Thứ Bảy, 1 tháng 8, 2020

BA GIỜ SÁNG truyện ngắn của TRẦN BĂNG KHUÊ - CHƯ YANG SIN SỐ 335 THÁNG 7 NĂM 2020

 

 

1.

Tôi bị đánh thức bởi một cơn gió xa. Rồi gần lại. Sau đó tập hợp thành bầy gió quần nhau trên mái nhà. Cũng không hẳn là tôi bị đánh thức bởi một cơn gió. Có thể là thứ khác. Một cơn ác mộng chẳng hạn. Tôi nhớ lại giấc mơ sau khi mở mắt, lẩn thẩn nghĩ, "không nên kéo dài những cơn ác mộng, cần phải tỉnh thức ngay".

Tôi ngồi dậy. Dựa lưng vào bức tường lạnh. Nghe gió quật nhau như lũ quỷ ham chơi. Âm thanh của gió thật không dễ chịu chút nào. Hồi tưởng đó là một thói quen của con người, (hoặc không phải), kể cả một cơn ác mộng. Tôi đang nhớ lại từng hoạt cảnh mà cơn ác mộng xảy ra. Có vài chi tiết tôi quên. Nhưng thứ khiến tôi phải quyết định dòng ý thức của mình trong khi đang ngủ thì tôi nhớ rõ mồn một. Một cuộc rượt đuổi. Một cuộc tháo chạy giữa một con người với một con người, giữa một con người với bầy nhân dạng không rõ hình thù phía sau. Kẻ bị rượt đuổi là tôi. (dĩ nhiên).

Sau ba giờ sáng. Tôi bật dậy rời khỏi giường. Có thể (hoặc nên) rời khỏi giường sau ba giờ sáng. Trước đó là giờ của quỷ dữ. Tôi cho rằng vậy. Khi mặt trời bắt đầu le lói. Bình minh, khoảnh khắc tôi luôn háo hức mong chờ. Ít ra, ánh sáng có thể xua tan bớt đêm tối, kể cả cơn ác mộng vô duyên cớ theo đuổi tôi từ bé đến giờ. Nhiều lần, tôi nói với chồng tôi về việc tôi bị một ai đó rượt đuổi trong giấc mơ. Anh ấy hờ hững, mỉm cười, rồi chăm chỉ nhìn vào màn hình máy tính, tay phải di con chuột không biết mỏi. Tôi cũng không bao giờ kể về sự việc này với chồng nữa. Tôi chỉ nói về những buổi bình minh tươi đẹp, rạng rỡ, bình yên trên biển. Hiển nhiên, chúng hệt như một giấc mơ tôi đã từng trải nghiệm khá nhiều lần nhưng chưa bao giờ thỏa mãn. Tôi muốn nó lặp đi lặp lại hàng ngày. Tôi muốn nghe tiếng sóng biển (thay vì tiếng gió) dồn dập trên mái nhà.

Trời sáng rõ dần, khi ba giờ đi qua, số bốn, số năm điểm nhịp tích tắc từ chiếc đồng hồ. Cánh cửa nhà tôi không còn màu đen. Tiếng người cũng bắt đầu râm ran cùng với tiếng xe máy, và tiếng ho của người già, người trẻ. Họ vẫn còn nấp trong chăn êm nệm ấm thêm một chút xíu thời gian nữa. Chẳng ai bận lòng lắng nghe tiếng chó sủa. Nhưng tôi thì rảnh rỗi đếm tiếng gà gáy, chơi trò định vị âm thanh. Tôi nhớ, tôi đã rời nhà đi khá lâu. Xứ ấy, tuyệt nhiên không có tiếng chó sủa hoặc tiếng gà gáy. Thật khó hiểu về sự khác biệt này. Nhưng ít ra, ở đó có những bình minh trên biển mà tôi hình dung đến. Và tôi thì không cần phải thức dậy (hoặc bị đánh thức dậy) lúc ba, bốn giờ sáng.

2.

Lần thứ hai từ khi trở về nhà, tôi bật dậy nhìn đồng hồ. (có thể đã thành thói quen). Lại ba giờ sáng. Đúng ba giờ sáng. Không phải vì một cơn ác mộng. Tôi không nói rõ nguyên nhân đâu. Có những nguyên nhân ai cũng biết cả rồi (chỉ còn chờ hệ quả). Tôi cố chợp mắt lại. Trên đầu tôi vẫn còn khá nhiều gió. Ngoài cửa, ánh sáng vẫn mê mải trong giấc mộng của mình. Hẳn là giấc mộng đẹp (có thể là không). Chưa đến lúc ánh sáng chơi trò chơi lấp lánh như sự giả dối.

Thật khó để chợp mắt lại. Năm, mười, mười lăm, hai mươi. Tôi không chơi trò trốn tìm như thuở nhỏ. Tôi đang đếm con số. Tôi đang đếm nhịp tích tắc của chiếc kim đồng hồ nhích dần. Thời gian nặng trĩu quá. Quá ba (bốn, hoặc năm) giờ, những âm thanh quen thuộc của một buổi sáng bắt đầu náo nhiệt. Tôi vẫn không thể chợp mắt trở lại. Chẳng phải vì nguyên nhân lần trước khi tôi thức giấc lúc ba giờ sáng. (tôi vẫn không muốn nói nguyên nhân).

Tôi bật dậy như lò xo, tung chăn, rời khỏi giường, đi xuống bếp. Vệ sinh cá nhân xong, tôi nghĩ, tôi phải làm món điểm tâm sáng. Đã quá năm giờ một chút. Hơn sáu giờ, trẻ con trong nhà phải đi học. Tôi sẽ làm món điểm tâm cho chúng. Bình thường, mẹ tôi thức dậy sớm nhất (và cũng là người làm điểm tâm sáng cho mấy đứa trẻ con vài ngày trong tuần). Lần này, tôi bật bếp. Sáu giờ, tiếng dép lê của mẹ đã lẹt xẹt. Mẹ bất ngờ, hỏi vội "không ngủ được hả con?". Tôi trả lời, "thật khó để chợp mắt lại sau khi tỉnh giấc lúc ba giờ sáng". Mẹ tôi tính dò hỏi nguyên nhân. Chỉ cần nhìn mắt mẹ là biết. Tôi vẫn không định nói. (Có những nguyên nhân mà ai cũng biết. Nhưng cũng có nguyên nhân không ai biết, bởi vì thật ra nó sẽ chẳng mới mẻ hay thú vị gì cả).

Mẹ tôi lặng lẽ đi pha cốc nước mật ong ấm buổi sáng. Tôi thấy mẹ rót hơi nhiều mật ong vào cốc. Tôi nhắc mẹ, "chỉ cần một thìa là đủ, mẹ nên vắt thêm vài giọt chanh và hòa với nước nóng sẽ rất tốt". Mẹ quay sang lục tủ lạnh, lẩm bẩm "hình như không còn quả chanh nào". Mẹ vừa khuấy chiếc thìa trong cốc mật ong. Âm thanh thật là vắng. Trời cũng đã sáng hẳn. Mẹ không thắc mắc nguyên nhân tại sao tôi thức dậy lúc ba giờ sáng nữa. Mẹ quay lưng đi lên nhà. Tôi nói với theo khi cũng vừa tắt bếp, xong bữa điểm tâm, "mẹ thức bọn trẻ con dậy ăn sáng, đi học giúp con". (Trẻ con thường mê ngủ, tiết trời lành lạnh này chúng càng lười rời khỏi chăn, và luôn luôn phải có người lớn đánh thức).

3.
Gió vẫn rộn ràng. Ánh sáng đã bắt đầu tỏa lan. Rạng rỡ. (Mặt trời lúc nào chẳng rạng rỡ). Những âm thanh khác chen chúc nhau chật chội. Bọn gà trống vẫn còn gáy. Tôi đã xong bữa điểm tâm của mình. Trẻ con đi học hết. Mẹ tôi cũng lục đục với những công việc quen thuộc không tên trong nhà, dưới bếp, sau vườn. Người phụ nữ nào hình như cũng vậy. Thế hệ trước hay sau gì cũng vậy. Nhưng thật đáng tiếc, thỉnh thoảng tôi thấy họ vẫn buồn.

Lúc này, tôi chưa rời khỏi nhà được. Hẵng còn sớm. Hàng quán cũng bận bịu chuẩn bị kê bàn ghế. Tôi hình dung một cốc cà phê nóng, và nghĩ về cung giờ kỳ quặc ấy. Chúng hệt như đã được tính toán, sắp đặt trước vậy.

Chúng mang dấu hiệu nào đó của tỉnh và thức.

Ồn ào và lặng lẽ. (Đừng tưởng tượng về những con sóng tình yêu bạc đầu). Chẳng có tình yêu nào thực sự đẹp như thế. Tôi nhớ tối qua, khi tôi trở về lúc chín giờ. Cha tôi nằm ngoài phòng khách. Mắt chăm chú dán vào chiếc smartphone. Tôi bước nhanh qua phòng mẹ, mẹ đã xoay mặt vào tường thiu thiu giấc. Đáng tiếc, người ta sống với nhau cả một đời sáu mươi năm tuổi cũng chỉ có vậy thôi.

Tôi nghĩ lại khoảnh khắc lúc ba giờ sáng, (giờ bên kia đại dương), chồng tôi vẫn còn nhắn tin, "đừng thức khuya quá". Hoá ra anh ấy vẫn nghĩ rằng tôi đang mộng mị, chờ đợi một bình minh rực rỡ trên biển như tôi vẫn hằng mong muốn. Không, lúc này đây, tôi nói với anh về cung giờ mà tôi đã từng định vị cho một nhân vật nào đó. J hoặc Ju. Và những bức tường của anh nhà báo không có tên. Kể cả bức tường lạnh trong chai Tequila tôi từng muốn đập vỡ không thương tiếc. Sau đó là sự gợi nhắc về câu chuyện "ngày cuối cùng của một tử tù" của V. Hugo. Hình như anh ta cũng bị đưa đi vào lúc ba, bốn giờ sáng thì phải?

Tôi nghĩ, tôi cần phải ra phố làm cốc cà phê cho ấm dạ dày, sưởi nắng, quan sát thế giới bên ngoài. Và nghĩ về nguyên nhân tôi thức dậy lúc ba giờ sáng (thật rảnh rỗi). Lần trước, tôi thức dậy bởi vì cơn ác mộng, bị rượt đuổi. Tôi rất sợ những cơn ác mộng xấu xí như thế. Còn lần này, hẳn là mẹ tôi sẽ phì cười nếu tôi trả lời nguyên nhân thức dậy lúc ba, bốn giờ sáng của tôi. Thôi, tốt nhất tôi nên im lặng. Vì có khi tôi trả lời mẹ một nguyên nhân hài hước để mẹ tôi cười, (nhưng với tôi thì không). Có những cơn ác mộng thường xuất hiện và kéo dài từ ba, bốn giờ sáng cho đến khi mặt trời tỏa rạng làm thứ hào quang buồn tẻ nào đó cũng trở nên lấp lánh một cách hợm hĩnh.

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI