Thứ Bảy, 29 tháng 8, 2020

MẤY VẤN ĐỀ VỀ PHÊ BÌNH VĂN HỌC NGHỆ THUẬT Ở TỈNH TA tác giả ĐẶNG BÁ TIẾN - CHƯ YANG SIN SỐ 336 THÁNG 8 NĂM 2020

 


 

Phê bình văn học, nghệ thuật (VHNT) là một công việc có tác động trực tiếp đến quá trình sáng tác VHNT, là một bộ phận hữu cơ trong hoạt động VHNT nói chung, vừa giữ vai trò đồng hành với sáng tác để đồng cảm, chia sẻ, vừa làm nhiệm vụ đánh giá, dự báo, góp phần điều chỉnh và định hướng cho sáng tác. Phê bình VHNT không chỉ là tiếng nói của cá nhân nhà phê bình mà còn phản ánh thái độ, ý thức của quần chúng nhân dân, của xã hội đối với các giá trị, các khuynh hướng VHNT thể hiện trong các sáng tác của văn nghệ sĩ. Nhà phê bình văn học Lại Nguyên Ân lý giải khá rõ ràng, rằng: “Các sáng tác văn học vừa là chỗ từ đó phê bình "đi ra" vừa là chỗ phê bình "trở lại". Và quan hệ "hai mặt" ấy, phê bình cũng giữ khi nó làm việc với công chúng. Nó gánh vác đủ thứ tạp vụ cần thiết vì sự tồn tại của văn học, từ tuyên truyền, quảng cáo, phổ cập đến trình bày, lý giải, đề xuất cho công chúng cách đọc của mình, theo những ý đồ sáng tạo của nhà văn mà phê bình nắm được. Lắng nghe phê bình cả trong giọng thông tin sự vụ lẫn trong giọng diễn giả của nó công chúng sẽ biết, sẽ cảm thấy những vấn đề mà các tác phẩm muốn nói với họ. Đó là việc chuẩn bị sơ bộ cho việc đọc của chính họ, hoặc có khi là việc tham khảo đối chiếu cho họ nếu đã đọc xong. Nghe phê bình, công chúng biết những tác phẩm đang được chú ý, những tên tuổi đang nổi bật, những giá trị đang được định đoạt… Ấy là một mặt. Mặt khác nữa, phê bình còn có vai trò là sự diễn đạt ý kiến, phản xạ của chính công chúng văn học”. Ở đây nhà phê bình Lại Nguyên Ân chỉ đề cập đến phê bình văn học, nhưng theo tôi trong các lĩnh vực nghệ thuật khác, phê bình cũng đóng vai trò tương tự. Vì vậy, có thể khẳng định: Phê bình VHNT có vai trò, ý nghĩa hết sức quan trọng trong quá trình phát triển VHNT, qua đó cũng góp phần thúc đẩy đời sống tinh thần của xã hội ngày càng phát triển.

Vậy, phê bình VHNT ở tỉnh ta 10 năm qua (2010 - 2020) như thế nào? Sở dĩ chúng tôi chỉ chọn chặng đường 10 năm qua, vì theo chúng tôi đây là chặng đường VHNT Đắk Lắk phát triển rực rỡ nhất so với các chặng 10 năm trước. Đây cũng là quãng thời gian mà chúng tôi có điều kiện theo dõi khá kỹ tạp chí Chư Yang Sin - cơ quan ngôn luận duy nhất của Hội chúng ta.

Thứ nhất về lực lượng viết phê bình, có thể nói ngay rằng: Rất mỏng manh. Chỉ điểm danh số người viết có “chạm” tới phê bình VHNT, chưa đòi hỏi ở trình độ phê bình đúng nghĩa của từ này, chúng tôi cũng chỉ đếm được chưa đủ hai bàn tay. Có thể kể: Lê Thành Văn, Phạm Minh Trị, Bùi Minh Vũ, Hữu Chỉnh, Nguyễn Phương Hà, Đặng Bá Tiến, Nguyễn Duy Xuân, Lê Vĩnh Tài, Nguyễn Văn Thiện... Đa số trong những người này sáng tác là nghiệp chính, thỉnh thoảng mới “đá ngang” một vài bài có “dính” đến phê bình; riêng Lê Thành Văn viết nhiều hơn, tác phẩm của anh không chỉ đăng tải trên Chư Yang Sin mà còn đăng tải trên nhiều tạp chí và báo khác. Các tác giả kể trên 100% là “người của văn học” (các lĩnh vực nghệ thuật khác không có người viết phê bình) và hầu hết họ cũng chỉ “dính” tới phê bình văn học, còn các lĩnh vực nghệ thuật khác “không đụng hàng”; riêng Hữu Chỉnh có thêm các bài viết đề cập tới tác giả âm nhạc, Đặng Bá Tiến có thêm một số bài viết về nhiếp ảnh, mỹ thuật.

Thứ hai về tác phẩm phê bình: Xét ở góc độ quy mô, trước tiên cần kể đến các tác phẩm đã in thành sách. Lê Thành Văn có Miền thơ thao thức (248 trang bình 33 bài thơ), Cảm bình thơ chương trình tiểu học (2 tập, 380 trang, bình 95 bài thơ). Hữu Chỉnh có Cảm nhận bạn bè (198 trang, nhận xét, bình phẩm về 17 tác giả thơ, văn, âm nhạc). Chi hội các huyện phía Đông Đắk Lắk có tác phẩm Đông Đắk Lắk Thơ với lời bình (282 trang, tập hợp 68 bài viết của các tác giả trong ngoài tỉnh). Các tác giả khác chỉ thảng hoặc có các bài phê bình nhân dịp bạn bè ra mắt sách, triển lãm, hoặc nhân ngày lễ trọng nào đó của đất nước “hứng chí” viết về một tác phẩm nào đó có cùng chủ đề... Nhìn chung, đa số các tác phẩm phê bình của các tác giả Đắk Lắk mới chỉ ở mức độ “cảm nhận”, điểm sách, giới thiệu tác phẩm, tác giả, chưa đề cập được một cách sâu sắc nội dung tư tưởng, phong cách nghệ thuật của tác phẩm, tác giả. Bởi thế, mặc dù sáng tác VHNT của Đắk Lắk trong 10 năm qua có rất nhiều thành tựu về cả đội ngũ và tác phẩm, nhưng hoạt động phê bình của Đắk Lắk vẫn khá bình lặng, mới chỉ là vài gợn gió lăn tăn trên mặt hồ thu, chưa tạo ra được những cơn sóng lớn gây được chú ý của người đọc trong và ngoài tỉnh. Xin ví dụ về điều này: Về thơ năm 2011 chúng ta có Đinh Thị Như Thúy đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2011, với tập thơ Ngày linh hương nở sáng. Đây là một giải thưởng danh giá, mỗi năm Hội Nhà văn chỉ tặng cho 1-2 tác giả thơ (có năm không tặng). Thế nhưng chỉ có các nhà phê bình ở Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh như Nguyễn Quang Thiều, Inrasara và một số tỉnh bạn có bài viết, trao đổi, phẩm bình về tập thơ của Đinh Thị Như Thúy; còn các cây bút phê bình trong tỉnh gần như “dửng dưng”, duy nhất chỉ có một bài viết của Đặng Bá Tiến (Đọc Ngày linh hương nở sáng của Đinh Thị Như Thúy). Tập trường ca Rừng cổ tích của Đặng Bá Tiến đoạt giải nhất Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài công nhân giai đoạn 2010 - 2014, do Hội Nhà văn Việt Nam và Tổng LĐLĐ Việt Nam phối hợp tổ chức. Đây cũng là một giải thưởng “chẳng dễ có”. Các nhà phê bình ngoài tỉnh đã có 7 bài viết về tác phẩm này; còn các cây bút phê bình trong tỉnh? duy nhất chỉ có một bài viết của Lê Vĩnh Tài. Hay như Lê Vĩnh Tài hiện đang được nhiều nhà phê bình trong và ngoài nước chú ý, anh có lối viết mới mẻ, khó đọc đối với những ai quen hiểu, quen thưởng thức lối thơ truyền thống, nhưng lại được các nhà thơ, nhà phê bình nổi tiếng như Inrasara,Nguyễn Quang Thiều, PGS-TS Phan Huy Dũng (Đại học Vinh)... đánh giá cao. Inrasara cho rằng: Lê Vĩnh Tài là nhà thơ tiên phong ở Việt Nam về phong cách thơ hậu hiện đại... Thế nhưng các tay bút phê bình ở Đắk Lắk trước “hiện tượng” Lê Vĩnh Tài vẫn... “kính nhi viễn chi”.

Ở mảng văn xuôi, trong 10 năm qua chúng ta cũng có số lượng tác giả, tác phẩm nhiều nhất so các thập niên trước. Về đội ngũ có thể kể trên chục người: Niê Thanh Mai, Nguyễn Văn Thiện, Nguyễn Hoàng Thu, Nguyễn Anh Đào, Nguyên Hương, H’linh Niê,Trúc Hoài, Khôi Nguyên, Hồng Chiến, Lâm Hạ, Nguyễn Thị Bích Thiêm, Ánh Nguyệt, Nguyễn Liên, H’Siêu, H’Xíu... Về tác phẩm, số lượng đầu sách lên tới gần 100 cuốn, trong đó có những tác phẩm rất đáng chú ý, như Nước mắt màu xanh thẫm của Nguyễn Văn Thiện, Đại ngàn của Khôi Nguyên, Giếng hoang, Thà cứ một mình rồi quen của Nguyễn Anh Đào, Ngày mai sáng rỡ của Niê Thanh Mai, Bên sông Krông Bông của Trúc Hoài, Bí mật của H’Loan của Hồng Chiến, Tại gió mà nhớ của H’Linh Niê...

Nhiều tác phẩm kể trên đã được tặng thưởng của Liên hiệp VHNT Việt Nam, Hội Văn nghệ các dân tộc thiểu số Việt Nam, Hội VHNT Đắk Lắk, có tác phẩm đoạt cả giải thưởng văn chương của nước ngoài. Thế nhưng lực lượng phê bình văn học tỉnh nhà đã đánh giá, thẩm định như thế nào về tác phẩm kể trên? Nếu tôi nhớ không nhầm thì chỉ có một số bài mang tính giới thiệu in trên tạp chí Chư Yang Sin, báo Đắk Lắk. Các bài viết đó còn mang nhiều cảm tính và thiếu một hệ thống tiêu chí tin cậy để đánh giá tác phẩm, tác giả. Số bài viết vươn tới được các báo, tạp chí của các hội chuyên ngành trung ương không nhiều, chỉ có “Nước mắt màu xanh thẫm lấp một khoảng trống trong văn học viết về Tây Nguyên” (in báo Văn nghệ) của Đặng Bá Tiến, Về một số truyện ngắn của Nguyễn Anh Đào của Lê Thành Văn...

Ở các chuyên ngành nghệ thuật khác, Đắk Lắk cũng có rất nhiều thành tựu. “Làng nhiếp ảnh” Đắk Lắk trong những năm đầu của thập niên vừa qua từng đứng đầu cả nước về số huy chương giành được trong các cuộc thi ảnh trong và ngoài nước hàng năm. Mỹ thuật, âm nhạc Đắk Đắk cũng có những tác giả, tác phẩm nổi bật trong các cuộc triển lãm, liên hoan cấp khu vực và quốc gia. Thế nhưng các bài  phê bình nghệ thuật về tác giả, tác phẩm Đắk Lắk thì vẫn “khan”,  hiếm hoi lắm mới có một vài bài đăng trên Chư Yang Sin, trên báo Đắk Lắk về nhiếp ảnh, về hội họa... nhưng cũng mới ở dạng bài báo, nêu vấn đề, nêu những điều cơ bản về tác giả, tác phẩm, hoặc hiện tượng trong sáng tạo nghệ thuật mà thôi; chưa phân tích, lý giải được sâu sắc các vấn đề, các hiện tượng đã nêu.

Nếu bây giờ có một “đơn hàng” yêu cầu đánh giá 10 năm (2010 - 2020) văn học Đắk Lắk (chỉ riêng văn học thôi), chúng tôi nghĩ các cây bút phê bình ở Đắk Lắk khó có thể hoàn thành tốt “đơn hàng”, sẽ có rất nhiều lúng túng từ đánh giá nội dung, đề tài phản ánh, đến việc đánh giá, nhận xét về xu hướng sáng tác, thi pháp chung, riêng thể hiện qua các tác phẩm của cả đội ngũ và của một số cá nhân tiêu biểu trong tỉnh; lúng túng cả trong việc so sánh, đánh giá các tác giả, tác phẩm Đắk Lắk đang đi theo trào lưu, xu hướng nào? đang đứng ở vị trí nào trong dòng chảy chung của văn học cả nước? 

Vì sao phê bình VHNT Đắk Lắk có tình trạng đó?

Có một nhà văn của tỉnh bạn nói với tôi: Đắk Lắk các ông có cả một trường đại học to đùng đóng chân trên địa bàn, ở đó có chuyên ngành văn, có nhiều phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ văn chương, họ được đào tạo cơ bản về tiếp nhận văn bản, cảm thụ văn chương, về phương pháp luận để có thể viết phê bình tốt. Đó là điều kiện để các ông đẩy mạnh hoạt động phê bình... Thế nhưng 10 năm qua tạp chí Chư Yang Sin chúng tôi không hề nhận được bài viết phê bình nào của họ. Có thể họ không thích viết phê bình về văn học? Có thể họ nghĩ văn học địa phương không có gì để viết? Hoặc họ bận, không có thời gian? Họ không đủ nhiệt huyết, đam mê? Chúng tôi từng đến Thanh Hóa, Thái Nguyên, Nghệ An... được biết nhiều cán bộ giảng dạy tại Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa), Đại học Thái Nguyên, Đại hoc Vinh cũng là hội viên của hội, có người là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, họ là những người giữ vai trò nòng cốt trong hoạt động phê bình của các hội đó như PGS-TS Hỏa Diệu Thúy (Thanh Hóa), PGS-TS Trần Việt Trung, TS Cao Thị Hồng (Thái Nguyên) Tiến sĩ Đặng Lưu, PGS-TS Phan Huy Dũng (Nghệ An). Nhưng ở Đắk Lắk lâu nay các cán bộ giảng dạy chuyên ngành ngữ văn ở Đại học Tây Nguyên, đóng chân ngay trên địa bàn vẫn còn “ẩn tích”. Vì thế lực lượng phê bình ở Đắk Lắk chủ yếu là một số hội viên vốn là giáo viên THCS, THPT, cao đẳng và một số “tay ngang” chỉ viết bằng chút năng khiếu “trời cho” và lòng đam mê, chưa được đào tạo bài bản về công việc này.

Một nguyên nhân khác, theo chúng tôi, là do chính tổ chức Hội VHNT chưa thực sự quan tâm đến lĩnh vực này. Chi hội Văn học từng thành lập Tổ lý luận phê bình (trực thuộc Chi hội). Nhưng rồi chẳng ai quan tâm đến lực lượng này. Tổ vừa thiếu người “cầm chịch” có năng lực, tâm huyết, vừa thiếu các điều kiện hoạt động, thiếu cả sự động viên, khích lệ của lãnh đạo Hội... Vì thế, chỉ một thời gian ngắn Tổ lý luận phê bình “chết yểu” mà chẳng ai thương tiếc(!).

Một nguyên nhân khác nữa là: Hoạt động phê bình đòi hỏi rất nhiều công sức, trí tuệ, phải có quá trình tích lũy kiến thức, vốn sống về rất nhiều lĩnh vực, đặc biệt lĩnh vực mà mình muốn viết, phải nắm vững các nguyên tắc, tiêu chí đánh giá tác phẩm, hiểu sâu phương pháp luận... Điều đó đòi hỏi người viết phê bình phải tự học, tự bổ túc kiến thức không ngừng, phải lao tâm khổ tứ đọc sách, báo hàng ngày... Thế nhưng hiện nay thù lao trả cho người viết phê bình chưa tương xứng với công sức bỏ ra. Ở tạp chí Chư Yang Sin nhuận bút trả cho bài phê bình còn thấp hơn cả bài ghi chép thông thường, khiến người viết phê bình có cảm giác bị “coi rẻ”. Một số người viết phê bình buông bút cũng vì lý do đó.

Theo chúng tôi, trong nhiệm kỳ tới, để thúc đẩy VHNT tỉnh nhà phát triển tốt hơn nữa, trước tiên lãnh đạo Hội phải ý thức được vai trò của phê bình VHNT, cần phải quan tâm thực sự đến hoạt động phê bình. Hội phải chọn được những người có năng lực, có đam mê lĩnh vực này gửi đi đào tạo, được dự các hội thảo về lý luận phê bình; phải kiên quyết xóa tình trạng cử người đi dự các lớp bồi dưỡng, dự hội thảo về lý luận phê bình mà chưa hề viết một bài phê bình nào, cử người đi chỉ như một nghĩa cử ưu ái, tạo điều kiện cho người đó được tham quan, du lịch bằng tiền nhà nước...


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI