Thứ Hai, 31 tháng 8, 2020

ĐÒ ĐÊM truyện ngắn của TỐNG NGỌC HÂN - CHƯ YANG SIN SỐ 336 THÁNG 8 NĂM 2020

 



 

 

Gió thổi ruỗng đêm. Mẫn không hề chợp mắt. Thấy tiếng Vạc kêu thảm thiết ngoài bến, cô ngồi dậy, thì thào. Các con lại về đấy à? Tuấn ơi! Nghĩa ơi! Anh lại về phải không?

Hanh gõ cửa đến lần thứ ba, Mẫn mới mở cửa. Trong bóng tối của ba gian nhà gỗ ọp ẹp dột nát, người đàn bà bốn mươi như được cộng thêm cả chục tuổi. Lần nào nhìn thấy Hanh, Mẫn cũng ngỡ chồng mình mà ôm chầm lấy sờ đầu sờ cổ, nắn tay, nắn vai. Lúc đầu Hanh ngượng lắm, sau cũng quen. Chị dâu đã mất trí rồi, chấp làm gì. Có lúc, chị còn tưởng Hanh là thằng Nghĩa. Chị xiết chặt đầu Hanh vào ngực mình rồi hít hà mùi tóc khét nắng của anh mà mắng. Dãi cho khỏe vào, nứt đôi đầu rồi đây này. Chị cứ ngỡ mình hạnh phúc nhất trần gian. Chồng vạm vỡ khỏe mạnh và giỏi giang, hai thằng con trai ngoan ngoãn. Thôn Vạc này, có người đàn bà nào sánh được với Mẫn chứ.

Sau khi buông Hanh ra, một lúc sau Mẫn mới bẽn lẽn cười:

- Đêm nay gió to quá.

Hanh trầm ngâm:

-  Em tính mua xuồng chạy đêm chị ạ. Thầy không đồng ý, nhà em cũng không đồng ý. Nhưng em quyết rồi. Bến Vạc xưa, đò chạy thâu đêm, bỏ chục năm nay rồi cũng phí. Chăn nuôi phập phù, buôn bán mỗi ngày một khó.

Mẫn, tay chống cằm, tay mân mê cái quạt cọ sờn rách, tỉnh táo:

- Chú mà đi nữa thì thím ấy chết.

Hanh lạnh cả sống lưng đứng dậy thắp hương cho anh trai rồi chào về. Ra đến cửa. Mẫn nhào theo ôm chặt lấy Hanh mà rên rỉ. Anh đừng đi, đêm nay gió to lắm, đừng đi, cũng không có khách đâu, ở nhà với con. Hanh gỡ tay Mẫn ra. Em đây mà, muộn rồi chị ngủ đi.

***    

Ông Tốn ngồi trên trường kỉ, chờ Hanh vào nhà mới nói nhỏ:

- Anh ngồi xuống tôi bảo.

Hanh ngoan ngoãn ngồi xuống, đối diện với bố không chút sợ sệt. Trong buồng, vợ Hanh đang căng tai nghe bố giảng giải. Chồng cô, cô biết chứ. Ba mươi tuổi mà vẫn cạn nghĩ, không chịu nghe lời ai khuyên can bao giờ, cứ thích gì là làm cho bằng được. Nhà có hai anh em trai chứ có đông đàn dài lũ gì. Anh cả đi đã chục năm, đi một lúc với hai thằng con trai sinh đôi lên bảy, ngay ở bến Vạc kia, ngay giữa ban ngày ban mặt. Chị dâu chết đi sống lại chả biết bao nhiêu lần, giờ vật vờ như cái bóng. Thế mà còn không chừa sông nước, lại còn hí hửng đò đêm nữa cơ.

Nghĩ đến đó, cô ngồi dậy, lục bọc tiền trong hòm quần áo, giấu sang chỗ khác. Chỗ này kín, đố tìm được, chả có tiền thì đừng nói chuyện sắm đò. Con đò máy giờ ít nhất cũng vài chục triệu. Ngửa ngực ra bưng cám cả mấy tháng. Xuất chuồng, cộng lại, tiền vốn, tiền cám, tiền thuốc men. Vừa vặn, không lòi ra một xu tiền công. Ấy thế mà chồng hỏi, vẫn lem lém, lứa lợn này được ba triệu đấy. Nhưng Hanh là gã tinh quái, hắn bảo cô cất ba triệu đi mà ăn quà dần.Thế có cay không?

Tiếng tay đấm xuống bàn làm vợ Hanh sợ sệt, chạy vọt ra ngoài nhà. Mặt ông Tốn phừng phừng. Anh đi đi, có giỏi thì ra khỏi nhà luôn đêm nay đi, tôi không có cái loại con mất dạy không nghe lời. Ông Tốn vừa dứt lời, Hanh cũng đứng dậy, đi ra ngõ.

***

Tiếng gõ cửa dõng dạc từng cữ. Mẫn đi ra mở cửa. Ông Tốn hỏi:

- Thằng Hanh có sang đây không?

Mẫn lắc đầu, có lẽ cô quên, cách đó chừng một giờ thôi mà đã quên. Ông Tốn đi vào nhà rút hương châm lửa đốt ba nén và lầm bầm câu gì. Mẫn mở to mắt nhìn bố chồng. Một lúc thì mắt cô nhòe đi. Ông Tốn hằm hằm đi ra sân. Mẫn chạy theo ôm chầm lấy, thổn thức:

- Anh đừng đi, ở nhà với em, đừng tìm con nữa, không thấy đâu.

Ống Tốn đang bực mình, giật toang vòng tay con dâu ra, sỉ vả:

- Đồ đốn mạt, con với chả cái.

Mẫn ngượng ngùng, đưa hai tay che mặt rồi chạy ù vào nhà, đóng sầm cửa lại, leo lên giường, nằm im tới sáng.

Làng Vạc nằm bên hữu ngạn sông Hồng, nơi sơn thủy hữu tình, nơi trai tài gái đảm, nơi đền Yến dập dìu lữ khách gần xa. Bên kia, tả ngạn, là làng Dâu trù phú. Con gái đứa nào cũng óng ả như cái kén tằm, hay lam hay làm và nức tiếng đắt chồng. Nhân duyên giữa làng Vạc và làng Dâu có từ bao đời. Đò đêm có từ bao đời. Mẹ chồng Mẫn,và Mẫn nữa, cũng là người làng Dâu. Tuổi tròn trăng, Mẫn nghe bà nội kể về sự tích đò đêm.

Thuở ấy, làng Vạc có chàng trai nghèo mồ côi cả cha lẫn mẹ, gia tài chỉ có một con đò nhỏ cùng manh lưới vá chằng vá đụp. Tuổi mười chín đôi mươi, chàng mồ côi cũng thầm thương trộm nhớ một thôn nữ làng Dâu. Đôi trai gái đã thề non hẹn bể mà cha mẹ người ấy không thương, một mực chê nghèo nên không gả. Một đêm, người nhà cô gái sai người đục thủng con đò nhỏ mà chàng trai không hề hay biết. Sau khi chia tay người yêu, trở về, đến giữa sông, sóng to gió cả, nước tràn đầy thuyền. Chàng trai đã tính chuyện bỏ mặc con đò để thoát thân, nhưng lại không thể. Con đò là kỉ vật duy nhất cha mẹ chàng để lại, cũng là cầu nối đưa chàng đến với người yêu đã mấy mùa trăng, lại là miếng cơm manh áo của chàng. Sau một hồi vật lộn, chàng lả đi, không thể lên bờ được nữa. Linh hồn chàng biến thành con vạc cứ khắc khoải đêm này sang đêm khác, gọi người yêu rã rời. Trong làng, có người động lòng thương cảm đã sắm đò chạy đêm cho đôi lứa hai làng gặp nhau. Đò đêm bến Vạc ra đời từ đó. Mà lạ thay, có lúc bến Vạc là nơi tụ về kiếm ăn của cả mấy trăm con Vạc.

Mẫn lớn lên trong tiếng vạc kêu ròng rã và đem lòng thương Hữu, người con trai tài ba của làng Vạc và đã nên vợ nên chồng.

Trưa ấy, vợ cấy, chồng cày, hai đứa con trai sinh đôi lên bảy đẹp như tranh vẽ tha thẩn chọi cỏ gà trên đê. Cái nóng tháng sáu gọi chúng xuống bến Vạc tắm. Người cha buông trâu nheo mắt nhìn theo hai con rái cá đã được huấn luyện kĩ càng. Tiếng kêu cứu của các con làm cả hai vợ chồng lao lên mặt đê, phóng qua bãi cát ào xuống. Xoáy nước sau lũ nằm ngay trong bến mà không ai lường trước được. Sóng đánh dạt Mẫn vào bờ, còn hai đứa con và chồng Mẫn phải dùng lưới vét mới đưa lên được. Hai đứa trẻ vẫn nắm chặt tay nhau, và chồng cô, tay còn cầm vạt áo của thằng Nghĩa.

Mẫn cứ chết lại sống. Cứ điên lại tỉnh, lấy hết nước mắt xót thương của bạn bè, bà con họ hàng tưới lên đau đớn  mà không nguôi được. Mười năm mà không nguôi phút nào. Lúc nào, trong ba gian nhà nhỏ cũng hiện diện hình ảnh của chồng, của con.

Đêm nay, nghe đứa em chú nói sẽ chạy đò bến Vạc, lòng Mẫn lại sôi lên, lại đau. Ngày xưa, nghe nói bố chồng Mẫn là người đàn ông chạy đò đêm bến Vạc lâu nhất đấy, không hiểu sao ông nghỉ đò và cấm các con lai vãng sông nước. Trong làng, có người kể. Một đêm, ông Tốn say rượu ngủ quên trong lều, nửa đêm có tốp người gọi ông đưa đò sang bên kia sông để kịp đến đám tang người thân. Ông Tốn khước từ vì sóng to gió lớn và lại lên chõng ngũ. Chẳng được bao lâu, tiếng kêu cứu dậy cả khúc sông làm ông tỉnh giấc. Vội vàng bơi ra sông, vẫn biết cứu một người phúc đẳng hà sa, nhưng mất con đò của hợp tác xã, ai đền cho ông? Thế là cứu con đò trước. Khi cột được con đò vào bến là khi mặt sông đã yên ả, mười lăm mạng dân gò không biết bơi lội, lại còn liều lĩnh cướp đò đã nộp mình cho hà bá. Ông Tốn bỏ đò từ khi ấy.

Chẳng biết ông Tốn nghĩ gì. Cũng không biết Hanh nghĩ gì mà cứ nằng nặc đòi chạy đò đêm? Vợ Hanh sau khi cản chồng không được thì buồn bã đi ra bến sông. Bến Vạc ban ngày tấp nập đông vui, hai phen chia nhau với hai con xuồng máy chạy không hết khách. Vợ Hanh hỏi thử hai người đàn bà lễ mễ khiêng sọt xuống xuồng, các bà ấy bảo, nếu có đò đêm như ngày xưa, bọn em đi đêm cho mát, sáng ra giao hàng là vừa. Mấy bác buôn khoai sọ, bồ kết và đỗ đen cũng bảo thế. Vợ Hanh toan về thì thấy một tốp thợ hì hục chưng biển quảng cáo “Đò đêm”. Cô hốt hoảng bổ về nhà, lục ví tiền thì thấy vẫn còn nguyên. Quái lạ, thằng nào dám bán chịu cho chồng cô cả con đò máy?

***

Ông Tốn đứng giữa nhà Mẫn buông lời cay đắng:

- Cá không ăn muối cá ươn.

Mẫn không nói gì cả, ngồi im trên giường ve vuốt mớ tóc khô xác. Từ lâu, cô không còn thói quen lắng nghe ai nói, dù người ấy là bố chồng. Có mấy thằng đàn ông cơ hội định lợi dụng thân đàn bà côi cút ngớ ngẩn, đều bị cô xé cho tơi tả. Có hai người đàn ông gây cho cô thiện cảm, đấy là ông Tốn và Hanh. Có lẽ bởi hai người ấy quá giống chồng cô, thế thôi. Thế nên, bất cứ giờ nào Hanh gõ cửa và gọi, cô cũng mở. Ông Tốn cũng vậy. Nhất là khi mẹ chồng cô chết, thì bố chồng cô lại chăm sang hương khói cho con trai hơn.

Cũng như bao đêm khác, ở trong vòng tay điên dại, mơ hồ của con dâu, ông Tốn cuống quýt hứa hẹn. Ừ không ra sông nữa, ở nhà thôi. Mẫn không chịu buông ra, đến khi con gà gáy, ông Tốn mới phũ phàng chạy ra khỏi chốn tội lỗi. Mẫn rưng rưng hạnh phúc. Anh ấy phải đi để kiếm tiền xây lại căn nhà cho hai vợ chồng chứ. Trên đời này, chẳng có ai bằng Hữu của cô cả.

Hanh nấp sau bụi chuối, đợi ông Tốn về thì chạy sộc vào, anh nắm bàn tay gầy guộc của chị dâu, rơi nước mắt, dặn dò. Từ giờ thầy mà gọi, chị đừng mở cửa nữa nhé. Mẫn thì thào. Sao thế, thầy thế nào? Hanh nói bừa. Thầy bị ma nhập, chị mà cho thầy vào nhà là anh Hữu không về nhà nữa đâu.

Trước khi về, Hanh còn dặn thêm:

- Em nói thật đấy. Chị phải nghe em, không mở cửa cho bất kì ai.

Mẫn cười như trẻ con, ngu ngơ chốt cửa. Hôm nay Mẫn không nhầm nữa, chú ấy là em của chồng mình, chú ấy rất tốt với mình.

***

Từ trên đê nhìn xuống, cái biển hiệu đò đêm sáng xanh, côn trùng, ong bướm khát ánh sáng bu đầy. Hanh lui cui dọn dẹp lau chùi cẩn thận từng chiếc ghế nhỏ, kiểm tra máy móc, dầu nhớt. Xong xuôi, anh lên lán nằm. Đêm đầu tiên như thế tạm coi là thuận lợi, trôi chảy. Đưa trả bảy thằng trai làng Dâu đi đám bên làng Vạc về. Sau đó là mấy cô đi cầu tự đền Yến về trễ giờ xe. Rồi một tốp thợ mỏi chân trên giàn giáo không muốn cuốc bộ cả năm cây số xuống bến phà cho gần nhà xa ngõ…Sơ sơ cũng mấy chục khách đêm chứ ít gì. Mới chín giờ, sớm chán, xem vớt thêm quệt nào nữa không, rồi về ngủ, nằm lán làm gì cho muỗi cắn.

Không có gió mà sóng quẫy ì oàm đến lạ. Từ lều nhìn xuống, Hanh thấy bóng hai thằng trẻ con đang nô đùa thình thình trên đò khiến con đò chòng chành căng sợi xích neo. Không hiểu anh nghĩ gì mà lại cất giọng gọi:

- Tuấn, Nghĩa có phải không? Nghịch ít thôi!

Anh vừa dứt lời, từ đò, bay lên hai con vạc trắng muốt, vừa bay chúng vừa kêu gào, cánh vỗ phành phạch. Hanh bối rối nhìn quanh, đúng lúc ấy, tiếng gọi đò yếu ớt vang lên. Cho sang sông với đò ơi!

Hanh nhìn xuống đò, dựng cả tóc mai vì thấy một người đàn bà áo trắng ngồi đó, bỏm bẻm nhai trầu. Hanh xuống bến, len lén lên đò, cuống quýt nổ máy, hướng mũi con đò sắt ngược theo bờ dăm mét rồi mới căng ngang. Xăng dầu đắt đỏ, đi một người là lỗ đấy, nhưng làm đò là thế. Xong chuyến này rồi về. Quái lạ, đò một người mà nặng như trở cả mười mấy người. Hanh vít lái tê cả tay, nhìn nước cắn cạp đò mà rùng mình hoảng sợ. Liếc về phía sau, người đàn bà ăn mặc theo lối cổ, điềm nhiên nhai trầu, mặt tai tái như vừa vớt dưới sông lên.

Đến giữa sông, sóng lớn ở đâu xô về, chồm lên đè con đò xuống. Hanh tuột tay lái, con đò xoay tít, hất văng bà khách xuống sông rồi nghiêng mình chìm xuống. Hanh vùng vẫy giữa dòng nước xiết, nghe tiếng kêu cứu mông lung. Đạp nước ngoi lên, Hanh thấy cái bóng áo trắng đang nhấp nhô cách anh cả chục mét. Hanh dồn sức bơi về phía đó và túm tóc người đàn bà miết đi. Người đàn bà nặng bằng ba xác chết cứ dìm anh xuống. Mấy lần định buông tay mà không đành lòng. Cuối cùng, chân anh đã chạm triền cát. Anh lả đi.

Tiếng gà gáy bên làng Dâu làm Hanh tỉnh lại. Con đò neo trên bến gọn gàng. Người đàn bà đã đi đâu mất. Hanh như người bước ra từ cơn mê trước, lại dấn thân vào cơn mê sau. Lên đò, nổ máy quay về bến Vạc. Kẻ mộng du bước về nhà mình. Tôi đã chết đâu mà khóc. Vợ Hanh vẫn khóc như nhà có người chết thật. Hanh chợt tỉnh cơn mộng, hỏi. Thầy đâu? Vợ Hanh hất hàm chỉ về phía nhà chị dâu. Hanh lại quày quả ra sân, vợ anh lốc thốc chạy sau, đến sân nhà Mẫn, Hanh bảo vợ vào trước. Cửa chốt trong rất chắc. Hai vợ chồng thi nhau gọi không thấy chị dâu mở cửa. Hanh sốt ruột đạp cửa lách vào. Nhà không có ai cả, chỉ có ô cửa sổ quay ra phía bờ sông mở toang, người lớn có thể chui lọt. Cả hai vợ chồng lại bì bõm chạy ra bến Vạc. Từ xa đã thấy Mẫn rũ rượi ngồi trên cát như một bóng ma. Thấy vợ chồng Hanh, Mẫn bảo. Đừng tìm chị, cho chị ngồi với các con chị một đêm, từ đêm mai, tiếng xuồng máy của em sẽ đuổi chúng đi xa. Thầy đã giết mười lăm mạng người ba chục năm trước, nên họ đòi chồng con chị phải đền mạng. Họ không cướp đò đâu, thày tham tiền mà đi chuyến đò đầy. Gặp nạn, thày bỏ mặc tất cả rồi chối tội đấy thôi. Hanh thảng thốt. Ai bảo chị thế? Anh Hữu kể như vậy cho chị nghe. Anh bảo suốt mười năm nay anh chèo đò đưa những oan hồn sang sông nên không ở nhà đêm nào với chị. Em đã giúp anh ấy đưa đò đêm nay để anh ấy về, anh ấy ngủ trong nhà đấy. Cả đời này em có làm việc ấy thay anh Hữu được không? Vợ Hanh khụy xuống cát, Hanh cúi đầu nâng vợ dậy. Nhìn sang, đã không thấy Mẫn, chỉ còn hai hàng bước chân in đậm trên cát ướt đi xuống nước.

Lần đầu tiên Hanh khóc trước mặt vợ, tiếng gọi của anh lan xa dát bạc mặt sóng. Trăng cuối tháng vỡ ra từng mảnh nhỏ theo tiếng gọi, Mẫn ơi. Tiếng những con vạc đầm đìa đau đớn từng chặp đáp lời.

                        

 

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI