Thứ Ba, 18 tháng 8, 2020

KÈN RLET-NHẠC CỤ THIÊNG TRONG NGHI LỄ CỦA NGƯỜI M’NÔNG tác giả TRƯƠNG BI - CHƯ YANG SIN SỐ 335 THÁNG 7 NĂM 2020

 


 

Theo các già làng M’nông ở Dak Rung kể lại: Xưa kia kèn Rlet được làm nên từ những người dân giữ rẫy. Họ dùng kèn Rlet để thổi đuổi chim thú, giữ lúa rẫy, thổi vui trên rẫy, thổi giao lưu giữa những người giữ rẫy trong những đêm thanh vắng giữa núi rừng thanh tịch, thổi trong dịp tuốt lúa rẫy, tạo không khí vui tươi trong mùa thu hoạch. Dần dần các nghệ nhân dùng kèn Rlet thổi trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng, trong một số lễ hội, trong giao lưu tìm bạn, trong khi ru con ngủ, trong các lễ cúng đuổi thần ác, thần ma ra khỏi bon làng. Đặc biệt kèn Rlet trở thành nhạc cụ thiêng trong các lễ lớn có hiến trâu của người M’nông.

Kèn Rlet của người M’nông có bốn loại: Một là kèn Rlet dùng thổi trong lễ cúng tẩy uế rẫy. Hai là để thổi đuổi thú bảo vệ rẫy. Ba là thổi cúng trừ đau ốm. Bốn là thổi gọi mời thần lúa trong lễ Tâm Ngêt mừng được mùa rẫy.

Kèn Rlet dùng thổi trong lễ cúng tẩy uế rẫy:

Người M’nông quan niệm rằng: rẫy bị ô uế là vì đất rừng chủ rẫy vừa phát, trước đây đã có người làm, họ đã cúng lợn, cúng chó, cúng dê; đám rẫy này xưa kia có tranh chấp chửi rủa nhau; hoặc đám rẫy này xưa kia có con mang, con trăn, con chồn chết. Nếu chủ rẫy để vậy mà trỉa lúa, khi lúa vừa chín chưa kịp thu hoạch thì trong nhà có người đau ốm, hoặc tai nạn, chết chóc.

Vì vậy mà chủ rẫy phải cúng tẩy uế. Trước khi làm lễ cúng tẩy uế, chủ rẫy nhờ nghệ nhân làm kèn Rlet để thổi, và cúng bằng tiết con lợn, con chó. Sau khi cúng xong, chủ rẫy phải dùng kèn Rlet thổi trên rẫy suốt từ khi trỉa cho đến khi tuốt, đưa lúa về kho nhà mình mới thôi. Đến ngày cúng tắm lúa, chủ nhà phải cúng bằng tiết con trâu để tạ ơn thần lúa, tạ ơn thần kèn Rlet. Cúng xong, chủ nhà mang kèn Rlet lên rẫy treo lên cành cây bên rẫy rồi để vậy không quan tâm đến nữa.

Kèn Rlet thổi trong lễ cúng bảo vệ rẫy:

Nếu lúa rẫy bị các con thú, như: khỉ, heo, nai, chim công, chim cu, chồn, sóc... kéo về ăn lúa, phá rẫy, thì chủ rẫy nhờ nghệ nhân làm kèn Rlet để thổi trên rẫy đuổi chim thú. Làm kèn Rlet này không cúng tiết lợn, tiết dê, tiết gà và không cúng rượu cần. Kèn Rlet này chỉ dùng thổi bình thường trên rẫy, giống như thổi chơi các nhạc cụ sáo, kèn môi, m’buăt, r’nung (tù và). Nhạc cụ này chỉ thổi trên rẫy để đuổi chim thú, không được mang về nhà. Nếu mang kèn Rlet này về nhà thì bị chủ bon phạt cúng trâu hiến thần linh để tạ lỗi, nếu không sẽ bị mất mùa, dịch bệnh. Cúng xong chủ nhà phải mang kèn Rlet lên rẫy treo vào cành cây bên rẫy và để vậy không quan tâm đến nữa.

Kèn Rlet thổi cúng trừ bệnh tật:

Theo quan niệm của người người M’nông, khi trong nhà có người ốm lâu ngày không khỏi thì gia chủ phải nhờ nghệ nhân làm kèn Rlet để cúng trừ bệnh tật. Bắt đầu làm kèn Rlet phải cúng tiết lợn với nước đầu rượu ché Rlung, cầu xin thần kèn Rlet bảo vệ hồn người ốm không cho con ma xứ Phan, con ma Ác, con ma Biăng (coi giữ linh hồn) bắt người ốm đi. Gia chủ dùng Rlet này cúng xong treo trong nhà, đến khi người nhà khỏi bệnh thì chủ nhà làm trâu cúng tạ ơn thần kèn Rlet. Cúng xong chủ nhà mang kèn Rlet ra rẫy treo trên cây và để vậy cho đến khi kèn mục.

Kèn Rlet thổi cúng thần lúa:

Người M’nông có phong tục: Nếu năm ấy cả bon được mùa lúa (trung bình mỗi nhà thu được 100 gùi lúa trở lên thì chủ bon tổ chức lễ Tâm Ngêt - mừng được mùa. Trong lễ này người ta làm kèn Rlet cúng tiết trâu với nước đầu ché rượu Rlung để gọi mời  thần Lúa về uống rượu cùng với dân làng, giúp cho mọi nhà mùa rẫy mới lúa đầy kho, đầy bồ. Làm kèn Rlet trong lễ này chỉ để được bốn hoặc lâu nhất là tám nắng (tám ngày).

Ngày cuối cùng làm lễ hiến trâu cho thần linh, người ta hiến luôn cho thần lúa kèn Rlet cùng một ché rượu Rlung và một tô đầy gạo lúa mới. Cúng xong, chủ lễ treo kèn Rlet vào cây nêu N’gâng và để vậy, không cho trẻ con lấy chơi. Nếu có trẻ con nào lỡ nghịch lấy chơi, thì cha mẹ đứa trẻ phải làm lễ cúng tạ lỗi thần Rlet một con lợn, một ché rượu Rlung. Làm như vậy đứa trẻ mới khỏi bị bênh hoặc tai nạn. Do vậy, người M’nông thường căn dặn con trẻ không nên lấy chơi kèn Rlet khi đã cúng xong.

Kiêng cữ trong thời gian thổi kèn Rlet: 

Người M’nông có tục lệ: Trong thời gian làm kèn và thổi kèn Rlet cúng thần linh, chủ nhà không được xuất lúa, của cải, tài sản cho con cháu hoặc bán cho người ngoài; hoặc người nhà lên rẫy, đi rừng săn thú, ra sông suối suối đánh bắt cá.

Nếu gia chủ đã lỡ xuất lúa và của cải trong nhà cho con cháu và bán cho người ngoài, hoặc trong nhà có người đi rẫy, đi rừng, đi đánh cá thì chủ nhà phải cúng thần kèn Rlet với tiết con lợn cùng nước đầu rượu ché Rlung. Nếu không cúng thì người xuất của cải và người nhận của của cải, người di rẫy, đi rừng sẽ bị đau ốm, hoặc bị tai nạn.

Người M’nông còn kiêng cữ: sau khi cúng thần linh xong, kèn Rlet đang treo trên cây nêu trong bon, hoặc treo trên cành cây ở rẫy, trẻ con không được nghịch ngợm lấy chơi. Nếu không sẽ bị thần quở xẩy ra đau ốm hoặc tai nạn.

Trong quá trình tìm hiểu, nghiên cứu tính thiêng của kèn Rlet, chúng tôi được các nghệ nhân M’nông kể rằng: Một lễ cúng của gia đình, hay của bon làng, bên cạnh dựng cây nêu, nếu không có kèn Rlet thì lễ cúng ấy không  thiêng. Nên bất kỳ làm lễ gì hễ có dựng nêu, thì phải làm kèn Rlet thì lễ ấy mới thiêng, có như vậy người già mới yên cái bụng.

Qua đây, có thể khẳng định rằng, nhạc cụ Rlet là một trong những nhạc cụ không giống các nhạc cụ thiêng khác của người M’nông, như: cồng chiêng, tù và. Ở đây nhạc cụ Rlet khi làm xong phải cúng tiết con vật hiến tế như: lợn, gà, dê, cao hơn nữa là trâu bò… thì nhạc cụ này trở thành linh thiêng, thành thần Rlet. Khi được thổi lên, có thể làm cho con chim, con thú lánh xa, con ma xứ Phan, con ma Ác sợ bỏ đi, người bệnh có thể khỏe mạnh trở lại bình thường. Đặc biệt, kèn Rlet khi thổi lên, các vị thần (thần Lúa, thần Núi, thần Sông…) đều về dự lễ hội cùng uống rượu cần với dân làng. Vì vậy, chúng tôi gọi kèn Rlet là một biểu tượng Thiêng trong kho tàng nhạc cụ của người M’nông.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI