chân giãn tĩnh mạch; chưa kể mẹ đơn thân phải gửi con cho hàng xóm để nhận ca trực... nhưng vẫn phải đi làm, vì không đủ nhân lực. Ao ước có cái xe điện để rút ngắn thời gian chuyển khoa và an toàn cho cả bệnh nhân lẫn điều dưỡng có lẽ là điều quá xa vời, khi bệnh viện đang phải tự chủ mọi nguồn kinh phí thu chi. Vất vả nhất, nguy hiểm nhất là ở Khoa Cấp cứu nên chẳng ai muốn về (một ca trực đêm không ngủ với toàn những bệnh nhân nặng, chỉ được bồi dưỡng chưa bằng một ngày công hái cafe). Phải kể thêm cả sự bất hợp lý của chính sách lương, bác sỹ học 7-8 năm với điều dưỡng đại học 4 năm, ra trường lương khởi điểm cũng chỉ bằng nhau 3,8 triệu đồng (?).

Vậy mà họ vẫn ấp ủ nguyện vọng được đi học, tập huấn để nâng cao chuyên môn, kể cả làm đề tài khoa học “ Nghiên cứu nồng độ NT.Pro BNP trên bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp” đã được nghiệm thu… Vất vả vậy, họ chỉ mong muốn đơn giản là mong bệnh nhân và người nhà hiểu và thông cảm, không có chuyện vòi tiền ai ở đây. Hãy bình tĩnh, để các bác sỹ và điều dưỡng cũng bình tĩnh, hội chẩn nhanh nhất, yên tâm xử lý nhanh nhất từng ca bệnh,  mà không phải lúc nào cũng ngay ngáy lo ngại gặp những người quá khích. Mong có đủ, có thêm nhân lực để kịp thời cấp cứu cho bệnh nhân (bởi toàn bệnh nặng). Rồi có thêm trang thiết bị máy móc (như siêu âm, X quang tại chỗ), thậm chí đơn giản là đủ những chiếc găng tay y tế để phục vụ người bệnh. Tất nhiên có cả việc cải thiện đời sống một cách chính đáng thông qua các dịch vụ thăm khám, cải cách chế độ lương và thù lao... Nghe mà thương!

Rời căn phòng mát rượi của Khoa Cấp cứu, gặp ngay cái nóng hầm hập của đất trời táp vào đuổi theo những hành lang dốc và trơn trượt, cùng lúc với nữ điều dưỡng nhỏ người cố ghì chiếc băng ca nặng để đưa bệnh nhân chuyển khoa, tôi sang Khoa Ung bướu.

Đã từng trải nghiệm trong “phòng theo yêu cầu” chật cứng 30 bệnh nhân ở hậu phẫu Bệnh viện Ung bướu thành phố Hồ Chí Minh (với 1 nhà vệ sinh, vài cái máy lạnh lẫn quạt máy cũ kỹ vù vù quay tít vẫn không làm giảm được sự ngột ngạt), tôi bất ngờ với những căn phòng sáng choang cũng gọi là “chật, chỉ đủ kê giường và tủ đồ” (theo lời điều dưỡng Hoàng Thị Mỹ Trang Adrơng người buôn Jù) cho 8 bệnh nhân nặng. Thoáng và sạch (đúng nghĩa sạch như bệnh viện). Tầng trên là bệnh nhẹ, tầng dưới gồm toàn các bệnh nhân nặng, như Y Hòa ở buôn Ea Hra, Cư Kuin, gày đét, ung thư phổi, nằm điều trị đã 2 tháng, nhưng chỉ là uống thuốc cầm cự chứ chưa chắc đã có cơ hội thoát bệnh. Có cả những bé em mới 3 tuổi bị u não không biết có còn cơ hội được lớn lên, nữ bệnh nhân ung thư tử cung mất đi thiên chức làm mẹ… nhìn thấy xót thương mà tận tụy, đúng như câu thơ đâu đó, rằng “Khi đặt ống nghe lên trái tim người bệnh, tim phập phù làm đau nhói tim ta”. Khoa có 153 giường, thì hiện tại đã có từ 130-140 bệnh nhân nằm hóa trị, phẫu trị, uống đồng vị phóng xạ hay bệnh nặng nhưng chỉ uống thuốc như Y Hòa.

Năm 2019, bệnh nhân đến khám là 25.516 lượt, điều trị nội trú là 4.579 lượt. Tổng số đã phẫu thuật 1.152 ca… quả là những con số biết nói. Điều dưỡng trưởng Nguyễn Thị Lệ Thủy buồn hẳn khi nói “không hiểu vì sao gần đây số bệnh nhân vào điều trị ung thư tăng cao hơn”. Mặc dù khoa đã có thể triển khai nhiều kỹ thuật mới mà từ trước đến nay chưa từng được thực hiện tại Đắk Lắk, như cắt thanh quản, phẫu thuật nội soi tuyến giáp, nạo hạch cắt tuyến giáp, phẫu thuật ung thư các tuyến môi, mang tai, hàm, lưỡi… kèm tạo hình, điều trị nhắm trúng đích một số bệnh như ung thư vú, phổi, trực tràng… nhưng chắc chắn tỷ lệ đi khám và điều trị ở thành phố Hồ Chí Minh cũng rất cao. Bởi Khoa mới chỉ thực hiện được hóa trị, chứ xạ trị thì chưa có máy.

Cán bộ chuyên môn của Khoa hiện có 10 bác sỹ, 33 điều dưỡng và 5 hộ lý, vừa khám vừa điều trị. Dù là chưa đủ nhân lực, Khoa vẫn là một tập thể tiên tiến, có nhân viên được Sở Y tế tặng giấy khen, thực hiện đúng với phương châm “Bệnh viện là nhà, bệnh nhân như người thân”. Chuyển một người bệnh lên tuyến trên, hay tiễn một bệnh nhân giai đoạn cuối trở về với gia đình, không chút nhẹ mình mà lòng nặng trĩu bởi sự bất lực trước căn bệnh bị dân gian coi là “tứ chứng nan y”. Day dứt với suy nghĩ sao họ không đến sớm hơn? Vậy nên dù thiếu thiết bị, lương và thù lao ca trực, ca mổ thấp, họ vẫn bên nhau tận tụy với người bệnh, với nghề.

Sắp tới Bệnh viện sẽ thành lập Trung tâm Ung bướu dự liệu có 400 giường bệnh, hy vọng có thêm cả máy xạ trị để điều trị được cho nhiều bệnh nhân, với nhiều phương pháp hiệu quả hơn. Nhất là làm sao để truyền thông đến được với nhiều người dân, đặc biệt là bà con các dân tộc thiểu số, để đến viện tầm soát ung thư sớm hơn, giành lấy cơ hội được sống. Đừng để vì sự thiếu hiểu biết và cái nghèo đeo bám, dẫn đến bệnh tới giai đoạn cuối mới đi khám, làm sao chữa trị (tỷ lệ bệnh nhân người dân tộc không nhiều, nhưng lại lắm ca bệnh nặng).

Ở Khoa Ung bướu, tôi tình cờ đọc được cuốn sổ ghi những buổi họp cuối mỗi tháng của Khoa với người nhà bệnh nhân, lần nào cũng thấy có bác sỹ Trưởng khoa tham dự. Không chỉ lắng nghe ý kiến, những đề xuất của người nuôi bệnh, mà còn bày tỏ tình cảm, trần tình những điều lực bất tòng tâm, để tìm được tiếng nói chung giữa người chữa trị và được chữa trị (nghe nói điều này là quy định chung của cả Bệnh viện). Bởi với căn bệnh ung thư, yếu tố tinh thần ở người bệnh và sự tin tưởng vào bác sỹ chiếm một phần quan trọng không kém trong việc trị liệu.

Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đảm nhận không chỉ nhiệm vụ y tế của vùng, mà còn làm cả nhiệm vụ quốc tế với các nước bạn lân cận. Tiếng là thế nhưng mọi trang thiết bị là do kinh phí địa phương chịu trách nhiệm, trong khi bệnh viện phải thực hiện tự chủ hoàn toàn chi thường xuyên. Hơn một năm qua, từ chỗ tiếp nhận ban đầu 800 giường bệnh, nay đã có thể điều trị tại chỗ được tới 1.912 bệnh nhân cùng một lúc, cam kết không phải nằm ghép. Cũng như mỗi ngày khám và cho thuốc 1.200 lượt bệnh nhân. Đợt phòng chống Corona vừa qua (chắc vì “cô ấy” quá sợ nắng gió khốc liệt của cao nguyên) Đắk Lắk may mắn chỉ có 95 bệnh nhân bị cách ly, nhưng vẫn được trang bị 10 máy thở, máy điều trị ECMO và có thể cùng với hai đơn vị nữa trong tỉnh là Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên và Trung tâm Phòng chống dịch bệnh, xét nghiệm ngay tại chỗ.

Còn nhiều việc phải làm, nhiều điều cần chấn chỉnh và cải tiến, nhưng tập thể những chiến sỹ áo trắng của Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên vẫn đã và đang đoàn kết bên nhau để cùng chiến đấu với bệnh tật, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn bằng nghiên cứu khoa học để có những ca cứu sống bệnh nhân hiểm nghèo, làm nên niềm tự hào của ngành y tế miền cao nguyên đất đỏ. Đồng thời họ cũng chẳng quên những suất ăn miễn phí cho người nghèo, cùng những nhà hảo tâm hỗ trợ cho những ca bệnh nan y.

Một cơn mưa rào ngắn vừa ào ào trút xuống. Mặt đường vẫn hầm hập bốc lên hơi nóng, nhưng không gian dịu mát hẳn lại. Trên tầng ai đó vừa mở toang cánh cửa sổ màu trắng. Dường như đất trời cũng muốn giải tỏa cho cả các y bác sỹ lẫn người bệnh một chút bức bối. Mới tiếp cận với hai khoa mà se thắt cả tâm trạng bởi cảm kích tấm lòng của những Thiên thần áo trắng, với những “trái tim thầy thuốc mênh mông tình người”. Đồng thời cũng sáng ra nhiều điều khó khăn mà đội ngũ bác sỹ, điều dưỡng, hộ lý… của các bệnh viện phải nhẫn nại chịu đựng, chỉ để cứu người. 

Chắc chắn là không phải mọi điều đều đã tốt đẹp. Thiết bị y tế còn thiếu, trình độ nghiệp vụ vẫn cần phải được nâng tầm, nhân lực phục vụ chưa đủ, đâu đó vẫn còn có những “con sâu làm rầu nồi canh”. Nhưng trên hết, y đức của mọi nhân viên y tế đã được tôi rèn trong thời dịch COVID-19 vừa qua, để tự xác định được vị trí và hình ảnh của mình trước cộng đồng.

 

     Tháng 6, mùa hạ 2020


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI