Thứ Sáu, 28 tháng 8, 2020

NHỚ VỀ NGƯỜI BỐN KHÓA LÀM BÍ THƯ TỈNH ỦY tác giả HỮU CHỈNH - CHƯ YANG SIN SỐ 336 THÁNG 8 NĂM 2020

 


 Nhà thơ HỮU CHỈNH

Đảng bộ và đồng bào, chiến sĩ các dân tộc tỉnh Đắk Lắk đang sôi nổi thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII để tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, tôi lại nhớ đến tấm gương sáng của người đảng viên Cộng sản mẫu mực mà tôi vô cùng kính trọng. Đó là đồng chí Huỳnh Văn Cần. Tuy ông đã đi xa nhưng những điều tốt đẹp để lại trong tôi còn sâu đậm.

Đầu năm 1990, tôi còn ở Công ty Sách – Thiết bị trường học, biết tôi sẽ được điều động sang công tác văn nghệ, nhiều để cán bộ, nhân viên công ty viết đơn tập thể với nhiều chữ ký, gửi đơn lên Tỉnh ủy xin cho tôi ở lại Công ty. Đây là nguyện vọng của tôi. Một hôm, anh Hồ Quang Tám, lúc đó làm Phó Ban Tuyên giáo, nhà ở 51 Lý Thường Kiệt (tôi ở 47 Lý Thường Kiệt nên gần nhau) đưa cho tôi giấy mời do anh Huỳnh Văn Cần – Bí thư Tỉnh ủy ký, trao cho tôi và nói nguyên văn: “Cụ bảo nếu gặp Chỉnh thì đưa giấy mời này”. Tuân lệnh, tôi lên gặp. Uống nước xong, ông mới nói chậm rãi:

- Đừng làm rối tổ chức. Là đảng viên thì phải chấp hành!

Tôi có trình bày lại:

- Thưa đồng chí Bí thư! Tôi quả thật không biết làm văn nghệ. Hơn nữa văn nghệ rất phức tạp.

- Không biết thì vừa làm vừa học sẽ biết.

Rồi ông cười:

- Đánh Mỹ còn không sợ mà lại sợ làm văn nghệ! Lạ thật! Không bàn cãi gì nữa. Thế nhé!

Tôi hiểu đó là mệnh lệnh, là giao nhiệm vụ cho mình, không được phép từ chối.

Đại hội thành lập Hội Văn nghệ trong hai ngày (ngày 4 và 5.9.1990). Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp đến dự, trực tiếp chỉ đạo. Có một chi tiết bây giờ mới kể. Đại hội giới thiệu 13 ứng cử viên đã bầu lấy 9 người vào Ban Chấp hành. Khi kiểm phiếu có hai người số phiếu bằng nhau, đều quá bán cùng xếp thứ 9. Đại hội tranh luận có nên bầu lại, chọn một trong hai người ngoài số 8 người đã trúng cử. Ông phát biểu: “Quyền là của Đại hội, nhưng cá nhân tôi thấy Ban Chấp hành gồm 10 đồng chí là số đẹp. Y Nhi Ksơr là họa sĩ, người dân tộc tại chỗ, văn nghệ cần lắm. Nguyễn Lưu có trình độ, gia đình cách mạng, cần cho mảng lý luận phê bình. Nên Ban Chấp hành là 10 người, không phải bàn lại. Các đồng chí thấy sao?”. Cả hội trường vỗ tay rầm rầm tán thưởng. Cả 10 người trong Ban Chấp hành khóa I (1990 – 1995) đều hoàn thành phần việc của mình.

Có lần tôi đến thăm ông khi nhà ông còn ở đường Bà Triệu, đối diện với Trường PTTH Buôn Ma Thuột, tôi gặp bà Trinh là vợ ông đang phun nước cho dàn nấm linh chi. Tôi chứng kiến gia đình một Bí thư Tỉnh ủy giữa đời thường mà cảm phục.

Có lần đến Sở Giáo dục – Đào tạo để dự tang lễ anh Ra Lan Nhơ (từng làm Trưởng Ban Tuyển sinh, quyền Giám đốc Sở), tôi đứng sau ông, bên trong áo sơ mi trắng, tôi nhìn thấy bên trong là áo may ô đã rách vai. Chi tiết nhỏ đã lay động tâm hồn tôi về một nhân cách lớn – chỉ lo công việc, nhiều khi không nghĩ tới mình.

Đi công tác, không muốn làm phiền cơ sở, ông mang theo cặp lồng cơm. Ông ít khi dự các buổi liên hoan sau các đại hội, hội nghị. Ông dành một số tiền gửi tặng các tỉnh mà ông từng công tác, với Đắk Lắk, ông tặng các huyện. Có lần tôi hỏi ông về việc này, ông nói: “Đâu phải là tiền của mình, đó là tiền của Đảng, của Dân cho mình thì mình tặng lại”.

Ngày ông về cõi vĩnh hằng, theo di nguyện của ông, tang lễ tổ chức tại tư gia rồi đưa thi hài hỏa táng ở Khánh Hòa. Số tiền phúng viếng được gửi về Văn phòng Tỉnh ủy.

Ông đã tham gia hai khóa Ban Chấp hành Trung ương Đảng, bốn khóa làm Bí thư Tỉnh ủy, ở cương vị nào cũng khiêm tốn, giản dị, đau đáu làm gì có lợi cho Dân, cho Đảng.

5 năm trước, chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2015 -2020), Báo Đắk Lắk phỏng vấn, ông đã nói lên suy nghĩ của mình: “Một trong những yếu tố quyết định đó là phải lấy công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ làm trung tâm, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của Đảng, tăng cường đoàn kết nội bộ, từ đó tập hợp, đoàn kết toàn dân”.

5 năm đã trôi qua, hai năm ông đã đi xa nhưng lời nhắn gửi của ông – một bậc tiền bối cách mạng, một người Cộng sản chân chính vẫn còn nguyên giá trị.

Tôi tin và kỳ vọng vào Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII thành công tốt đẹp, thỏa nguyện người đã ra đi và người đang còn cống hiến để Đắk Lắk phồn vinh.

 

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI