Thứ Năm, 20 tháng 8, 2020

NGHỆ NHÂN ƯU TÚ A NOL NGƯỜI GIỮ HỒN CHIÊNG HLING tác giả Y MANG - CHƯ YANG SIN SỐ 335 THÁNG 7 NĂM 2020

 

Ông A Nol sinh năm 1941, dân tộc Xê Đăng, ở buôn Kon H’ring, xã Êa H’đing, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk. Sinh ra từ gia đình truyền thống biết đánh cồng chiêng, sáng tác bài cồng chiêng, chỉnh cồng chiêng, chế tác các loại nhạc cụ dân tộc, hát dân ca…

Ông là Đội trưởng đội chiêng của ở buôn Kon H’ring.  Đã từng có thời trong buôn không nhà nào có chiêng tốt để đánh và phải đi thuê chiêng về đánh khi có việc quan trọng. Năm 1987, ông A Nol lặn lội sang Kon Tum để tìm mua lại bộ chiêng cổ (chiêng Hling) phục vụ các dịp lễ, ngày hội quan trọng.

Không chỉ có tài đánh chiêng, dạy chiêng, sáng tác bài chiêng cho dân làng, biết truyện cổ, sử thi, ông A Nol còn là thợ chỉnh chiêng giỏi nhiều người biết đến, ông đã tham gia trình diễn chỉnh chiêng tại Plei Ku năm 2010. Trong những ngày tập luyện hay lưu diễn, ông đều là người đưa đội chiêng đi, để hướng dẫn, sắp xếp đội hình đánh chiêng sao cho phù hợp với không gian diễn xướng. Nếu chiêng có bị lạc tiếng trong lúc ra trình diễn, ông sẽ có mặt kịp thời để chỉnh chiêng.

Ông đã chế tác được nhạc cụ dân tộc như: Ting ning ( đàn goong), kloong put, t’rưng… được sự dụng trong các lễ hội và tham gia liên hoan tại huyện và tỉnh. Ông đến từng nhà dạy đánh cồng chiêng và múa xoang cho trẻ em, nên thanh niên trong buôn ai cũng biết đánh chiêng, múa xoang. Ông đã truyền dạy trên 100 thanh niên trong buôn biết đánh cồng chiêng. Trong năm 2014, nhóm chiêng trẻ của ông tham gia liên hoan đội chiêng trẻ toàn tỉnh Đắk Lắk đã đạt giải nhất toàn đoàn.

Ông A Nol sống trong không gian văn hóa cồng chiêng từ thuở nhỏ, tiếng cồng, tiếng chiêng đã trở thành máu thịt của nghệ nhân A Nol. Cha ông cũng là một nghệ nhân cồng chiêng có tiếng trong buôn. Từ khi lên 8 tuổi ông đã theo cha đi biểu diễn cồng chiêng vào các dịp lễ mừng lúa mới, đám cưới, đâm trâu, lên nhà mới... Tối về, người cha thường đem chiêng ra lau chùi, ông A Nol ngồi bên được người cha kể về lịch sử, ý nghĩa của mỗi loại chiêng. Lớn hơn thì ông được cha hướng dẫn cho cách đánh cồng chiêng, trống, đàn t’rưng, hát kể sử thi…và các loại nhạc cụ khác.

Gần mấy chục năm kinh nghiệm đánh cồng chiêng, đánh đàn t’rưng, đến bây giờ nghệ nhân A Nol luôn tự hào là một trong số ít nghệ nhân có thể thẩm âm cho  chiêng. Cứ sau mùa lễ hội hoặc hội diễn, liên hoan chiêng nào bị lạc tiếng là ông A Nol tự tay chỉnh lại. Muốn cho chiêng có thang âm chuẩn đòi hỏi cái tai phải biết phân biệt tiếng cao, tiếng thấp khi chiêng ngân vang là đúng hay sai. Khi đã bắt được “bệnh” của chiêng thì dùng búa gõ nhẹ vào chiêng xem âm thanh phát ra để đoán định phần nào trên thân chiêng bị phồng, bị dẹp. Sau đó, dùng búa tán nhẹ theo vòng tròn đồng tâm cho đến khi nào tiếng chiêng đánh lên nghe đúng âm, đúng điệu là được. Nghe thì đơn giản vậy, chứ để biết chuẩn xác vị trí trên chiêng mà gõ nhịp nặng nhẹ… đòi hỏi người nghệ nhân phải có kinh nghiệm, kỹ thuật được đúc rút cả một đời.

Còn nhớ, cách đây chưa lâu, ông được người bạn ở xã Diên Bình, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum mời đến chỉnh âm thanh cho bộ chiêng Hling của gia đình người bạn. Chỉ mất một buổi nghệ nhân A Nol đã “gọi tiếng hồn nhập chiêng”, ông đã chỉnh chiêng phù hợp với âm sắc cho người bạn. Theo nghệ nhân A Nol kể lại thì hiện tại, lớp nghệ nhân chỉnh được chiêng ở buôn này không còn ai nữa. Dù chiêng được lưu truyền hay mua mới thì qua mấy mùa lễ hội đều bị “lạc âm”. Muốn chỉnh âm phải có chiếc búa loại nhỏ. Khi chỉnh âm cần lật ngửa chiêng ra rồi dùng búa nhỏ tán một đường lồi nhẹ ở mép bên trong chiêng. Sau đó, lật úp chiêng tán thêm một đường lõm nhẹ bên ngoài. Cứ tán đều tay và đúng kỹ thuật… Và kỹ thuật chỉnh âm cho chiêng là cả một nghệ thuật bởi nó dựa vào khả năng cảm nhận, am hiểu về nguyên lý dao động, lan truyền của âm thanh trên bề mặt chiêng trong không gian.

Ngoài ra, ông đã sáng tác cồng chiêng Xê Đăng và được cộng đồng sử dụng rộng rãi, không chỉ tại tỉnh Đắk Lắk mà cả dân tộc Xê Đăng ở tỉnh Kon Tum, bài chiêng của ông A Nol không chỉ khép kín trong các buôn làng của mình, mà đã bay khắp núi rừng Tây Nguyên, đã gắn liền với các lễ thức của nền văn hoá lúa rẫy ẩn chứa tư tưởng, tình cảm, niềm vui, nỗi buồn, lòng yêu thương, căm giận, tinh thần đoàn kết, thượng võ và chiến thắng của dân tộc Xê Đăng ở Tây Nguyên. Nghệ nhân A Nol có vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị của văn hoá truyền thống của Xê Đăng.

Tháng 9 năm 2019 ông được Chủ tịch Nước tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”. Bây giờ, vì tuổi già, sức yếu cộng với căn bệnh hiểm nghèo ông A Nol đã về với tổ tiên, núi rừng. Chắc ông đã yên tâm, thanh thản bởi vốn quý về nghệ thuật cồng chiêng Hling cùng các loại nhạc cụ, làn điệu dân ca Xê Đăng đã được trao truyền trọn vẹn lại cho lớp trẻ.

 

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI