Thứ Bảy, 8 tháng 8, 2020

MANG ƠN MÙI HƯƠNG ẤY CON ĐI… tác giả LÊ THÀNH VĂN - CHƯ YANG SIN SỐ 335 THÁNG 7 NĂM 2020

 


NHỚ HƯƠNG VƯỜN CŨ

 

Vườn nhà chồng cũ giờ chắc bưởi đã đầy hoa

Chỉ sợ xác rụng kín lối xưa làm xót lòng người tóc trắng

Mẹ chồng hayhái nấu nước cho dâu gội đầu

rồi ghì lấy hít hà khen tóc con thơm lắm

Mẹ sẽ để dành cả tháng giêng ấy phần con

Giờ xa

Chỉ đường này lối kia mà như cách biển ngăn non

Hoa bưởi thơm hương mẹ nhớ người dưng

chắc lại trốn một mình cuối vườn mà khóc

Úp mặt vào tay thấy lòng như gió lùa qua rối bời bời đâu đây vạt tóc

Tháng giêng đem trả hết cho trời

Hoa ơi

Thơm bao nhiêu hương mới qua hết phận người

Người đi hết mấy đời hoa còn dang dở

Mẹ nấu nước cho khói lên hương để thỏa thuê cơn nhớ

Biết rồi thương đến tận những mùa sau

Chiều nay con buông tóc gội đầu

Bên vườn bưởi nhà lạ

Bật khóc gọi tên từng cánh hoa trắng rã

Rụng bơ vơ hun hút tháng giêng dài

Mẹ ơi lối cũ bước gầy

Con không về qua ngõ xưa mẹ đừng ra ngóng nữa

Mỗi lần hoa bưởi thơm tháng giêng tóc con lại rối đầy trời tan tác nhớ

Mang ơn mùi hương ấy con đi…

PHẠM TÚ ANH

 

LỜI BÌNH:

MANG ƠN MÙI HƯƠNG ẤY CON ĐI…

 

Tôi chưa đọc thơ Phạm Tú Anh nhiều, nhưng dăm bài đã thấy lòng vương vấn. Thơ chị có vóc dáng riêng về phương diện ngôn ngữ và tình ý lại sâu nồng, dễ lay thức ta phải đọc thêm lần nữa. Trên tạp chí Hồng Lĩnh số tháng 5/2020, Phạm Tú Anh trình làng thơ thi phẩm Nhớ hương vườn cũ thật xúc động. Đây là bài thơ viết về tình cảm gia đình, lại là mảnh vỡ rất riêng tư, nhức buốt của một người con dâu nhớ về ngôi nhà chồng cũ. Ở đó hình tượng người mẹ chồng hiện lên thật cao đẹp được lồng trong sắc màu và làn hương hoa bưởi tháng giêng mênh mang như một nỗi niềm khiến người đọc rưng rưng nước mắt. Tấm lòng hiếu nghĩa, hàm ơn với mẹ chồng của người con dâu cũ - chủ thể trữ tình tác giả - nhờ đó dễ đánh thức trái tim chúng ta, nhắc nhở mỗi người hãy biết sống vị tha và nhân văn hơn trước cuộc đời.

Tôi vẫn nghĩ, thơ thường khởi nguồn từ hồi ức, kỷ niệm. Nỗi niềm với quá khứ càng sâu thẳm, thơ càng dễ chưng cất thành những cảm xúc vi diệu, lắng sâu. Nhớ hương vườn cũ mở đầu bằng những câu thơ thủ thỉ, tâm tình của người con dâu nghe như một nỗi buồn da diết. Đó là nỗi buồn không dễ giãi bày nên thành ra càng cay đắng và chua xót biết bao:

Vườn nhà chồng cũ giờ chắc bưởi đã đầy hoa

Chỉ sợ xác rụng kín lối xưa làm xót lòng người tóc trắng

Mẹ chồng hay hái nấu nước cho dâu gội đầu

rồi ghì lấy hít hà khen tóc con thơm lắm

Mẹ sẽ để dành cả tháng giêng ấy phần con

Thường vợ chồng chia tay nhau, đường ai nấy đi là cả một đoạn trường nghiệt ngã. Dù có bao dung cho nhau đến đâu, nhưng nghĩ và thương về mẹ chồng trong trái tim người con dâu vẫn không còn như trước nữa, huống nữa là tình cảm mẹ chồng - nàng dâu vốn ít khi “cơm ngọt canh lành”. Thế nhưng, ở dây, qua tâm trạng người con dâu cũ, hình ảnh người mẹ chồng hiện lên mới cao đẹp và nhân hậu làm sao. Mỗi mùa hoa bưởi về, người mẹ giàu tình thương ấy lại nấu nước hoa bưởi gội đầu cho dâu “rồi ghì lấy hít hà khen tóc con thơm lắm”. Chính tình cảm lớn lao ấy mà giờ đây người con dâu đau lòng khi biết mùa hoa bưởi đang về sẽ làm “xót lòng người tóc trắng”. Ý thơ nhờ đó khơi gợi tự nhiên vẫn khiến ta thảng thốt, nhẹ nhàng nhưng đọc lên dễ hoang mang nước mắt.

Sau khoảnh khắc hoài niệm miên man, đầy thương cảm là thực tại bẽ bàng nơi trái tim người con dâu trước cuộc đời nghiệt ngã. Vẫn hình tượng hoa bưởi và người mẹ chồng của quá khứ dịu dàng cứ xoắn xuýt vào nhau, không rời buông nhưng giờ đã “cách biển ngăn non”, ngàn trùng vời vợi. Người con dâu hình dung nỗi đau mẹ chồng “nhớ người dưng”, “trốn một mình cuối vườn mà khóc” với bời bời hương tóc giữa lòng tay nghe thật tha thiết. Vạt tóc kỷ niệm cứ xô lệch mãi giữa cơn gió đời hay đó cũng là cơn bão lòng tan nát? Nỗi đau mẹ chồng chỉ có nàng dâu thấu cảm, bởi lẽ chính nàng cũng đang đau xót biết dường nào trước cuộc phân ly. Vậy nên, tháng giêng mẹ dành hết phần con giờ đành trả lại cho trời:

Chỉ đường này lối kia mà như cách biển ngăn non

Hoa bưởi thơm hương mẹ nhớ người dưng

chắc lại trốn một mình cuối vườn mà khóc

Úp mặt vào tay thấy lòng như gió lùa qua rối bời bời đâu đây vạt tóc

Tháng giêng đem trả hết cho trời

Trên đây là những câu thơ tan chảy của cảm xúc, tuôn ra dào dạt khiến tác giả không dễ gì kìm nén được. Tuy nhiên, có lẽ những câu thơ hay nhất của Nhớ hương vườn cũ đã đẩy tình ý bài thơ lên chiều sâu triết lý về đời hoa, đời người phải kể đến những câu thơ dưới đây. Đời hoa với đời người, cả hai biết mấy nỗi niềm nông sâu! Phận hoa và phận người con gái có gì khác nhau đâu. Hoa là hương sắc mà cũng là lòng người trước muôn vàn đắng cay, nghiệt ngã: “Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu/ Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” (Nguyễn Du). Đặc biệt, chính cách ướm hỏi và biểu đạt tư tưởng có tính song trùng của tác giả đã khiến trái tim người đọc ngổn ngang biết bao nỗi niềm tâm sự, buồn đến nao lòng trước những dở dang, tan hợp của cuộc đời:

Hoa ơi

Thơm bao nhiêu hương mới qua hết phận người

Người đi hết mấy đời hoa còn dang dở

Mẹ nấu nước cho khói lên hương để thỏa thuê cơn nhớ

Biết rồi thương đến tận những mùa sau

Bài thơ khép lại bằng một cảnh ngộ khác, một không gian “bên vườn bưởi người lạ” - nơi người con dâu đang buông tóc gội đầu và hoài vọng hướng về ngôi nhà chồng cũ với mùi hương hoa bưởi nồng nàn. Từng cánh hoa bưởi trong ký ức đẹp tươi, thanh khiết, yên bình và thơm tho đến thế mà giờ đây “từng cánh hoa trắng rã/ rụng bơ vơ hun hút tháng giêng dài”. Từ xác hoa đến mùi hương bưởi cứ tan tác như một nỗi đời riêng. Hình tượng người mẹ chồng được nhà thơ một lần nữa nhắc lại nhưng với tâm thức hàm ơn về tình yêu thương, lòng độ lượng, sự cảm thông cho lòng con thơ dại. Thương mẹ chồng lắm, nhưng con dâu sẽ không bao giờ về qua ngõ xưa được nữa, chỉ lặng thầm “mang ơn mùi hương ấy con đi”. Con đi nhưng trái tim vẫn luôn nghĩ về mẹ, nhớ về mùi hương bưởi vườn nhà mà mẹ nấu nước gội đầu con dâu một thuở:

Mẹ ơi lối cũ bước gầy

Con không về qua ngõ xưa mẹ đừng ra ngóng nữa

Mỗi lần hoa bưởi thơm tháng giêng tóc con lại rối đầy trời tan tác nhớ

Mang ơn mùi hương ấy con đi…

Thơ dễ lấy nước mắt độc giả khi trái tim nhà thơ nói hộ những suy nghĩ nhân văn và cao đẹp của con người. Bài thơ Nhớ hương vườn cũ của tác giả Phạm Tú Anh viết về đề tài gia đình, cụ thể là tình cảm của nàng dâu với mẹ chồng nhưng ám ảnh tâm hồn người đọc nhờ vào cảm xúc chân thành, hình tượng thơ giàu biểu cảm và một tứ thơ thấm đẫm chiều sâu triết lý. Đọc xong thi phẩm, lòng mỗi người ít nhiều đều rung lên niềm cảm thông, sẻ chia sâu sắc; lắng đọng hơn, đó còn là bài học về đạo làm người, lòng hiếu nghĩa với mẹ cha.

 


 

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI